Sgah’gahsowáh, nghệ sĩ đằng sau dự án one-man band Blackbraid, kết hợp chất nhạc nặng tai truyền thống của black metal với chủ đề thiên nhiên hoang dã đậm dấu ấn văn hoá thổ dân châu Mỹ.
Nhắc đến black metal, người bình thường nghĩ ngay về hình ảnh bầu trời xám xịt, những dải tuyết dài của xứ Scandinavia và thần thoại Bắc Âu. Còn đa số người có nghe nhạc biết ít nhiều về black metal, sẽ liên tưởng đến những vụ đốt nhà thờ và án mạng đầy chấn động tại Na Uy vào thập niên 1990 (Những sự kiện này được ghi lại trong cuốn sách “Những Chúa Tể của Hỗn Loạn”, được chuyển thể thành phim vào năm 2019, Rory Culkin vào vai Euronymous, một người chơi nhạc theo chủ nghĩa thần bí, thù ghét nhân loại).
Nhưng hiện nay, black metal đã mở rộng ranh giới, và trở nên đa dạng hơn. Nó đa dạng đến độ câu chuyện thành công gần đây nhất của dòng nhạc này là ban nhạc one-mand band Blackbraid, có nguồn gốc là thổ dân da đỏ, sinh ra và lớn lên từ rặng núi Adirondacks của Bắc Mỹ thay vì có nguồn gốc Viking từ dãy núi Scandinavia hay châu Âu thời Trung Cổ.
“Tôi không muốn sáng tác ra một thứ gì đó vô căn, hay trở thành một người thổ dân Bắc Mỹ đi viết về Thor hoặc Odin, những thứ không hề liên quan gì đến cá nhân tôi – Tôi muốn làm ra một album black metal, lấy chất liệu âm thanh truyền thống của thổ dân Bắc Mỹ, nhưng nội dung của nó phải là thứ gì đó thuộc về căn tính của mình,” Sgah’gahsowáh (tiếng Mohawk, nghĩa là đại bàng phù thuỷ), người sáng lập của Blackbraid, chia sẻ trong một video được thu vài tuần trước khi ra mắt album mới Blackbraid II.
Âm nhạc trong album mới khá truyền thống, và phụ thuộc vào các cấu phần khá “kinh điển” của black metal: vocal bị xé toạc ở âm độ cao, nền nhạc dồn dập cuồng bạo, và tiếng guitar rền rứ như lũ ong đập cánh đầy giận giữ.
Tuy nhiên, vẫn còn đó giữa những âm thanh ấy là tiếng guitar acoustic phát lên đầy tinh tế, hoặc tiếng sáo truyền thống của thổ dân. Guitar riff bắt tai, dễ chú ý nhất là trong bản nhạc “The Spirit Returns”, song song với những bản nhạc dài hơi, tham vọng hơn như bản “Moss Covered Bones on the Altar of the Moon” có thời lượng trên 13 phút, nhịp điệu nhạc biến đổi như một thiên sử thi hùng tráng.
Là một one-man band, Blackbraid tỏ ra khá ấn tượng về cách chơi nhạc: Sgah’gahsowáh biên soạn chất liệu và chơi tất cả nhạc cụ ngoài trừ trống được lập trình bởi người bạn tên Neil Schneider. (Schneider đồng thời là người thu âm, mix, và master album mới. Blackbraid khi chơi live sẽ gồm có 5 nhân sự)
Sgah’gahsowáh lớn lên ở một địa danh không xa nơi anh đang sống hiện tại, và bắt đầu chơi guitar, nghe nhạc metal từ cuối thập niên 1990, đầu những năm 2000, khi mà anh chỉ mới “vừa mới bước chân vào trường cấp 2”. Tuy nhiên, anh không mặn mà với những phong cách nhạc đã phổ biến ở Mỹ, như thrash metal với các tên tuổi của Metallica và Megadeth, hay death metal, một thể loại nhạc tàn bạo lúc đó vừa vào độ chín của xứ Florida.
