Categories Ban nhạc

MSG

Cái tên MSG gợi cho mỗi người một cảm xúc khác nhau, có thể bạn nghĩ đến giai điệu trữ tình lãng mạn, cũng có người nhớ ngay đến những câu solo réo rắt kỳ ảo, hay chất giọng khàn hiếm thấy vv…Những bài như Nightmare, What happen to me, This night is gonna last forever, When I’m gone, Any time … xứng đáng được gọi là đỉnh cao của Ballads – Rock

Ấn tượng đầu tiên của tôi với MSG là tiếng guitar solo quá hay ( dùng từ hay cũng có vẻ quá thiếu chính xác ). Lão tóc bạc múa ngón trên cây đàn có thùng hình tam giác, xếp ngón thì không cầu kỳ cho lắm, nhưng âm thanh lão tạo ra thì đáng để mỗi thằng chơi lead Rock học hỏi.

Viết về cuộc đời của MS không đơn giản chút nào, sau nhều thời gian lục lọi các tạp chí Rock, tôi xin tóm lược đôi nét về huyền thoại guitar này.

Michael Schenker sinh ngày 10-1-1955 tại Hanover, Đức, cậu trẻ đã thích chơi guitar từ khi mới lên 9. Michael bị người anh ” đầu độc ” niềm say mê khi được thưởng thức tài nghệ của Rudolf, tay guitar điện thiên tài thời đó. Hai anh em đã cố gắng thử ghi âm lại vài đoạn guitar classic rối rắm của mình. Sự tiến bộ nhanh chóng (mặt ) của Michael được đánh dấu vào năm 1971, năm anh 16, đã được mời vào chơi guitar lead trong ban nhạc vừa thành lập của anh trai Rudolf. Lonesome, studio đầu tiên của họ đã phát hành đĩa nhạc nhỏ, và cũng là lần đầu Michael ra mắt khán giả. Mặc dù Album được thực hiện hơi gấp rút, nó vẫn miêu tả rất chính xác phong cách ban đầu của Michael. Những ca khúc trong này bộc lộ rõ chịu ảnh hưởng của huyền thoại Led Zeppelin, nhóm nhạc đặt nền móng cho Rock-Blue Anh quốc, và Yardbirds, có thể đánh giá ngang với Shadows, hay thời kỳ đầu của The Beatles, và Leslie West. Tuy nhiên vẫn có một bản sắc Đức trong dĩa nhạc, vượt qua hàng rào cản của Hard rock và Art rock.

Sau khi Lonesome Crow được phát hành, Michael Schenker và ban nhạc Scorpions khởi đầu tua diễn vòng quanh thế giới, ngày nay cách lưu diễn như vậy đã trở thành luật của mọi nhóm nhạc. Họ chơi 130 ngày ở Đức với danh nghĩa nhóm chơi phụ cho những ban như Chicken Shack và UFO.

.::UFO::.

Lần đầu du hành cũng là nhóm gần như tan rã. Nhưng cuối năm 1973 Michael được Phil Mogg và Pete Way, hai thành viên UFO, mời chơi thay cho tay guitar Bernie Marsden, anh này tỏ ra quá chậm chạp trong việc chuẩn bị biểu diễn. Trong buổi hòa nhạc Michael mở màn với tư cách là Scorpions và như tiêu đề cho UFO, một trong những ban nhạc ” Space metal ” hàng đầu của Anh quốc. Có Schenker đứng chung hàng ngũ, đặc tính âm nhạc của UFO chuyển nhanh chóng từ ” Space metal ” sang classic, blues-based heavy metal.

Sự chuyển tiếp từ một tay lead cho ban nhạc anh em Scorpions sang UFO, nhóm có thành công về mặt thương mại và nổi tiếng hơn, không phải là chuyện đơn giản. Trở ngại lớn nhất là Michael phải vượt qua rào cản ngôn ngữ. Lúc được mời tham gia UFO, Michael không biết lấy một từ tiếng Anh và phải nhờ vợ mình phiên dịch hộ. Có thể nói đây là duyên số, Phil Mogg nói ” Mọi người đều tỏ ra nhiệt tình khi biết Michael không thể nói tiếng Anh. Chúng tôi chỉ có 15 phút để xếp chương trình, 25 phút tạm dịch bài I’m a man và Come on Everybody. Tất cả mọi việc diễn ra ngon lành nên bọn tôi cuối cùng đã quyết định mời Michael tham gia luôn “. Michael đã đồng ý lời mời của Mogg và Way, sau đó không lâu, ” new ” UFO hướng về nước Anh để thu Album đầu tay : Phenomenon. Đóng vai trò chủ chốt trong việc sáng tác khung nền cho Album, tác dụng của chất Hard Rock từ Michael hiện rõ qua ca khúc Rock Bottom và Doctor Doctor. Cùng năm đó, ban nhạc chiêu mộ tay guitar thứ hai, Paul Chapman, người hỗ trợ rất tốt phần nền cho những cú lead của Michael.

