Categories Cảm nhận

Darkside of the Moon – Tuyệt tác của mọi thời đại

Từ cái thuở topic Pink Floyd for Floydians, tôi đã phát điên phát cuồng ngày đêm với Darkside of the moon. Thật khó thay đổi cách hiểu của mình khi qua bao ngày tháng mò mẫm trong bóng tối mới tìm ra được ánh sáng .
Chán ko muốn nghe cái gì khác khi tìm ra chìa khoá của Darkside. Viết bài này trân trọng tặng Orion the Hunter , VictimNation và Beast from the East, những người hiếm hoi đủ khả năng “điên” được với album này , cùng một người vô hình -tạm gọi là “sự cô đơn “.
Tôi ko hiểu tại sao người ta nói nghe Pink Floyd thì hoá điên, vì nghe Pink 1 tháng 2 tháng làm sao điên được ? The wall mất 4 năm mới làm tôi điên, tôi mất 5 năm để điên được với Darkside. Thế thì bạn cứ nghe Pink Floyd đi , yên tâm ko sợ , chưa điên được đâu keke

 

Darkside of the moon là album đỉnh cao của Pink Floyd – trên toàn thế giới nó được xếp hạng 5*- nghĩa là vào dạng những siêu phẩm vượt không gian thời gian , tuyệt tác của mọi thời đại . Album nói về một sinh mạng từ lúc bắt đầu sinh ra cho tới khi kết thúc , sự kết thúc này gần như không liên quan đến cái chết sinh học,mà là một cái chết ảo tương tự như sự bốc hơi của nhân vật Pink trong The Wall – tự dưng không liên quan gì đến con người đó nữa , anh ta ‘bốc hơi’ rất đột ngột . Dưới tác động của sức ép từ nhiều phía trong xã hội công nghiệp hiện đại , con người dần đánh mất mối liên hệ với thực tại và với chính mình ,hoá điên và chôn vùi cuộc sống của mình trong bệnh viện tâm thần .

 

SPEAK TO ME

 

Chúng ta có gì ở đây? Speak to me !! Phần lời dễ hiểu , nhưng quan trọng hơn nó đóng vai trò gì trong concept này ? Bạn hãy đọc những lời ngắn ngủi của nó : I’ve been mad for **** years….. I know I’ve been mad, like the most of us…very hard to explain why you’re mad, even if you’re not mad…” . Cái này có nghĩa là gì . Hãy nhớ lại Wall . Mở đầu là một lời tiên báo định mệnh cho suốt cuộc đời của Pink “Nếu mày muốn tìm ra cái gì đằng sau những đôi mắt lạnh lẽo kia (=nếu mày muốn tồn tại ), mày phải tự cào ra lột ra con đường của mày dưới mọi nguỵ trang giả tạo của cuộc sống (=mày phải đánh vật với trò đời để tồn tại ) Và tôi nghĩ Speak to me cũng đóng vai trò tiên báo của Darkside, và thông điệp tiên báo thì ngắn thôi: ” Sau những năm tháng khốn nạn của cuộc đời mày , mày sẽ điên !!! ” . Tôi nghĩ cũng như Pink của The Wall đã thất bại trong cuộc chiến với cuộc sống và chính mình để tồn tại , nhân vật của Darkside cũng sẽ thất bại và hệ thần kinh bị phá huỷ hoàn toàn. Tuy nhiên chúng ta thấy rằng so với Wall , Darkside trừu tượng hơn nhiều ,Wall có diễn biến trong đời thực , còn Darkside thì là diễn biến trong hệ thần kinh .

 

Bạn hãy lắng nghe những âm thanh trong ca khúc này, tiếng máy đếm tiền, tiếng cười điên dai ,tiếng đồng hồ tích tắc chạy không ngừng nghỉ báo hiệu bàn tay tàn nhẫn của thời gian…. Tập hợp âm thanh này được tạo ra từ đôi tay Nick Mason . Chỉ một vài khoảnh khắc ngắn ngủi đó thâu tóm cả cuộc đời của kẻ điên này lần lượt được trình bày trong những ca khúc tiếp theo ,tạo ra một cái link, một mạch ngầm chảy lặng lẽ suốt album, điều này đã thể hiện phần nào tính chất concept của Darkside. Như vậy từ lúc sinh ra đến khi biến mất đây là một cuộc sống hoàn chỉnh với đủ cả Thời gian , Tiền bạc , Thất vọng, Chiến đấu , Điên loạn … Tôi nghĩ một album tái hiện được tất cả những cái này đáng được gọi là một album của cuộc sống.