Anh chia sẻ thêm rằng “Rất nhiều nội dung của black metal thuần tuý nói về trầm cảm hoặc sự buồn bã, mà phần lớn trong số đó là dựa trên nỗi cô đơn và ảm đạm của thiên nhiên”, việc lớn lên giữa những cánh rừng cũng khiến anh “trở thành một thiếu niên đầy ưu tư”, “và thế là tôi thích âm nhạc còn nhiều hơn thế”.
Sau một vài nỗ lực không có mấy thành quả cho lắm khi chơi nhạc ở địa phương, anh thành lập Blackbraid như một hành trình chơi nhạc solo và ra mắt single đầu tiên mang tên, “Barefoot Ghost Dance on Blood Soaked Soil,” vào tháng 2 năm 2022. 18 tháng sau đó, Sgah’gahsowáh đã lận lưng thêm cho mình hai album nữa, sau khi đã được chơi tại các sự kiện âm nhạc metal lớn có tiếng của châu Âu như Hellfest hay Copenhell. Mới đây nhất là Midgardsblot, một chương trình fest diễn ra tại một khu sinh sống cũ xưa của người Viking trước đây tại Na Uy, diễn ra tháng 8 vừa qua.
“Tôi bỏ công việc vào năm ngoái, tháng 4 hay tháng 5 gì đó, và 1 năm trở lại đây thì Blackbraid trở thành sự nghiệp chính của tôi” – Anh cho biết thêm, (trước đây anh là thợ mộc) – “Thấy cũng khá là điên rồ.”
Lẽ thường tình, cái gì vụt sáng nhanh quá thì cũng khiến lắm kẻ hoài nghi, đặc biệt là trong một dòng nhạc ngách có nhiều người đam mê thuần tuý như black metal, nơi mà những bản nhạc được ra mắt theo kiểu siêu-giới-hạn trở thành huy hiệu cho một ban nhạc black metal chân chính.
Schneider, người thu âm cho Blackbraid, chia sẻ qua video call: “Tôi đọc ở đâu đó rằng hình như Blackbraid được sự hậu thuẫn rất mạnh của ngành âm nhạc và tôi tự nghĩ, ‘Ủa bạn, black metal còn không đủ lớn để được gọi là ngành cơ!”. Anh cười lớn. Blackbraid không ký hợp đồng với bất kỳ một label nào, họ tự phát hành sản phẩm của mình.
Mặc dù black metal không phát triển một cách kề cận với các dòng nhạc mainstream, trong hai thập kỷ vừa qua, nó đã có sự mở mang trên đất Mỹ, nơi mà người ta vẫn gọi nó với cái tên là USBM. Trong đó, scene nhạc có sự hiện diện của người bản địa châu Mỹ dần khởi sắc hơn với các dự án như Night of the Palemoon ở California hay các ban nhạc khác như Pan-Amerikan Native Front, Ends Embrace, và Ixachitlan.
“Black metal chắc chắn đã trở nên đa dạng hơn trong 10, 15 năm trở lại đây,” Daniel Lukes, đồng biên tập viên của bộ sưu tập được ra mắt gần đây, “Black Metal Rainbows,” chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn qua video. “Nó đã trở thành nơi mà người ta cảm thấy thoải mái chia sẻ căn tính của họ, cho dù đó là về bản dạng giới hay chủng tộc. Một ban nhạc như Blackbraid chắc chắn là một phần trong sự cởi mở này. Mặt khác, mối quan hệ với bản dạng về chủng tộc hoặc căn tính của người Thổ dân, về truyền thống hay di sản của họ, đã tồn tại trong black metal ngay từ khi black metal được du nhập.”
