Categories Dòng nhạc

Phân loại các dòng Metal

Có lẽ tôi sẽ bắt đầu với Heavy Metal. Sẽ thật sự ngớ ngẩn nếu nói rằng đây là dòng nhạc đầu tiên được đặt tên Metal, trẻ con cũng biết. Được nhận ra bởi những cú riff guitar với tiếng distortion, trên nền trống mạnh bạo, Heavy Metal thời kỳ đầu thường có câu riff dài, do chịu ảnh hưởng của nhạc Blue. Band chơi Heavy Metal đầu tiên là Black Sabbath, vốn là cảm hứng bất tận cho New Wave Of British Heavy Metal (NWOBHM). Nằm trong bộ ba khủng long cùng Led Zeppelin, Deep Purple, nhưng Black Sabbath có vẻ ra chất Heavy Metal nhất, trong khi Led Zeppelin dù cũng có đóng góp nhiều nhưng hơi thiên về Blue Rock hơn là Heavy Metal, còn Deep Purple thì nặng về Hard Rock. Bộ ba album huyền thoại Led Zeppelin IV, Paranoid và Machine head chắc chắn không ai là không biết. Dù tồn tại thật ngắn ngủi nhưng NWOBHM đã đặt dấu ấn quan trọng, và đến giờ Iron Maiden vẫn đang theo đuổi Heavy Metal thuần chất.

Có lẽ khá gần gũi và quen thuộc. Khi nhắc tới những cái tên Metallica, Megadeth, Slayer, Anthrax, các bạn sẽ hình dung ra điều gì? Những người tự cho rằng mình hiểu biết cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn với câu hỏi này. Đâu là điểm chung cho Big Four of Thrash này? Và âm nhạc như thế nào thì được gọi Thrash Metal? Nó khác gì với cái người ta gọi là Heavy Metal?

Từ nền móng của Heavy Metal mà các band chơi Thrash xây dựng cho mình cách chơi riêng, với đặc điểm nổi bật nhất là phần guitar rhythm. Các tay guitar accord của dòng nhạc này đều chơi giằng giật với những câu riff rất rõ ràng, nền guitar chơi rất dày, với tiếng vè vè đặc trưng, cả khi có lẫn ko có vocal. Có rất nhiều bài, các band dùng nền guitar này làm intro (chỉ có guitar, ko trống, ko hát). Cách đánh guitar này khiến cho Thrash trở thành loại nhạc nặng nhất sau khi nó ra đời. Ở đây cần lưu ý là nặng, cả ở cách đánh, lẫn ở cách căn tiếng đàn. Bên cạnh đó là phần trống cũng thường được chơi dữ hơn hẳn so với các band Heavy Metal cuối những năm 70, với việc sử dụng chân bass đôi phổ biến. Đây chính là dòng nhạc đầu tiên thoát khỏi những âm thanh Heavy truyền thống, cũng có thể coi đó là một cuộc cách mạng (hãy tưởng tượng xem nhạc rock sẽ thế nào nếu người ta cứ chơi Heavy Metal mãi).

Power Metal đáng lẽ ra phải là dòng nhạc dễ nhận ra nhất, điển hình nhất, thì đến nay người ta có thể dễ dàng nhầm nó với Doom hay Gothic, hay thậm chí cả Progressive . Thật rõ ràng, Power có một số đặc trưng rất dễ nhận ra, đó là thường có tiết tấu cực nhanh. Trống chơi 2 chân bass ở tempo cao nên cảm giác chung là nhạc Power rất dồn dập. Nhạc Power thường có nền hợp âm rất đẹp, lời lẽ hoa mỹ nên dễ nghe, dễ thích. Những đoạn solo thường có một số kiểu: guitar bè đôi, hoặc guitar 1 solo rồi đến guitar 2, rồi lại guitar 1, guitar 2 (điển hình Helloween, chịu ảnh hưởng lớn từ Judas Priest); hoặc keyboard solo cùng guitar (kiểu Stratovarius). Các giọng hát dòng Power thường rất cao, thường là giọng soprano (cả nam lẫn nữ, nếu có). Nội dung của nhạc Power thì đa số liên quan đến epic, legend, … vì thế việc bắt gặp Dragon, Sword, Warrior,… không mấy xa lạ. Dù được chơi rất nhanh nhưng do nét nhạc trong, thanh cao, ít dữ dội và giận dữ nên không hề nặng như Thrash. Một điều đáng nói ở Power là càng ngày, những câu riff càng hiếm. Các band chơi nhạc đôi khi chỉ bám theo 1 nền hòa âm duy nhất và làm nền cho giọng hát. Tất cả tinh hoa nghệ thuật họ dồn hết vào phần giai điệu và những đoạn solo. Riff – vốn là đặc trưng của Metal – đã ko được coi trọng đúng mức nên chúng ta rất dễ nhầm lẫn giữa các band chơi Power.

