Categories Ban nhạc

SCORPIONS

Năm 1965,cũng giống như nhiều thanh niên khác sinh ra trong thời kỳ hậu chiến của nước Đức, Klaus Meine và Rudolf Schenker chịu ảnh hưởng của âm nhạc và những nếp sống mới xâm nhập vào đất nước của họ từ nước Mỹ với những Elvis Presley, kẹo sing-gum,quần jeans và áo da, nhưng hơn hết vẫn là sự ảnh hưởng của nhạc Rock ‘n Roll. Từ khi còn rất trẻ, cả hai đã có một niềm đam mê không thể cưỡng lại được, đó là ôm cây guitar và tìm đến những nơi có ánh đèn sân khấu.Đầu những năm 60, The Beatles khơi nguồn cho một cuộc cách mạng nhạc Beat,và ở khoảng giữa thập niên này, Rudolf và Klaus đã tham gia ở nhiều sân khấu nhỏ với beat band của họ. Năm 1965, Rudolf thành lập Scorpions tại Hanover. Cậu em trai của anh, Micheal Schenker (một tay guitar rất nổi tiếng với UFO và MSG) cũng như là Matthias Jabs, bị tác động sâu sắc bởi nhạc beat và trào lưu rock đang hình thành.
Tay guitar và cũng là nhà soạn nhạc Rudolf Schenker đã sớm bị ảnh hưởng lối chơi riff rock mạnh mẽ của những band như : The Yardbirds, Pretty Things và Spooky Tooth, những kẻ được coi là những Hard rocker thực thụ lúc bấy giờ. Đầu năm 1970, Michael Schenker với tài năng thiên phú đã rời nhóm Copernicus để cùng vào Scorpions với ông anh, và họ còn có thêm một thiên tài khác hợp sức để cho ra đời Scorps của chúng ta : ca sĩ – nhà soạn nhạc Klaus Meine. Chỉ một thời gian ngắn, Rudolf và Klaus đã hợp thành một bộ đôi sáng tác ăn ý, đặt nền móng vững chắc cho sự thành công của Scorps sau này. Năm 1972, album Debut của Scorps ra đời, và Lonesome Crow, một album được đánh giá rất cao, bắt đầu cho huyền thoại về “Những con bọ cạp “.
Thành phần ca sĩ và nhạc công của Scorps qua nhiều năm đã định hình nên một phong cách riêng của họ : nhạc mạnh, dồn dập với cách chơi guitar hard rock (phong cách mà Jimmy Hendirix, Cream và Led Zepplin đã tạo ra những năm 60). Thứ âm nhạc đặc biệt của Scorps được tạo ra từ sự kết hợp tuyệt diệu của hai cây guitar điện, một rhythm và một lead, những cú riff power mạnh bạo và những câu solo réo rắt, thêm vào đó là giọng nam cao trau chuốt và bóng bẩy của Klaus. Thành phần của Scorps đầy đủ hơn với sự góp mặt của bassist Joe Wyman và drummer Lothar Heimberg vào năm 1972. Bấy giờ có thể coi Scorps là Rockband duy nhất trên sàn Rock của Đức, bởi các ban nhạc khác chẳng mấy nổi bật. Ngay từ buổi đầu thành lập, Scorps đã hướng âm nhạc của mình vươn lên đỉnh cao của hardrock thế giới, do đó các sáng tác của họ đều viết bằng tiếng Anh. Sau thành công bước đầu của Lonesome Crow, ban nhạc đã có chuyến lưu diễn với tư cách chơi cổ vũ cho Rony Gallagher, Uriah Heep và UFO.

