Categories Ban nhạc

Rhapsody

HEROES OF THE LOST VALLEY….

Luca Turilli: cầm guitar từ khi mới 16 tuổi ,Luca đã bị quyến rũ hầu như là ngay lập tức bởi thể loại âm nhạc Tân cổ điển (New classical). Sau những tháng ngày miệt mài luyện ngón trên những bản phóng tác dành cho guitar classic những tưởng Luca sẽ trở thành một nhạc công bình thuòng nhưng không ngờ từ nền tảng ban đầu đó anh sáng tác ra một thứ âm nhạc theo cách mà anh đặc biệt yêu thích: đó là những tác phẩm được kết tinh từ sự hoà trộn nhuần nhuyễn giữa phong cách hoa mỹ của trường phái âm nhạc baroque được chơi với tốc độ của speedmetal và nội dung của các bài hát là những câu chuyện về các hiệp sĩ thời Trung cổ khoảng 1100-1400 sau công nguyên.

Nghe Rhapsody, đặc biệt là ở những đoạn intro hoặc là những trích đoạn ngắn được lấy ra từ những thiên anh hùng ca của họ, ta nhận ra ngay những cú “sweep”- một kĩ thuật chơi guitar đặc trưng của Luca (cái này là bị ảnh hưởng từ nhũng bản sonate của Paganini dành cho violon).

Có một lần Luca tiết lộ rằng anh có ước muốn là viết những bản opera rock dành cho guitar điện cùng dàn nhạc giao hưởng trình tấu ( điều này tuy không mới vì Y.Malsteel đã làm được đó là bản concerto số 1 cung Ebm dài 55′) nhưng dù sao chúng ta cũng hãy chúc cho những ý tưởng của anh ấy thành hiện thực.

Alex Staropoli: tay keyboard đa tài và hết sức sáng tao. Rất thích đưa những âm thanh hoành tráng được tạo ra từ cây đàn Korq 01/wPro vào những khoảng nghĩ giữa đoạn của các nhạc phẩm và cùng chia sẻ với Luca trong việc sáng tác, tuy nhiên những bài hát do Alex tạo ra thường được viết theo một hoặc có khi là nhiều chủ đề được lặp đi lặp lại theo một mô thức phức hợp. Bên cạnh đó anh cũng rất thích những âm thanh của dàn nhạc giao hưởng với những bản opera được phối hợp nhiều kiểu giai điệu khác nhau để hình thành nên một bản nhạc duy nhất có hình thức đối âm và giàu tính phức điệu. Ước mơ của anh là được chơi một cách thực sự cây đàn ống (một dạng đàn organ rất lớn với âm thanh được thoát ra từ những ống dẫn khổng lồ chĩa thẳng lên trời và tuỳ theo từng âm vực khác nhau mà độ dài của ống cũng khác nhau)……

Fabio Lione: Người kể chuyện cổ tích bằng giai điệu Fabio Lione bắt đầu sự nghiệp từ khi 17 tuổi và dành cả một năm sau đó chỉ để luyện giọng, Fabio Lione đã đến với chúng ta bằng một phong cách trộn lẫn giữa sự sâu lắng của cổ điển và chất mạnh mẽ của heavy metal .Ở anh ,ta tìm thấy một chất giọng trầm ấm giàu sắc thái biểu cảm, mượt mà. Hẵy lắng nghe cách xử lý các ca khúc của anh: nó mang đến cho những ca từ trong các nhạc phẩm của Rhapsody những cách diễn đạt đầy mới mẽ.

Alex Holzwarth: Từ những nhac phẩm của Rhapsody,chúng ta có thể nhận ra rằng Alex rất thích biểu đạt tiếng nói và sức mạnh của mình qua lối sử dụng cặp chân bass đầy uy lực và rất tốc độ. Tiếng trống của anh là sự kết hợp hoàn hảo của âm nhạc theo trường phái baroque cùng với những âm thanh bị ảnh hưỡng từ các nhạc phẩm của Helloween và Dio. Chúng bổ sung rất hoàn thiện cho những tuyệt phẩm được theo phong cách cổ điển của Rhapsody. Tôi mê đắm cái cách Alex “chạy nền” trong các bài hát. Tôi tin rằng không có ai thể hiện tính huyền ảo, hùng tráng của những truyền thuyết về các hiệp sĩ thời trung cổ một cách trọn vẹn như Alex Holzwarth…

Alessandro Lotta: người hùng trầm lặng này gây ấn tượng với tôi rất mạnh. Tuy chỉ là tay bass thứ 3 sau Andrea Furlan va Sascha Peath nhưng chính anh mới là điểm nhấn tuyệt vời nhất cho phần bè trầm trong các bài hát của Rhapsody. Lần đầu tiên nghe anh chơi, thú thật là tôi không hề ngạc nhiên ….một cảm giác của sự quen thuộc. Có một chút gì đó rất giống cách hành âm prestissimo của tay bass của Manowar. Nhưng phải nói là các câu bass của anh cũng có nét đặc trưng riêng biệt. Nhét cái headphone vào tai tôi đã tập trung cao độ chỉ để tìm những đoản khúc bass tốc độ và đầy mê hoặc lẫn khuất nhưng rất hùng biện trong những tuyệt phẩm được phối khí phức tạp của Rhapsody.