Có rất nhiều ban nhạc luôn lấy tempo 200 làm chuẩn (tempo = 200 có thể hiểu nôm na là 200 nhịp đập 1 phút). Để dễ hình dung tôi có thể ví dụ The Final Countdown mà Unlimited cover lại, tempo khoảng 130 – 140.

Progressive vốn vẫn được ca ngợi và tâng bốc như là dòng nhạc bác học nhất của Metal. Sự thật thì thế nào gọi là Progressive? Tôi đã từng đọc được những bài viết nói rằng Rhapsody yêu quý của mình chơi Progressive??? Và họ đưa ngay ra bằng chứng ở đĩa Power of the Dragonflame (2002). Thật khó có thể cãi nhau với họ, vì họ có cái đúng của riêng họ, nhưng rõ ràng cái chất Pro trong đĩa này chỉ phảng phất đâu đây nhờ chút ít những đoạn trống đập ngược nhịp và guitar đánh hơi trái tai một chút. Tất cả chỉ có vậy. Nhưng kết luận cuối cùng là đã có chất Pro. Và tôi cũng đành công nhận điều này.

Progressive, điều dễ nhận ra nhất của nó, chính là time signature (TS). Thuật ngữ này tuy quen thuộc nếu tôi ví dụ: 2/4, 4/4, 6/8, … nhưng thực sự rất khó dịch ra tiếng Việt (không thể gọi là nhịp đc, vì nếu vậy thì beat, rhythm dịch ra sao, tiết tấu thì càng không). Dù sao thì chúng ta vẫn quen gọi nó là nhịp 2/4, 3/4… Một thói quen xấu.

Sự thay đổi liên tục TS trong suốt bài hát là yếu tố chính tạo nên âm nhạc Progressive (nếu đi sâu vào hơn nữa thì đó là sự thay đổi trong từng khuông nhạc). Một câu nhạc Pro có thể bắt đầu bằng 4/4, chơi cả 4 khuông 3/4, rồi kết bằng một khuông 7/8. Rồi từ đó bắt đầu nảy sinh ra đủ thứ lạ lùng trên đời: 5/6, 9/10, 11/16, 15/32, 17/64, thậm chí 98/99,…. Tưởng tượng ra cũng không dễ dàng gì đối với một người nghe nhạc phổ thông.

Chính vì điều này mà nhạc Pro thường khó nghe; và chơi nó thì còn khó hơn nhiều lần, vì các nhạc công nếu trình độ không thuộc hàng khiếp đảm thì ko thể nào theo được sự thay đổi liên tục trong nhịp điệu và tiết tấu như thế, và còn ở tốc độ cao. Và sau đó còn là sự phối hợp giữa 5, 6 người. Chỉ nói ra đã thấy kinh khủng!
Nhạc Pro cũng vì thế mà rất tự do, kết cấu một bài nhạc thường vượt ra ngoài khuôn khổ của nhạc truyền thống; các khái niệm chorus, brigde, intro, outtro trở nên tương đối, thời lượng của bản nhạc cũng vậy. Chẳng khó khăn gì khi bắt gặp một bài hát 00:12, và ngay sau đó là một bản nhạc 18:56, ….. Và ca sĩ trở nên không cần thiết hơn bao giờ hết. Không thể phủ nhận những ca sĩ của dòng nhạc Pro cũng có đẳng cấp cao và giọng hát của họ đôi khi cũng hay chẳng kém gì Freddie Mercury, nhưng rõ ràng là việc họ có tồn tại trong ban nhạc hay không, không còn có ý nghĩ quyết định. Bản thân Dream Theater trước đây cũng đã từng có thời được định hướng thành một band chuyên chơi Instrumental.

Về nội dung của nhạc Pro thì có lẽ tôi sẽ không trình bày vì nó quá đa dạng, và không có một tư tưởng chung nào. Đa số các band Progressive đều cố gắng xây dựng cho mình một nội dung thật khó hiểu, thật sâu xa, và đòi hỏi người nghe phải ngồi phân tích rất kỹ, về tất cả mọi mặt của cuộc sống. Dòng nhạc này luôn đòi hỏi sự kiên nhẫn rất lớn để có thể hiểu một cách tường tận.