 

BREATHE
Hãy nghe tiếp , ngay sau tiếng người nói của Speak to me là nhịp đập của trái tim, rồi một tiếng thét kinh hoàng vang lên. Một người bạn của tôi nói rằng đó là tiếng người phụ nữ thét lên đau đớn khi sinh đẻ , nhưng tôi phủ định . Vang lên ngay sau lời tiên báo của số phận và nhịp đập mà tôi cho rằng đó là nhịp đập trái tim của cái bào thai , âm thanh đó phải là tiếng khóc chào đời của đứa hài nhi – chính xác hơn là tiếng thét chào đời kinh hoàng và định mệnh . Và ngay sau đó là tiếng nói vang lên trong tâm can người mẹ với đứa con mình : “Breathe , breathe in the air , dont be afraid to care ” Đơn giản thôi , hãy thở đi con yêu , đừng e ngại , hãy thở đi . Ngay sau đó là ” Leave , but dont leave me , look around and chose your own ground ” Động từ Leave tôi nghĩ là chỉ hành động tách ra khỏi cơ thể người mẹ của đứa trẻ , còn dont leave me là chỉ sự không chia tách về tinh thần của tình mẫu tử , dù đứa con này sẽ lớn , sẽ sống con đường riêng của nó .

 

Ngay sau đó , album này đi vào một phép tu từ ổn định . Nếu bạn đã đọc tiểu thuyết Cái trống thiếc -Nobel văn học 1999 của nhà văn Đức Gunter Grass sẽ nhận ra một sự tương đồng : Trong câu chuyện luôn có hai vai : Vai người đứng ngoài nhìn vào và gọi nhân vật của câu chuyện bằng You , và vai ngôi thứ nhất của chính câu chuyện là I , hai vai này hoàn toàn thay thế nhau xen kẽ nhau trong cùng một đoạn văn , ở đây là cùng 1 bài hát , thậm chí cùng 1 đoạn lời ( Như trong Brain Damage sẽ nói tới sau ).Trong Breathe , đoạn tiếp theo là ở vị trí người ngoài cuộc nói ra đóng vai trò như tiếp nối lời tiên tri số phận ở trên :

 

Run, rabbit run.
Dig that hole, forget the sun,
And when at last the work is done
Don’t sit down it’s time to dig another one.
For long you live and high you fly
But only if you ride the tide
And balanced on the biggest wave
You race towards an early grave.
Đây là ý nghĩa của nó : Trong suốt cuộc sống của mày , việc làm thật sự của mày là đào một cái lỗ huyệt (cho chính mày ), và khi đào xong nó , thì việc tiếp theo là đào một cái lỗ huyệt khác .Mày có thể chiến đấu với khó khăn và làm chủ hoàn cảnh trong một số tình huống , nhưng kết cục hành động đó chỉ dẫn mày tới cái lỗ huyệt của mày càng sớm hơn thôi .Breathe như thế là đã phủ một cái bóng tối tăm u ám lên toàn album . Định mệnh là như thế rồi không chạy đi đâu được .Điều đáng nói , liên kết với Speak to me , ta thấy rằng ngôi You này không nhằm vào chỉ riêng đứa trẻ mới ra đời , nó nhằm vào tất cả mọi người , nhằm vào thậm chí chính mỗi kẻ chúng ta . Như vậy không hề đi ra ngoài luồng thế giới quan của Pink Floyd : Một thế giới nhiều khuyết tật , với những số phận nhục nhằn và những kết cục bi thảm.Tôi nghĩ đây hoàn toàn không thể là một thế giới quan tích cực , nhưng nó làm nên tinh thần và hơi thở của Pink Floyd. Ca khúc này là “tài sản” trong solo The Body của Roger. Tuy nhiên nó đã được điều chỉnh lại cả về âm nhạc và ca từ cho phù hợp với không khí của Darkside . Phần vocal do Dave và Wright đảm nhận.

