Việt Nam: Rock phập phồng theo các đại gia

Cho đến thời điểm hiện nay, có rất nhiều ban nhạc rock hoạt động, chỉ tính riêng CLB Sài Gòn Rock TP.HCM đã có hơn 10 ban nhạc, chưa tính Hà Nội và các tỉnh thành khác. Tuy nhiên, rock vẫn chưa trở thành một dòng nhạc có đời sống khả dĩ như dòng nhạc pop và còn là điều e dè đối với các cơ quan quản lý văn hóa. Trong thời gian dài vừa qua tính từ sau ngày giải phóng, rock trồi sụt thất thường, không phải do ít người yêu rock mà là điều kiện và môi trường để nó tồn tại và nhất là để tổ chức những rock show lớn, bao giờ nó cũng cần một “đại gia” nào đó hào phóng chi tiền...


Kình ngư với những ao làng chật hẹp

Ngoại trừ những live show lớn của các ca sĩ, nhạc sĩ
hoặc các công ty tổ chức biểu diễn, mà những live show này cũng “năm
thì mười họa” mới có, môi trường để các ca sĩ hoạt động biểu diễn
thường xuyên (nhằm một phần giúp cho việc trau giồi nghề nghiệp và chủ
yếu là để kiếm sống) phải nói đó là hệ thống phòng trà, bar ca nhạc và
các sân khấu biểu diễn ngoài trời như Trống Đồng, Cầu Vồng… ở TP.HCM,
nơi được xem là có “thị trường” âm nhạc sôi động bậc nhất hiện nay ở
Việt Nam.

Tuy nhiên, các live show, các show quảng bá sản phẩm
của các thương hiệu, những buổi biểu diễn này, thông thường với nhạc
pop là chủ yếu. Các phòng trà ở TP.HCM hiện nay đa số biểu diễn nhạc
“trữ tình tiền chiến”, các sân khấu ca nhạc ngoài trời chủ yếu là nhạc
“bình dân” đủ thứ. Hệ thống biểu diễn hàng đêm này cũng là mảnh đất khá
đa dạng cho sự hoạt động của ca sĩ, nhưng ở đó gần như không có chỗ cho
rock.

Những show ca nhạc truyền hình hiện nay cũng chiếm
một tỉ lệ đáng kể, tuy nhiên những chương trình này chủ yếu là hát với
đĩa thu sẵn và cả… hát nhép. Trong lúc biểu diễn nhạc rock, cần ban
nhạc sống, điều đó càng làm thu hẹp phạm vi hoạt động của rock.

Môi trường âm nhạc hiện nay đối với rock chẳng khác
gì những ao làng chật hẹp đối với một kình ngư muốn quẫy sóng trên biển
Đông, nên rock không có được một đời sống dành cho những người hâm mộ
nó.

Một mặt khác cũng cần thừa nhận rằng, đối tượng khán
giả của rock đa số là giới trẻ mà trong đó sinh viên học sinh chiếm một
tỉ lệ khá lớn. Nhưng đây cũng chính là lực lượng khán giả nghèo nhất.
Không thể so sánh với các bậc trung niên, khán giả thường xuyên của các
phòng trà, mỗi người đến phòng trà tối thiểu phải mất 200 ngàn cho một
đêm nghe nhạc bình thường. Còn đêm có “sao” riêng tiền phụ thu phải từ
200 ngàn trở lên. Cá biệt đêm diễn của ca sĩ Tuấn Ngọc tại phòng trà
Văn nghệ TP.HCM với giá 500 ngàn/người. Bán vé để thu tiền trang trải
chi phí tổ chức biểu diễn đối với những live show ca sĩ “hot” nhất hiện
nay hoặc cả với những show “thời thượng” như live show nhạc Trịnh Công
Sơn, Phạm Duy đã là điều khó khăn, còn đối với các rock show là điều
không tưởng. Vì thế cho đến nay, rock vẫn luôn…

