Unlimited bước ra sân khấu trước sự reo hò nồng nhiệt. Và sau lưng họ,
dàn nhạc giao hưởng hơn 30 nhạc công của nhạc viện TP.HCM “đưa đẩy” một
tiết tấu phảng phất concerto với sự chỉ huy của nhạc trường Đỗ Kiên
Cường đã báo hiệu một đêm trình diễn có nhiều kịch tính dành cho thị
giác và thính giác vốn quen “căng gân máu” của các rock fan. Khán giả
reo hò trước giàn nhạc giao hưởng. Một điều không xa lạ với rock band.
Nhưng xa lạ với những nghệ sĩ chơi dàn symphony trong nhạc viện.
Và
Mộ gió, Tái sinh… đã mở đầu với một tinh thần bình cũ rượu mới.
Unlimited không “dằn mặt sân khấu” như mọi show rock khác bằng màn kéo
guitar riff hay nện trống. Họ đằm xuống, có những khoảng ngừng mà ca sĩ
Viết Thanh của rock band phải chạy ra lẩn sau sân khấu để những nhạc cụ
dây trong dàn giao hưởng cất lên (lúc tập ráp nhạc, Viết Thanh “dằn
mình” bằng cách dán mình cố định trên ghế để tập “đức tính” kỉ luật
trong đêm diễn!).
Viết Thanh (photo: NEOdinho @ vnphoto)
Tưởng chừng cái dàn nhạc giao hưởng với
veston, lỉnh kỉnh nhạc cụ sau lưng họ khó mà “lê” nổi theo tiết tấu đậm
chất power metal nhưng những nghệ sĩ hàn lâm đã cho thấy quyền năng của
họ. Mặt khác, nếu đứng trên cao của hai khán đài A và B nhìn xuống, về
mặt thị giác, đã thấy sân khấu được thiết kế khá bài bản.
Ở The phantom of opera, Ngọc Tuyền, giọng
soprano tài năng trẻ của nhạc viện TP.HCM đã xuất hiện rực sáng, sang
trọng, mượt mà vút cao đi bên chất gai góc, thô ráp và đầy tính khuấy
động của Viết Thanh, cùng quyện hòa tạo nên sự cuốn hút, bay bổng lạ
lùng. Họ đã truyền vào ca khúc nổi tiếng này một “hình thái” thể hiện
khác. Trong khi đó, tổ khúc Hòn vọng phu với những đoạn chuyển tấu giữa
ba chương lại “đẩy” dàn nhạc giao hưởng và guitar bass, cây organ của
Unlimited lên khá mạnh. Kịch tính sẵn nằm trong tiết tấu gốc của bản
nhạc này được khai thác và khuếch đại một cách đầy sáng tạo. Tổ khúc 3
phần dường như để lại sự hụt hẫng vì… có hơi ngắn, gây thòm thèm cho
nhiều rock fan! (Nhưng biết thế nào là đủ với những áo đen, những nắm
tay hai ngón múa lên trời đầy cuồng nhiệt!).
Nhưng về mặt thị
giác, hơi hạn chế khi thiết kế theo mặt phẳng, dàn nhạc symphony nằm
lẩn phía sau. Không gian hoành tráng cần thiết cho sự thưởng ngoạn bị
che khuất. Khán giả vẫn chỉ thấy “nhân vật chính” là rock band, khó
thấy sự vung vẫy tài hoa trên cây thước chỉ huy của nhạc trưởng Đỗ Kiên
Cường trước một dàn hòa tấu nhạc cụ đầy “trận mạc” trong những “xen”
kịch tính.
Nhiều nhân vật quan trọng của chương trình không xuất
hiện hoặc xuất hiện thầm lặng: nhạc sĩ Mỹ Dirk Johan Stromberg, người
phối khí, Ngọc Tuyền chỉ lên sân khấu trong một khoảng quá ngắn, sự
nồng nhiệt của nhóm bè bốn ở “hậu cảnh” ít ai để ý… Về phía khán giả,
thầm lặng trong đám đông một số gương mặt đáng chú ý: ca sĩ Phương
Thanh, đạo diễn Dũng "khùng" đứng chung với nhóm bạn góc trái sân khấu. Cuối đám đông khán giả
cuồng nhiệt cởi trần phất áo, là nhạc sĩ Dương Thụ, một Nguyễn Đạt của
rock band Da Vàng lừng lẫy một thời, chọn những góc âm thầm sau đám
đông, điềm tĩnh thưởng thức hết đêm diễn…