Queen, ban nhạc tiêu biểu cho Dòng ArtRock, với hơn 15 năm sáng tác và biểu diễn, đã để lại cho chúng ta những tác phẩm bất hủ. Cũng phải nói thêm về dòng ArtRock. Khác với các dòng Rock khác, ArtRock không quá coi trọng sự hoà trộn của 3 cây guitar cũng như tiếng trống mạnh và to. ArtRock thường sử dụng thêm nhiều nhạc cụ khác, có thể là piano, violon, v.v… Đúng như tên gọi. Chất nghệ thuật trong ArtRock rất cao. Và đặc biệt, một album ArtRock bao giờ cũng rất chặt chẽ, các ca khúc được sắp xếp có trình tự theo một ý đồ nhất định, giống như từng phần của một vở kịch… Queen là một band như thế. Queen bắt đầu biểu diễn từ những năm đầu của thập kỷ 70. Khi ấy công chúng yêu nhạc chưa biết nhiều đến Queen. Lý do bởi nhạc của Queen lúc đó cũng giống như nhiều band khác. Giai điệu mượt mà ca từ đẹp, nhưng không có điểm nhấn, và rất giống LedZeppelin. Mãi đến năm 76 Queen mới thoát khỏi phong cách chơi ngọt ngào như của Led, định hình phong cách âm nhạc của chính mình. Chính điều này đã đưa Queen đến với khán giả, thậm chí cái tên Queen sau này còn nổi tiếng hơn cả LedZeppelin. Năm 76 là một mốc quan trọng đối với Queen, đánh dấu bởi sự ra đời của 2 album “A night at the Opera” vào tháng 6, và “A day at the Race” vào khoảng cuối năm. Và một điều thú vị đi ngược lại quan niệm của mọi tôn giáo. A night lại ra đời trước A day. Một điều hơi đáng tiếc là Queen đã không làm thành một album đôi, thay vì phát hành 2 album đơn. Tuy thế, hai album này đã mang lại một bộ mặt mới cho âm nhạc của Queen, và bắt đầu từ thời gian này, ban nhạc bắt đầu lưu diễn. Freddie là một người thông minh và khá hài hước. Trong chuyến lưu diễn qua Nhật Bản, một phóng viên Nhật đã hỏi anh trong lúc chuẩn bị sân khấu :” Anh cảm thấy thế nào khi biểu diễn trước 150 nghìn khán giả?” – “Nhưng mà tôi đã diễn đâu!” anh trả lời. Chuyến lưu diễn đã đưa âm nhạc của Queen vượt khỏi Châu Âu, đến với một số nước ở Châu Á…
Âm nhạc của Queen là sự hoà trộn tuyệt vời giữa hai thái cực vốn được coi là đối nghịch trong âm nhạc: Rock và Nhạc Cổ điển. Sau này Metallica cũng đi tìm sự hoà trộn ấy trong album đôi S&M, nhưng theo một kiểu khác, và cũng đạt được thành công. (Chúng ta sẽ cùng bàn về album này trong một bài viết khác). Trong các ca khúc của Queen ta thấy có âm hưởng nhạc Nhà thờ, và nhất là Opera. Nhiều đến nỗi, người ta đã gọi nhạc của Queen là Rock-Opera. Chất giọng ngọt ngào, trầm bổng nhiều sắc thái rất đặc biệt của Freddie Mecury, Piano sâu lắng, guitar chau chuốt, và rất trong. Vì thế nên trong các tác phẩm của Queen, ta không thấy sự khập khiễng khi những chuỗi giai điệu chuyển từ Piano sang guitar… Một đặc điểm dễ nhận thấy là các bản Ballads của Queen sẽ bắt đầu bằng Piano, và thường là chỉ Piano cùng giọng hát trầm bổng của Freddie, đôi khi có thêm những tiếng violon thật trầm cộng với lối hát bè, và trên cái nền ấy là giọng ca cao vút của Freddie. Đoạn cuối sẽ là guitar chơi nhẹ nhàng mềm mại. Điển hình như “Love of my life”…
“Love of my life”, bản tình ca nhẹ nhàng về nỗi lòng một chàng trai đã xa rời tình yêu của mình. ” Tình yêu của cuộc đời anh, em đã mang theo trái tim anh, và cả cuộc đòi anh… ” Hay hơn cả là tiếng violon trầm rè, da diết cùng với giọng ca diễn tả tình yêu của chàng trai, nhất là cái cách tiếng đàn Harp lướt những cung bậc âm thanh của thiên đàng… Đây chính là single hay nhất của Queen. Và cũng chính bởi là single nên nó không xuất hiện trong các album hay các đĩa Hist… Bài này cũng được John, tay trống của Queen hát (hayphết). Ai đã từng nghe thì hãy so sánh thử xem sao… Thời gian trước, ở VN rất khó tìm nghe được bài này, bởi không có đĩa lậu. Chỉ có cách ngồi canh FM rồi thu lại, hoặc lên 49 Quang Trung (nhưng giá hồi đó cắt cổ lắm). Cũng xin đính chính là album “A night at the Opera” ra đời tháng 11 năm 75 chứ không phải năm 76 (thằng bạn tôi mới đính chính lại cho), album được coi là “phung phí” nhất trong các album của Queen. Cả Freddie và John cùng hát trong album này. Một điều cũng khá thú vị là khi mới thành lập năm 68, ban nhạc có tên là SMILE. Nhưng tên gọi này không mang lại may mắn cho ban nhạc, mà ngược lại. Cái tên QUEEN là do Freddie đặt cho ban nhạc năm 70, và chính anh cũng đổi tên thành Freddie Mercury.
