Sau thời kỳ “ngự trị” của Bức Tường, nếu cần chọn một ban nhạc rock đại diện cho VN để tham dự liên hoan quốc tế thì nhóm nào thật sự xứng đáng? Hoặc đơn giản hơn: ban nhạc rock nào “được” nhất VN hiện nay? TTCT thử đi tìm câu trả lời.
* Trong thế hệ “hậu Bức Tường”, anh thích nhất ban nhạc nào?
Lê Anh Tuấn (nguyên ca sĩ của nhóm The Light, họa sĩ thiết kế của Công ty VASC): Tôi thích nhất Small Fire – mới mẻ, sáng tạo và đột phá… Nhưng nó cũng đang đi xuống theo trào lưu nhạc rock của VN nói chung, cũng đang cầm cự thôi, chưa phải là nổi trội hẳn lên.
Trần Lập (ca sĩ, thành viên nhóm Bức Tường): Theo tôi, hai ban nhạc tốt nhất trong thời điểm hiện nay là Microwave và Small Fire. Cả hai chơi cùng một dòng nhưng có sự khác biệt rất rõ ràng. Đó là hai ban nhạc điển hình của thế hệ mới, phong cách âm nhạc (chưa nói phong cách trình diễn) hoàn toàn hiện đại, đúng chất rock mà các ban nhạc trên thế giới hiện nay đang chơi.
Nguyễn Đạt (thành viên ban nhạc rock Da Vàng): Ở Sài Gòn hiện nay, tôi đánh giá cao ban End Of Road – phối hợp tốt, kỹ thuật đồng đều, có sáng tác.
* Ban nhạc nào có thể kế tục sự nghiệp của Bức Tường?
Lê Anh Tuấn: Điều này rất khó nói vì ảnh hưởng của Bức Tường trong 10 năm qua là quá lớn. Nói đến rock Việt thì gần như nói đến Bức Tường rồi. Ở các ban nhạc khác, có thể thấy một số được sức trẻ, nhiệt tình thì tài năng, sáng tạo, bản lĩnh chuyên nghiệp hoặc điều kiện cũng không có được như Bức Tường.
Lê Tiến Đạt (ca sĩ của nhóm Gạt Tàn Đầy, BTV tạp chí Sành Điệu): Lứa sau, tôi chỉ biết có Small Fire đánh có chất, chịu khó sáng tạo, chơi nhạc có chiều sâu. Hi vọng vài năm nữa, thị trường âm nhạc chấp nhận những ban như thế… Thế nhưng Small Fire cũng không xác định chuyên nghiệp. Khổ cái nhạc rock của VN hình như chả ban nào xác định là chuyên nghiệp, cứ chơi là chơi thôi! Còn để thế chân Bức Tường thì khó lắm (*).
Nguyễn Đạt: Tôi nghĩ Microwave sẽ là thích hợp. Ban này đi theo con đường nu-metal rất dễ tiếp cận quần chúng. Loại nhạc của Microwave đang trở nên phổ biến trong giới trẻ (*).
* Theo anh, Small Fire có thể thay thế Bức Tường trong tương lai?
Trần Lập: Tôi ghi nhận đấy là một nhận xét có tính khích lệ cho Small Fire. (Từng) là một thành viên của Bức Tường, tôi có thể tự hào mà nói rằng chúng tôi đã trải qua rất nhiều sự kiện trong 12 năm vừa rồi – nhiều đến độ đôi khi nghĩ cũng chợt giật mình một chút. Những ban nhạc thế hệ sau để có được những gì như Bức Tường từng trải qua có lẽ cũng tương đối khó.
Tất nhiên sau này chắc chắn phải có những ban nhạc mạnh mẽ hơn, làm được nhiều việc hơn thì mới đánh dấu được sự phát triển của âm nhạc VN. Chỉ đứng sau Bức Tường không thì đúng là điều đáng buồn.
Small Fire – những kẻ "trèo tường"?
Small Fire thành lập vào những ngày đầu tiên của năm 1999, khi các thành viên còn chưa vào trung học. Họ là bạn thân, chơi với nhau từ hồi mẫu giáo. Thoạt đầu, Small Fire cũng như bao ban nhạc khác, chơi lại Ozzy, UFO… Vào năm đầu đại học (tất cả các thành viên đều theo ngành kiến trúc trừ ca sĩ Xuân Thi học báo chí), họ bỗng chuyển sang nu-metal. Sự lựa chọn phải chăng theo thời trang? Vũ Nhật Linh, linh hồn của Small Fire, trả lời: “Chúng tôi chơi nu-metal hoàn toàn vì sở thích và vì tự biết mình không thể nào địch lại Bức Tường hay heavy metal truyền thống. Nếu có tính thời trang thì cũng một chút – mình muốn cho bộ mặt nhạc rock VN phong phú hơn”.
Cuối 2002, Small Fire bắt đầu đưa lên sân khấu một nồng độ hiphop hơi nhiều từ trang phục, lối diễn và những âm thanh điện tử réo rắt. Khỏi phải nói, họ khá lạc lõng giữa những tiết mục rock thuần chủng trong các chương trình biểu diễn. Từ một ban nhạc học sinh lên sân khấu trong tiếng reo hò thời sinh viên, Small Fire thường biểu diễn trong sự la ó của các rockfan.
