Nguyễn Đạt: “Không nên áp đặt ý kiến lên người khác”

Ca khúc gây sốc, thời gian qua, đã trở thành một đề tài nóng bỏng trên các diễn đàn chính thống lẫn không chính thống. Mỗi bên, bênh vực và phản đối, đều có lý lẽ của riêng mình. Và bởi vì mỗi bên lại có cách hiểu khác nhau về khái niệm ca khúc gây sốc mà cuộc khẩu chiến, bút chiến, "bàn phím chiến" vẫn chưa dừng lại.


Hầu hết những người anti-shock đều nhắm vào ca từ của "dòng nhạc hát nói" để phê phán trong khi trên thực tế chuyện ca khúc gây sốc không chỉ nhỏ bé như thế. Ca từ nhạc rap, hip-hop, hoà thanh, âm nhạc, tư tưởng trong rock… cũng là những cái cần phải được xem xét thấu đáo trước khi nói đến chuyện "chấn chỉnh". Đặc biệt là, âm nhạc, như một mảng của đời sống văn hóa, không thể không có sự liên quan mật thiết với các mảng văn hóa khác như văn học, mỹ thuật, điện ảnh… Nếu không thấy ca khúc gây sốc trong mối tương quan giữa nó với các thành tố âm nhạc khác cũng như với các mảng khác của văn hóa nghệ thuật, việc chấn chỉnh ca khúc gây sốc khó tránh khỏi chủ quan, phiến diện mà nguy hiểm hơn là có thể ngăn chặn quá trình phát triển sáng tạo.

Thêm một ý kiến xoay quanh chuyện ca khúc gây sốc, mời các bạn cùng chúng tôi trò chuyện với rocker Nguyễn Đạt.

– Trong nhạc rock, có cái-gọi-là "ca khúc gây sốc" không, thưa anh? Nếu có, đó là những ca khúc như thế nào? Nếu không thì vì sao không?

Rocker Nguyễn Đạt: Không phải là nhạc rock hay rap hay pop mà là trong tất cả các dòng nhạc, ở bất cứ nơi đâu, không làm gì có chuyện ca khúc gây sốc hay không gây sốc. Chỉ có ca khúc hay hoặc ca khúc dở; Chỉ có ca khúc ta thích nghe hoặc không thích nghe mà thôi. Nếu với ta, ca khúc này là không hay thì là nó không hay. Ta không thích nghe ca khúc kia thì ta không nghe. Dù ta gọi ca khúc này là dở, ta không thích ca khúc kia thì cũng không có nghĩa là nó dở hoặc mọi người đều không thích nó.

Bạn không thích nghe nhạc rock. Không sao cả. Bạn có thể nghe nhạc khác. Rock vẫn có những tín đồ của nó. Tuy nhiên bạn không thể dựa trên việc mình không thích để kết luận rằng rock là thứ nhạc không đáng nghe hay phủ nhận những thành tựu mà rock đã đạt được. Tôi cho rằng các nhà quản lý, và cả những người đang tranh luận trên diễn đàn ca khúc gây sốc không nên làm một động tác kém dân chủ là áp đặt ý kiến của mình lên người khác.

– Âm nhạc. Nghĩa là không biên giới và không giới hạn. Tuy nhiên, trong một buổi sinh hoạt âm nhạc, anh đã đề nghị các rocker trẻ không nên đụng vào các đề tài nhạy cảm như "tôn giáo", "tình dục". Vì sao lại không thể đụng đến chúng, thưa anh? Vấn đề đâu nằm ở chỗ đề tài nào mà là chúng ta viết gì thôi chứ.

Tôi đồng ý. Đối với nghệ thuật, không có đề tài nào là cấm kỵ và không thể chạm vào. Văn học, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật… cứ việc tiếp cận mọi đề tài. Và đúng như bạn nói – quan trọng là chúng ta viết, vẽ, thể hiện gì mà thôi. Tuy nhiên lời khuyên của tôi đối với các bạn trẻ là dựa trên kinh nghiệm của bản thân mình và trong tương quan với môi trường âm nhạc của chúng ta hiện nay. Các rocker trẻ, họ trẻ, và họ khao khát sáng tạo. Điều đó rất tốt. Nhưng tôi không muốn tác phẩm của họ không thể đến được với công chúng ngay trước cánh cổng kiểm duyệt. Nếu bị chặn, mãi mãi các em phải là underground, không đến được với nhiều người. Một ngày nào đó, khi các em va chạm nhiều hơn, tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn, tôi tin là các em sẽ biết mình phải làm gì và không cần phải nghe theo lời khuyên của tôi nữa. Lúc ấy, các em sẽ tự đi trên con đường của các em bởi các em đã đủ mạnh để đứng vững.

