I – Thrash Metal là gì?
Âm nhạc là cả một quá trình tiến hóa mạnh mẽ. Beatles sẽ không tồn tại nếu không có Elvis Presley. Jimi Hendrix sẽ không tồn tại nếu không có Beatles. Black Sabbath sẽ không tồn tại nếu không có Jimi Hendrix. Cứ như vậy, chuỗi xích đó dường như dài bất tận, không có điểm dừng. Ý tưởng làm nảy sinh ý tưởng, tài năng này tạo cảm hứng cho tài năng khác nổi lên, và dường như sức sáng tạo của con người là vô hạn.
Thrash metal, trong vòng xoáy mạnh mẽ của âm nhạc nửa sau thế kỉ 20, là 1 nhánh phát triển tất yếu của Heavy Metal đầu thập kỉ 80 như là 1 đối trọng với dòng Pop Metal đang thống lĩnh thế giới rock thời bấy giờ. Thrash Metal, định nghĩa đơn giản là thứ nhạc heavy metal được gia cố thêm phần sức mạnh và kĩ thuật, đồng thời cắt bớt đi phần giai điệu. Về mặt kĩ thuật, các ban thrash được biết đến nhờ những cú riff dầy, nhanh, mạnh và khá phức tạp. Kiểu chơi guitar phổ biến của dòng thrash là palm muting, 1 kĩ thuật tạo ra tiếng guitar đục, bập bùng. Trống chơi cực kì máu lửa, trong đó sử dụng nhiều double bass drum. (cả 2 kĩ thuật này về sau rất phổ biến trong giới extreme metal, nhưng thrash là dòng đầu tiên làm cho chúng được biết đến rộng rãi). Thời kì cực thịnh của Thrash Metal là nửa sau thập kỉ 80 cho đến đầu thập kỉ 90, trước khi Death Metal và Grunge chiếm hết đất diễn của Thrash. Những ban nhạc nổi tiếng nhất, trước tiên phải kể đến tứ trụ Metallica, Megadeth, Slayer, Anthrax. Sau đó đến Pantera, Testament, Exodus, Overkill, Annihilator và bộ ba đến từ nước Đức Sodom, Kreator, Destruction. Thrash không bó hẹp mà có rất nhiều sự vay mượn âm thanh từ các dòng nhạc khác. Một vài ví dụ về những ban loại này là Death Thrash (Sepultura và Sadus), Progressive Thrash (Voivod, Watchtower, Mekong Delta), Hardcore Thrash – hay Crossover Thrash (Suicidal Tendencies, Accussed, Corrosion of Conformity), …
II – @ồn gốc và sự hình thành của Thrash Metal:
Thrash được tạo ra nhờ sự kết hợp của 2 dòng nhạc Hardcore punk và New Wave Of British Heavy Metal (NWOBHM).
Hardcore Punk (hoặc Hardcore) là phiên bản cực đoan của Punk Rock thập kỉ 70, rất phổ biến ở Mĩ. Hardcore Punk có tempo nhanh, ồn ào, các ca khúc thường khá ngắn và không tuân theo những qui tắc thông thường về chorus-verse. Bốn ban nhạc hardcore nổi tiếng hơn cả là Black Flag đến từ Los Angeles, Minor Threat và The Bad Brains đến từ Washington DC, Misfits đến từ New York (ban nhạc của Glenn Danzig).
NWOBHM ngược lại, là thứ metal bùng nổ mạnh mẽ ở Anh Quốc cuối thập kỉ 70 khi mà 3 con khủng long của Hardrock – Heavy Metal thời bấy giờ là Deep Purple, Led Zeppelin và Black Sabbath đã thoái trào. NWOBHM sản sinh ra những ban nhạc huyền thoại mà đáng kể hơn cả là Iron Maiden, Def Leppard, Motorhead, Venom (2 ban này được coi là những vị cha già của Thrash/Speed), Angel Witch, Raven và Saxon.
Cuối thập kỉ 70 đầu thập kỉ 80, Motorhead đang là 1 trong những ban đi đầu trào lưu NWOBHM, nhưng thứ nhạc của họ thì nhanh hơn tất cả các ban nhạc khác của NWOBHM, và nhiều người bắt đầu gọi những âm thanh họ tạo ra là Speed Metal. Với những tác phẩm kinh điển như Bomber, Overkill hay Ace Of Spades, Motorhead là 1 hiện tượng thời bấy giờ. Tuy chơi tốc độ hơn hẳn những ban nhạc cùng thời nhưng Motorhead vẫn chưa hề tách khỏi cái gốc rễ Rock’N’ Roll. Lyric của họ vẫn nằm trong khuôn khổ Heavy Metal truyền thống. Nhu cầu muốn được chứng kiến 1 thứ nhạc đột phá hơn, giận dữ hơn ngày càng tăng trong giới Heavy Metal. Kẻ đầu tiên làm được điều đó là Venom. Tháng 11 năm 1981, tại thành phố Newcastle, miền Tây Bắc nước Anh, 1 ban nhạc có cái tên xa lạ Venom tung ra album đầu tay Welcome To Hell sau 2 demo không mấy thành công, và ngay lập tức nhận được sự chú ý của giới metal underground. Welcome to Hell gây tiếng vang không chỉ vì nó là album tàn bạo nhất lúc bấy giờ, mà còn vì thứ âm thanh mà ban nhạc tạo ra thực sự gây cuốn hút chứ không chỉ là một mớ hỗn độn. Thực chất, Welcome To Hell mới chỉ là 1 tuyển tập demo của ban nhạc chứ chưa phải là 1 album đúng nghĩa. Phải đến album thứ 2 Black Metal, Venom mới khẳng định được mình như là kẻ tiên phong, vị chúa tể của Extreme Metal. Tư tưởng Anti-Christ, tôn thờ Satan cực đoan của Venom đã trở thành 1 trong những cái kim chỉ nam cho Extreme Metal sau này.