“Bây giờ nu-metal hay alternative hiện đại được công nhận là một thứ mốt của rock và là thứ mốt rất ổn – rocker Trần Lập tiết lộ – Trước đây, Bức Tường cũng đã từng nghĩ đến việc chơi nu, anh em còn chịu khó mua đĩa về xem. Cho nên mới đánh giá được sự sáng tạo của Microwave hay Small Fire”.
Tháng 7-2005, Small Fire vào TP.HCM thu âm và ăn ngủ luôn tại phòng thu của nhóm “kết nghĩa” (cùng chơi nu-metal) Microwave. Sau một tháng vừa làm vừa chơi, xong album Ngược dòng. 1.000 bản in lần đầu đến nay đã bán hết, đang chờ in thêm. Không có một động thái đáng kể nào quảng bá cho Ngược dòng ngoài một đêm họp mặt gia đình, bạn bè tại Viện Goethe, Hà Nội.
Theo Vũ Nhật Linh: “Chúng tôi cũng muốn được lăngxê như Bức Tường nhưng điều kiện của mình có giới hạn. Khó có thể thuyết phục ai đó đầu tư cho nhạc rock. Tất nhiên anh có thể bỏ tiền túi ra làm album không đòi hỏi phải lấy lại, nhưng đấy chỉ mới là con số vài chục triệu, đổi lại anh được về tinh thần. Nhưng những bước đi tiếp theo cần đến một, hai trăm triệu lại là vấn đề khác…”.
Sự “hòa nhập” của Small Fire hôm nay thể hiện ở việc ban tổ chức Bài hát Việt 2006 đã mời đích danh ca khúc Ảo giác của Linh vào chương trình thi tháng 5-2006, và bài hát có tuần đã đứng đầu bảng xếp hạng trên mạng. Với đà này, Small Fire có ý định đi sâu hơn vào thị trường âm nhạc? “Tôi không có ý định đưa Small Fire lên thành chuyên nghiệp. Sự nghiệp của tôi vẫn là kiến trúc. Nếu bọn tôi xác định chuyên nghiệp, đặt âm nhạc lên hàng đầu thì chắc chắn là kết quả thành công sẽ hơn nữa. Mình bằng lòng với những cái mình đang làm được thôi” – kiến trúc sư trẻ Vũ Nhật Linh nói.
Lý do khiến Small Fire vẫn mãi nghiệp dư theo Linh cũng dễ hiểu: “Chơi nhạc, anh cũng phải kiếm được nguồn tài chính để về sau ít ra còn đảm bảo cuộc sống, nuôi gia đình. Tôi cảm thấy điều ấy ở VN chưa được, nhất lại là rock nữa thì càng mơ hồ quá!”. Kể cả việc ca sĩ có đến xin bài của Linh để hát thì câu trả lời cũng là không. Nhưng có ai đến đặt hàng thì lại khác: phim truyền hình 29 tập Đi về phía mặt trời (đạo diễn Lưu Trọng Ninh) là do Linh làm nhạc. Hiện Linh đang làm nhạc cho một phim nữa trong chương trình Điện ảnh chiều thứ bảy của VTV3.
Một điều khá lạ lùng (với giới chuyên nghiệp nhưng phổ biến trong giới chơi rock): “nhạc sĩ” Vũ Nhật Linh và ban nhạc không ai rành nhạc lý. Họ làm việc với nhau chỉ bằng lời và hợp âm, không bao giờ có giấy tờ gì. Bản thân Linh, ngoài “chuyên ngành” sáng tác và guitar cũng biết trống, bass đánh như thế nào để mỗi khi có ý tưởng còn “mô tả” lại cho các bạn rồi cùng nhau triển khai.
“Tôi làm nhạc cũng thế thôi, tất cả mọi cái đều nằm ở sự hình dung hết. Bù lại được cái trí nhớ tốt”. Ban nhạc không có ý định đi học nhạc? “Cảm thấy cần thì mình mới đi. Còn bây giờ, ví dụ mình vẫn có thể sáng tác được, hòa âm phối khí được thì cũng chưa cần thiết. Học là phải lao tâm khổ tứ. Mình chưa đặt rock lên hàng đầu nên chưa dành thời gian để học nhạc”.
Năm tới, nhiều khả năng Linh sẽ là thành viên thứ hai của Small Fire du học ở nước ngoài và Small Fire sẽ tạm nghỉ (hiện nay cố gắng lắm ban nhạc mới thu xếp được tuần một tối tập). Sang đó, ngoài việc học kiến trúc, Linh không giấu tham vọng lại có cái gì mới đem về cho rock bản xứ. “Từ nay đến khi đi, cố gắng phải làm một đĩa nữa dù phát hành hay không…” – đĩa này lại là một dự án riêng của Linh với hai thành viên của nhóm Buratinox. Lần này Linh sẽ vừa sáng tác, vừa đàn, vừa hát và chất nhạc nhiều khả năng sẽ là blues và alternative – cũng là trào lưu đang quay trở lại trên sàn diễn rock thế giới.