Trong lịch sử của Scorps, Rudolf Schenker là người có ảnh hưởng lớn nhất. Anh có lối sống triết lý thừa hưởng từ người cha “Không có gì là không thể, chỉ cần bạn tin vào điều đó”. Ngay khi Scorps vừa ra đời,anh đã tuyên bố : “Một ngày nào đó, chúng tôi sẽ trở thành một trong những tay Heavyrock số một thế giới. Đó cũng là tham vọng mà các thành viên của ban nhạc làm việc hết mình để đạt được. Quay lại năm 1973, sau khi lưu diễn chung với UFO, Michael đã khoái rock band nước Anh này và quyết định gia nhập. Scorps thay thế anh bởi Ulrich Roth, một tài năng guitar còn được ít người biết đến. Cùng với Ulrich, Scorps thực hiện các tour diễn khắp Tây Âu suốt những năm 1970. Cũng trong năm 1973, họ lưu diễn chung với The Sweet trong tour diễn vòng quanh châu Âu đầu tiên (trừ khu vực Đông Âu). Năm 1974, với thành phần gồm Klaus, Rudolf, Ulrich, Francis và Jorgen Rosenthan, Scorps cho ra đời album “Fly to Rainbow”, khắc hoạ một thứ Heavy Rock mạnh mẽ chưa từng thấy ở một rock ban nước Đức. Bản Speedy’s Coming trong album đặc trưng cho lối hard rock của Scorps : ultra-hardrock kết hợp với những giai điệu réo rắt, quyến rũ. Và khi bắt đầu thực hiện đĩa LP thứ ba năm 1975, Intrance, ban nhạc bước sang một trang mới trong lịch sử vĩ đại của mình khi được làm việc với nhà sản xuất lừng danh : Dieter Dierks. Scorpions khởi đầu huyền thoại về mình như vậy đấy.

“Intrance” trở thành RCA album bán chạy nhất ở Nhật Bản, nơi các rockfan như đang điên loạn vì “Những con bọ cạp”. Năm 1975 có lẽ là một năm thành công với Scorps, khi Scorps được mời đi lưu diễn khắp châu Âu và cùng chia sẻ vị trí dẫn đầu với Kiss. Ở Đức lúc này họ được bầu là band diễn live số một. Trong chuyến lưu diễn tại Anh cùng năm 1975, Scorps được vinh dự chơi ở CLB Cavern club, một huyền thoại của thành phố cảng Liverpool, nơi được mệnh danh là “Hang sư tử”. Ở đất tổ của Hardrock này, Scorps đã rất thành công trong việc giành tình cảm của những người Anh khó tính. Cũng trong năm này, Jorgen Rosenthal đã rời bỏ ban nhạc và Rudy Lenners thay anh quản lý dàn trống của Scorps. Album thứ tư năm 1976, Virgin Killer đạt giải “LP of the Year” ở Đức, giúp Scorps thoả ước nguyện trở thành rockband số một nước này. Ở Nhật, VK mang lại cho họ đĩa vàng đầu tiên. Album tiếp theo, Taken By Force năm 1977 tiếp tục giành đĩa vàng tại Nhật. Cảm động truớc tình cảm của các fan, Scorps quyết định lưu diễn ở xứ sở anh đào, thị trường âm nhạc lớn thứ hai thế giới này. Ở đây họ tìm thấy cái cảm giác của những “Super star”. Vừa hạ cánh xuống sân bay Tokyo, Scorps nghẹt thở trước vòng vây của hàng ngàn người hâm mộ. Nhưng tour diễn cũng đánh dấu một nỗi buồn cho band khi Ulrich Roth quyết định rời ban nhạc sau chuyến đi. Điểm sáng nổi bật và cũng là lời chia tay của Ulrich với ban nhạc là album đôi Tokyo Tapes (1978), một tuyệt tác của làng Rock. Cũng trong năm, tay trống (lại là trống) Rudy cũng nối gót Ulrich ra đi. Hình như Scorps không có duyên với cái bộ drum thì phải. Nhưng nhờ sự ra đi này mà chúng ta biết đến một tay trống tài ba hơn : Herman Rarebell.
Khi Ulrich Roth ra đi, trên tờ Melody Maker xuất hiện một mẩu tin hấp dẫn : Scorpions đang cần một lead guitarist mới. Ở London, họ đã thử việc 140 tay guitar triển vọng để rồi quyết định chọn người đồng hương Matthias Jabs. Thật đáng ngạc nhiên là anh này đã nhanh chóng hoà hợp với ban nhạc trong album Love Drive. Album này thành công rực rỡ khi được phát hành vào năm 1979, trở thành một trong những album bất hủ của Scorps. Điều đáng chú ý của Love Driver là album có sự đóng góp của cả hai anh em nhà Schenker. Michael quay lại và đã ghi âm thành công nhiều bài trong album này. Khi anh ra đi và lập ra MSG năm 1980, Scorps có dấu hiệu lục đục. Chính Matthias thành viên mới toanh lại là người tiếp sức sống cho ban nhạc. Anh lập kế hoạch, nghiên cứu thị hiếu âm nhạc và các công tác tổ chức của tour diễn cổ vũ cho album. Ở Matthias, Scorps tìm ra một tay lead sáng tạo, có trình độ kỹ thuật cao và giàu nhiệt huyết, góp một phần không nhỏ cho huyền thoại về “Những con bọ cạp”. Như một mảnh còn thiếu của bộ ghép hình mang tên Scorpions, kiểu chơi lead của Matthias Jabs hoàn toàn phù hợp với những âm thanh mạnh mẽ giàu sức sống vốn có của Scorps. Rudolf, Klaus và Matthias trởi thành linh hồn của ban nhạc và cùng với bassist Francis Buchholz và drummer Herman Rarebell, ban nhạc đã có được sự kết hợp hoàn hảo để tiếp tục cuộc chinh phục địa cầu.
Không dừng lại với việc được chào đón như những siêu sao trong tour Nhật bản năm 1978, năm 1979, Scorps lên kế hoạch chinh phục thị trường âm nhạc khổng lồ ở Mỹ . Trong những năm 1980, Mỹ là thị trường lớn nhất của các loại Rock nặng ký như hard rock và heavy rock. Ảnh hưởng của âm nhạc Scorps là rất lớn trong làng Rock Hoa Kỳ, bằng chứng là Eddi Van Halen khởi đầu sự nghiệp của mình giữa những năm 1970 với việc cover lại các bài hits của Scorps : Speedy’s Coming (Fly to Rainbow) Catch Your Train ( Virgin Killer )… Năm 1979, với sự làm việc không biết mệt mỏi của các thành viên, ban nhạc đã thực hiện tour diễn lớn đầu tiên ở Mỹ, nhưng thực tế chỉ là diễn mở màn cho AeroSmith, Ted Nugent và AC/DC.