Ngoài việc thay đổi phong cách UFO từ art hoặc spave rock, sự hiện diện của Michael còn giúp ban nhạc đánh bóng tên tuổi rất tốt và trở thành những nghệ sĩ hàng đầu của thế giới. Những tác động mạnh của Force it ( 1975 ) chứng minh nhóm nhạc đã thăng hoa, khiến họ trở thành gã khổng lồ ở Châu Âu. Tài năng thiên bẩm của Michael ngày càng phát triển chóng mặt, bằng chứng là những bài classic như Let it Roll, Shoot Shoot và Mother Mary. Album No heavy Petting năm 1976 là hợp đồng cuối của ban nhạc với nhà sản xuất Leo Lyons. Họ cảm thấy có gì đó thiếu vắng ở phong cách của Lyons, và để xâm nhập thị trường Mỹ, họ cần có hướng đi mới cho Album tiếp theo. Ban nhạc tuyển mộ Ron Nevison để thực hiện đĩa Lights Out, đây là nước cờ khôn ngoan. Phong cách nghệ thuật của Nevison không cầu kỳ, chú trọng quá nhiều đến việc tạo ấn tượng mạnh như Lyons, anh ta cho phép âm nhạc lên tiếng, kết quả rất mỹ mãn và nồng nàn tha thiết, như Lights Out và Love to Love.

Được cổ vũ bởi Lights Out đã được thị trường Mỹ chấp nhận, ban nhạc quyết định lưu diễn tại Mỹ để củng cố sự thành công của Album. Vài ngày trước khi lên đường, Michael vắng mặt, không muốn tiếp bất kỳ người nào. Paul Chapman được mời thay thế chơi vài ngày đầu của tua diễn tại Mỹ. Nhưng không lâu sau, Michael bị dõi theo khắp nước Đức và được tha thiết mời gọi quay lại UFO. Michael đã giải thích rất đơn giản cho lỗi của mình là anh ta muốn có thời gian bên bạn gái.

Sau những tháng ngày lưu diễn thành công, ban nhạc trụ lại tại Los Angeles để bắt đầu thu Album tiếp theo : Obsession. Album này nặng nề hơn trước rất nhiều. Pack It up and Go có tiếng trống mãnh liệt giống như người chỉ huy mới cho âm thanh UFO. Cuối năm 1978, Michael tuyên bố anh ta chính thức rời khỏi UFO. Những năm tháng say sưa đã lộ ra tác hại, và anh không chịu nổi mật độ diễn dày đặc của ban nhạc, anh buộc phải vào bệnh viện điều trị. Sự việc này như một tiếng sét, một bức di chúc cho những ngày vinh quang sáng ngời của UFO : Strangers in the Night đã được phát hành ngay sau khi Michael ra đi. Album này có lẽ chặt chẽ nhất trong những Album live, chứng minh rằng UFO là một trong những cây cổ thụ Heavy ở Anh quốc, và, cùng lead guitar Michael, họ có vị trí cao ngất trong thế giới âm nhạc mà không ai có thể cạnh tranh được.
.::MSG::.

Một thời kỳ buồn cho những fan Heavy metal, nhưng sự rời khỏi UFO của Michael không có nghĩa là anh chia tay với âm nhạc. Sau phần việc ngắn gọn với Scorpions vào năm 1979: sản xuất Album Lovedrive, Michael quyết định mạo hiểm, anh muốn trở nên một tay guitar solo. Ghi âm lần đầu của sự nghiệp solo có tên là ” The Michael Schenker Group “, được hoàn tất và phát hành vào tháng 8-1980 và ngay lập tức nhảy vọt lên thứ 8 trong bảng đánh giá tại Vương quốc Anh. Nhằm nâng cao và bảo đảm tính nghệ thuật trọn vẹn, Michael đã thuê những nghệ sĩ khác nhau để thực hiện Album. Trong tua diễn truyền bá Album, Michael đã chọn thành phần nòng cốt có thể ghi âm tiếp Album thứ hai ” MSG “. Cùng với sự góp mặt của ca sĩ Gary Barden, trống Cozy Powell, tay guitar bass Chris Glen và Paul Raymond ( từ UFO ) chơi guitar đệm, Michael đã cống hiện một thứ nhạc rất Metal, hơn cả khi anh chơi cho UFO. Ngay sau khi phát hành đĩa nhạc ” MSG ” vào tháng 9-1981 ( được xếp hạng 4 ở Anh quốc ), một Album live kép, ghi âm tại Nhật, cũng được tung ra. Album này xác nhận Michael là chàng trai vàng của Metal, được thứ hạng 5 tại Anh.