Trong lúc Heavy Metal đang có những chuyển động mạnh mẽ ở nước Anh thì tại Mĩ, những đợt sóng ngầm Metal cũng đang chực dâng trào và chỉ còn chờ thời cơ chín muồi là trỗi dậy. Câu chuyện về Thrash metal Mĩ bắt đầu từ một club nhỏ có tên Ruthie’s Inn (thường được gọi là “Woodstock”) tại thành phố Berkeley, bang California (rất gần với Bay Area và cây cầu Golden Gate nổi tiếng). Đây vốn là 1 club chuyên chơi jazz và blues, với sức chứa khoảng 300 người, nhưng không hiểu sao quản lí CLB lại dần chuyển sang đặt chỗ cho các band chơi metal vô danh tiểu tốt (có lẽ vì jazz và blues bị cạnh tranh dữ quá). Hàng loạt ban nhạc trẻ ở các vùng lân cận tập hợp đến đây chơi nhạc, biến Ruthie’s Inn thành 1 metal club thực sự. Rất nhiều trong số những cái tên đó sau này đã trở thành huyền thoại: Whiplash, Testament, Exodus, Possessed, Death angel, Slayer và Metallica. Đây cũng là @ồn gốc của cái tên Bay Area Thrash nổi tiếng trong giới metal, vì một phần lớn những ban nhạc chơi tại Ruthie’s Inn đến từ Bay Area (không có Slayer trong nhóm này).Club nhanh chóng trở thành 1 điểm đến quan trọng cho giới trẻ nghiền metal và hầu hết các ban nhạc địa phương thời bấy giờ. Ba ban nhạc xuất hiện nhiều nhất: Metallica, Exodus và sau này là Testament thường xuyên tụ tập chè chén, lấy cảm hứng để dượt tốc độ trên sàn diễn. Trong thời kì đầu các ban thrash cover lại khá nhiều ca khúc của hardcore hay NWOBHM. Các ca khúc của NWOBHM rất được hưởng ứng vì nhiều người trong đám đông khán giả chưa hề được biết đến những ban nhạc như Iron Maiden hay Angel Witch từ tận nước Anh xa xôi.
Thực ra nhiều ban nhạc đã ra đời khá lâu trước khi tụ tập với nhau ở Ruthie’s Inn. Đó là nhờ công của 1 người có tên Brian Slagel (là chủ hãng đĩa Metal Blade – sau này gây dựng nên sự nghiệp cũng chính nhờ các ban thrash). Bộ đĩa Metal Massacre do Brian tuyển tập, bao gồm ca khúc của các ban chơi thrash trong vùng San Francisco/ Los Angeles, rất được hưởng ứng trong giới underground. Brian cũng chính là người đã nâng đỡ 2 ban nhạc Metallica và Slayer, giúp họ tung ra 2 album được coi là sự khởi đầu của thrash: Kill ‘Em All và Show No Mercy, đều vào năm 1983. Mặc dù không thể nói đây là 2 album đầu tiên của thrash nhưng rõ ràng từ “Thrash Metal” chỉ được biết đến sau khi 2 album này ra đời. Cũng trong năm 1983, tại thành phố New York ở Đông Bắc nước Mĩ (San Francisco thì ở tít Tây Bắc), 1 ban Metal trẻ đầy triển vọng có cái tên ghê sợ Anthrax tung ra album đầu tay của mình: Fistful Of Metal. Nhìn chung cả 3 album này đều là những album có chất lượng rất cao tuy rằng thu âm thì còn khá thô. Những ca khúc như Metal Militia, The Four Horsemen, Hit the Lights, Seek & Destroy của Metallica; Evil Has No Boundaries, The Antichrist, Show No Mercy của Slayer; Deathrider, Metal Thrashing Mad của Anthrax đều là những ca khúc cột mốc của Thrash. Cùng năm này ban nhạc Thrash/Speed metal Canada Exciter thầm lặng tung ra album đầu tay Heavy Metal Maniac. Ban nhạc này có điểm đặc biệt là tay trống Dan Beehler kiêm luôn nhiệm vụ vocal. Năm 1983 cũng chứng kiến 1 sự kiện quan trọng khác của Thrash Metal khi mà Metallica sa thải tay guitar Dave Mustaine với lí do rượu chè bê tha và kéo về Kirk Hammet từ Exodus. Kết quả là Exodus phải mướn thêm tay guitar Rick Hunolt lấp chỗ trống, còn Dave Mustaine tức khí lập nên Megadeth. Sự kiện này gây ra 1 xáo trộn lớn trong giới Thrash, không những không theo hướng xấu mà ngược lại, thay vì chỉ có 2 ban đỉnh cao thì nay có thêm 1 ban: Megadeth. Tất cả các nhân vật trên: Kirk, Dave và Rick sau này đều trở thành những tay guitar xuất chúng.