Ở đây tôi xin nói đến một vấn đề mà mọi người đôi khi rất hay lẫn lộn. Đặc biệt là trong một bài viết sưu tầm từ rockvn.com. Đó là khái niệm nhạc Progressive và khái niệm Concept album. Trong bài viết đó, tác giả đã vứt tất cả Concept album mà anh ta tìm được vào dòng nhạc Progressive. Đúng là các album Progressive thường được viết theo dạng concept, nhưng điều đó không có nghĩa tất cả concept album đều thuộc thể loại Progressive. Để có hình dung rõ rệt nhất về Progressive thì cái tên được nhắc đến nhiều nhất là Dream Theater. Một số band nên nghe thử: Symphony X, Evergrey, Pain of Salvation, Threshold…..

Gothic Metal (Goth), dòng cùng được manh nha từ cuối những năm 70, bởi những người có tư tưởng trái ngược với Punker. Trong khi Punk thường thể hiện sự nổi loạn và đập phá lộ liễu, thì Gothic đi ngược lại, thường thể hiện theo kiểu hướng nội. Đặc điểm của Gothic là luôn luôn xuất hiện synthesizers, hoặc ít nhất là tiếng effect guitar giả lập. Và đến những năm đầu 90 thì sự xuất hiện violon trong Goth không còn xa lạ, và dần chiếm phần chủ đạo. Guitar solo trong Gothic ít dần, và thay vào đó là làm nền cho violon solo.
Quả thực tôi cũng không biết phải diễn đạt về nhạc Gothic như thế nào vì đặc trưng lớn nhất của nó chỉ là nhạc cụ điện tử và violon. Việc kết hợp delay, chorus, reverb, flange có thể tạo ra một thứ âm thanh hỗn hợp mà chúng ta có thể bắt gặp trong Goth.

Giọng hát của Gothic thì phổ biến là giọng nữ cao.

Doom Metal cũng là một dòng nhạc được hình thành với tư tưởng ngược với death, black. Trong khi các nhạc công chơi death cố chơi càng nhanh càng tốt, thì Doom chơi có vẻ như càng chậm càng hay. Doom vẫn mang trong mình những cú riff nặng trịch của Metal, nhưng nền synth cũng tồn tại song song, và thỉnh thoảng chêm vào những đoạn nhạc buồn thê lương.

Đến nay thì Doom càng ngày càng giống với Gothic với việc sử dụng violon và 2 giọng nam trầm và nữ cao. Chẳng có gì là lạ khi Paradise Lost được biết đến như một band nhạc đặt nền móng cho một subgerne gọi là Doom/Death, nhưng lại có ảnh hưởng nhất định đến Gothic.

Một cách để phân biệt giữa Gothic và Doom: Khi nghe Gothic, bạn sẽ có cảm giác lạc vào một vùng đất cảnh vật mơ hồ, phía trước toàn sương mù mờ ảo, lâng lâng giữa không trung, còn Doom tạo cho bạn cảm giác của vùng đất đầy tang tóc, chết chóc, dù không hề có dấu hiệu của máu hay đầu lâu.

Những khái niệm như Symphonic, Classical, Industrial, …. Không hề có ý nghĩa xác định 1 dòng nhạc như nhiều người vẫn nghĩ. Đây chỉ là những tiền tố bổ sung thêm đặc điểm cho dòng nhạc. Chẳng hạn khi nói Symphonic Metal, người ta chỉ có thể hiểu là band này chơi có thêm yếu tố giao hưởng, chứ ko thể biết được band này chơi nhanh hay chậm, chơi Death hay chơi Nu.

Death, Black Metal thì khỏi cần phân biệt vì trong lối chơi nhạc của hai dòng này hòan toàn không có sự phân định rõ ràng. Nếu thử ngồi phân tích kỹ một đoạn nhạc của hai dòng này, hẳn sẽ khó xác định đâu là Death, đâu là Black. Thông thường các band Death vặn dây đàn xuống nửa cung hoặc một cung, tăng thêm độ trầm cho bản nhạc, các câu riff thường ngắn ngủn và đầy bạo lực, tiếng phơ thường nặng trịch, đặc biệt những band Semi-Brutal hoặc Brutal, còn giọng growl thì khàn đặc, âm thanh chủ yếu được phát ra từ hơi trong bụng, hoặc vùng dưới sâu cổ họng. Chắc chắn trong Death Metal, keyboard không được sử dụng, ngoại trừ dòng Death theo xu hướng Melodic. Tốc độ của các band chơi Brutal thì khủng khiếp, với những bản nhạc có tempo 210, 220, …. Và chân bass đôi dồn dập, và mặt trống cũng căn với tiếng thật đục và chết chóc. Tư tưởng của Death Metal rất đa dạng trong thể hiện, văn hóa, xã hội, …. Nhưng cùng chung một cách giải quyết là bạo lực, Death có tác dụng kích động lớn.

