Trong nhiều rock show hiện nay, nhóm nào xuất hiện, khán giả đã biết họ sẽ hát những gì rồi. Người hâm mộ rock vẫn chờ đợi những sáng tác mới nhưng chẳng thấy đâu?
– Tôi hiểu điều khán giả trông đợi ở các nhóm rock Việt. Tuy nhiên ta đang bàn đến một bộ phận hay tất cả khán giả? Một bộ phận khán giả biết đến các ca khúc của các nhóm qua nhiều con đường khác nhau nhưng tất cả khán giả thì không như vậy. Một bộ phận khán giả có khả năng đến xem được show này, show kia nhưng tất cả khán giả không thể xem tất cả các show rock.
Các chương trình rock không được tổ chức thường xuyên nên phần đông khán giả không thể biết các ca khúc của các ban. Các ban nhạc lặp lại các ca khúc của mình trong nhiều lần biểu diễn khác nhau để khán giả mọi nơi có thể biết đến mình nhiều hơn là điều chính đáng.
Những người thực hiện các chương trình cũng biên tập theo cách tốt nhất cho ban nhạc và an toàn cho đêm diễn thành công. Chẳng ai muốn không gian rock lại nguội lạnh và bỡ ngỡ trước những thứ quá xa lạ. Họ và các ban nhạc chỉ đưa ra tỷ lệ nhất định những ca khúc mới, đó là cách sản xuất chương trình khôn ngoan và chuyên nghiệp. Có thể tìm hiểu điều này ở khắp thế giới, đặc biệt với môi trường âm nhạc Việt Nam thì càng cần như vậy để có thể đảm bảo tính ổn định.
Vẫn còn định kiến rock thô – ồn – bẩn – ngông – bất cần
Định kiến về rock vẫn còn, theo anh là do không hợp với văn hóa Việt hay vì lý do nào khác?Sáng tác chưa phù hợp? (vì rõ ràng rock, nếu có gia vị, liều lượng nhất định sẽ được người Việt đón nhận mà Bức Tường đã là một trong những nhóm nhạc rất thành công trong việc khẳng định rock có thể sống ở Việt Nam).
Do hạn chế vì ngôn ngữ? (có ý kiến cho rằng tiếng Việt khó sáng tác rock). Vì hạn chế về trình độ sáng tác của các ban nhạc rock Việt hiện nay? Vì dòng nhạc của các ban nhạc chọn bây giờ quá "nặng" với khán giả Việt Nam, nơi mà rock ít có điểm tương đồng với âm nhạc dân tộc?
– Định kiến về rock đúng là khó mà xua tan hết khi rock là thứ "nhập khẩu" không qua các con đường mang tính "hàn lâm". Trước kia và bây giờ, khá nhiều người trong chúng ta nhìn nó với khía cạnh vỏ ngoài: thô – ồn – bẩn – ngông – bất cần. Sáng tác và chơi rock ở Việt Nam mà không tự định lượng nội dung, tư tưởng và kiểu nhạc thì khó lòng ăn nhập với hệ thống "tập quán" nghe nhạc, chơi nhạc theo kiểu cũ lề mề, tròn trịa, kém sáng tạo và đột phá.
Hạn chế về ngôn ngữ là điều rất rõ ràng đối với toàn bộ giới sáng tác nhạc phổ thông và giới rock khi viết ca từ cho tác phẩm. Không phải là ta không làm được ca khúc rock hay, chất lượng, mà ta khó lòng làm nhiều, làm nhanh, làm cho ra được tất cả điều ta muốn nói. Xin hãy đừng lên án sự "làm nhanh", "làm nhiều" bởi vì chúng ta đang còn thiếu cơ mà, chúng ta chỉ không ủng hộ làm ẩu thôi.