III – Thời kì cất cánh bay cao:
Bước sang năm 1984, Thrash Metal đã thực sự gây được tiếng vang và thu hút sự chú ý của các metalhead toàn cầu. Metallica bước vào độ chín với album tuyệt vời Ride The Lightning, 1 album chứng kiến sự trưởng thành của ban nhạc trong việc sáng tác và thể hiện ca khúc. Tất cả các ca khúc trong Ride The Lightning đều hay, mà nổi bật hơn cả là bản ballad đột phá Fade To Black. Tại Seattle, nhóm Metal Church tung ra album đầu tay cùng tên ban nhạc và ngay lập tức leo lên đỉnh cao của thể loại speed metal. Trong khi đó, Slayer tuy không tung ra album mới nhưng lại tiếp tục có 1 EP gây được tiếng vang Haunting The Chapel. Châu Âu cũng bắt đầu rậm rịch khi Destruction và Sodom đều tung ra EP đầu tay. Tại Thụy Sĩ, nhóm nhạc có nhiều ảnh hưởng tới Thrash/Black/Death là Celtic Frost tung ra đĩa Morbid Tales, được coi là album nặng nhất tính đến lúc bấy giờ (tiền thân của Celtic Frost là Hellhammer – ban nhạc chưa hề ghi âm album nào nhưng đã có 1 demo cực kì nổi tiếng Apocalyptic Raids). Về sau Celtic Frost được đánh giá là chỉ xếp sau Venom về mức độ ảnh hưởng tới Extreme Metal. Một vài album đáng chú ý khác là Laaz Rockit – City’s Gonna Burn, Exciter – Violence & force, Living Death – Vengeance of Hell.
Năm 1985 chứng kiến hàng loạt những con khủng long của Thrash tung ra album đầu tay, khởi đầu cho sự nghiệp lẫy lừng của họ. Nổi tiếng hơn cả là Bonded By Blood của nhóm Exodus, một trong những album được giới thrash đánh giá cao nhất. Bonded By Blood sở dĩ được yêu thích nhiều như vậy là vì nó có chứa những cú riff cực kì đẹp mắt, nhưng lại rất đặc trưng mà cho đến thời điểm bấy giờ chỉ có Exodus làm được. Những ca khúc như Bonded By Blood, Exodus, Piranha và đặc biệt là A Lesson In Violence đến nay vẫn nằm trong số những ca khúc xuất sắc nhất của Exodus. Nó cũng góp phần làm nổi bật tên tuổi của Bay Area Thrash trong giới metal underground. Tuy vậy, quá trình ghi âm và phát hành album này đã khiến Bonded By Blood thất bại trong việc giành được nhiều thành công hơn. Đáng ra album phải được phát hành từ cuối năm 1983, và nếu như vậy có lẽ nó sẽ cuốn phăng cả Kill ‘Em All của Metallica, Show No Mercy của Slayer hay Fistful of Metal của Anthrax để trở thành 1 cột mốc của Thrash. Rất tiếc, công ti thu âm của Exodus với tầm nhìn hạn hẹp và thiếu can đảm đã chậm trễ trong việc tung ra 1 tuyệt phẩm trong bối cảnh Thrash Metal mới chập chững những bước đầu tiên. Sự chậm trễ đó đồng nghĩa với việc Exodus phải chịu lép vế các ban nhạc tung ra album trước, dù tính về tuổi đời, họ là 1 trong những ban Thrash tiên phong. Cũng nổi bật không kém Exodus là Spreading The Disease của Anthrax – album thứ 2 và cũng là 1 bước tiến vượt bậc so với album đầu tiên của họ. Spreading the Disease sản sinh ra 1 loạt hit track mà Anthrax thường xuyên sử dụng để diễn live, đáng kể hơn cả là A.I.R, Madhouse và Armed and Dangerous. Spreading The Disease cùng với Among The Living là 2 album xuất sắc nhất của Anthrax.
***Một số album khác trong năm 1985:
*Killing is My Business của Megadeth – album tràn đầy năng lượng nhưng Dave Mustaine và các chiến hữu mới vẫn còn thiếu 1 chút định hướng.