“Love Drive” khi được tung ra ở Mỹ năm 1979 đã mang về cho Scorps đĩa vàng đầu tiên tại đây. “Animal Magnetism” ra đời năm tiếp theo. Với 2 album trong 2 năm liên tiếp, ban nhạc gần như đã hoàn thành việc chinh phục Bắc Mỹ. Tour diễn thứ 2 tại Mĩ, tên tuổi của Scorps đã nằm “túc trực” ở top đầu Billboard. Tiếp đó là hàng loạt các tour diễn khổng lồ. Sau các tour diễn lớn thành công khắp thế giới, khi đang ghi âm “Blackout” năm 1981, Klaus bất ngờ bị mất giọng. Không muốn đứng mãi trên vinh quang của Scorps, Klaus đã có ý định từ bỏ tất cả. Nhưng tình bạn thắm thiết giữa Rudollf – Klaus cũng như tình bằng hữu lâu năm giữa các thành viên trong ban nhạc đã khiến anh không thực hiện được ý định này. Sau một thời gian dài tập luyện và trải qua hai cuộc phẫu thuật dây thanh quản, chàng ca sĩ đã vượt qua được cú shock. Hơn thế nữa, khi trở lại sân khấu vào năm 1982, Klaus trình diễn một giọng ca ngọt ngào và quyến rũ như xưa, thậm chí với âm vực còn rộng hơn. Một nhà phê bình đã nói : “Người ta đã gắn cho Klaus một dây thanh quản bằng thép”. Quyết định nghỉ làm việc của ban nhạc để chờ đợi sự trở lại của Klaus sau này lại trở thành một cột mốc lịch sử đáng nhớ của Scorps. Họ tiếp tục nâng cao vị thế của mình với album “Blackout” (với phần bìa đĩa trình bày rất ấn tượng). Single “No One Like You” trong album leo ngày một nhanh trên US top ten trong khi chính album được bình chọn là “Album hard rock hay nhất trong năm” và nhận đĩa Bạch kim. Hết bài này đến bài nọ trong “Blackout” liên tục leo lên US Chart nên suốt những năm 1980, Scorps chiếm được cảm tình của hàng triệu Rock fan trên toàn thế giới. Năm 1984, họ trở thành ban nhạc Đức đầu tiên có 3 buổi diễn thành công rực rỡ trước 60.000 fan ở Madison Square Garden (New York). Cuối cùng thì “Vua bọ cạp” cũng đã hoàn thành cuộc leo núi lên đỉnh “Olympus of Rock”. Với 3 album toả sáng gần như cùng lúc trên các bảng xếp hạng ở Mỹ : Animal Magnetism (1980), Blackout (1982) và Love At First Sting (1984), Scorps được vinh dự đi lưu diễn liên tục trong vai trò “diễn viên chính” ở các Rock Festival lớn trên thế giới. Họ đi diễn khắp nơi với cả “hạm đội” xe tải thùng lớn, xe buýt khổng lồ, trực thăng, máy bay dân dụng riêng để chở nhạc cụ và các bộ phận sân khấu. Họ liên tục có mặt tại khắp Bắc, Trung, Nam Mĩ và Châu Âu. Ở Châu Á họ đi tour ở Malaysia, Thái Lan rồi đến Philipines, Nhật Bản. Đó là thời hoàng kim của Heavy Rock. Với những sân khấu đồ sộ, kỹ thuật ánh sáng hiện đại và những chuyên gia về pháo hoa tài ba, các buổi diễn của Scorps luôn tràn ngập âm thanh ánh sáng và sự cuồng nhiệt.