*…Rock phập phồng theo các đại gia

Mỗi lần có một thương hiệu tài trợ, các fan nhạc
rock lại xôn xao bàn tán về “đại tiệc” của giới mình. Cứ mỗi lần như
thế không khí rock lại sôi sục, các diễn đàn rock trên mạng bàn tán và
cùng nhau chờ đợi. Nhưng sau “đại tiệc” rock lại… “xìu” xuống. Công
luận báo chí nhiều lần đặt vấn đề: Rock đã trở lại? Nhưng thật ra những
người chơi rock và yêu rock vẫn ở đấy, chẳng đi đâu cả.

Từ sau ngày giải phóng, sự phát triển mạnh mẽ nhất
của các ban nhạc rock có lẽ là các sự kiện như: Liên hoan ban nhạc toàn
quốc tại Đà Nẵng (1993), Liên hoan pop/rock (1992) do Thành đoàn TP.HCM
tổ chức… những sự kiện này đã là nguồn động lực cổ vũ lớn lao cho
giới nhạc rock và là yếu tố thúc đẩy sự hình thành lực lượng của dòng
nhạc này. Tuy nhiên để duy trì nó trong đời sống âm nhạc thì chưa ai
làm được.

http://pix.hehemetal.com/2008/06/25/2bc9ea55.jpeg
Tiger Unite 08 – đêm rock với số lượng khán giả kỉ lục

Từ cuối năm ngoái cho đến nay, các đêm diễn nhạc
rock lớn diễn ra tương đối đều đặn. Trước hết phải kể đến tour diễn của
chương trình Rock Storm qua nhiều tỉnh thành của cả 3 miền đất nước. Và
tiếp đó là cuộc thi Tiger Translate Rock Your Passion cũng diễn ra ở cả
3 miền, qui tụ hầu hết các ban nhạc rock trong thời điểm đó. Đặc biệt
hơn “hậu” Tiger Rock với buổi đại tiệc rock thật sự vào đầu năm 2008
(21/1) tại sân vận động QK7, TP.HCM với gần 30 ngàn khán giả tham dự.
Sau Tết Mậu Tý, tưởng chừng như sân khấu ca nhạc nghỉ xã hơi, thì rock
đã có 2 đêm, mỗi đêm 5 ban nhạc vào 24/2 (do ĐH Ngoại ngữ – Tin học
TP.HCM tổ chức) và 13/3 (do FPT tổ chức tại Nhà thi đấu Tân Bình,
TP.HCM). Tiếp sau đó có một đại tiệc rock khác vào 23/3 do CLB Sài Gòn
Rock tổ chức tại sân vận động Tao Đàn, TP.HCM với sự tham dự của 14 ban
nhạc rock, có đủ đại diện của 3 miền. Có thể nói đây là đêm nhạc rock
có nhiều ban nhạc nhất và cũng là đêm nhạc rock dài nhất sau ngày giải
phóng. Và vừa qua (24/5) đêm rock Nhiệt huyết âm nhạc diễn ra tại sân
khấu Lan Anh TP.HCM, qui tụ 3 ban nhạc và nhiều ca sĩ hát nhạc rock.

Tuy nhiên, tất cả những đêm biểu diễn rock nói trên
hầu hết là do các “đại gia” tài trợ và vé gần như miễn phí. 5 tháng đầu
năm đã có 5 show nhạc rock lớn tại TP.HCM – điều phấn khởi cho sinh
hoạt và sự phát triển của nhạc rock. Nhưng những tháng còn lại của năm
2008 và những năm kế tiếp, chẳng một ai bảo đảm các thương hiệu tiếp
tục hào phóng chi tiền để tổ chức các rock show lớn. Vì vậy các rocker
và các rock fan vẫn phập phồng theo các đại gia?

(Theo thethaovanhoa.vn)

 


Like it? Share with your friends!

0

You may also like

More From: Rock Việt

DON'T MISS