*Hell Awaits của Slayer – ban nhạc càng ngày càng chơi chín chắn hơn
*Feel The Fire của Overkill – album khởi đầu cho 1 chuỗi những đĩa nhạc rất đều tay của ban nhạc đến từ New York.
*Seven Churches của Possessed – Death Metal được khai sinh từ đây
*Energetic Disassembly của Watchtower – 1 trong những cột mốc của Progressive Thrash nói riêng và Prog Metal nói chung.
*Ở châu Âu, bộ ba khủng long của Thrash Metal Đức là Sodom, Kreator và Destruction đồng loạt ra album đầu tay. Mặc dù chất lượng chưa được tốt nhưng những album này góp phần quan trọng đẩy mạnh phong trào thrash ở châu Âu.
*We Have Arrived của Dark Angel – đồng hương của Slayer với lối đánh cũng hung hăng không kém.
1986 có thể nói là năm đỉnh cao của Thrash Metal, và cũng là 1 trong những điểm nhấn quan trọng nhất trong lịch sử Heavy Metal. Lúc này Thrash Metal đã rất phổ biến trong giới trẻ Hoa Kì, các buổi biểu diễn kể cả ở các sân khấu nhỏ cho đến những sân vận động lớn thường rất đông khán giả. Quá nhiều tuyệt tác ra đời trong năm 1986 mà tầm ảnh hưởng của nó vẫn còn rất lớn cho tới tận ngày nay. Các tuyệt tác đó là: Master Of Puppets của Metallica, Reign In Blood của Slayer, Peace Sells của Megadeth, Pleasure To Kill của Kreator. 2 đĩa đầu tiên có thể nói là 2 album đứng đầu của Thrash, còn Megadeth tuy chơi rất hay nhưng chưa đạt đến đỉnh cao (phải đến năm 1990 họ mới lên đỉnh).
Về Master Of Puppets của Metallica thì có lẽ không cần nói quá nhiều. Đây là album được đánh giá cao nhất của Thrash Metal, một đĩa nhạc gần như hoàn hảo, tất cả các track đều hay. Ca khúc nổi tiếng nhất của Thrash cũng chính là ca khúc cùng tên album, nội dung ẩn dụ nói về ma túy, với tiếng guitar mạnh mẽ mà cực kì ngọt ngào của bộ đôi James Hetfield và Kirk Hammet. Còn track khởi đầu album là Battery thì chỉ thua kém Master Of Puppets một chút về danh tiếng, trong khi track 7 Orion thì là 1 trong những bản instrumental xuất sắc nhất trong lịch sử Heavy Metal. Master Of Puppets giúp cho tiếng tăm của Metallica vượt ra ngoài giới Heavy Metal để tiến vào giới Mainstream Rock, đồng thời cũng là album thrash metal đầu tiên đạt đĩa vàng ở Mĩ. Những âm thanh của nó đã trở thành 1 trong những chuẩn mực của Heavy Metal đương đại, khiến cho hàng loạt ban Thrash ra đời sau này cố gắng copy lại hình ảnh của Metallica trong Master Of Puppets.
Slayer, chiến hữu của Metallica cũng đã có 1 năm thành công không kém với tuyệt phẩm Reign In Blood, một trong những đĩa Thrash Metal dữ dội nhất. Reign In Blood có độ dài cực ngắn, nhưng lại đem đến những cú riff và solo đã nhất mà Thrash từng sản sinh ra. Khởi đầu với Angel Of Death và kết thúc bằng Raining Blood, album này tôn vinh tài năng của cặp đôi guitar Kerry King và Jeff Hanneman, đồng thời khẳng định vị trí số 1 của tay trống Dave Lombardo trong làng trống Thrash.
Trong khi đó, Peace Sells… But Who’s Buying lần đầu tiên khẳng định tầm vóc của Megadeth như là 1 trong những ban nhạc xuất sắc nhất của Thrash. Wake Up Dead, The Conjuring hay Peace Sells đều là những ca khúc điển hình của Megadeth, lyric giận dữ và đề cập nhiều đến vấn đề chính trị. Tuy vậy album này có 1 hạt sạn là bản cover I Ain’t Superstitious, bị nhiều fan xếp vào 1 trong những ca khúc dở nhất của Megadeth.
Tại châu Âu, Kreator với Pleasure To Kill nhanh chóng được thừa nhận như là album số 1 của Thrash châu Âu và đồng thời cũng đem lại cho ban nhạc vị trí kẻ lãnh đạo Thrash Metal lục địa già. Pleasure to Kill mạnh mẽ không kém gì Reign In Blood của Slayer, cũng chứa hàng tá những cú riff và solo đẹp mắt, độc đáo nhãn hiệu Kreator. Điểm yếu lớn nhất có lẽ là production của album này tệ hơn hẳn so với các album cùng thời ở Mĩ.
