Stratovarius, một cái tên mà mỗi khi nhắc đến ta lại thấy một phong cách nhạc hào hoa, mạnh mẹ mà cũng êm ái, dịu dàng cùng với những giai điệu tràn đầy xúc cảm. Stratovarius, một ban nhạc mà mỗi khi được nghe tên, ta lại liên tưởng đến một phong cách Power Metal giàu sức quyến rũ và say đắm trong lòng các rock fan. Stratovarius, đó là một trong những cái tên nổi bật nhất, một trong những ban nhạc góp công lớn nhất đưa Power Metal lên tầm đỉnh cao, chiếm cảm tình của không ít giới trẻ. Ai có thể quên được khúc solo nhẹ nhàng trong Goodbye, ai có thể không ấn tượng với chất lửa rừng rực trong Against the wind, Father time, Black diamond hay Speed of Light…, ai có thể không cảm động trước những Forever, Coming home, Mother Gaia hay Dream with me, hay ai có thể bỏ qua những giai điệu sôi động của Hunting high and low, Eagleheart? Nếu là một fan của Metal, chắc hẳn bạn sẽ không thể không mang bên mình những điều đó.
Ballad, đây là mảnh đất vô cùng màu mỡ trong rock. Và trong Power Metal, Stratovarius đã khai thác rất thành công những bản ballad này. Trong mỗi bản ballad của Stratovarius, lời ca thường giản dị, nhưng phải nghe nhiều, tìm hiểu nhiều, bạn mới cảm thấy hết ý nghĩa của chúng. Và Forever là một trong số đó. Bạn đã từng xem bộ phim Mối tình đầu của Hàn Quốc? Chắc hẳn bạn còn nhớ ca khúc làm nhạc nền cho nó, một ca khúc buồn, và thật sự cảm động? Đó chính là Forever, ca khúc đến từ đất nước Phần Lan xa xôi của Stratovarius. Forever là ca khúc thứ 12 nằm trong album Episode xuất bản năm 96 của nhóm. Một album với cover thật trừu tượng: một tượng đài đá được dựng trên một mảnh đất cằn cỗi, hạn hán và xung quanh là một bầu trời nửa xanh u ám. Họ muốn ám chỉ điều gì đó chăng? Đơn giản, có thể, họ muốn chứng tỏ mình giống như bức tượng đài kia, trải qua bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu gia đoạn khó khăn, bao nhiêu lên xuống trong sự nghiệp, nhưng cho đến thời điểm đó họ vẫn đứng vững, vẫn tiếp tục cống hiến hết mình cho Power Metal. Forever, đó chính là bài hát đã chấm dứt kỉ nguyên đầy gian nan này của nhóm, để bước vào một loạt những album thành công vang dội sau này như Visions, Destiny, Infinite…
Tiếng violin chậm rãi vang lên. Từng đoạn nhạc nhỏ cất tiếng. Những âm thanh đó đã gợi ngay cho ta một ca khúc buồn, một ca khúc cảm động, một ca khúc chan chứa tình cảm. Nghe đoạn nhạc này, rồi nhìn ra của sổ, bạn sẽ thấy sao nó lại giống khung cảnh hiện giờ đến vậy. Có vẻ như phần intro này muốn diễn tả một điều gì đó đã thuộc về quá khứ, một thứ gì đó mông lung mà ta không thể nắm bắt rõ, vừa trôi qua trước mắt mình. Và giờ đây, ta đang quay đầu lại ngước nhìn, và nhớ lại chính nó. Nó giống như những chiếc lá khô của mùa thu dần rụng xuống bên lề đường kia, hay những cơn gió thoảng cuốn bay những hạt bụi nhỏ bé đi xa…
I stand alone in the darkness
The winter of my life came so fast
Memories go back to childhood
To days I still recall
Cuộc đời con người ta cũng vậy, bao giờ cũng có lúc lên, lúc xuống, bao giờ cũng có lúc vinh quang, có lúc thất bại. Những gì đã có ở quá khứ, không dễ gì mà ta lại lãng quên chúng trong tâm tưởng của mình. Giọng hát của Timo Kotipelto cất lên nhẹ nhàng và nghẹn ngào. Nó cứ kéo dài, rồi xuống nhanh và lại ngân lên một cách da diết. Hãy lắng nghe những lời Timo đang hát: “ Cô đơn tôi đứng trong bóng tối. Mùa đông lạnh giá của đời tôi tới thật nhanh. Kí ức một thời thơ ngây, cho đến những lúc này, tôi vẫn không thể nào quên”. Một viễn cảnh đen tối đang mở ra trước mắt người nghe. Dường như nhân vật được nhắc tới trong ca khúc đã có một quá khứ đau đớn, một quá không mấy tốt đẹp, luôn in dấu trong ý nghĩ. Giờ đây, anh đang dằn vặt chính mình trong bóng tối. Mùa đông kia, không phải là mùa đông của thiên nhiên, mà đó chính là băng giá của tâm hồn anh. Lạnh lẽo và bóng tối, những thứ luôn đi đôi với nhau, thì nay nó hiện diện ngay trong anh. Đó chính là kết quả của những kí ức không đẹp của thời xưa cũ, nhưng giờ nó vẫn mãi bám đuổi, vẫn làm anh day dứt không nguôi. Ngày ngày, nó vẫn xuất hiện trong lòng anh, để rồi sau đó lại làm đóng băng trái tim anh trong bóng đêm. …recall, giọng hát của Timo trầm xuống như để kết thúc một đoạn u tối trong lời ca. Giọng của Timo vào bài này thật hợp, vừa trầm bổng rõ rệt, lại vừa thể hiện phù hợp hoàn cảnh nhân vật trong ca khúc.