Trong khi đó Black Metal không có tư tưởng đẩy âm nhạc tới cực điểm. Nhạc Black chỉ có tác dụng tạo cho người nghe một sự ma quái nhất định. Các câu riff thường không quá dữ dội, và tốc độ cũng không quá cao, tất nhiên là không phải tất cả. Việc sử dụng keyboard trong Black cũng khá phổ biến trong Symphony Black. Và tư tưởng chủ yếu chỉ là phản Chúa, thờ Satan (vốn chỉ liên quan đến vấn đề tôn giáo). Sau này Black có những bước đi khác, và mở rộng tư tưởng về vấn đề lịch sử, có ảnh hưởng tới một dòng nhạc xuất hiện vào giữa những năm 90 là Folk Metal.

Việc phân chia dòng nhạc hiện nay đã mất đi rất nhiều ý nghĩa, khi mà đến cuối những năm 90 thế kỷ trước, các dòng nhạc đã bị pha trộn quá nhiều. Tất nhiên những band chơi thuần chất vẫn có, nhưng sự xuất hiện ồ ạt xu hướng kết hợp giữa các dòng nhạc là một tất yếu khách quan. Bạn sẽ phân chia thế nào khi một ban nhạc chơi nhạc ở tốc độ cao, guitar và keyboard solo song song với nhau, nhưng giọng hát trầm đục, cùng với sự biến đổi liên tục trong tiết tấu, và cùng với đó nền guitar accord giằng giật đúng kiểu Megadeth? Không lẽ đây là Progressive Thrash Power Melodic Death Metal??? Và nếu có sự xuất hiện thêm yếu tố của dàn nhạc giao hưởng nữa thì liệu có nên thêm tiền tố Symphonic vào chăng? Và sẽ thế nào nếu những bản nhạc của họ lấy hình ảnh của Viking Metal??? Hoặc khai thác nội dung của Gothic? Hay là chúng ta cứ nhắm mắt và tống band này vào Progressive Metal và bụng bảo dạ, xướng lên với thiên hạ lý do rằng Progressive rất rộng lớn? Xin mạn phép nói thêm, trong guitar của những band power đôi khi có thể hiện rõ những nốt nhạc kiểu Blue, Jazz.

Nếu như bản thân mình không hiểu thật tường tận đặc điểm của từng dòng nhạc, thậm chí từng ban nhạc, hay từng album,… thì lập tức người nghe sẽ choáng ngợp trước một rừng các thể loại nhạc, và nếu không có bản lĩnh, tham lam muốn tìm hiểu tất cả chỉ trong một sớm một chiều thì kết quả là họ rất am tường về vấn đề dòng nhạc nhưng tuyệt nhiên không thấy được cái hay của nó. Âm nhạc là một nghệ thuật chứ không phải một sở thích.

 

Cách đây đã lâu, khi đĩa Tàu đổ bộ vào nước ta, các cửa hàng cháy đĩa liên tục, người ta đã đổ xô đi nghe Power vì nét nhạc oai hùng và đẹp đẽ, để không lâu sau đó vứt nó vào góc tường quay ra nghe Gothic vì tính nhân văn sâu sắc, cũng không bao lâu sau người ta lại đâm đầu vào Progressive vì đó là một dòng nhạc bác học, xứng đáng với trình của họ, để rồi cũng chỉ một thời gian sau họ chúi mũi vào Death Metal vì đây mới thực sự là đỉnh cao của nghệ thuật. Để đến bây giờ, các band nhạc chơi Death ở Việt Nam mọc lên như nấm. Không nói là xu hướng này tốt hay xấu, nhưng rõ ràng con đường để họ đến với vinh quang vẫn chông gai như những bậc tiền bối đã trải qua. Sau hơn 15 năm phát triển mà vẫn không mấy khả quan, liệu phải trả lời câu hỏi này như thế nào?!?