Ngoài 4 album kể trên, 1986 còn được biết đến vì nó đã sản sinh ra nhiều album xuất sắc khác, nhưng chúng bị che lấp dưới cái bóng của các ban đàn anh và đã không đạt được thành công như mong đợi. Đó là Eternal Devastation của Destruction, Darkness Descends của Dark Angel, Doomsday For The Deceiver của Flotsam & Jetsam, Game Over của Nuclear Assault.
Năm 1986, tuy vậy, không chỉ có toàn các sự kiện vui. Một trong những bi kịch đáng tiếc nhất của Thrash đã xảy ra vào tháng 9-1986 tại Thụy Điển khi chiếc xe chở ban nhạc Metallica trên đường lưu diễn gặp tai nạn. Kết quả là Cliff Burton, tay bass xuất sắc nhất của Thrash Metal và cũng là 1 trong những huyền thoại trong làng Heavy Metal, đã qua đời do bị chính chiếc xe đổ đè lên. Sau này Jason Newsted – tay bass được Metallica kéo về từ Flotsam & Jetsam – thừa nhận anh không thể nào lấp đầy khoảng trống mà Cliff để lại.
Từ 1987 – 1990, cái sân khấu Thrash Metal càng ngày càng trở nên phình to và bão hòa bởi sự xuất hiện của quá nhiều ban nhạc. Tuy vậy, những tuyệt tác mới vẫn tiếp tục được sản sinh đều đặn. Sau một năm 1986 quá thành công, các ban thrash đầu đàn đều được đón nhận rộng rãi. Điều này dẫn đến việc các ban nhạc mới xuất hiện khắp nơi, nhưng những âm thanh lạ và đặc sắc thì không nhiều. Vẫn là những ban cũ làm chủ sân khấu lớn. Metallica tiếp tục cho ra đời 1 tuyệt phẩm – …And Justice For All – với video clip One rất được hâm mộ trên kênh truyền hình MTV. One cũng trở thành ca khúc đầu tiên của Metallica đem lại cho họ 1 giải Grammy – 1 sự thừa nhận của giới Mainstream đối với tài năng của ban nhạc.
Megadeth thì càng chơi càng hay, sau Peace Sells là So Far, So Good, So What 1988, rồi đến Rust In Peace 1990 – album xuất sắc nhất của Megadeth với 2 ca khúc nổi tiếng Holy Wars và Hangar 18. Tuy vậy trong khoảng thời gian này nhân sự ban nhạc thay đổi xoành xoạch. Sau khi chia tay với guitarist Chris Poland, Dave rước về Jeff Young để chơi trong So Far So Good So What, tiếp đó Jeff cũng phải ra đi nhường chỗ cho Marty Friedman – 1 huyền thoại của speed metal.
Cùng lúc đó Slayer gây ra một bất ngờ với South Of Heaven 1988, album mà ban nhạc chơi chậm hơn nhiều so với tất cả các đĩa trước của họ. South Of Heaven, tuy vậy, vẫn là 1 album đầy u ám và cực kì xuất sắc. Năm 1990, Slayer tiếp tục gây sóng gió với đĩa Seasons In The Abyss nhờ các ca khúc War Ensemble, Seasons In The Abyss.
Trong số tứ trụ, Anthrax có lẽ chơi bớt máu lửa hơn cả, nhất là sau đĩa Among The Living 1987. State Of Euphoria và Persistence Of Time tuy vẫn hay nhưng có lẽ đã mất đi phần nào tính sáng tạo so với những album trước của Anthrax.
Tại châu Âu, Kreator, Sodom và Destruction tiếp tục làm mưa làm gió. Trong khi Sodom chơi cực nặng với Agent Orange; Destruction tập trung vào tiếng guitar với Release From Agony thì Kreator đã bớt hung hăng nhưng vẫn rất ngọt ngào với Terrible Certainty, Extreme Aggression. Phần Lan đóng góp 1 đại diện xuất sắc là Stone với 2 album khá hay là Stone và No Anesthesia. Thụy Sĩ cũng gây ngạc nhiên với ban Coroner và loạt 3 album rất đều tay R.I.P 1987, Punishment for Decadence 1988 và No More Colour 1989.
Ngoài ra phải kể đến những album sau:
*Testament – The Legacy 1987, The New Order 1988 và Practice What You Preach 1989: 3 album liên tiếp như những quả bom của ban nhạc đến từ vùng Bay Area nổi tiếng đem lại cho Testament 1 vị trí trong tứ trụ của Thrash trước khi bị Megadeth qua mặt.
*Forbidden – Forbidden Evil: Lại là Bay Area Thrash ở dạng tinh túy nhất, album Forbidden Evil với ca khúc Chalice Of Blood đem lại cho ban nhạc 1 chỗ đứng vững chắc trong làng thrash.
*Exodus – Fabulous Disaster: ra 3 album trong thời gian này nhưng trong khi Fabulous Disaster là 1 album rất hay của Exodus thì những đĩa còn lại đều gây thất vọng. Đây cũng là 1 nguyên nhân khiến cho ban nhạc đi xuống thấy rõ trong thập kỉ 90.
