The Band: cuộc thi hay cuộc thí


Mô hình BTOB (Battle of the Bands), và mọi biến thể đồng dạng và dị dạng của nó, không thể áp dụng ở Việt Nam. Qua bao nhiêu lần du nhập, hòa nhập, dường như chắc chắn những người tổ chức đã quên mất điều quan trọng và mục đích của các cuộc thi như vậy: bất cứ cái gì ngoài sự cổ vũ phong trào, một phong trào mà dường như họ chưa bao giờ góp tên ít nhất là từ đầu. Khi một hoặc các cộng đồng âm nhạc, từ rock, rap, mới và trẻ hơn là indie cực nhọc tìm chỗ đứng cho mình, đó là một thế giới rất riêng. Gần như không hề có cạnh tranh ở đó, theo nghĩa thi thố bằng những gì ngoài sản phẩm âm nhạc của họ…

Từ đầu 2018 đến nay thì dường như 2 cụm từ “ban nhạc” đang rất hot và được truyền thông cũng như những nhà sản xuất âm nhạc nhắc đi nhắc lại rất nhiều. Đầu tiên là gameshow Ban nhạc Việt đình đám trên sóng VTV3 với những kết quả thu được rất ý nghĩa khi nhắc lại tầm quan trọng của một ban nhạc có thể diễn nhạc live, sự thi triển của nhạc cụ.

Cộng thêm sự góp mặt của một dàn ban giám khảo có kinh nghiệm gần 20 năm trong việc chơi nhạc cũng như sản xuất âm nhạc. Annam là ban nhạc chiến thắng thuyết phục bởi những sáng tác đậm chất sử thi, chẳng hề mới mẻ, nhưng sự đón nhận – và đôi phầm bơm thổi – về khả năng và phong cách của nhóm vẫn rất khó chinh phục người ngoại đạo. Hướng đi tiếp theo? Phát hành album? Quá lỗi thời. Lưu diễn đấu trường quốc tế? Viễn vông.

Và rồi khi The Band by Vinaphone được công bố vào giữa tháng 3 – một dạng của Battle of the Bands (BOTB) quen thuộc trên thế giới từng được nhiều nhãn hàng ở Việt Nam áp dụng như Tiger Beer, Hard Rock Cafe hay mới đây nhất BOTB giữa các trường Đại học ở Tp.HCM do Hội sinh viên RMIT tổ chức.

Hoặc giả, đó là sự duy tình thái quá, vô lối trong nhận dạng tâm lý. Những bài ca “thiếu sân chơi” “thèm thể hiện” 10, 15, thậm chí 20 năm trước đã có, và giờ vẫn không ngớt vang lên. Nhưng mang họ đi quá xa ra khỏi cái nơi họ đã sinh ra, nơi thậm chí còn không được chấp nhận, là một bước đi thiếu khôn ngoan, cảm tính, khi sự đa dạng hoàn toàn chưa có, hời hợt, hoặc sai hẳn đối tượng. Có nguồn lực tài chính và truyền thông vẫn không phải chiếc găng tay vô cực để thao túng thị hiếu thẩm mỹ, và càng không phải để cứu vớt thế giới âm nhạc.

https://c1.staticflickr.com/1/953/27076596847_515d3a579e_z.jpg

Madman trình diễn 2 bản nhạc cực kỳ quen thuộc – KHÔNG DO NHÓM SÁNG TÁC (như bài báo https://news.zing.vn/3-nhan-to-mien-trung-tranh-giai-quan-quan-the-band-by-vinaphone-post839252.html) – mà giới nghe metal, rock ở Việt Nam đã biết từ lâu (tức rất cũ): Territory và Roots Bloody Roots của Sepultura, cho khán giả chỉ quen với Em gái mưa, hay nhạc của Mỹ Tâm. Chung kết phía Nam lại có trường hợp đặc biệt với ban nhạc Bodies On Floor cũng với 1 sáng tác và 1 cover theo phong cách metal (họ được thành viên Ban giám khảo thành thật hỏi là muốn được khai sáng đang chơi thể loại nhạc rock gì mà kinh khủng vậy).

Và Bodies On Floor là ban nhạc chơi metal duy nhất được lọt vào chung kết toàn quốc. Đó có thể gọi là sự thiếu thành thật dù vô tình hay cố ý, nhưng thành thật hơn, sẽ không có đủ những nhóm nhạc cho riêng bất kỳ phong cách, thể loại nào để thật sự tìm một cuộc ganh đua giữa metal với các dòng nhạc, phong cách khác, những người chơi nhạc “chẳng hề liên quan” với nhau, cũng “chẳng hề liên quan” tới chuyên môn, sở thích của vị giám khảo. Không, đó không phải sự cởi mở, mà là sự thỏa hiệp.