* Ngoài ra cũng phải nhắc đến những cái tên đã có một thời gắn bó và góp phần xây dựng nên “bản trường ca ” bất tử này :
– vocalist: Cristiano Adacher
– bassist: Andrea Furlan
– bassist kiêm producer: Sascha Peath

“BẢN GIAO HƯỞNG VÙNG ĐẤT BỊ PHÙ PHÉP”
(SYMPHONY OF ENCHANTED LANDS)

Ra đời vào tháng 11-1998, album thứ 2 của Rhapsody được đánh giá là có nhiều tiến bộ và giàu chất cổ điển hơn so với album đầu tiên “Legendary Tales”. Nghe xong album này tôi có cảm giác cứ như là chưa bao giờ chất giọng của Fabio Lione lại hoà quyện một cách hoàn hảo với thể loại nhạc neo-classical metal đến như vậy. Tất cả các bài hát trong album đều được chơi với một cảm xúc khiến cho chúng ta nảy sinh những cảm nhận thật đặc biệt khi nghe chúng. Có một điều thú vị ở album này là Sascha Peath – người đảm nhận phần bass trong album đầu tiên lại trở thành nhà sản xuất, thay thế cho vị trí của anh là Alessandro Lotta – một tay bass đầy tài năng. Symphony Of Enchanted Lands là phần hai của câu chuyện “Saga Of The Emerald Sword” tiếp theo phần một là album đầu tay của họ, Legendary Tales. Câu chuyện về những con rồng, thanh gươm, trận chiến giữa thiện và ác, nội dung kể về người chiến binh của băng giá trong sứ mệnh tìm kiếm thanh gươm màu lục bảo ẩn phía sau toà tháp đen trong vực thẳm, người anh hùng phải tìm thấy ba chiếc chìa khoá để mở những cái cổng bằng ngà, trên đường đi anh ta phải vượt qua vùng đất ma lực và muôn vàn gian nguy, thử thách.

Track 1 và 2 có thể xem như là một bài. Epicus Furor là sự khởi đầu của Emeral Sword (lưỡi gươm màu lục bảo). Đoạn intro này được chơi rất cổ điển với dàn hợp xướng. Còn Emeral sword là tựa đề của một single đã ra đời vài tuần trước đó. Một bản nhạc rất hay: hội tụ đủ mọi âm thanh của Rhapsody .

Wisdom Of Kings là track thứ 3. Bài hát bắt đầu từ những âm thanh êm nhẹ, man mác được hoà trộn bởi tiếng guitar mộc mạc cùng với tiếng sáo du dương trải dài trên cái nền trầm buồn của cello trước khi được chơi nhanh bằng những âm điệu mạnh mẽ khác hẳn. Để rồi kết thúc là sự đan xen lẫn nhau rất tuyệt vời giữa tiếng đàn violin và guitar .

Track 4 và 5 cũng có thể nghe như là một bài, phần đầu Heroes of the Lost Valley (những anh hùng trong thung lũng bị mất tích) gồm hai đoạn:
đoạn 1 có tên gọi: Entering The Waterfall’s Realm (đi vào vương quốc những thác nước)…Có thể nói đây là 1 bản instrumental trữ tình nhất của thế giới metal: tiếng nước chảy đan xen với tiếng chim ríu rít trong gió hoà với những âm thanh êm ái, mơ màng như lời tâm sự của hai nhạc cụ flute và đàn clavico (giống đàn piano nhưng dây được gảy bằng máy) .Đó thực sự là một dẫn dắt tuyệt vời cho đoạn 2 có tên là The Dragon’s Pride (niềm kiêu hãnh của rồng ): được bắt đầu bằng những âm thanh của gió lạnh và tiếng ngựa hí trước khi chất giọng của F.Lione được thể hiện rất ấn tượng trong đoạn độc thoại dài 56”. Ở đây vai trò của một narrator được áp dụng hết sức sáng tạo. Nó gây nhiều bất ngờ cho người nghe cũng như tạo sự liền mạch với bài 5 Eternal Glory (chiến thắng vĩnh cửu). Thật khó có nhạc cụ nào qua được trống và trumpet trong những khúc ca khải hoàn: âm hưỡng của tiếng trumpet bắt đầu bài 5 tuy ngắn nhưng không hề bị át bởi nền nhạc đa âm của Rhapsody. Nó cùng với nhịp trống quân hành của D.Carbonera tạo nên một bức tranh hoành tráng và mang đến cho người nghe những xúc cảm mạnh mẽ. Trong bài này ta có thể thấy tốc độ metal đặc trưng của Rhapsody cũng như sự chú trọng phần nhạc lẫn ca từ ở những đoạn điệp khúc trong các bài hát của Rhapsody: rất tuyệt vời .

