Categories Dòng nhạc

Nghe Rock như thế nào

– Xác định dòng nhạc mình thích. Rock có nhiều thể loại từ rock and roll cho đến nu-metal. Bạn phải xác định mình thích thể loại nhạc nào trước. Đừng chạy theo trào lưu, thấy người khác nghe cái gì mình cũng bắt chước mà nghe. Mỗi người cảm nhận về âm nhạc khác nhau. Người nghe nhạc kị nhất là đua đòi cho ra vẻ sành điệu. Vì nếu bạn là kẻ đua đòi, bạn sẽ không cảm nhận được rock. Người yêu rock thực sự có một phong cách riêng chứ không phải là người chạy theo phong cách của người khác. Vì vậy nếu khởi đầu bạn thích nhạc pop, ballad hay thậm chí boyband đi nữa, nhưng bạn có thể cảm được thì coi như bước đầu bạn có thể nghe rock. Đừng ngại khi dòng nhạc mình nghe không nặng, không dữ dằn như thiên hạ. Không nghe được thì bảo không nghe được, thế thôi. Thằng nào ngoác mồm cười to thì gió vào mồm, đau bụng kệ bố nó.

Uploaded by Fluckr on 27/Nov/2013

– Chuẩn bị vốn tiếng Anh kha khá để nghe nhạc rock: Rất nhiều ca khúc nhạc rock có phần lời rất sâu sắc và ý nghĩa. Nếu bạn hiểu được ý nghĩa của những bài hát đó,tất nhiên sẽ cảm được nhiều hơn. Nghe nhạc rock cũng có thể làm khả năng Anh ngữ của bạn tốt hơn nếu bạn chịu khó tra cứu từ ngữ, tìm hiểu các cách nói, tiếng lóng và tập phát âm chuẩn. Nếu bạn cảm nhận được những ca khúc đẹp của nhạc rock, tất nhiên bạn sẽ tránh xa những ca khúc chỉ toàn là “shit!” “f**k!” hay “b*tch!” mà rất nhiều người nghe rock lầm tưởng thế mới là nhạc rock, thế mới là cá tính, là nổi loạn.

– Cách nghe một ca khúc thế nào cho có hiệu quả? Lúc đầu nghe một ca khúc, cái đập vào tai đầu tiên là giai điệu của bài hát đó có gây ấn tượng hay không, có dễ nghe, dễ thuộc hay không. Vì vậy tôi khuyên bạn không nên ôm một đống những thứ khó nghe về tra tấn mình để mang danh là kẻ nghe rock. Tìm những ca khúc dễ nghe, gần gũi để nghe trước. Sau đó nghe đến phần ca từ. Ca từ có ý nghĩa không, có đẹp không? phong cách hát của ca sĩ có diễn tả được cảm xúc và cái đẹp của bài hát hay không? Nếu bạn tìm hiểu được cái đẹp của một ca khúc về mặt giai điệu và ca từ có nghĩa là bạn đã cảm nhận được 50% ca khúc đó. Tiếp theo là bạn tập nghe thử hoà âm của ca khúc. Tập thử tách tiếng guitar, tiếng trống, tiếng bass, tiếng organ, hát chính, hát bè ra nghe riêng. Một ca khúc hay về mặt phối âm là các nhạc cụ kết hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn và dung hoà nhưng vẫn tôn lên vẻ đẹp của nhau, không che khuất nhau. Nghe nhạc cũng như xem tranh, lúc đầu bạn đứng xa để xem toàn cảnh bức tranh, bố cục và nội dung. Sau đó bạn đến gần hơn để xem từng chi tiết. Và cuối cùng nếu bạn là người am hiểu về hội hoạ, bạn sẽ phân tích từng nét cọ, cách pha màu của người vẽ tranh để cảm nhận được vẻ đẹp của bức tranh đó. Khi bạn phân tích được một bài nhạc về mặt nội dung lẫn nghệ thuật, tự nhiên bạn sẽ không còn thích nghe những ca khúc thị trường nữa vì những ca khúc đó chẳng có gì đáng nghe và đáng học hỏi.

Uploaded by Fluckr on 27/Nov/2013

– Sẽ rất có ích nếu bạn học chơi một loại nhạc cụ nào đó: vì nói đến nhạc rock hoặc các thể loại nhạc nghiêm túc khác, nhạc cụ đóng vai trò rất quan trọng. Chơi được một nhạc cụ, không những bạn có thể thể hiện lại ca khúc mình yêu thích qua cách cảm nhận của mình mà nó còn giúp bạn về mặt tư duy trong việc cảm nhận âm nhạc.