Oh how happy I was then
There was no sorrow
There was no pain
Walking through the green fields
Sunshine in my eyes
Tuy lời ca ở trên có thể làm ta nghĩ rằng đây là một bài ca kể về nỗi đau, nỗi buồn khổ, thì đến đoạn sau này, điều đó dường như đã biến mất. Chàng trai đã không còn sự bất hạnh, không còn đau đớn mà thay vào đó là niềm vui sướng. Đó là niềm vui sướng gì vậy? Tuy ở đây chưa nói hết, những ta cũng hiểu phần nào rằng: sau thời điểm đó, anh đã quên đi được mọi thứ, đang tận hưởng một cuộc sống hạnh phúc hơn, đẹp đẽ hơn. Cánh đồng xanh mà anh đi, nó tràn đầy sức sống, tràn đầy vẻ vui tươi. Giờ thì anh có thê quên đi cái cảm giác khi đứng trong bóng đêm, mà hoà mình vào không gian thanh tịnh của đồng cỏ rộng lớn. Hướng mắt nhìn lên trời, những tia nắng đang chiếu xuống, thanh bình và trong sáng. Tiếng ngân dài của Timo trong “green fields…” có gì đó thật mênh mang, bâng khuâng, như một cảm giác thoả mãn niềm vui sướng trong yên tĩnh, vẫn một mình, nhưng không còn là cô đơn, mà là một mình của hạnh phúc và thư giãn, được thả tâm hồn vào chốn thiên đường, được thoát khỏi cảnh đau đớn trong bóng tối. “Sunshine in my eyes…” – câu hát dường như không có điểm dừng, cứ trôi, cứ đi mãi, bất tận kéo dài, khiến người nghe thật khó mà dứt ra được mà phải chú tâm lắng nghe tiếp đoạn sau. Nếu như ở trên, ta bắt gặp một nỗi niềm đau đớn vô vọng, không có lối thoát, thì ở đây, tạ lại thấy một niểm vui khôn xiết, không còn dấu vết gì của niềm đau đó nữa. Tiếng guitar và violin vẫn chạy đệm đằng sau, tạo thành một cái nền mượt mà cho lời hát của ca sĩ chạy qua. Không bass, cũng không trống, chỉ lấy guitar accord cùng giai điệu violin chậm rãi, Forever chắc chắn đã tập trung tất cả những gì đặc sắc nhất vào giọng hát của Timo Kotipelto. Giọng hát ấm, trong, lên cao xuống thấp rất chân thực đó có lẽ chẳng thể nào khiến các rock fan quên được. Chắc cũng chính vì thế mà Timo đã được bầu là ca sĩ được yêu thích nhất trong 1 thập kỉ qua của Power Metal… Trở lại với nội dung của ca khúc, Timo Tollki – tay guitar của nhóm, đồng thời là người sáng tác Forever – đã sắp đặt 2 viễn cảnh trái ngược nhau đó, cùng một giai điệu hát, cùng một cách thể hiện như thế bên cạnh nhau để làm gì? Điều đó chắc không khỏi làm các fan ngạc nhiên, vì nếu ghép 2 đoạn này vào, dường như chúng chẳng ăn nhập gì với nhau cả. Đương nhiên không phải ngẫu nhiên mà nó lại như thế. Timo Tollki đã sắp đặt trước, để 2 điều đó diễn ra cạnh nhau, buộc các fan phải nghe cho đến cùng mới hiểu hết được mọi ý nghĩa của cả ca khúc. Đó cũng chính là điển hình trong lyric của Stratovarius, nhiều sự việc mâu thuẫn nhau được viết nên trong những đoạn verse, bridge và chorus là chỗ mà chúng được phơi bày.