Beyond the Gates of Infinity: là track thứ 6 của album: được khởi thuỷ bằng những tiếng tru hoang dại của bầy sói ăn đêm trước khi Alex đưa những thanh âm keyboard có sự hộ tống bởi những câu bass lặp liên 4 với nhịp giật rất lôi cuốn của A.Lotta tạo nên một khúc intro chuẩn mực của heavy metal. Các bạn hãy lắng nghe phần còn lại: có nhiều mới mẻ cả phần hát lẫn phần nhạc. Đặc biệt là sự thay đổi tốc độ giữa các đoạn trong bài hát ….lúc thì được đẩy nhanh, rồi êm dịu hơn sau 4′ và bỗng được đẩy nhanh mạnh thêm một lần nữa trước khi kết thúc bài bằng nhưng giai điệu rất cổ điển. Ở bản nhạc này là mỗi thành viên trong band đều có tiếng nói rất cụ thể ,rõ ràng chứ không phải là sự hoà trộn như những bài trước .
Wings of Destiny (ôi cánh số phận) là một bản ballad với những giai điệu chậm rãi của piano, một giọng hát rất truyền cảm, một vài note bas trồi lên khỏi nền nhạc có nhịp điệu đều đều và một khúc solo sáo hay không chê vào đâu được. Tất cả như một làn gió mát. Rất dễ chịu.

The Dark Tower of Abyss là một bản nổi tiếng của Rhapsody. Tôi đã ngạc nhiên khi nghe khúc dạo đầu của bài này. Một sự cộng hưởng thú vị về mặt âm thanh của hai loại nhạc cụ có họ hàng với nhau: đó là những giai điệu classic của piano và những tiếng đàn mê say của cây clavico. Sau đó là một công thức thường thấy ở Rhapsody: tốc độ metal được chơi cùng với những phần cổ điển, đội hợp xướng hùng tráng, nhũng tiếng đàn organ cao vút ….Và có lẻ tiêu điểm của bài này là đoạn hỗn chiến tuyệt vời giữa violin và guitar. Một bài hát rất xưng đáng được ghiền .

Thêm một bài hát kinh điển nữa của album Riding the Winds of Enternity: được bắt đầu bằng những âm hưởng của dàn nhạc và kết thúc là nhưng giai điêu lanh lảnh của sáo. Theo tôi điều hấp dẫn nhất của bài này chính là ở những đoạn điệp khúc rất hay .

Và cuối cùng nhưng không phải là dở nhất: là bài hát mang tên album – một công trình không gì sánh nổi. Tuyệt tác phẩm kéo dài 13′ này gồm 4 phần. Phần 1 có tên gọi Tharos Last Fight là một đoạn độc thoại dài 1′:52”. Phần 2 có tên The Hymn of the Warrior (2’15”): một giọng hát mạnh mẽ dược yểm trợ bởi tiếng đàn violin và organ, nghe rất hùng tráng vào khúc cuối. Phần 3 (Rex Tremende 6’52”) là phần hoà trộn mọi phong cách của Rhapsody: những đoạn được chơi phức tạp, giai điệu mới mẽ, rất tốc độ, những dàn hợp xướng và dĩ nhiên là rất classic rồi. Trong phần này có sự tham gia của giong ca nữ Constanze Vaniyne. Phần cuối cùng được gọi là The Immotartal Fire. Phần này dài 2’18” là phần kết thúc được chơi rất cổ điển khép lại tuyệt phẩm này. Một bản symphony thật lộng lẫy. Khó tìm ra một bài hát nào có thể truyền lại được cái cảm giác diệu kì của âm thanh cho người nghe như nó. Sự kết hợp hoàn hảo giữa các nhạc cụ cũng như tài năng của các thành viên trong nhóm .

Một bức tranh âm thanh đặc biệt, độc đáo có một không hai cả về cách lý giải tình tiết câu chuyện lẫn cách xử lý các màu sắc của giai điệu.. Nếu có Viện bảo tàng cho Neo-clasical metal thì tôi sẽ đặt Symphony of the Enchanted Lands vào vị trí trang trọng nhất….