– Một trong những mối quan tâm lớn nhất hiện nay của giới sáng tác là công văn 688/NTBD về việc chấn chỉnh các ca khúc gây sốc. Nhiều người cho rằng cách dùng từ "gây sốc" của nhà quản lý mà không minh định thế nào là gây sốc sẽ có thể khiến cho nhiều ca khúc bị "chặn" oan ở cổng kiểm duyệt. Anh nghĩ sao?

Tôi thực sự lo ngại về điều đó. Tôi đang có dự định phát hành một số ca khúc, không dám bảo đảm là theo các nhà quản lý thì chúng có bị xếp vào nhóm ca khúc gây sốc hay không. Nếu chỉ nói một cách chung chung như vậy, quá trình kiểm duyệt sẽ chỉ còn là chuyện cảm tính của những người kiểm duyệt cụ thể. Trong trường hợp đó, tôi tin là nhiều vị sẽ chọn "giải pháp an toàn" là chặn mọi ca khúc mà mình "cảm thấy gây sốc" là xong. Chấm. Không bàn cãi gì nữa. Đừng nói là "có thể khiến nhiều ca khúc bị chặn oan" mà phải nói chắc chắn sẽ có nhiều ca khúc bị chặn oan. Trong một bối cảnh chung mà nhiều người chỉ mong sao mình được an toàn thì việc các nhà quản lý sẽ chọn giải pháp an toàn là điều bình thường, dễ hiểu.

– Tuy nhiên, rõ ràng là trên thị trường vẫn đầy dẫy những ca khúc mà công luận và dư luận khẳng định là "gây sốc". Làm thế nào chúng "ra" được thị trường?

Thì đó cũng lại là chuyện an toàn thôi. Có một thực tế là quy trình cấp phép của chúng ta hơi khó hiểu. Khi bạn xin phép phát hành một tác phẩm, nếu bạn "biết cách" và tác phẩm của bạn không dính đến chính trị hay những vấn đề quá sức nhạy cảm, không vi phạm thuần phong mỹ tục, tác phẩm của bạn sẽ được cấp phép nhanh chóng. Còn nếu bạn không có quan hệ, mọi việc sẽ khó hơn. Nhà quản lý chỉ quản lý hành chính nên chuyện họ cho qua những tác phẩm như thế vì chúng không vi phạm thuần phong mỹ tục vân vân thì không ai có thể nói gì được.

– Trở lại với rock thì từ góc nhìn của rock, theo anh, một ca khúc có nên gây sốc hay không và liều lượng bao nhiêu thì vừa?

Như tôi đã nói ngay từ đầu – không có chuyện gây sốc hay không gây sốc. Nhưng nếu ta cứ tạm dùng chữ gây sốc ấy thì quan trọng cũng không phải là có nên gây sốc hay không mà là gây sốc như thế nào, để đạt hiệu quả gì trong âm nhạc. Trong bệnh viện, để kích thích tim đập trở lại, các bác sĩ sử dụng phương pháp sốc điện. Cái này bạn xem phim sẽ rất hay thấy. Như vậy thì sốc là tốt chứ. Còn liều lượng bao nhiêu thì tùy theo mỗi một tác giả sẽ tự đánh giá chứ không thể có chuẩn chung. Chẳng hạn để đạt được hiệu quả âm thanh như thế, trong một không gian như thế, với một nhóm khán giả như thế thì âm lượng nên được chỉnh về bấy nhiêu dexibel. Các ban nhạc rock luôn phải thử nhạc trước khi trình diễn là vì vậy.

– Xoay quanh chuyện ca khúc gây sốc, cũng đã có ý kiến cho rằng hãy cứ để cho công chúng tự chọn cái họ nghe chứ không cần phải định hướng. Nghĩa là không cần phải bàn đến chuyện trách nhiệm nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng. Anh có đồng ý với quan điểm này?

Đồng ý và không đồng ý. Công chúng có quyền chọn loại nhạc mà họ muốn nghe. Đó là quyền tự do bất khả xâm phạm của công chúng. Không ai có thể bắt một người phải nghe nhạc này, không được nghe nhạc kia. Điều đó không khác gì tra tấn người ta cả. Nhưng người sáng tác cũng không thể quên hay chối bỏ trách nhiệm của mình. Nếu anh là một nhà sản xuất có trách nhiệm (và có lương tâm), khi anh đưa sản phẩm (tác phẩm) ra bán trên thị trường thì sản phẩm của anh luôn cần phải được cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng (dù anh không tăng giá) để phục vụ người tiêu dùng chứ không thể cứ mãi giữ nguyên chất lượng hoặc kém đi. Tác giả nào nghĩ như thế là không tôn trọng công chúng, tức là khách hàng của mình và cũng không tôn trọng chính bản thân mình.

– Xin cảm ơn anh.


Like it? Share with your friends!

0

You may also like

More From: Đời Sống

DON'T MISS