*Sepultura – Beneath The Remains 1989: 2 album đầu cho thấy một Sepultura đầy tiềm năng, nhưng phải đến Beneath The Remains, Sepultura mới thực sự chứng minh được khả năng của mình. Thứ Death/Thrash hung hăng mà đậm chất kĩ thuật của họ giúp cho tên tuổi của thủ lĩnh Max Cavalera nổi như cồn. Đồng thời Sepultura trở thành ban nhạc nổi tiếng nhất mà Brazil từng sản sinh ra.
*Mekong Delta – The Music Of Erich Zann: Ban Progressive Thrash khá kĩ thuật của Đức với một chút âm hưởng nhạc cổ điển.
*Death – Scream Bloody Gore 1987, Morbid Angel – Altars Of Madness 1989, Obituary – Slowly We Rot 1989: những cột mốc đánh dấu sự hình thành của Death Metal, làm nổi bật tên tuổi của Florida như là cái nôi của dòng nhạc này.
*Annihilator – Alice In Hell 1989 và Never, Neverland 1990: 2 album đầu tay tuyệt vời của ban Melodic Thrash Metal đến từ Canada cũng là cái bệ phóng cho danh tiếng của thủ lĩnh Jeff Waters. Cả 2 album này đều có phần guitar cực kì ngọt và xuất sắc do Jeff đảm nhiệm.
*Death Angel – The Ultra-Violence và ACT III: Lại là 1 ban Bay Area Thrash, nhưng thứ Thrash của Death Angel không hề hung bạo mà rất quyến rũ.
*Overkill – Taking Over 1987, Under The Influence 1988 và Years Of Decay 1989: Trong cả sự nghiệp của mình, gần như không có album nào của Overkill là dở cả. Ban nhạc luôn biết cách kết hợp một cách tốt nhất tốc độ vũ bão và những âm thanh êm tai.
*Watchtower – Control & Resistance: album thứ 2 và cũng là cuối cùng của Watchtower một lần nữa lại khẳng định khả năng làm xiếc với nhạc cụ của các thành viên.
*Voivod – Dimension Hartross 1988 và Nothingface 1989: Thứ Progressive Thrash trên đỉnh cao của nó. The Unknown Knows trong Nothingface có lẽ là ca khúc số 1 của Prog Thrash.
IV – Thời kì thoái trào và đổi mới:
Thập kỉ 90 chứng kiến sự thoái trào của Thrash cùng làn sóng thay đổi phong cách của các ban nhạc. Âm nhạc thế giới biến đổi quá nhiều trong khoảng thời gian này. Đầu thập kỉ 90, 1 nhóm nhỏ các ban nhạc ở thành phố Seattle miền Tây Bắc nước Mĩ thử nghiệm kết hợp Metal với Punk, rồi cố gắng bóp méo những âm thanh mà họ thu được. Kết quả quá là mĩ mãn. Grunge – dòng nhạc ra đời từ sự kết hợp đó – nhanh chóng tạo nên 1 cơn sốt, đồng thời cuốn phăng những ban Heavy Metal đang chiếm lĩnh sân khấu lúc bấy giờ. Đi đầu là bộ tứ Nirvana, Pearl Jam, Alice In Chains, Soundgarden, Grunge không những nhận được sự ủng hộ của đông đảo người nghe mà còn được giới phê bình đánh giá rất cao. Cùng lúc đó, một sự thử nghiệm khác là Rap + Metal lần đầu tiên gây được tiếng vang khi nhóm Rage Against The Machine đạt được thành công vang dội với album đầu tay cùng tên năm 1992. Đây cũng là khởi điểm cho dòng Nu-Metal rất thịnh hành ở nước Mĩ về sau này. Trong khi đó các nhóm chơi Death Metal càng ngày càng lớn mạnh, thứ nhạc này đã nhanh chóng vượt ra ngoài biên giới bang Florida để xâm chiếm châu Âu và nhiều vùng khác của nước Mĩ. Sân khấu ca nhạc trở nên quá chật hẹp, nhất là đối với 1 dòng nhạc mới manh nha vượt ra khỏi thế giới underground như Thrash Metal. Kết quả là hầu hết các ban Thrash Metal nhỏ và vừa phải tan rã hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Những ban nhạc lớn với danh tiếng sẵn có của mình vẫn tiếp tục hoạt động nhưng phải cải tiến âm thanh theo hướng tiếp cận với đám đông khán giả – điều này đồng nghĩa với việc thay đổi dòng nhạc, hoặc phải thêm thắt rất nhiều giai điệu dễ nghe cho phù hợp với tình hình mới.