Những chủ đề truyền thống của black metal như lịch sử, các huyền thoại, hoặc pagan giáo, khiến dòng nhạc này trở thành một mảnh ghép phù hợp trong cách chơi nhạc của Sgah’gahsowáh — anh lựa chọn nghệ danh này để tôn vinh vùng đất nơi mình sinh sống thay vì để tôn vinh một tổ tiên cụ thể, do anh được nhận làm con nuôi từ nhỏ. (Bạn của anh gọi anh là Jon, nhưng anh tỏ ra thận trọng trong việc giới thiệu họ của mình, anh cho phép người khác tìm kiếm thông tin đó từ trên mạng, nhưng anh sẽ không chia sẻ về nó, về nơi anh sống, để bảo vệ sự riêng tư cho gia đình).
“Có quá nhiều người bản địa Bắc Mỹ bị buộc phải rời bỏ đất đai của họ trên lục địa này, và có một cách hiểu sai thường thấy là tất cả chúng tôi lớn lên ở những khu bảo tồn cũng như được tiếp cận với các cộng đồng thổ dân của mình”, anh nói. “Đó cũng là cách tôi nhìn nhận khi thành lập Blackbraid – Tôi muốn tiếp thêm sức mạnh cho họ, cũng như những người đang bị ‘ghi danh’ và sống ở những khu bảo tồn.”
Sgah’gahsowáh cũng kết nối black metal với các yếu tố truyền thống của người Bản địa thông qua cách vẽ mặt cách điệu dùng màu trắng đen của black metal khi biểu diễn, gọi là corpse paint; cách vẽ mặt hiện tại của anh ít dùng các thiết kế kiểu Scandinavia hơn.
“Khi nhìn vào các kiểu vẽ mặt chiến tranh truyền thống ở Bắc Mỹ, trông chúng không có gì khác biệt với corpse paint cả,” Anh nói. “Tôi vẫn luôn nhìn corpse paint như là một thể loại vẽ mặt war paint truyền thống khi trình diễn với Blackbraid. Nó đã có sẵn sự pha trộn hoàn hảo với thẩm mỹ của black metal rồi.”
Một trong những lý do tập người nghe nhạc của Blackbraid đang mở rộng là vì anh ấy đã mở ra một nguồn cảm hứng to lớn cho mọi người đối với black metal, một suy nghĩ vốn sẵn có trong tâm trí của mọi người: sự kết nối với thiên nhiên và các hệ sinh thái của chúng ta.
Tư tưởng này đã luôn là một phần trong nền âm nhạc black metal của Bắc Âu (vô số các bài hát về mùa đông và những video âm nhạc có nội dung phiêu du qua vùng băng tuyết) và nó cũng đã khởi phát trong một bộ phận của cộng đồng nhạc USBM, được các ban nhạc hướng đến chủ đề thiên nhiên dẫn dắt, như Agalloch, Wolves in the Throne Room và Panopticon. Bản nhạc “Sacandaga,” trong album đầu tay của Blackbraid, có lời bài hát nói về chủ đề này, và video đi kèm cũng đầy những hình ảnh rừng thông và núi đồi hùng vĩ.
“Hầu như mọi thứ tôi viết là sản phẩm của thiên nhiên,” Sgah’gahsowáh chia sẻ, anh tự nhận mình là “một người sống trong rừng, thích câu cá, và những thứ đại loại như thế,” đồng thời là một người đam mê leo núi. “Tôi muốn tiếp thêm sức mạnh cho người bản địa, đó là một điều lớn lao khác, nhưng gốc rễ của nó, vẫn là về thiên nhiên.”
Anh nói thêm rằng: “Tôi muốn ôm trọn mối quan hệ đó và đưa nó vào âm nhạc của mình, để mọi người cũng cảm nhận được nó – đặc biệt là những ai chưa có nhiều thời gian để sống trong thiên nhiên, hoặc sống ở những nơi không tiếp cận được với nó. Tôi thật sự muốn điều đó bùng sáng nhất trong âm nhạc của tôi.”
(Lược dịch bài viết trên báo The New York Times đăng ngày 6/7/2023. Ảnh minh hoạ: Viberate.com, New York Times, metal-archives.com)