Năm 1985, đĩa đôi World Wide Live, một bản sao của Tokyo Tapes năm 78, khẳng định một cách đầy ấn tượng thành công của ban nhạc trên phạm vi toàn thế giới. Scorps nổi bật nhất trong Festival các huyền thoại nhạc rock và được mời lưu diễn ở Budapest, thủ đô của Hungary và cũng là lần đầu tiên họ xuất hiện ở một nước Đông Âu. Lúc này cái tên Scorps đã quá quen thuộc với những bản hard rock tuyệt vời của mình như Rock U Like A Hurricane, Noone like U, Blackout… có mặt khắp các bảng xếp hạng trên thế giới. Suốt những năm 1980, họ cũng đã tìm tòi và nghiên cứu sáng tạo ko ngừng để tạo ra một loại Modern Hard Rock mà ngày nay khá phổ biến. Những bản Power ballad thực thụ của Scorps như Still loving U, Holiday… và sau này là Send Me An Angel hay Wind of Change, Always Somewhere đã chinh phục được những Anti-fan khó tính nhất của Hard rock.
Album cuối cùng mà ban nhạc còn làm việc chung với Dieter Dierks, Savage Amusement, ra mắt đầu năm 1988. CD này nhanh chóng leo lên vị trí số 3 tại US chart và số 1 tại EU. Không chịu ngủ yên trong vinh quang, ban nhạc lại tiếp tục cuộc tìm kiếm những thử thách mới, cho nên câu chuyện về họ lại tiếp tục…..

