Categories Review Album

Deliverance-Opeth

Nếu ta có đủ ngôn từ để diễn tả thì chắc hẳn ta vẫn chưa cảm thấu được cái tinh tuý trong từng nốt nhạc của Opeth . Những giai điệu cứ như những làn khói trắng lúc mỏng manh lơ lửng cuộn thành từng vòng lúc lại đặc quánh mờ mịt . Nghe tiếng đàn của Opeth có lúc ta cảm giác như họ chẳng tuân theo một quy luật nào nhất định , chẳng biết khi nào họ sẽ kết thúc. Những chuỗi nhạc cứ nối tiếp nhau như những giai điệu phiêu linh và ngẫu hứng của một người nghệ sĩ nhạc Jazz trong một góc tối của quán cà phê vắng . Nếu ta nghe “For Absent Friends” Hay nghe những tiếng trống vỗ đầy ngẫu hứng xuất hiện cuối track 1 “Wreath” vào một lần đầu tiên thì chắc hẳn sẽ không khỏi ngỡ ngàng mà nhầm tưởng Opeth chơi Jazz Instrument .Chỉ là 2 phút ngắn ngủi (nếu so với những ca khúc dài hơn 10 phút của họ) nhưng với 2 phút ấy Opeth đã đủ để dạo một khúc nhạc thật buồn dành tặng những người đã khuất. Opeth là thế , không ngừng sáng tạo bằng cách kết dính nhiều yếu tố dựa trên cái nền Progressive Death để tạo ra những giai điệu của riêng mình . Mỗi bản nhạc dù dài đến đâu nhưng luôn có một khoảng lặng nhỏ như để cho người nghe tự cảm nhận cái sắc màu đen tối , hoang vu và tự mình nếm cái dịu ngọt hoà trong chất đắng .Nếu bạn nghe “Master’s Apprentices” thì bạn sẽ nhận thấy một sự hoà hợp kết tuyệt vời giữa muôn ngàn câu lead hoang dại mạnh mẽ là những đoạn đàn thùng cất tiếng nỉ non réo rắt , giữa những câu hát gầm gừ gào thét của Death và một giọng ca trầm êm ái như những lời tự sự .

Cả Phật và Chúa vẫn dạy ta rằng : Cõi trần chỉ là cõi tạm , chỉ khi nào nhắm mắt xuôi tay trút hơi thở cuối cùng thì lúc ấy ta mới được giải thoát , tìm đến nước Chúa hoặc là về cõi Niết bàn (giống như Kurt tìm đến cái chết để tìm sự giải thoát khỏi những bế tắc bất lực ) . “Deliverance” – deliverance_cover.jpg“sự giải thoát” , đó phải chăng là cảm giác khi ta chìm đắm trong những bản nhạc bất tận , để trí tưởng tượng vẽ nên đủ cảnh tượng kỳ quái lạ lùng . Opeth dẫn ta ra khỏi thế giới thực và hồn ta cứ thế trôi miên man theo dòng suối nhạc đến với một thế giới đen tối và thần bí . Nơi ta lại một lần đối diện nội tâm , nhìn vào những góc khuất , góc tối của tâm hồn mình . Thoát khỏi thực tại để rồi bị cuốn vào cái ma lực không gì cưỡng lại được , đôi lúc mơ màng ta sẽ thấy thiên đàng và địa ngục như chỉ cách nhau vài bước chân . Có ai đó đã nhận xét rất chính xác rằng “Dịu ngọt và man rợ – Đó chính là nét đặc trưng của nhạc Opeth” . Muốn biết rõ điều đó ta chỉ cần bật nhạc lên , rồi sẽ thấy từ “Wreath” cho đến “By The Pain I See In Otherskhông ít lần cảm giác ngột ngạt xâm chiếm bóp nghẹt trái tim hay như trông thấy những bóng trắng lướt qua màn đêm đen nhưng liền sau đó sẽ là một cảm giác êm đềm không gì so sánh được bởi những âm thanh acoustic quá đỗi ngọt ngào …
Ta cứ nghĩ rằng chuyện gì qua rồi thì sẽ qua không trở lại , điều đó chỉ đúng với những việc tốt lành , còn với những bi kịch thì dẫu có qua đi nhưng vết sẹo mà nó để lại vẫn sẽ tồn tại theo ta mãi . Và chắc chắn một lần trong đời ta sẽ phải nhìn lại nó từ chính nội tâm của mình . Như khi ta nghe những tiếng trống dồn dập kéo dài ở bài “Deliverance” như những kí ức đau buồn đang lần lượt hiện về tự vấn lương tâm ta , dây thần kinh bị kéo căng , ta chẳng còn biết nói gì ngoài im lặng … Nhưng liền sau đó lại là một đoạn nhạc nhẹ nhàng và chậm rãi . Thời gian trôi qua như chậm lại , tâm hồn ta như chìm vào một giấc ngủ , nhẹ nhàng êm ái …

Nhưng dường như Thượng đế cũng rất công bằng , ngài luôn bắt ta phải chịu đựng những cực hình thử thách trước khi đưa ta đến với sự giải thoát thật sự . “A Fair Judgement” với tôi sẽ luôn là ca khúc hay nhất của “Deliverance” .Cái hay của nó thậm chí khiến tôi ngỡ ngàng bâng khuâng rất lâu và phải dừng bài viết lại vì không thể tìm đâu ra đủ lời lẽ để diễn tả . Sự chuyển biến từ guitar điện ồn ào dày đặc sang đoạn đàn thùng không hề có một chút guợng gạo và giọng ca trầm chen giữa giọng Death khàn đục mới thật là tinh tế . Ai bảo chỉ có những ca khúc trong “Still Life” thì Opeth mới làm được điều đó ? Tiếng lead ở đoạn cuối bài , không còn là những đoạn lead rực lửa mà lại phảng phất giai điệu blues buồn da diết . Giọng hát của Mikael Akerfeldt chậm rãi như nhả từng lời , từng chữ , như những âm thanh của tiếng đêm vọng về … day dứt , buồn bã . Có ai nói Opeth chơi Doom chưa nhỉ ?

“Deliverance” rất khác biết nếu xét trong tổng thể những kiệt tác của Opeth . Bản thân nó đã tự nhuốm màu tang tóc , với những bóng đen nhảy múa chập chờn trên nền trắng . Một cảm giác như ta đang bước đi một cách vô hồn theo một cái bóng vào thế giới của nó , ngồi lặng yên nghe nó chuyện trò , tâm sự . Không cần nhiều sắc màu lung linh đa dạng , chỉ trắng và đen . Vậy là đã đủ tạo thành một thế giới …

Một đặc điểm khác biệt ở “Deliverance” nữa là nếu như ở những album khác Opeth đều để tâm đến việc khắc hoạ những mảnh không gian , thiên nhiên vào trong âm nhạc của mình dẫu chỉ bằng vài nét chấm phá thì ở “Deliverance” thiên nhiên gần như không xuất hiện .Không có những rừng cây lá đỏ , hay những loài kỳ hoa dị thảo thoắt ẩn thoắt hiện . Tất cả chỉ gói gọn trong thế giới của nội tâm , của trí tưởng tượng và những ám ảnh mơ hồ .

“By The Pain I See In Others” đoạn cuối của “Deliverance” , chỉ vài giây sau khi tiếng đàn thùng vừa xuất hiện là một tiếng lead vút cao như ánh sao băng vụt lướt qua bầu trời đen thăm thẳm . Và sau đó tất cả chìm vào im lặng , nhạc như đã tắt hẳn … Có lẽ đến gần 3 phút bâng khuâng trước khi nghe đoạn kinh cầu ai oán văng vẳng trong không gian như giữa một đêm Ả Rập huyền bí, giữa thánh đường vắng lặng leo lét ánh nến …

Khúc nguyện cầu cho những linh hồn đi tìm sự giải thoát đã được cất lên rồi . Nhưng sao trong mắt ta bóng đêm vẫn ngập tràn đầy tăm tối … ?

Dẫu biết rằng với những tác phẩm của Opeth thì một bài viết ngắn dường này là chẳng thể nào đủ để đạt đến cái gọi là tôn vinh và trân trọng , nhưng vẫn muốn gởi đến những ai quan tâm đã một lần lạc bước chân vào thế giới của Opeth Metal…

Still So Dark …

 

 

Theo yeuamnhac.com