Categories Đời Sống

Nguyễn Đạt: rock là lẽ sống

Mới hôm trước ngày cuối cùng của tháng năm, Da Vàng trình diễn cùng Mắc Xích tại một sàn diễn rock mới tinh ở quận 5. Còn trước nữa là chuyến xuất ngoại đại diện VN tham dự Liên hoan các ban nhạc rock ASEAN tổ chức tại Singapore (2-2007).

Bất cứ chương trình, sàn diễn nào có lòng với rock là Da Vàng luôn sẵn sàng đáp lại bằng cách đến diễn hết mình. Nguyễn Đạt nói anh chỉ muốn được thỏa nguyện chơi nhạc theo ý thích và gặp gỡ thường xuyên các rockfan đích thực của mình.

Nhìn bề ngoài của Nguyễn Đạt với mái tóc dài, cặp kính hao hao John Lennon, luôn xuất hiện với quần jean và áo pull màu sậm, người ta có thể hiểu tại sao không gọi Nguyễn Đạt là nghệ sĩ, nhạc sĩ hay nhạc công mà quen gọi là “Đạt rocker”.

Quá trình đến với âm nhạc của Đạt cũng khá ly kỳ. Thuở nhỏ anh chưa bao giờ chơi đàn, đùng một cái khi học năm lớp 12 Trường THPT Phú Nhuận, Đạt lại bắt đầu tìm kiếm, sưu tầm không biết bao nhiêu tài liệu, sách báo, băng đĩa, video… về rock (lúc bấy giờ cực kỳ hiếm hoi). “Tại sao mình không thử lập ban nhạc?” – Đạt tự hỏi và giải quyết ngay bằng cách rủ bạn bè học trò Quang Thắng (sau này là thủ lĩnh nhóm rock Atomega vang tiếng một thời), Lộc, Hùng… cùng tập đàn, hát cover các ca khúc của Bee Gees, Black Sabbath…

Năm 1981, khi 17 tuổi, Đạt sắm được cây guitar điện đầu đời và hứng chí tự học, tự tập đàn như điên mỗi ngày. Một kỷ niệm không quên thời đó là ban nhạc của Đạt được Trường Phú Nhuận cho sử dụng một kho đồ nhạc cụ cũ. Cả nhóm hì hục phủi bụi, quét mạng nhện để lôi ra nào là guitar cũ mang đi nối dây đàn lại, bộ trống được ráp nối thành dàn, ampli thì Đạt mang về nhà nhờ bố sửa giùm… Đến một ngày nọ cả ban nhạc chơi đàn trước cửa nhà kho ầm đùng, khiến thầy giáo dạy nhạc trong trường đi ngang phải tròn mắt ngạc nhiên về loại nhạc rock mà đám học trò đang đánh say mê.

Sau thời ban nhạc học trò, Nguyễn Đạt chính thức bước chân vào con đường chơi nhạc chuyên nghiệp với những ban nhạc như Demons, Guitar Xanh, E# (Mi Thăng)… trong suốt thập niên 1980. Bấy giờ sàn diễn ca nhạc không có kỹ thuật nhạc đệm playback như bây giờ nên các ban nhạc rất đắt sô và được trọng thị. Các nhạc công được dịp trui rèn tay nghề và cọ xát nghề nghiệp rất thường xuyên.

Khả năng chơi guitar của Nguyễn Đạt hoàn thiện dần. Đến năm 1991 Đạt lập ban nhạc Da Vàng và trở thành tay lead guitar kiêm hát chính.

“Đặt tên Da Vàng vì chúng tôi muốn chơi những ca khúc rock do chính mình sáng tác” – Đạt kể và quả thật Da Vàng ngoài việc chơi cover nhạc ngoại đã tự tin trình làng những sáng tác riêng (rất hiếm hoi trên sàn diễn rock lúc bấy giờ tại TP.HCM).

Khoảng thời gian đầu thập niên 1990 khá “huy hoàng” với rock Việt và cũng nhờ vậy mà tên tuổi Da Vàng với bộ tứ Nguyễn Đạt – Hoàng Tuấn – Lê Quang và Minh “trống” thăng hoa nhanh chóng: giải nhì liên hoan pop rock toàn thành tổ chức tại NVH Thanh niên năm 1992, là ban nhạc trụ cột của các chuỗi đêm diễn rock tại NVH Thanh niên năm 1994, nổi bật tại liên hoan pop rock Đồi Hoa Vàng năm 1997…

Những sáng tác “rock Việt hóa” của Da Vàng được các tín đồ rock đón nhận hào hứng: Tấm gương kỳ diệu, Biển tình yêu, Bạch Đằng giang, S.O.S, Vòng tay bè bạn

Năm 2000, Da Vàng ra mắt một album rock đầy đặn mang tựa S.O.S là đứa con tinh thần mà Nguyễn Đạt “mang nặng đẻ đau” từ nhiều năm trời với bao công sức. Tiếng guitar của Đạt luôn máu lửa khi trình diễn ở bất cứ đâu, còn giọng hát thì nhanh như gió cuốn của dòng thrash metal.