Freddie là một người luôn đầy ắp các ý tưởng. Chính vì thế mà âm nhạc của Queen rất khác biệt với nền âm nhạc của thời bấy giờ. Năm 74 cũng là một bước ngoặt quan trọng của Queen với album QUEEN II. Trong đó có sử dụng rất nhiều các hiệu ứng phòng thu của Studio. Điều được coi là cách mạng cho âm nhạc của Queen. Tiếng guitar của May được đẩy lên nhiều lớp, cứ như có đến 3 cây cùng chơi vậy. Al bum đã mở đầu cho một xu hướng mới và đã được kế thừa một cách hoàn hảo trong các al bum sau đó, với những ý tưởng tuyệt vời của Freddie. Năm 77 là “News of the World” với tâm điểm là hai ca khúc “We will Rock you” và “We are the Champions” đã vang lên trên khắp các Sân vận động, và ” We are the Champions” được coi như quốc ca của Bóng đá và Thể thao Thế Giới (phần Video Clip có sự tham gia của rất rất đông các thành viên trong Fans Club) Và 2 ca khúc này thay nhau giữ các vị trí trong bảng xếp hạng, không chỉ ở Anh mà trên khắp Châu Âu. (Tại Pháp, We will Rick you đứng ở vị trí số 1 trong suốt 3 tháng liền, và sau đó bị đánh bại bởi… We are the Champions). Thế nhưng trước đó, Queen đã cho ra đời “Bohemian Rhapsody”, một single khác hoàn toàn cả về phong cách và trình độ hoà âm nếu so với “Love of my life”, được coi là một trong những đỉnh cao trong sự nghiệp của Queen.
“Bohemian Rhapsody – Thiên trường ca phóng túng . Công phu và điên rồ.” Báo chí anh đã viết như thế. Single dài hơn 6 phút này đã phá vỡ quy luật của các đài phát thanh Anh khi đó, theo thông lệ, chỉ phát những single không quá 3 phút. Độc đáo và bất ngờ. Bohemian Rhapsody đã thu được những thành công ngoài sức tưởng tượng. Hơn 2 tháng liền chiếm vị trí số 1 tại Anh, Ca khúc hay nhất trong năm, Single hay nhất trong hơn 25 năm của Brit Awards… hoàn toàn xứng đáng với một tuyệt tác như thế, với chất Metal guitar khoáng đạt và lắt léo của May. Với Stanley, cây guitar của Kiss, đối thủ duy nhất của Queen trong những năm 80, thì không thấm tháp vào đâu so với những màn ảo thuật tung hứng của May. Chất giọng Opera cao vút của Mercury, với những ca từ cực kỳ đặc biệt: Bismillah, no! We will not let you go.. Galileo… (Thú thực là tôi cũng chẳng hiểu gì cả). Và trên tất cả là những bè hoà âm đan xem chằng chịt, với những đoạn thu chồng đến 180 lần (kinh khủng). Hết lớp này đến lớp khác, tưởng như nhạc của Queen vang lên từ một nơi nào xa lắm, nhưng có khi lại rất gần, như là chính ở trong đầu phát ra vậy. “Freddie là một người thật lắm ý tưởng, và cũng lắm trò.” May nói “Có khi đang thu, anh ấy chợt nói: Tôi muốn thêm “Galileo” vào chỗ này, và thế là chúng tôi thêm vào…”. Galileo… Gaileo… Galileo… Galileo… Cái điệp khúc ấy tưởng như không bao giờ chấm dứt được. Và cuối cùng. Freddie phải chêm vào đoạn “Difficult.. Oh..oh..oh….” với đoạn cuối cũng được kéo dài ra mãi, với mỗi tiếng “oh” lại là một lớp khác nhau. Trong tác phẩm này, tôi có cảm giác nghe 3 ca khúc cùng một lúc, mà ít nhất một trong số đó là nhạc kịch. Bắt đầu bằng tiếng Piano đều đặn tạo điểm nhấn, và cách ngắt nhịp nhún nhảy của Freddie. Có những lúc thì 3 ca khúc ấy nhập vào làm một, cái nọ đứng ngay sau cái kia, cùng vang lên một lúc, nhưng mỗi giai điệu lại trôi theo một dòng, mà 3 cái dòng đó lại hòa vào nhau tạo nên giai điệu mới đẹp làm sao. Cũng có lúc chúng tách biệt hẳn ra rất rõ, thì lúc ấy ta có thể tìm thấy cái hay của từng thằng một. Và dù có nghe bao nhiêu đi chăng nữa, thì vẫn thấy chiều sâu của nó còn nữa, vẫn sâu lắm, còn lâu mới chạm tới hết được, mà cũng có thể là chẳng bao giờ…