Trong phần đầu của Tour diễn Savage Amusement quanh thế giới năm 1988, Scorpions có một quyết định táo bạo là xuyên thủng “Bức màn thép” Đông-Tây Âu để thực hiện 10 buổi diễn thành công rực rỡ tại Leningrad trước 35 vạn fan Soviet. Và Scorps lại ghi tên mình vào lịch sử khi trở thành nhóm Hard Rock đầu tiên trên thế giới chơi tại Liên Bang Soviet, cái nôi của Chủ Nghĩa Cộng sản. Hard rock, Heavy metal và đặc biệt là Still Loving You đã góp phần xuyên thủng sự ngăn cách Tây-Đông Âu. Một năm sau, 8/1989 những nhà cầm quyền Soviet đã chấp nhận thực hiện Festival “Âm nhạc vì hoà bình” ở Moscow. Tại đây ngoài Scorps còn có những đại gia khác như Bon Jovi, Motley Crue, SkidRow, Cinderella, Ozzy Osbournes và một band người Liên Xô là Gorky Park. Festival diễn ra tại SVĐ Lê-nin (Moscow) với sự tham dự của hơn 260.000 Rockfan. Tháng 9 cùng năm, ấn tượng sâu sắc về Festival tại Moscow, Klaus đã viết nên bài hit bất hủ của ban nhạc : Wind Of Change. Sau đó, đến tháng 11, một sự kiện trùng hợp đáng kinh ngạc xảy ra mà cả ban nhạc và cả các fan đều ko hề nghĩ tới : sự sụp đổ hoàn toàn của “Tường thành Berlin”. Khắp thế giới, Wind of Change trở thành bản thánh ca Rock của xúc cảm và sự tuyệt mỹ, là nhạc nền cho cảnh tượng hàng rào Đông-Tây Âu bị phá bỏ, sự sụp đổ của Chủ nghĩa Tư sản và sự kết thúc của Chiến tranh lạnh. Một năm sau, Scorps biểu diễn tại Postdamer Platz, nơi một mảng của Bức tường còn sót lại trong một tuyệt phẩm của Rogers Walter : “The Wall “. Họ cũng thu âm một bản Wind of Change Russian Version, nhờ đó họ có một fan khá đặc biệt. Năm 1991, những thành viên của ban nhạc được mời đến điện Kremli để diện kiến một VIP, Mikhail Gorbachev, nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước cuối cùng của Chính quyền Soviet. Đó là sự kiện độc nhất vô nhị trong lịch sử Rock và lịch sử Liên Xô.

Album Crazy World năm 1990 tiếp tục trở thành album thành công rực rỡ nhất trong năm này. Điều đặc biệt của album là do tự tay Scorps sản xuất. Wind of Change cũng trở thành đĩa đơn số một thế giới năm 1991, đứng đầu bảng ở 11 quốc gia. Năm 1992, ban nhạc vinh dự nhận World Music Award -WMA cho nghệ sĩ Rock thành công nhất. Vào cuối tour diễn Crazy World 1992, Scorps lại thay đổi nhân sự, các fan của Bọ Cạp buồn bã chia tay con Bọ Cạp thầm lặng nhưng lại đóng góp rất lớn : bassist Francis Bucholz. CD Face the Heat năm 1993 đánh dấu sự xuất hiện của tay bass mới Raph Riekerman. Scorps nhận giải thưởng WMA lần nữa vào năm 1994.

Trong chương trình Hoà nhạc tưởng niệm Vua Rock ‘n’ Roll tại Memphis, Tenessee, Scorps được Priscilla và Marie Presley mời diễn và họ đã cover bản His Latest Flame. Cũng trong thời gian này họ giúp đỡ Liên Hợp Quốc trong việc đấu tranh vì quyền lợi người tị nạn ở Rwanda. Chỉ trong một tuần, họ đã sản xuất và ghi âm xong White Dove.

Cuối năm 1995, tay trống kỳ cựu Herman ” the German” Rarebell cũng đã ra đi. Người thay thế anh cho đến hiện tại là James Kottak (cựu thành viên nhóm Kingdom Come), một tay trống tài năng đến từ Caliornia. Và James đã trở thành người Mỹ đầu tiên chơi trong một ban nhạc Rock của Đức.

Câu chuyện lịch sử của Scorpions vẫn còn kéo dài đến hiện tại. Tuy nhiên với cá nhân tôi,lịch sử là những gì thuộc về quá khứ. Câu chuyện huyền thoại của The Scorpions sẽ vẫn tiếp tục trong tâm hồn những người yêu nhạc của họ…