Vì sao rock được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt?
Nhạc Rock là một trào lưu âm nhạc xuất hiện và phát triển mạnh vào khoảng giữa thập niên 60, song song với phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam ở Mỹ. Xuất phát từ nhạc Blues, nhưng được thể hiện một cách dữ dội hơn, lời lẽ phản kháng gay gắt hơn…
Tuy nhiên đối với giới trẻ thì sự thẳng thắn, chân thành của tinh thần rock đã chinh phục họ. Khác với tất cả các thể loại âm nhạc khác, nhạc Rock có phạm vi đề tài thể hiện rất rộng lớn, nếu không nói là tất cả các vấn đề trong xã hội, tất cả các thể loại cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố của con người. Hơn hết là nó có khả năng biểu lộ sự giận dữ, phản kháng, châm biếm, phê phán… một cách trực diện nhất.
Ngôn từ rock mộc mạc, thẳng thắn, chân thành và phát xuất từ quan điểm cá nhân, không màu mè không tô vẽ, không đạo đức giả. Nhạc rock phản ánh những bức xúc của tuổi trẻ, phê phán các định kiến xã hội… Cho nên không lạ là khá đông thanh niên yêu thích thể loại nhạc này.
Rock Việt ra đời như thế nào?
Ngay từ thập niên 60-70, miền Nam đã có những ban rock ra đời. Trong thập niên 90, các CLB yêu rock được lập ra, rồi chết đi rất nhiều lần. Các ban nhạc hầu hết chơi lại các bản rock kinh điển của nước ngoài và các show diễn đều gặp rất nhiều khó khăn về kiểm duyệt.
Những ban nhạc đầu tiên chính thức bước ra khỏi thế giới “underground” là At Omega và Da Vàng với 2 album đầu tiên của rock VN: Đất Mẹ (Atomega-1997) và S.O.S.(Da Vàng-2000). Tuy vậy, rock VN vẫn chỉ được dân “trong giới” biết đến và ủng hộ chứ chưa gây được sự chú ý của công chúng.
Năm 2002, ban nhạc Bức Tường phát hành album đầu tiên: “Tâm hồn của đá”, với công nghệ tiếp thị và lăng xê rất chuyên nghiệp đã tạo ra một bước ngoặt cho giới nghe và chơi nhạc rock ở VN. Bức Tường nghiễm nhiên được xem là ban nhạc khai sáng cho phong trào rock ở VN nhờ vào chủ trương giảm nhẹ sự gay gắt trong tư tưởng sáng tác: viết nhiều về tình yêu trai gái, ca ngợi cuộc sống v.v…
Thậm chí họ còn chủ trương giảm luôn cả chất cuồng nộ dữ dội của nhạc rock để có thể “tiếp thị” đến nhiều đối tượng khán giả hơn. Cho đến nay, Bức Tường vẫn là ban có số lượng người nghe đông nhất, lực lượng fan hùng hậu nhất, và phát hành được nhiều album nhất: 3 album trong vòng 4 năm.
Sau khi việc vượt qua các “cửa ải” đã bớt gian nan, 2 ban rock Hà Nội khác là The Lights và Thủy Triều Đỏ cũng đã phát hành được album chơi theo phong cách Heavy metal với nội dung tương tự Bức Tường.
Tháng 8/2003, trên Internet xuất hiện demo “Mắt xích” của ban nhạc Atmosphere là một sự kiện đánh dấu giai đoạn đa dạng hóa nhạc rock VN. Atmosphere là ban nhạc đầu tiên chơi rock Việt bằng phong cách Thrashmetal/Hardcore với chất nhạc dữ dội rất đặc trưng.
Sự xuất hiện của Atmosphere đem lại nhiều ý kiến khác nhau về tư tưởng và đường lối sáng tác. Nhiều người dị ứng với phong cách hiện thực phê phán trong các tác phẩm của Atmosphere. Nhưng dù sao đi nữa, Atmosphere là một ban nhạc rất may mắn khi vừa xuất hiện đã tạo được phong cách rõ rệt, từ âm nhạc đến cách sử dụng ca từ, và các ca khúc của họ “sống” được trong lòng rockfan VN.
Sau đó, 2004 là một năm nở rộ của các thể loại nhạc rock trong phong trào rock Việt. Hiện cả 3 miền có khoảng 20 ban nhạc được biết đến. Các band ra đời đều cố gắng chọn cho mình một phong cách chơi nhạc và phong cách sáng tác riêng biệt thay vì chủ yếu là cover nhạc nước ngoài như trước. Số lượng và thể loại các tác phẩm rock Việt khá phong phú và tăng vọt một cách đáng nể.
Những đặc điểm của Rockfan Việt Nam?
Người nghe nhạc rock bao gồm nhiều thành phần trong xã hội, nhưng lực lượng đông đảo nhất là HS/SV. Số đông các rockfan VN đều còn rất trẻ nếu không nói là rất… nhóc. Cho nên nhận thức của đa phần các rockfan “tuổi học trò” đều chưa hoàn toàn đúng đắn về nhạc rock.
