Có lẽ, không ai thích Power Metal lại không biết Tobias Sammet của Edguy là ai? Avantisia là kế hoạch riêng của Tobias Sammet, anh mời rất nhiều các ca sĩ nổi tiếng tham gia. Có thể kể đến những tên tuổi như: Kai Hansen (Gamma Ray), Timo Tolkki (Stratovarius), Andre Matos (Angra), David DeFeis (Virgin Steele), Sharon Den Abel (Within Temptation), guitar Henjo Richter của Gamma Ray, Jens Ludwig của Edguy, tay bass của Helloween Markus Grosskopf và tay trống Alex Holzwarth của Rhapsody. Tất cả khách mời đều là những tên tuổi lớn của Metal. Chỉ điều này thôi đã chứng minh Avantasia là như thế nào?
Trước khi nhận xét về dĩa này, xin nhấn mạnh rằng được viết về Avantasia cũng đã là một vinh dự. “Avantasia-The Metal Opera” là một “concept album”, câu chuyện lấy bối cảnh thời trung cổ, mỗi ca sĩ mời đảm nhận một nhân vật trong câu chuyện về Avantasia. Tobias Sammet đóng vai chính (Gabriel) xuất hiện trong tất cả các bài hát. Nội dung dĩa nói về một thầy tu khám phá cuốn sách thánh giữ chìa khoá mở cổng Avantasia, dẫn đến một thế giới khác. Cách viết truyện của Tobias Sammet mang nét thần thánh hơn là tính chất sử thi như Rhapsody. Nếu bạn thích thể loại truyện giả tưởng, đọc câu chuyện về Avantasia sẽ rất lý thú.
Trong dĩa này, bạn sẽ nhận thấy nhiều ảnh hưởng khác ngoài Power Metal, đó là Opera, Progressive và nét hào hùng trong truyện thần thoại. Đoạn dạo đầu có mang màu sắc nhạc cổ điển. Điểm nổi bật là phần hát, rất nhiều các ca sĩ thể hiện nhiều phong cách khác nhau tuy thật khó nhận ra giọng của từng người. Nhạc điệu thật nguy nga, kỳ vĩ, guitar nhịp và trống phối hợp rất hài hoà tạo ra giai điệu mạnh mẽ. Mỗi nốt nhạc là một nét uy nghi, tráng lệ. Tiếng guitar độc tấu đặc trưng cho phong cách của Edguy. Đã rất lâu, tôi mới nghe một dĩa Power Metal hay đến như vậy. Nói chung, tất cả đều tuyệt vời, âm thanh mạch lạc, rõ ràng. Hoà âm, phối khí quá tốt, đóng góp không nhỏ cho thành công ngoài mong đợi với Avantasia.
Tất cả các bài hát đều có những điệu nhạc lôi cuốn, những đoạn nhạc cụ độc tấu hấp dẫn. Tốt hơn cả là nhận xét từng bài hát, vì mỗi ca khúc là một phần trí tuệ góp thành một kiệt tác. Do đó, nhận xét vài bài hát chỉ có tính tượng trưng.
* Reaching Out For The Light: nhịp điệu bài hát thật rộn ràng, tôi nhận ra hình ảnh Helloween trong “The Keeper…”, một liều thuốc kích thích mạnh mẽ sự tò mò cho người nghe.
* Serpents in Paradise: giai điệu mạnh mẽ, hùng tráng. Cho dù nghe đi nghe lại vài lần liên tiếp, người nghe vẫn không hề chán. Ấn tượng sâu đậm nhất là tiếng guitar dập ồ ạt như mưa lũ.
* Farewell: một ca khúc ballad vô cùng xuất sắc, Tobias Sammet và Sharon Den Abel song ca thật tuyệt. Đoạn đối thoại trước khi chia tay giữa Gabriel với người em cùng cha khác mẹ (Anna) vô cùng cảm động. Giọng của Sharon Abel trong suốt như chim hót.
* The Glory Of Home: mục đích Tobias Sammet muốn đưa người nghe đến Thánh Đường Rome và anh đã làm được. Rome cổ kích như hiện lên qua giọng hát truyền cảm của Tobias Sammet.