– Tìm hiểu về ban nhạc mà bạn yêu thích: Bây giờ phương tiện thông tin tiên tiến rồi, bạn không phải lo không tìm được thông tin nữa. Thời tôi mới nghe nhạc, đĩa CD chưa có hoặc rất đắt, internet thì không có, sách báo về nhạc nước ngoài cũng không có nốt. Quanh đi quẩn lại chỉ có một số ban nhạc thông dụng như Beatles, ABBA, Bee Gees, Wham!….Nhưng người nghe lúc đó nghe với một thái độ khát khao tìm hiểu và thực sự cảm thấy hạnh phúc khi phát hiện ra một điều gì đó mới mẻ trong những ca khúc tưởng chừng như quen thuộc đấy. Đến bây giờ tôi vẫn còn giữ những cuộn băng cassette nghe đến nhão nhoét thời còn học cấp hai và những bài báo in lem nhem cắt ra từ những tờ báo giấy vàng ngãy xưa. Bây giờ thông tin quá nhiều cũng làm cho ngưòi nghe khó mà chọn lựa vì bây giờ người ta nghe nhạc như một thứ thời trang hơn là cảm nhận cái đẹp của nó.

Sau khi tìm hiểu về ban nhạc, bạn có thể mở rộng ra tìm hiểu về dòng nhạc của ban nhạc đó chơi, những nhóm nhạc tương tự, xuất xứ và hoàn cảnh xã hội của từng thời kì thông qua các ca khúc. Các ca khúc nhạc rock thường hay phản ánh trung thực xã hội. Ví dụ bạn nghe nhạc của những năm 60-70, bạn sẽ biết thêm về phong trào hippie, thái độ của giới trẻ đối với chiến tranh Việt Nam. Nghe nhạc của thập niên 80, bạn sẽ nhận thấy được sự chi phối của các phương tiện truyền thông mà điển hình là kênh truyền hình MTV. Nhạc rock còn phản ánh được nét đặc trưng văn hoá của từng vùng. Nhạc rock Anh khác nhạc rock Mỹ khác rock Bắc Âu và rock Đông Âu về chủ đề và thái độ nhìn nhận một vấn đề.

Uploaded by Fluckr on 27/Nov/2013

Thật ra nghe rock có rất nhiều điều để học nếu bạn thực sự muốn cảm nhận nó một cách đúng đắn. Nên nghe theo kiểu “mưa dầm thấm đất” bắt đầu từ những ca khúc đơn giản trước chứ đừng vơ vào rồi ôm không xuể.

Đối với những người mới tập nghe rock, máu còn nóng nên thường hay có những ngộ nhận về nhạc rock và các thể loại âm nhạc khác mà bạn nên tránh:

– Coi nhạc rock là thể loại nhạc tối thượng, còn những thứ khác là rác rưởi. Tôn trọng các thể loại nhạc khác, nghe và cảm nhận. Không có thể loại nào là độc tôn cả. Bạn có thể thích rock nhất những không vì thế mà bạn bảo rằng nhạc rock là thiên hạ vô địch.

– Đề cao dòng nhạc của mình và chê bai những dòng nhạc khác là không rock. Có nhiều người đánh đồng nhạc rock với death, black, hay nu-metal, nói chung là những dòng nhạc rock gào thét gầm rú và thời thượng rồi quay ra chê bai những người thích nhạc blues rock, rock and roll hay là hardrock. Thực ra tất cả đều là rock. Bạn không thích thì không nghe, thế thôi.

– Luôn miệng chửi thề, ăn mặc hầm hố, đeo sên đeo xích lủng xủng loảng xoảng, xâm mình vằn vện, hút thuốc nốc rượu ra vẻ ta đây dân rock. Làm như vậy khiến rất nhiều người ác cảm với rock và tự hạ thấp tư cách của mình.

– Khi dễ, ăn hiếp,chê bai hoặc bắt nạt những người mới tập nghe rock. Ai cũng có lúc bắt đầu. Hơn nữa nghe nhạc để làm phong phú thêm tâm hồn chứ chẳng phải để ăn thua ai. Anh nghe nhiều , biết nhiều thì tốt cho anh chứ chẳng tốt cho ai.

Bấy nhiêu điều đó, hi vọng là có thể giúp bạn tìm hiểu và yêu nhạc rock và những thể loại nhạc khác. Chúc bạn có những khoảnh khắc ý nghĩa với rock. Nếu bạn thử qua những phương pháp mà tôi vừa nêu mà vẫn không cảm được rock thì đừng cố gắng. Cứ trở về với loại nhạc mà mình yêu thích. Nghe rock cũng chỉ để giải trí mà thôi, đừng vì không nghe được rock và dằn vặt, khổ sở. Cái gì cũng thế, miễn cưỡng không hạnh phúc. Mình nghe những gì mình thích là được rồi.

 

{fcomment}

Source: BarryGibson’s (Viễn Huỳnh) blog