Đặc biệt khi năm nay khi RockStorm lần đầu tiên trình làng một nghệ sĩ nước ngoài thì liệu có phải đây là một tín hiệu khả quan cuối năm cho một bề mặt thưởng thức âm nhạc còi cọc, thiếu định hướng và chắp vá?
RockStorm năm nào cũng có một lượng công chúng hùng hậu
Duyên và nợ với cộng đồng
Thành trì cuối cùng của người nghe lẫn kẻ tò mò với âm thanh cuồng nhiệt, sôi động và “chất” của Rock, concert tour thường niên RockStorm 2013 đã bắt đầu tại Hải Phòng, quy tụ những cái tên, như thông lệ, hot nhất của làng nhạc rock trong nước. Công thức này vẫn được duy trì điều đặn hàng năm, tỏ ra thành công nhanh chóng ngay từ lần đầu tổ chức 5 năm trước, nhằm thỏa lòng mong ước của các tín đồ trong suốt một năm dài vốn đã không còn quá nhiều những sự kiện thuần chất dành riêng cho mình. Trong vị trí là một sự kiện quảng bá thương hiệu như nhiều sự kiện quảng bá khác ở quy mô nhỏ hơn diễn ra trong nước có sự tham gia ngày một dày hơn của các ban nhạc chơi rock, cái tên RockStorm xem ra có nhiều duyên nợ với loại nhạc này hơn cả, minh chứng bởi những đầu tư không thể phủ nhận trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, đứng trước sự khan hiếm rõ rệt về nguồn “cung” và khắt khe trong chất lượng biểu diễn dưới tay công trình sư Quốc Trung, việc RockStorm bổ sung một ban nhạc quốc tế vào đội hình biểu diễn (dù chỉ ở các thành phố chính) trong năm nay có thể xem như một tất yếu. Bản thân sự trải rộng của chươgnt rình này trên cả nước cũng tạo khó khăn trước hết về kinh phí để “khênh” một ban nhạc quốc tế có tiếng tăm theo suốt chặng đường. Hơn nữa, thời điểm Rockstorm diễn ra, khi quan sát, cũng chính là thời điểm lưu diễn cực kỳ sôi nổi ở các thị trường truyền thống, hay thị trường gốc như Bắc Mỹ, châu Âu và Úc, chẳng hạn như Vans Warped Tour danh tiếng của nhãn hàng Vans với hàng trăm nghệ sĩ hạng A và headliner sừng sỏ đang đồng thời diễn ra tại châu Âu và Úc (sau mùa hè ở Mỹ), trong khi ở châu Á hầu như đóng băng, nhường chỗ cho các nghệ sĩ và ban nhạc bản địa, trừ festival thường niên Clockenflap tại Hong Kong vừa kết thúc.
Quan sát rõ hơn sẽ thấy, thị trường lưu diễn tại châu Á sẽ chỉ rục rịch trở lại vào cuối tháng 1, nhưng lịch diễn của các nhà tổ chức trong khu vực thực tế cũng đã ken dày đến tháng 4, tháng 5 năm sau (dẫu vẫn có ngoại lệ, như nhóm alternative lừng danh Static X sẽ có buổi diễn chào năm mới tại Trung Quốc).
Dù vậy, vẫn rất khó nhận định chính xác được vị trí của RockStorm khi quan sát thẳng vào lõi của cộng đồng. Trải qua 5 năm và những nỗ lực, cộng đồng nghe rock dường như vẫn còn quá phụ thuộc và thụ động trước mọi sự định hướng và giúp đỡ từ bên ngoài. Bằng chứng là sau mỗi kỳ Rockstorm, con sóng cuộn đam mê thu nhỏ trở lại thành một con sóng khẽ táp vào bờ, mất hút và bình lặng cho cho đến một năm kế tiếp, hay chờ một hòn đá vô tình nào đó khuấy đảo lên đôi chút. Và có lẽ sức ép phải quảng bá rộng rãi đến công chúng đặc thù của thương hiệu, đặc biệt là đối tượng sinh viên hầu bao nhỏ, đã biến RockStorm trở thành một gánh nặng tự thân, để có thể đáp lại những ước mơ khác, đương nhiên không hề nhỏ, từ phía cộng đồng, như những Metallica hay Linkin Park. Hoặc, những người nghe có thâm niên, cùng căn bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa ăn sâu, đã cảm thấy nhàm chán trước sự lặp lại, sự thiếu mới mẻ đến nghiêm trọng từ các ban nhạc trong nước.