Đi đầu cho sự đổi mới dĩ nhiên là ông trùm của Thrash – Metallica. The Black Album năm 1991 là album tiêu thụ được nhiều nhất của Metallica cho đến thời điểm này (15 triệu bản), và cũng là album dễ nghe nhất của họ. Vẫn là những âm thanh chát chúa của Thrash, nhưng không còn tốc độ vũ bão và những cú riff phức tạp ngày nào. Thay vào đó là những cú riff đơn giản nhưng rất giàu giai điệu, thậm chí album này còn có tới 2 bản ballad thực thụ là Unforgiven và Nothing Else Matters. Metallica 91 giúp tên tuổi của ban nhạc nổi tiếng không chỉ với dân nghe hard rock hay metal, tuy nhiên có điều chắc chắn album này không thể đạt được chất lượng nghệ thuật xuất sắc như các tuyệt phẩm trước đó của họ. Bẵng đi 5 năm, đến tận 1996, Metallica mới phát hành album tiếp theo Load. Sau đó 1 năm là đĩa Reload. Cả 2 album này là những điểm đen trong sự nghiệp của ban nhạc, không hẳn vì chúng nghe không ra gì, mà vì Metallica đã đi theo hướng hard rock, alternative metal chứ không còn là Thrash nữa. Những thể loại đó thì chắc chắn không phải là sở trường của họ.
Trong khi đó Megadeth bắt đầu tiến hóa với album 1992 Countdown to Extinction. Tuy vậy, sự tiến hóa của họ được chấp nhận rộng rãi hơn Metallik ( cho dù nhiều fan bảo thủ vẫn không chấp nhận). Điều này có được chủ yếu vì chất lượng các album của Megadeth vẫn rất cao cho dù nhạc của họ không còn giống như 4 album đầu. Cả Countdown to Exctinction lẫn Youthanasia đều là những album khá xuất sắc, có thể liệt chúng vào Melodic Thrash.
Anthrax thì đi theo 1 hướng không ai ngờ: kết hợp Thrash với Rap trong một số ca khúc. Thập kỉ 90 họ đã không còn vocalist đầy cá tính Joey Belladonna, có lẽ đó cũng là 1 nguyên nhân thúc đẩy ban nhạc thay đổi. Thứ nhạc của họ đã cùng với Rage Against The Machine làm tiền đề cho Nu-Metal phát triển rực rỡ sau này. Lẽ dĩ nhiên những album sau của Anthrax bị rất nhiều fan quay lưng.
Slayer cũng không khá hơn khi họ chỉ còn trụ thêm nổi 1 album xuất sắc là Divine Intervention trước khi nối gót những ban nhạc cùng thời chuyển sang chơi punk thrash.
Tình hình càng trở nên thê thảm khi Testament dần chuyển sang Death Thrash, Exodus thì im tiếng suốt 10 năm từ sau đĩa Force Of Habbit (chỉ ra được 1 đĩa live), Annihilator càng chơi càng giống 1 ban Heavy Metal truyền thống hơn là Thrash. Chỉ còn Overkill vẫn giữ được lối chơi Thrash mạnh mẽ như thời kì đầu.
Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của Groove Thrash là 1 bước tiến hóa tất yếu của Thrash Metal. Groove Metal là kiểu Thrash Metal chơi nặng hơn nhưng tốc độ thì chậm hơn so với Thrash Metal thông thường. Có ý kiến đòi tách hẳn Groove khỏi Thrash nhưng rõ ràng những mối liên hệ và ảnh hưởng của Thrash lên Groove quá lớn để có thể tách nó ra khỏi Thrash. Nhiều người cũng cho rằng album gây nhiều tranh cãi Metallica 91 của Metallica có thể xếp vào dòng Groove này.
Tháng 7 năm 1990 tại Texas, ban nhạc Pantera sau 1 loạt các album không thành công trong thập kỉ 80 quyết định thay đổi phong cách của mình bằng album Cowboys From Hell. Với ca khúc Cemetery Gates nổi tiếng, Pantera nhanh chóng trở nên phổ biến trên toàn nước Mĩ. Cùng trong năm 1990, 1 ban nhạc khác ở New Orleans là Exhorder cũng tung ra album đầu tay Slaughter In The Vatican với lối chơi khá giống Pantera, nhưng không đạt được thành công như ban nhạc Texas. Nhiều fan của Exhorder sau này cho rằng Pantera đã ăn cắp những âm thanh groove của Exhorder, nhưng điều này rõ ràng là không có cơ sở vì kiểu chơi guitar của 2 ban vẫn còn rất nhiều điểm khác biệt. Pantera nhanh chóng đạt được những thành công rực rỡ, thậm chí họ còn vượt mặt nhiều đàn anh để sánh vai cùng Metallica như là 2 ban metal phổ biến nhất ở Mĩ. Năm 1992 album Vulgar Display Of Power đạt vị trí thứ 44 trong bảng xếp hạng BillBoard, còn single Walk lọt vào bảng xếp hạng Anh. Thành công nối tiếp thành công, năm 1994 album Far Beyond Driver gây nên một cú sốc lớn với việc leo lên đỉnh cao của bảng xếp hạng BillBoard ngay tuần đầu phát hành, trở thành album extreme metal đầu tiên đạt được thành công này (vì The Black Album 1991 của Metallica khó có thể gọi là Extreme Metal).