* The Tower: quả bom tấn khép lại dĩa nhạc cực xuất sắc. Theo tôi, đây là bài hay nhất dĩa. Nghe “The Tower”, người nghe sẽ thấy bài hát trôi đi rất nhanh mặc dù dài hơn 9 phút.
Đối với một tuyệt phẩm như Avantasia thì chỉ có một điều duy nhất để than phiền là người nghe không được thưởng thức hết tài năng của các khách mời vì nhiều người chỉ hát một vài câu và đôi lúc các khách mời hát hơi bị cuốn theo Tobias Sammet, có vẻ như họ khác xa với phong cách thể hiện ở ban nhạc của họ. Điển hình là Kai Hansen, không biết khi nào thì anh hát và cũng khó mà nhận ra có phải Kai Hansen đang hát không? Tuy nhiên, điều này không đáng kể gì, tôi vẫn cho điểm 10 đối với tuyệt phẩm này. “Avantasia-The Metal Opera” chắc chắn là dĩa Power Metal hay nhất trong năm 2001.
Nếu bạn chưa biết Metal là gì, hãy làm quen với Avantasia-The Metal Opera, chắc chắn bạn sẽ bị lôi cuốn. Nếu bạn thích Edguy hay Power Metal, đây chính là dĩa mà bạn phải có cho bộ sưu tập của mình. Đối với những ai thích Metal, xin nhắn nhủ rằng “Avantasia-The Metal Opera” là một trong mười dĩa nhạc Metal hay nhất năm 2001. Hãy thưởng thức bất cứ khi nào có thể và chờ đợi phần hai.
=====================
AVANTASIA nghĩa là “Thế giới của những linh hồn”. Đó là một không gian khác hẳn thực tại mà Tobias biến thành một câu chuyện huyền thoại rút từ “Artussage” mà Avalon là nhân vật biểu hiện thế giới ấy. Hầu như tất cả nhạc sĩ được mời cộng tác đều đồng ý ngay khi nghe ý định thâu album này, có khi chỉ cần qua một cú điện thọai ngắn hay với một cốc bia! Tobias chỉ còn biết nói là: Chúng tôi là bạn bè mà, việc gì cũng xong. Sau đó, chỉ có vài trường hợp phải thay đổi như là Tarja Turunen (Nightwish) đã từ chối vì phải sang Đức học và Sharon (Within Temptation) thế chỗ… Tớ nghĩ đây cũng là một sự thành công tình cờ, tuy rằng cả hai nàng đều hát opera ngang ngửa nhau.
Trên nguyên tắc, Tobias sọan tất cả các bài. Trong phòng thâu để tập dượt, các nhạc sĩ chơi theo lối riêng của mình mang thêm vào phần đặc sắc đa dạng cho bản nhạc. Cũng vì thế mà người nghe phân biệt được AVANTASIA khác với EDGUY. Bass và trống thì không có gì đáng nói, nhưng tiếng guitar thì phải kể như là một công trình theo kiểu Yngwie Malmsteen!
Ấn tượng làm việc chung với nhiều nghệ sĩ khác nhau trong một thời gian dài như thế, đương nhiên đối với Tobias rất thú vị và không thể quên được. Anh hay kể đến Henjo Richter (Gamma Ray) chẳng hạn, vì Henjo là một mẫu người không ngồi yên lấy 1 phút và luôn có nhiều “sáng kiến” cho đến khi chuẩn bị thâu âm chính thức! Còn Michael Kiske (Helloween) thật ra không thích chơi Heavy Metal tí nào nhưng lại thấy truyện của Avantasia này quá hay nên không thể không tham dự! Nhưng Tobias vẫn sẵn sàng làm việc tiếp với mọi người, không bớt ai cả. Trong dĩa Part 2 lại còn có thêm 2 nhạc sĩ mới là Bob Catley (Magnum) và Eric Singer (Kiss).
THE METAL OPER Part 2 thật ra được thâu âm song song với Part 1, nhưng dĩ nhiên, để xem các fan nghe xong phần 1 như thế nào cái đã. Trong khi đó, Tobias trở về với ban nhạc chính của mình là Edguy và mơ tưởng tiếp đến một huyền thọai nào đó thật viễn ảo mà cũng thật gần như nắm bắt lấy được qua âm thanh tuyệt diệu của Metal Music…
Theo ttvnol