Bìa album đầu tay Extension of the Wish*, album đưa Andromeda đến với fan Việt Nam
Andromeda: Nối tiếp một ước mơ
Khác hoàn toàn Việt Nam, quốc gia Bắc Âu Thụy Điển xuất khẩu các tác phẩm và nghệ sĩ sáng tác như Apple với iPad trên toàn thế giới, kèm theo dấu ấn chất lượng lẫn sự lâu đời. Hai thập kỷ qua, những bản hit đình đám nhất trên thế giới từ thời hoàng kim của boyband đầu 2000 đến những Katy Perry, Taylor Swift, Justin Bieber ngày nay đều có chữ ký của các tay viết nhạc sừng sỏ đến từ Thụy Điển, nhưng đồng thời, họ cũng sản sinh ra những nhạc sĩ sáng tác rock, metal, pop, điện tử phóng khoáng và lão luyện không kém bất kỳ đồng nghiệp Âu Mỹ, underground hay mainstream, cùng phong cách nào khác.
Andromeda là một trong số hàng chục ngàn ban nhạc chơi rock (metal) có được chỗ đứng ở thị trường Châu Âu khắc nghiệt ngày nay, nhưng cũng giống đại đa số những nhóm nhạc Thụy Điển khác, họ chưa từng lưu diễn ở bất kỳ thị trường nào khác ngoài Châu Âu và Bắc Mỹ. Còn ở nơi khác như Việt Nam, công chúng biết đến Andromeda gần như chắc chắn qua hình thức download lậu và/hoặc các tạp chí âm nhạc trực tuyến, và YouTube. Tinh ý sẽ thấy số lượng buổi diễn của họ đến nay vẫn chưa vượt con số 50, khiêm tốn cho chặng đường đã gần 15 năm tồn tại (dù rằng các thành viên vẫn tham gia vào các dự án âm nhạc chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp khác, thực tế rất phổ biến tại Thụy Điển). Năm 2013 cũng là năm lưu diễn dày khác thường của Andromeda, dù nhanh chóng kết thúc vào ngày 26/11 sau hơn 20 thành phố tại châu Âu.
Có thể họ chưa thật sự là một tên tuổi sáng chói từ Thụy Điển như Amon Amarth, In Flames, Dark Tranquility, hay Europe của một thời, nhưng Andromeda là một bổ sung hợp lý và khả dĩ chấp nhận được cho người nghe thuộc một cộng đồng thưởng thức rock vốn đã từ lâu bị chia cắt bởi quá nhiều định kiến và thẩm mỹ tụt hậu cả khi so với khu vực Đông Nam Á. Về phía các ban nhạc trong nước vốn hầu như không có một cọ xát với môi trường quốc tế nào ngoài Internet, Andromeda hứa hẹn chứng tỏ một đẳng cấp khác, không chỉ trong tư cách một nhóm nhạc chuyên nghiệp (hoặc bán chuyên nghiệp chuyên nghiệp). Hoặc nếu không, Andromeda cũng chí ít là một duyên nợ của người nghe rock trong giai đoạn Internet chỉ bắt đầu phổ biến, để kéo những khán giả từ lâu không còn tham gia RockStorm thoáng chốc quay về với những đam mê ngày trước, trong một bầu không khí âm nhạc văn minh và… rối rắm, như âm thanh của Andromeda.