 

Đến đây cuộc đời đi vào mô hình của nó :

 

ON THE RUN
Thật khó tìm được mối liên hệ từ ca khúc này tới cái đống hỗn độn vô hình mà album đã bắt đầu bày ra trước con mắt hoang mang của người nghe, đặc biệt khi đây chỉ là một khúc nhạc không lời , một mảnh cảm xúc câm lặng không tuyên ngôn, nếu không kịp nhận ra ý nghĩa của nó chúng ta sẽ lập tức đánh mất ngay khả năng theo sát diễn biến của concept .

 

Bắt đầu là tiếng một người phụ nữ trên loa phát thanh thông báo giờ bay lịch bay của một chuyến bay đã bắt đầu cất cánh, tiếng chân chạy gấp gáp của một người đàn ông trên con sảnh dẫn ra đường bay với hơi thở nặng nề thất vọng ,sau đó là một tràng những tiếng ha ha ha ha đứt quãng như điên dại gây cảm giác rợn tóc gáy . Những âm thanh này vang lên trên nền một hệ thống âm thanh dồn dập liên miên khó có thể gọi là âm nhạc, nó như một phép cộng cơ học âm thanh gì đó như bánh xe quay liên hồi hối hả , tiếng vù vù hun hút của các nhạc cụ điện tử tạo cảm giác như máy bay xé không khí khi đang chạy trên đường băng, tiếng guitar điện rú rít tạo cảm giác như các bánh xe miết sát mặt đường băng khi tới khúc cua…. ,và rồi đột nhiên một giọng nam nói cụt lủn một câu “ Live for today, gone tomorrow… “được nối tiếp bằng những tràng cười ngây dại ghê rợn nửa như phủ định nửa như chế giễu .

 

Tới khi cái phép cộng cơ học những âm thanh gấp gáp đó kết thúc tựa như tiếng máy bay thực sự rời bánh khỏi đường băng và xé gió bay lên, tiếng bước chạy dừng lại đột ngột , tôi mới hiểu toàn bộ những sinh vật nhỏ bé cựa quậy trong cái tập hợp hối hả chết dẫm này muốn nói lên điều gì . Nó là guồng quay cuộc sống. Mỗi bước đi trong cuộc đời là một bước dấn thân vào những vòng đua vô hình mà thậm chí chính bản thân không thể ý thức được , và guồng quay hối hả của thời gian đó nuốt chửng mọi nỗ lực , kết thúc : con người luôn chậm một bước với nhịp quay của bánh xe thời gian , như người đàn ông đã chậm một bước lỡ chuyến bay tới Rome của anh ta . Điều đó xứng đáng nhận được cái gì hơn ngoài tràng cười chế giễu điên loạn kia ???

 

“Live for today and gone tomorrow, that’s me.”
“Ha, ha, ha, ha!”

 

Tôi đã được xem một live show của Pink Floyd trong đó có ca khúc này . Giữa luồng ánh sáng lộng lẫy,trên một màn hình tròn trung tâm sân khấu hiện lên đoạn phim một người đàn ông bất động từ cổ trở xuống trên chiếc giường trong bệnh viên tâm thần , chiếc giường có bánh xe bắt đầu tự động chạy với tốc độ ngày càng nhanh trên một hành lang sâu hun hút dưới sức đẩy của một thế lực vô hình , hai bên chiếc giường ma nhập đó các ảo ảnh thực có hư có loang loáng vút qua. Trên khuôn mặt người đàn ông hiện lên vẻ sợ hãi hoảng loạn tột cùng, nhưng anh ta bất lực không thể chống chọi lại sức mạnh vô hình đó , tần số của bánh xe quay trùng với tần số của tiếng trống và các nhạc cụ điện tử ở trên . Hành lang đó kết thúc cũng là một phi trường , sự trùng hợp có sắp đặt đó càng củng cố niềm tin của tôi rằng sức mạnh vô hình đáng sợ kia chính là guồng quay cuộc sống, con người không thể thoát ra khỏi sức cuốn của nó . Và thất bại là cái chờ chúng ta ở cuối con đuờng.
Lỡ một bước trong vòng đua đó , phản ứng tức thời của sinh linh này là nuối tiếc thời gian bị lãng phí. Đây là một nhịp cầu tuyệt vời nối thẳng sang Time. Đây cũng là 1 phần trong những lí do vì sao tôi cho rằng Darkside of the moon là một album concept thượng thừa với độ liên kết chặt chẽ tới từng tế bào của nó.