I’m still there, everywhere
I’m the dust in the wind
I’m the star in the northern sky
I never stayed anywhere
I’m the wind in the trees
Đến đây thì có lẽ mọi việc dần sáng tỏ. Nhân vật được nhau đến trong bài hát đã tự nhủ: “Tôi như một hạt bụi nhỏ trong cơn gió”. Chính vì con người anh như một hạt bụi, mọi nơi anh đều có thể đến, đều có thể cuốn theo chiều gió – “I’m still there, everywhere”. “Tôi như ngôi sao trên khung trời phương bắc” – anh lại kể vể cuộc đời mình. Trông anh lúc này chỉ như một thứ gì đó nhỏ nhoi, không chút dấu ấn, không chút hữu ích, không ra gì cả. Trong cái xã hội rộng lớn này, anh chỉ là một kẻ cô đơn lạnh lẽo, không chỗ dựa, chỉ còn biết ăn bám vào số phận, nó ra sao thì ra. Cơn gió cuốn anh đi đâu, anh phải theo đó. Những hành tinh quay đâu, anh phải chạy theo nơi ấy. Hoàn cảnh của anh ra sao? Một kẻ sạt nghiệp, một kẻ thất tình, một kẻ vô gia cư, bị xã hội ghét bỏ, đối xử tàn tệ, coi như lũ đạo chích, nghiện ngập, AIDS…? Không rõ điều đó là thế nào, nhưng chắc chắn rằng những điều Timo Tollki viết ở phần đầu bài chính là lời diễn tả cho chính hoàn cảnh này. Sâu thẳm trong con người anh, đó chính là nỗi tủi nhục, nỗi hổ thẹn không thể nào rửa hết được. Đó chính là cuộc sống không tình cảm, cuộc sống không tiếng cười, cuộc sống của sự tổn thương trong tinh thần. Vẫn với giọng hát truyền cảm của mình, Timo Kotipelto đã đưa câu chuyện đến cái chốt của nó. Giọng hát được nhấn mạnh hơn, nhất là trong khoảnh khắc “…dust in the wind”. Thật sự, nó đã diễn tả vô cùng đậm nét cảnh buồn khổ này. Một điều dễ nhận thấy là, trong cả bài, Timo hát khá chậm rãi, phóng khoáng, không đẩy nhanh tốc độ lên khi đến đoạn chorus – đoạn mà nếu đúng theo phóng cách của Power Metal là phải hát cao và ngân dài. Điều đó cũng phần nào làm nên thành công của Forever: tiết tấu ngắn chậm thể hiện rõ hơn giọng hát và đặc biệt là tiếng violin, tất cả nghe đều giàu cảm xúc hơn.
Kết thúc câu chuyện, là những lời nói mang thật nhiều ý nghĩa. “Giờ tôi như ngọn gió trên những tán cây”. Những ngọn gió, nó gợi lên trong ta cảm giác mát mẻ, thoải mái. Nó gợi lên cho ta sự tự do, không phải gò ép trong một khuôn khổ nào cả, được thoả mình bay đi khắp nơi, được vui vẻ. Chàng trai kia cũng vậy. Không rõ làm cách nào mà anh đã thoát ra khỏi số phận đen tối kia, chỉ biết rằng, khi đã rời xa khỏi nó, anh đã thực sự được đón nhận phúc vận. Có lẽ anh đã mãn nguyện khi ví mình như những cơn gió: ung dung hưởng niềm vui, trốn thoát ra được cảnh đau khổ của phận bạc. Ai cũng vậy, một khi phải hứng chịu một nỗi đau về tinh thần, hay thể xác, thì được làm lành lặn lại, tất cả đều sung sướng, để mặc những điều dó ở sau lưng mà tận hưởng kết quả tốt đẹp. Cũng giống như thế, nhân vật trong bài hát đã được giải toả mọi thứ để đến với những gì mà anh cần được có. Nhưng trong cái vui sướng này của anh, hình như vẫn ẩn sâu một điều gì đó… “I never stayed anywhere” – đây chính là điều khiến ta phải băn khoăn. Ở đây, ngoài ngọn gió mà anh so sánh với chính mình, thứ luôn luôn thổi mãi không ngừng nghỉ, không dừng lại ở một nơi đâu, thì có lẽ, đây chính là lời diễn tả về chính hiện trạng của tâm hồn anh. Không chỉ đơn giản là vẻ hạnh phúc thể hiện ở bên ngoài, tâm hồn anh hình như đang thoát li, một cuộc thoát li trong ý nghĩ. Anh chán chường khi phải sống trong cái thế giới mình đang sống, cảm tưởng như mình đang lạc lõng. Cái xã hội kia thật khắc nghiệt và cay đắng. Một ai đã từng phạm phải sai lầm, ngay lập tức nó dồn người đó vào cảnh khó khăn, buồn bã, cái xã hội làm cho con người ta xa dần nhau đi. Trong suy nghĩ của mình, anh đã thể hiện phản cảm với cái xã hội đó. Vậy là lúc này, tinh thần và thể xác của chàng trai như nhập vào một, cùng hưởng thụ niềm vui, cùng quên đi nỗi buồn. Đoạn “…wind in the trees”, giọng hát của Kotipelto lại được nâng lên một lần nữa, giống như khúc trên, nhưng cũng giống như trong đoạn verse, cùng một cách hát, nội dung của mỗi đoạn là thể hiện sự đối lập sâu sắc. Cầu nối giữa chúng, chính là giọng hát đầy cảm động này. Thực chất, trong cả bài, điều mà Tollki muốn nhắc tới, chính là nỗi niềm vui sướng ấy, và những gì còn lại, kể cả nỗi buồn kia, cũng chỉ là phần nền để người nghe thấm thía hơn ý nghĩa đó.
Would you wait for me forever?
Ai sẽ chờ đợi anh đây? Có thể là người tình của anh, hay một người thân, một người bạn thân thiết. Nhưng cũng có thể, đó là lời kêu gọi của anh về một chốn địa đàng nào đó, nơi anh mà anh có thể vứt bỏ mọi nỗi lo mà sống cuộc sống yên bình và tràn đầy tiếng cười. “Mãi mãi…”, tại sao anh lại nói vậy? Anh rất muốn có được kết quả đó, vậy tại sao không phải là “Would you wait for me?…” mà lại là forever? Bởi vì, có lẽ điều đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra được. Người bạn thân, người yêu của anh, hay chốn Eden (cõi cực lạc – thần thoại Hy Lạp), tất cả, không có gì sẽ chờ anh hết. Mọi thứ đều như một vòng xoáy, đến rồi lại đi, đi rồi lại đến. Nỗi buồn qua đi, nhưng nó cũng chẳng thể nào hết, có thể nó vẫn lại đến, lại dày vò anh. Anh nói vậy thôi, nhưng hiểu rằng, khó có thể thực sự thoả nguyện hết sự sướng vui, nên đặt một câu hỏi, câu hỏi để tự an ủi bản thân mình: “…vẫn chờ tôi….mãi mãi…?”. Điều đó còn thể hiện rõ hơn khi Kotipelto hát câu “forever…”, vẫn ngân dài, và nhẹ dần, nhẹ dần, và như có gì nuối tiếc…
Một khúc sáo solo vang lên để phụ hoạ thêm cho câu chuyện. Nghe nó thật cảm động. Tiếng sáo trong, bổng lướt một cách mượt mà, như một dòng suối đang chảy vậy, có đoạn chảy xiết, nhưng có đoạn lại chảy thật nhẹ. Rồi chorus lại cất lên một lần nữa, lần này có vẻ như đắm đuối hơn, xúc động hơn, vì nó chính là đoạn cuối cùng của bài hát. Để rồi kết thúc là câu hỏi kia được lặp lại:
Would you wait for me forever?
Would you wait for me forever?
Will you wait for me forever?
Câu hỏi đó cứ lặp lại, như một tiếng vang xa mãi mãi, vô tận. Chàng trai dường như cũng chỉ có thể làm vui mình với câu hỏi đó, câu hỏi mà mà chắc anh sẽ không có câu trả lời. Tiếng hát “for me…” cùng với tiếng guitar cuối cùng được đánh thấp xuống một cung so với đoạn trên, càng thể hiện rõ thêm điều đó. Và câu “…forever…”, kéo dài khiến nguời nghe không hề muốn nó chấm dứt ở đây, một câu hát vô cùng cảm động. Dù sao đi nữa, không có câu trả lời cho mình, mãi mãi anh vẫn giống như một câu hát khác của Stratovarius: “We are forever free” – The free of the spirit.