Categories Rock Thế giới

40 năm Woodstock

Woodstock 1969 là
cực điểm của văn hóa phản chiến, cho tinh thần tự do của giới trẻ Mỹ.
Sức lan tỏa của nó rộng ra trên khắp thế giới

Cuối
năm 1968, nhạc sĩ trẻ Michael Lang cùng 3 người cộng sự Artie Kornfeld,
John Roberts và Joel Rosenman nảy ra ý định tổ chức một festival nhạc
rock ở thị trấn Woodstock thuộc bang New York. Họ lập ra công ty
Woodstock Ventures nhằm tổ chức sự kiện này thu lời.

Đêm đại nhạc hội đáng nhớ ở Bethel

Nhóm 4 người này thoạt đầu thuê 1,2 km2 ở thị trấn Wallkill (New
York) làm địa điểm tổ chức với giá 100.000 USD. Nhưng dân ở thị trấn
nhỏ này phản ứng dữ dội bởi họ ngại dân hippie sẽ kéo đến xéo nát thị
trấn của họ.

Vậy là nhóm 4 người phải sang thị trấn bên cạnh là Bethel để thuê
trang trại của một ông chủ trại nuôi bò sữa có tên là Max Yasgur làm
địa điểm. Khu trang trại này rộng 2,4 m2 nhưng giá thuê rẻ hơn, chỉ có
75.000 USD. Michael Lang nói với chính quyền Bethel rằng chỉ có khoảng
50.000 người đến dự festival này nhưng thực tế, họ in ra hơn 100.000 vé
để bán.

Có tổng cộng 32 ban nhạc và ca sĩ nhận lời tham gia, trong đó có
CCR, The Who, Grateful Dead, Joan Baez, Carlos Santana, Janis Joplin và
cái tên thu hút nhất là Jimi Hendrix.

Ngày đó, giới trẻ Mỹ bế tắc bởi cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt
Nam, bởi chính phủ bảo thủ, bởi quyền con người bị chà đạp. Họ cần có
một nơi để giải tỏa năng lượng. Woodstock 1969 cho họ cơ hội đó. Hơn
400.000 thanh niên đã đổ dồn về Bethel để dự 3 đêm nhạc từ ngày 15 đến
18 – 8-1969.

Ngần đó người đậu xe hơi ken cứng vài dặm đường khiến các ca sĩ và
nhóm nhạc phải đi trực thăng từ một sân bay nhỏ gần đó đến sân khấu
biểu diễn. Richie Havens mở màn lúc 5 giờ chiều 15-8 và Hendrix kết
thúc vào sáng 18-8. Liên tục mấy đêm như vậy, trai gái say sưa trong âm
nhạc, ma túy, tình dục và tự do. Họ quên đi tình trạng thiếu thức ăn,
thời tiết xấu với mưa, sét. Họ đến đó với một ảo tưởng họ đang thay đổi
thế giới. Nhưng thật lạ, ngần đó con người mà không xảy ra một vụ ẩu đả
nhỏ nào.

400.000 đổ về sân khấu ở Bethel dỡ tung tất cả các hàng rào làm ý đồ
thu lời từ tiền bán vé của nhóm Michael Lang thất bại. Nhưng bù lại
album thu từ Woodstock 1969 và bộ phim tài liệu về sự kiện này bán rất
chạy. Hai sản phẩm này cứu hãng Warner Brothers, hãng đầu tư cho nhóm
Michael Lang, khỏi sự phá sản. Phim tài liệu về Woodstock của Michael
Wadleigh còn giành giải Oscar năm 1971.

Chất liệu cho Wadleigh làm phim trong 4 ngày đó ngồn ngộn: sự thiếu
thốn, cực hình, tình dục, ma túy, sự cuồng nhiệt âm nhạc, tư tưởng tự
do, hàng bầy người khỏa thân… Ngoài ra là những sự kiện trớ trêu: 2
ca sinh nở, 4 vụ hư thai, một người bị máy cày cán chết khi ngủ, một
người chết vì dùng ma túy quá liều…

“Woodstock 1969 không phải một cuộc cách mạng nhưng nó gieo mầm hạt
giống cho những sự thay đổi trong xã hội Mỹ sau đó”, Michael Lang nhận
xét, “Đó là khoảnh khắc có hy vọng và ánh sáng giữa một thời kỳ tăm
tối”.

Thương mại hóa và loạn đả

Sau này, trong các năm 1994 và 1999, Michael Lang cũng đứng ra tổ
chức nhạc hội ngoài trời Woodstock nhưng tất nhiên chúng không gây
tiếng vang và có tầm vóc như năm 1969. Chúng bị thương mại hóa,
Woodstock 1999 còn xảy ra những trận loạn đả.

Năm nay, kỷ niệm 40 năm festival Woodstock 1969, Michael Lang cũng
có ý định tổ chức một Woodstock vào cửa tự do. Ông dự tính mời các nghệ
sĩ còn sống từ 40 năm trước và các ban nhạc mới biểu diễn cùng lúc ở
New York và sân bay cũ Tempelhof ở Berlin, nối với nhau qua vệ tinh
truyền hình. Nhưng ý định này không thực hiện được vì kẹt trong khâu
gọi tài trợ. Do đó, Lang thay thế bằng một buổi hòa nhạc ở khu Brooklyn
(New York) vào tháng 9-2009.

Tuy nhiên, những người hâm mộ nhạc rock và hoài tưởng tinh thần
Woodstock 1969 có thể tham dự nhạc hội WoodFest ’09 diễn ra trong 3
ngày 14, 15, 16-8 ở bang Oklahoma. Nhạc hội này do Dave Weisser, một
nhà sản xuất phim, bỏ tiền tổ chức. Các ban nhạc đến WoodFest ’09 sẽ
diễn các nhạc phẩm bất hủ trong những năm 1960 của Led Zeppelin, Jimi
Hendrix, Pink Floyd, The Doors…

Mới đây nhất, bộ đĩa DVD “Woodstock: 40th Anniversary Edition” cũng
được xuất bản để kỷ niệm Woodstock 1969. Bộ phim “Taking Woodstock” của
đạo diễn Lý An vừa đem đi dự LHP Cannes cũng là bộ phim đáng xem đối
với những tín đồ nhạc rock. Trong dòng chảy của rock, âm nhạc, văn hóa,
tư tưởng, Woodstock 1969 vẫn luôn chiếm một vị trí đặc biệt.

(theo ThanhNiên)