 

TIME

 

Time là ca khúc nổi tiếng vào bậc nhất của Pink Floyd, cùng với Money và Comfortably numb đã chiếm ba thứ hạng cao chót vót trong top 100 guitars solo của mọi thời đại .Tuy nhiên khi đặt vào vị trí ngay sau On the run trong album này giá trị của nó tăng lên hàng ngàn lần .Lời ca của Time là một sự chiêm nghiệm về thời gian. Nó là thứ chúng ta đánh mất đi sau từng giây phút của cuộc đời mình , mà những giây phút của cuộc đời này trong nhân sinh quan của Pink Floyd là một chuỗi ngu xuẩn nhạt nhẽo phung phí .Những hình ảnh quá quen thuộc trong nhạc của Pink Floyd xuất hiện như một hệ thống nhân chứng trong ca khúc này : một ngày ngu xuẩn, phung phí thời gian, quanh quẩn trong một khoảng sân nhỏ ,chờ đợi vô vọng một đột phá mới , nằm dưới ánh mặt trời, ngồi ù lì trong nhà ngắm mưa…. Ý tưởng về mảnh sân nhỏ bé cuộc đời tù túng sau đó 2 năm được chấm phá một lần nữa trong tuyệt tác Wish you were here : “Chúng ta chỉ như hai tầm hồn lầm lạc, bơi quẩn trong một cái bể cá, chạy quẫn trong một mảnh sân nhỏ, chúng ta đã tìm thấy những gì : Những nỗi kinh hoàng cũ !!!” (We’re just two lost souls swimming in a fish bowl, year after year. Running over the same old ground, what have we found ? THE SAME OLD FEAR !!! )

 

Và rồi bỗng nhiên một ngày, mười năm tuổi trẻ của bạn đã chảy tuột mất.

 

And you run and you run to catch up with the sun, but it’s sinking
And racing around to come up behind you again
The sun is the same in the relative way, but you’re older
Shorter of breathe and one day closer to death
Đây là ý nghĩa của nó : Mày cứ chạy, chạy mãi, để đuổi bắt mặt trời , nhưng nó đang chìm xuống và xuyên qua nửa kia trái đất để lại mọc lên sau lưng mày . Và thời gian qua đi mặt trời vẫn đắc thắng như thế, nhưng mày thì già hơn và tàn úa , ngọn nến sinh mạng cháy ngắn đi và gần kề cái chết hơn. Hình ảnh tuyệt vời này ném thẳng vào loài người một cái nhìn trực quan về sự hoang phí thời gian của họ .Những ước mơ hoài bão mãi luôn là “những kế hoạch còn dang dở hoặc một bản thảo gạch đầu dòng những việc cần làm ( không bao giờ làm được )Có một mệnh đề khó hiểu trong ca khúc : Plans that either come to naught or half a page of scribbled lines ,hanging on in quiet desperation is the English way.[/i] “English way” là gì ? Một thứ tính từ phân biệt với American way, Italian way.. thể hiện một thoáng tinh thần tự tôn dân tộc nhỏ nhoi của Pink Floyd ?Chưa hẳn là vậy. Tôi nghĩ với cái khung treo câm lặng cho những hoài bão ước mơ cũ kĩ phủ đầy bụi kia , trong hoàn cảnh này “is the English way” có nghĩa là “ chuyện tất nhiên phải xảy ra “

 

Time nối liền với Breathe- reprise, một chút thanh bình nhỏ trong suốt dòng thác cuồn cuộn chảy của album , với sự xuất hiện của một mái nhà trú ẩn, một lò sưởi yên ả nơi con thú hoang có thể sưởi ấm xương cốt rệu rã đã bị vắt kiệt sau những vòng đua . Nhưng cảm giác bình an đó không được bao lâu, đằng xa tiếng chuông giục giã của thời gian không chờ đợi lại vang lên, lời nguyền ma lực của số mệnh “the softly spoken magic spell” lại kéo những kẻ tín ngưỡng mù quáng đào thoát theo những vòng đua tới sự huỷ diệt .