Nhiều năm trôi qua, có rất nhiều thay đổi về thành viên trong ban Da Vàng. Vị trí bass, trống thay đổi liên tục, ngay cả cây guitar đồng sáng lập Da Vàng là Hoàng Tuấn cũng có thời gian đi làm ở Campuchia mấy năm, còn bass Lê Quang đã chuyển hướng hoạt động ở thị trường nhạc nhẹ từ mười năm qua (nay trở thành người biên tập chương trình và người sáng tác), thế nhưng Nguyễn Đạt vẫn là thủ lĩnh duy trì ban nhạc của mình để Da Vàng không bao giờ tan rã.

Nguyễn Đạt giải thích: “Tôi phải đi theo con đường của riêng mình. Ở một khía cạnh nào đó, chơi rock là nghệ thuật vị nghệ thuật chứ không phải nghệ thuật vị nhân sinh. Tôi chơi rock theo tinh thần của mình, công chúng tự cảm thụ theo ý thích của công chúng. Hai bên nếu tìm được sự giao cảm, đồng điệu thì thật tuyệt vời”.

Để dung dưỡng tình yêu với rock, Nguyễn Đạt chọn cách chơi nhạc hằng đêm ở các quán bar Sài Gòn (hiện anh chơi ở Sax’n Art của Trần Mạnh Tuấn và Chu bar). Anh nói: “Chơi underground music hằng đêm tôi rất sướng vì thoải mái hát những ca khúc mình thích, có lượng khán giả phù hợp trong một không khí đặc trưng của giải trí và thư giãn”.

Với rock, Nguyễn Đạt xem đó là một triết lý, một lẽ sống. Anh giải thích niềm đam mê rock trung thành của mình: “Tôi yêu rock vì rock luôn hiện thân cho sự phát triển. Rock không đạp đổ những chuẩn mực cũ, rock chỉ phát huy và tạo thành những chuẩn mực mới. Đến với rock là tìm một tiếng nói, một thông điệp, một con đường mới…”. Đạt còn cực kỳ tâm đắc rock vì thể loại nhạc này dễ dàng cho ra đời những sáng tác giàu ý nghĩa, đề cập nhiều khía cạnh đời sống con người chứ không chỉ quá đổ dồn vào đề tài tình yêu.

The image “https://hehemetal.com/gallery/data/media/1/dat.jpg” cannot be displayed, because it contains errors.

Nguyễn Đạt nhìn về các ban nhóm rock thế hệ sau này ở TP.HCM bằng cặp mắt quan tâm: “Nhiều ban như Unlimited hay Prophecy đã đạt trình độ chuyên nghiệp và đặc biệt gây thú vị cho khán giả bởi họ chơi nhạc với phong cách chuyên nghiệp và lộ rõ tình yêu rock đích thực. Nếu TP.HCM có một sân chơi rock tổ chức định kỳ thường xuyên, các nhà tổ chức, hãng sản xuất băng đĩa chú ý, đầu tư khai thác địa hạt rock, tôi cam đoan các ban nhạc rock trẻ sẽ tiến rất xa và rock sẽ có chỗ đứng thật sự trong đời sống âm nhạc”.

Mặt khác, Nguyễn Đạt lại không thích hiện tượng gần đây của một số ca sĩ chạy theo phong trào, muốn hát rock nhưng không hiểu gì về rock và chỉ xem rock như một hình thái bề nổi trang điểm nhất thời cho cuộc chạy đua thị hiếu.

Da Vàng sẽ tồn tại đến bao giờ? Một buổi chiều bên ly cà phê, Nguyễn Đạt nghe người đối diện hỏi và anh cũng tự hỏi. “Bạn có nhớ ban Rolling Stones không? Họ vẫn biểu diễn như những hòn đá lăn mãi. Chừng nào đá còn lăn thì Da Vàng vẫn còn diễn!” – người rocker lâu năm của đất Sài Gòn nói vui. Rồi anh bày tỏ mục tiêu sắp đến: ra một album thứ hai của Da Vàng với những ca khúc rock mới theo dòng progressive metal cải biến đa dạng kiểu DreamTheater. Bài hát tiêu biểu của album có thể là bản sáng tác gần nhất mang tựa Tìm đến nhau. Trong đó – cũng như ca khúc Vòng tay bè bạn giàu ý nghĩa rất được giới trẻ yêu thích trước đây – Nguyễn Đạt tâm đắc rằng sống ở đời con người ta nên tìm đến nhau để trao cho nhau những yêu thương.

Bao nhiêu năm qua, phong trào rock Việt hóa ở Sài Gòn có không biết bao nhiêu ban nhóm rock lập nên rồi ly tan, có biết bao nhạc công theo đuổi miệt mài rồi dừng lại… Vậy mà Nguyễn Đạt vẫn trụ sừng sững với ban Da Vàng mà anh lập ra từ năm 1990 như một “chứng nhân sống” cho phong trào rock Sài Gòn.

Mảnh đất và con người Sài Gòn phóng khoáng, dễ thích nghi và tiếp nhận cái mới trong gu thưởng ngoạn nghệ thuật vốn dĩ dễ tạo cơ hội cho một dòng nhạc, thể loại nhạc như rock phát triển. Thế nhưng rock đã trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm, lúc tắt ngúm, khi lóe sáng… Vậy nên mới thật dễ nể làm sao khi có những rocker trung thành với nghề, trọn tình với rock bền bỉ vượt thời gian như Nguyễn Đạt.

(Trung Nghĩa)