Ta không thể ấn bất kỳ từ nào ta muốn vào giai điệu như cách mà tiếng Anh làm hoàn toàn thuận lợi. Ta phải lựa từ cho phù hợp nốt nhạc, và điều đó rất mất thời gian. Nhiều bài hát bị dang dở, bế tắc vì bí từ phù hợp, và khi họ tìm được từ "có vẻ hợp" thì chưa chắc đã ăn nhập logic với nội dung câu…
Tôi cho rằng hạn chế trình độ sáng tác nhạc rock là điều dễ hiểu vì nền tảng, kỹ năng và vốn sống chứ không vì do sáng tác chất nhạc quá nặng hay quá nhẹ. Sự nặng nhẹ này mà so sánh với nhạc dân tộc thì e là chưa phù hợp. Nhưng dù là gì thì nó vẫn có cách để hòa đồng hai loại hình âm nhạc này do sự khéo léo của nhạc sĩ phối khí từ ý tưởng độc đáo của các ban nhạc. Ít điểm tương đồng không có nghĩa là không có điểm tương đồng, ta "khuếch tán" được cái ít đó thành tác phẩm hay thì đẳng cấp của ta còn cao hơn nhiều.
Không sống được thì không thể chuyên nghiệp
Có tình trạng các nhóm rock hiện nay, nhất là những nhóm rock trẻ không có khả năng sáng tác, vài người biết chơi nhạc, tập nhuyễn vài bài rồi tập hợp lại thành nhóm chơi. Điều này về đường dài mà nói sẽ không bền.
– Điều này tôi cho rằng có cái khó, cái ảnh hưởng từ nhiều bối cảnh sống khác nhau của mỗi ban nhạc. Đa phần họ không thể chuyên nghiệp mà vẫn chọn cách chơi tự phát là bởi sự "chuyên nghiệp" ấy được tương quan với cái gì để họ tin vào tương lai mà chuyên tâm với âm nhạc.
Hãy nhìn Bức Tường mà xem, tới cỡ đó rồi mà không thể đảm bảo ổn định và luôn phải chia sẻ ý tưởng, tâm sức cho nhiều việc khác để sống. Khi nào âm nhạc được họ coi là một công việc thực thụ, không làm thì có nghĩa là… không thể làm được gì khác, khi nào mà thu nhập của nó lớn hơn thu nhập của các nghề khác của họ nhiều lần và đều đặn, thì chúng ta mới có được các ban nhạc rock thực sự chuyên nghiệp và chất lượng.
Điều đó có nghĩa là hãy bắt đầu từ chính các ban nhạc, họ là cha đẻ của các tác phẩm, tiếp theo là các nhà tổ chức, các đơn vị khai thác, phần còn lại là… theo logic.
Theo anh, cần thay đổi một chút chất rock của thế giới khi vào Việt Nam để phù hợp với văn hóa Việt không? Ví dụ, Ngũ Cung có lối chơi sáng tạo và đã gây được sự chú ý gần đây, hay Unlimited có cách chơi cuốn hút ngay cả với những người không thích rock hay ít hiểu về rock…
– Tôi cho là không phải thay đổi chất rock của thế giới, bởi thế giới là vô tận, ta thay đổi được gì khi nó đổ bộ ầm ầm vào bất kỳ đâu. Muốn rock phù hợp với văn hóa Việt Nam, phụ thuộc vào tư tưởng, vốn sống của người sáng tác. Vai trò của âm nhạc thế giới đưa vào đây là cái gốc kỹ thuật mà thôi.
Các ban nhạc hiện nay chơi những dòng rock khá nặng, nhưng tính nghệ thuật chưa đạt mà chủ yếu là để "xả năng lượng", nên có ý kiến gọi rock Việt là metal. Theo anh, thể loại nào của rock có thể trụ vững tại Việt Nam và phù hợp với giới trẻ Việt?
– Thể loại nào trụ vững là điều khó nói, thế giới cũng nói vậy được đâu khi chính nó thay đổi từng phút giây. Gọi rock ở Việt Nam là metal thì e rằng có tính châm biếm thôi, các ban nhạc cũng có đua nhau chơi metal nặng nhọc, khó và gồng sức quá khả năng thật. Nhưng tôi không tin đó là tất cả.