The A Plan, một ban nhạc alternative rock quen thuộc với các khán giả Tp.HCM với 1 kho các ca khúc sáng tác (trong đó có 2 bản thu đã được phát hành trực tuyến, hoàn chỉnh và đầu tư chuyên nghiệp từ thu âm cho đến mix, master). Họ còn ý định phát hành album trong 2018 này. Tham dự The Band by Vinaphone với tâm thế giao lưu học hỏi là chính, tuy nhiên khi bước lên sân khấu sơ khảo trực tiếp họ lại cảm thấy một sự hụt hẫng lớn. Và dường như có một điều gì đó không bình thường ở cuộc thi.

Phần trình diễn trong buổi sơ khảo (chỉ tổ chức trước đêm chung kết khu vực phía Nam vài tiếng đồng hồ) được sự đánh giá tốt từ Hội đồng giám khảo cũng như các ban nhạc tham dự “thi đấu”. Bản thân The A Plan cũng rất tự tin trước kinh nghiệm sân khấu cũng như những sáng tác của mình. Nhưng cuối cùng bất ngờ họ lại không thể vượt qua sơ khảo để được chơi trong đêm chung kết khu vực.

Điều bất ngờ hơn là với quy mô chương trình nhưng dường như lại thiếu sự quan tâm của cộng đồng bạn yêu nhạc, đặc biệt là nhạc rock – dòng nhạc luôn gắn liền với hình ảnh của các ban nhạc. Và nếu xem livestream của chương trình thì dễ dàng nhận ra đa số khán giả lại là fanclub của các gương mặt ca sĩ khách mời – quá sức hàm hồ nếu cho đó là những mục tiêu mà chương trình hướng tới cho các nhóm nhạc, bạn trẻ tham gia: miếng mỡ này đã sai. Và khó mà không thấy lừng xừng khi một cuộc thi tự nhận tôn vinh ban nhạc lại tìm sức hút bên ngoài từ những ca sĩ, giọng hát chuyên trị nền nhạc playback và các vũ công.

Nhưng không vì vậy mà không quên nhắc đến những cái tên gây ấn tượng đó là Empty Space – 1 cái tên đã quen thuộc với cộng đồng Rock Việt và Yellow Star Big Band – ban nhạc gồm 17 thành viên từng “đại náo” tại “Ban nhạc Việt”. Còn về quán quân The Dolphins thì có vẻ còn nhiều hoài nghi từ các khán giả. Đầu tiên họ là đại diện đến từ Tp.HCM nhưng lại tham dự cuộc thi với tư cách ban nhạc giành chiến thắng chung kết khu vực miền Trung. Phần trình diễn và sáng tác của họ dù tốt nhưng để gọi xuất sắc đạt vị trí số 1 thì có lẽ chưa thuyết phục.

https://c1.staticflickr.com/1/952/27076596597_4181b85128_z.jpg

Mô hình BOTB, hơn nữa, với tham vọng tìm kiếm nhân tố mới, ngoài sự tự chỉ trích của chính cộng đồng, còn bị áp đảo và biến tướng trầm trọng thành cái gọi là gameshow truyền hình. Tài năng là thứ yếu, những câu chuyện đời tư mới là cái được khai thác và mớm vào thảo luận, gia tăng độ hot của chương trình. Và không phải đời tư của ai cũng thật thú vị, đáng để sẻ chia – người theo đuổi đam mê, ngạc nhiên thay, khi chưa thành công và kể cả khi đã thành công, có rất ít đa dạng trong chuyện kể để khai thác. Những người càng nghiêm túc, hết lòng và kiệm lời với tác phẩm, dường như chỉ có tác phẩm để chia sẻ – họ đâu có cần thêm câu chuyện nào khác, cũng đâu còn thời gian để nặn thêm ra.

Còn ở những nơi không có hạ tầng âm nhạc, ngoài những bảng xếp hạng tự phong và những danh sách tự up, những hội đồng thẩm định tự tạo, thì ngoài những show nhạc ở quy mô hào nhoáng (miễn phí hoặc đậm tài trợ) như Monsoon Festival, mà chẳng chóng thì chày sẽ có chỗ cho tất cả tham gia, ra thì không có ban tổ chức nào hứa hẹn gì hơn được, và không có gì hơn để hứa hẹn nữa. Qua bao nhiêu kỳ battle, thi thố, mọi thứ vẫn hoàn nguyên, thậm chí còn gây nứt gãy hơn trong cộng đồng gốc với những giao tranh hơn lý luận.

Chỉ có ngớ ngẩn mới chờ những kỹ năng quảng bá của các nhãn hàng phi âm nhạc như bia rượu, giày dép, viễn thông đi “dạy” về nghe nhạc, và quảng bá. Họ có nhà sản xuất tốt, rất tốt, đơn giản … vì họ không phải những nhà sản xuất đó. Nên nhớ, những thành công trong 3 năm trở lại đây của giới underground hoàn toàn không nhờ công ơn hay bàn tay “mát” nào của người ngoài. Đó là công sức, nỗ lực đền bù xứng đáng bằng sự ủng hộ, và bằng thế giới riêng. Ở đó có sự tự đào thải, tự nhiên.

Và tự nhiên tới từ sự tự chọn. Tự nguyện.

Thi Lăng


Like it? Share with your friends!

1

You may also like

More From: Chuyên đề

DON'T MISS