Các rockfan tuổi teen quá phô trương về sự … rock của mình bằng nhiều cách: ăn mặc lập dị, sinh hoạt khác người v.v… trong khi hầu hết mới chỉ nghe qua những bản rock “vỡ lòng” nhất. Rockfan VN hầu hết nghe nhạc rock nước ngoài mà chưa nắm bắt được tư tưởng mà các tác giả muốn truyền đạt qua ca từ.
Một rockfan chân chính được định nghĩa là tính cách cũng như nhạc rock vậy. Tức là không phô trương, không đau đáu việc phải thể hiện chất “rock” của mình ở mọi nơi mọi lúc. Rockfan chân chính không hẳn phải là người có nhiều kiến thức về nhạc rock, nhưng cảm nhận được nội dung những gì mình nghe.
Giới trẻ cần nhạc rock để nói lên suy nghĩ của mình, để thoát khỏi các định kiến, các giáo điều gò bó… Giới trẻ yêu rock ở VN cần nhiều hơn nữa những bản rock Việt đúng chất rock, không khuôn sáo, rỗng tuếch như nhiều thể loại “nhạc trẻ” khác đang thịnh hành.
Một thực trạng ngớ ngẩn là những lời hô hào sáo rỗng, vô giá trị trong nhạc trẻ VN lại được hợp pháp, trong khi những sáng tác rock lại luôn có số phận underground. (Không được thừa nhận chính thức!)
Và các Rocker thì sao?
Hầu hết rocker VN hiện nay đều chỉ chơi rock để thoả mãn niềm đam mê của bản thân, họ đều không sống được bằng thu nhập từ tác phẩm của mình. Một số làm nhạc công cho các quán bar và tụ điểm nhạc trẻ. Còn lại ai cũng có một nghề khác: kiến trúc sư, hoạ sĩ, kỹ sư công nghệ thông tin… chơi nhạc rock chỉ là “chuyện chơi”.
Ngay như Bức Tường, ban nhạc rock “quý tộc” nhất VN mà các thành viên đều phải làm những nghề khác để kiếm sống. Vì vậy, ở bên ngoài sàn diễn, rocker VN cũng chỉ là những thanh niên bình thường, có công việc, sự nghiệp riêng, và làm việc trong mọi lĩnh vực của XH. Họ không có lý do gì để lập dị, quái đản như một số người lầm tưởng.
Phương châm sống của các rocker VN hầu như giống nhau: Chơi nhạc đến khi cuộc sống còn “cho phép”. Nhiều rocker đàn anh bỏ dở “sự nghiệp chơi rock” của mình để dành thời gian phải trang trải cuộc sống: lập gia đình, chạy chọt miếng cơm manh áo hay cao hơn là lao vào kinh doanh, hoặc tạo dựng sự nghiệp ở lĩnh vực chuyên môn.
Nhưng họ đều không tiếc nuối “sự nghiệp rock” của mình, bởi niềm đam mê vẫn còn đó, và vẫn có thể tiếp tục nó khi có điều kiện. Các rocker VN vẫn còn rất xa lạ với nền công nghệ lăng xê, biểu diễn và chưa quan tâm đễn lợi nhuận thu về từ nhạc rock.
Các nhà quản lý văn hoá nên có thái độ thế nào?
Bản thân nhạc rock cũng như các thể loại nhạc khác, cần được thừa nhận và công khai phát triển. Hiện nay việc xét duyệt các chương trình nhạc rock còn đang rất… khôi hài. Về mặt âm nhạc, các nhà quản lý văn hóa tỏ ra rất mù mờ về thể loại nhạc này và có quá nhiều định kiến với khái niệm âm nhạc vốn đang luôn vận động và thay đổi, mà sự cập nhật kiến thức đối với người quản lý là rất cần thiết.
Và đôi khi chuyện đó làm họ có những phát biểu phiến diện (thậm chí… gây cười). Việc mỗi năm chỉ có 1-2 chương trình rock được cấp phép biểu diễn chính thức, còn lại là diễn chui, thật ra là do vấn đề kinh phí.
Đây là một vòng luẩn quẩn: Nhạc rock khó lọt qua xét duyệt —-> Nhà tài trợ e ngại —-> Thiếu kinh phí —-> diễn chui, bị can thiệp —-> định kiến xấu —-> khó được xét duyệt. Bởi vậy, chỉ những chương trình thật lớn, có tài trợ, kinh phí dồi dào thì mới hy vọng đủ điều kiện kiện “mời” được hội đồng duyệt đến… uống nước, ký và cấp phép tổ chức biểu diễn.
Việc kiểm duyệt nhạc rock, thiết nghĩ cần có một cơ chế hợp lý hơn. Chẳng hạn kiểm duyệt qua bản nhạc hay bản ghi âm (demo nếu chưa có album chính thức) của các ban nhạc và cấp phép một lần cho tác phẩm đó. Hiện nay có tình trạng là một bản nhạc được kiểm đi kiểm lại rất nhiều lần, trong khi lần nào cũng đã cho phép biểu diễn ở nhiều chương trình trước đó rồi.
Categories
Rock Việt