Cũng trong năm 1994, một số cựu thành viên của các nhóm Bay Area Thrash hùng mạnh một thời là Robb Flynn (Vio-lence, Forbidden), Phil Demmel (Vio-lence), Dave McClain (Sacred Reich) quyết định thành lập 1 nhóm nhạc mới lấy tên Machine Head. Lối chơi của ban nhạc là sự kết hợp giữa Thrash Metal truyền thống và Groove Thrash. Machine Head giành được thành công gần như ngay lập tức với album Burn My Eyes, đóng góp phần quan trọng cho tiếng tăm của Groove Thrash. Một vài ban Groove đáng chú ý khác có thể kể đến White Zombie, Prong (chỉ bắt đầu từ album Cleansing 1994), và phần nào đó là Sepultura (từ album Chaos AD).
Groove tuy phát triển mạnh mẽ đầu thập kỉ 90 nhưng nhanh chóng suy tàn, một phần vì nó là 1 trong những @ồn cảm hứng chính cho các ban Nu-Metal nửa sau thập kỉ. Những ảnh hưởng của Groove có thể nói là xuất hiện trong hầu hết các album của modern metal Mĩ gần đây.
V – Thrash Metal trong thế kỉ 21:
Internet trở thành 1 trong những công cụ đắc lực nhất của loài người cuối thế kỉ 20 đầu thế kỉ 21. Nhờ Internet, rất nhiều ban nhạc, dòng nhạc tưởng đã mồ yên mả đẹp có dịp đội mồ sống dậy. Thrash Metal là một trong số đó. Làn sóng tái hợp và ra album của hàng loạt ban Thrash cựu trào đã bùng nổ mạnh mẽ trong khoảng vài năm trở lại đây. Exodus, Nuclear Assault, Destruction, Artillery, Metal Church, Death Angel & Dark Angel là những ban đã tái hợp trong thế kỉ mới, cho dù mức độ thành công không giống nhau. Điểm chung của những sự tái hợp này là xu hướng trở về cội @ồn của các ban, tất cả đều chơi thứ Thrash cổ điển kết hợp một chút âm thanh của modern metal. Annihilator, Kreator, Anthrax và Megadeth sau một thời gian ngụp lặn tìm hướng đi cũng đã quyết định quay trở về với Thrash nguyên thủy.
Trong số những sự trở lại này, thành công nhất là Exodus với album Tempo Of The Damned 2004. Album này không những thỏa mãn những Thrash fan trung thành mà còn kéo thêm một lượng người nghe đáng kể đến với Thrash. Từ năm 2004 đến 2006, hầu hết các ban Thrash hào hùng một thời đều đã ra album mới. Đó là Shovel Headed Kill Machine của Exodus, Inventor Of Evil của Destruction, Enemy Of God của Kreator, Schizo Deluxe của Annihilator, St Anger của Metallica, The System has failed của Megadeth, ReliXIV của Overkill, The Art Of Dying của Death Angel. Những ban Thrash mới trẻ trung cũng lần lượt xuất hiện, đáng tiếc chưa một ai trong số họ cho thấy được tiềm năng đủ lớn để vượt mặt đàn anh. Ấn tượng nhất trong số này có lẽ là Sauron với album Thrash Assault, Chainsaw với Smell The Chain, Demiricous với One(Hellbound), Abandoned với Thrash Notes.
Ngoài sự quay lại của Thrash kinh điển, một xu hướng khác cũng khá phổ biến trong thế kỉ 21, là sự kết hợp những âm thanh của Death Metal châu Âu với Thrash. Nổi bật nhất trong số này phải kể đến Carnal Forge và The Haunted của Thụy Điển.
VI – Con đường phía trước của Thrash:
Tuy làn sóng tái hợp của các ban Thrash Metal kinh điển vẫn chưa có điểm dừng, nhưng một điều dễ nhận thấy là nó khó có thể tồn tại được lâu. Các ban nhạc này hầu hết đều đã quá già để có thể đem lại thành công dài lâu cho Thrash. Để không bị chìm vào quên lãng, xu hướng tiếp theo của Thrash chắc chắn phải là kết hợp với các dòng nhạc khác, thậm chí là tiến hóa để hình thành 1 dòng nhạc hoàn toàn mới. Điều này Thụy Điển có vẻ đang làm khá tốt với The Haunted và Carnal Forge. Trong khi đó, tại Mĩ, Metalcore – dòng nhạc chịu nhiều ảnh hưởng của Thrash và Melodic Death đang tràn ngập trên các phương tiện truyền thông – cũng có thể coi là 1 giải pháp khác, tuy rằng mức độ thành công về nghệ thuật của dòng nhạc này còn đang gây nhiều tranh cãi.