Thanh danh của Michael với nhóm nhạc mới lại rất ngắn ngủi, cũng do những vấn đề cá nhân luôn xảy ra. Năm 1982, đội ngũ hùng hậu đã giúp Michael tái tạo sự nghiệp, đã chia tay nhau: đầu tiên Paul Raymond rời ban nhạc, tháng 2 Gary Barden cũng đi, tháng 4 Cozy Powell đi nốt và được thay thế bởi Ted McKenna. Nhưng những thành viên mới đủ sức để ghi âm Album Assault Attack, một đĩa nhạc được nhìn nhận rất hay tại Mỹ. Cho dù thành công, thì kiểu chơi guitar của Michael và lối hát của Graham ( người thay thế cho Barden) chưa khi nào thật sự hài hòa. Michael đã từng suy nghĩ rất nhiều về việc này, Graham có chất giọng mạnh mẽ, còn Michael thì lại nồng nàn tình cảm, do đó khó mà cân đối. Vì quá rối rắm, và cái tôi của Graham quá lớn nên Michael không chấp nhận được, sự tan rã cũng là hiển nhiên. Hoàn cảnh Graham rời MSG trước ngày họ diễn ở Reading Rock Festival được đăng lên trên tất cả tạp chí âm nhạc, Michael rất hoang mang, và anh đã tiếp xúc với gary Barden, anh này tỏ ra khá hăm hở muốn gia nhập MSG trở lại. Sau khi quay lại ban nhạc, Gary Barden đã bình phẩm về Garham như sau ” Rất nhiều người biết rằng Graham có vấn đề với thần kinh, và nghiện rượu. Trên phương diện một nghệ sĩ tôi rất nể anh ấy, nhưng tôi hiểu Graham không thể ở lại, và anh ta làm Michael phật lòng nhiều “

Cũng cần phải nói, Barden đã hát rất tốt tại Reading Festival, và ban nhạc nhanh chóng qyau lại studio để thực hiện Album thứ 4, Built to Destroy, đĩa này đã bán hơn 100,000 bản trong tháng đầu tiên sau ngày phát hành. Michael đã chiêu mộ keyboards Andy Nye, sự có mặt của anh này khiến cho đĩa nhạc có một chút âm thanh Á Đông. Từ khi Michael bỏ lại sau lưng những năm tháng hư hỏng say sưa, ban nhạc ngày càng lớn mạnh, họ luôn diễn rất tốt. MSG thu hút và quyến rũ mê hoặc tất cả khán giả, mùa hè năm 1983 Album Rock will never Die leo lên vùn vụt trên các bảng xếp hạng, rõ ràng Michael đã thực sự mạnh mẽ và nổi danh.

Thật đáng buồn, một lần nữa Michael lại mất sức trong những chuyến lưu diễn liên tục, và anh lui vào hậu trường mãi đến năm 1987, khi Michael cùng cựu ca sĩ của Grand Prix, McAuley, thành lập McAuley Schenker Group. Tổng cộng họ đã thực hiện 5 Albums: Perfect Timing (1987), Save Yourself (1989), MSG (1991), Nightmare-The Acoustic MSG (1992), và MSG Unplugged Live (1992). Âm nhạc của Michael hoàn toàn thay đổi, hãy nhìn kiểu tóc của McAuley trên bìa đĩa Perfect Thing, nó giống như lối chơi của MSG. Những năm sau đó Michael hướng phong cách của anh sang Glam Metal, cố hoà mình vào làng sóng Rock tại Los Angeles, nhưng càng lúc anh càng thất bại. Những người hâm mộ Michael Schenker đã thở dài ” Anh ta vẫn còn ngọt ngào, nhưng đánh mất sức mạnh từ lâu “. Một đoạn kết buồn cho thiên tài solo guitar thế giới.

…và đây là nguyên nhân chúng ta thích MSG: Album MSG 1991

Khi nghe chữ ” MSG “, bạn nghĩ đó là Michael Schenker Group, tuy nhiên ở đây nó lại có nghĩa là McAuley Schenker Group. Thành phần gồm có ca sĩ tài năng Robin McAuley, guitar lão luyện Michael Schenker, bass Jeff Pilson (Dokken), trống James Kottak (Scorpions), keyboards Jesse Harms (Sammy Hagar), anh này còn sáng tác một bài trong MSG. Với thành viên tên tuổi như thế, không có gì ngạc nhiên khi Album quá hay, Riffs kiểu Hard Rock mạnh mẽ, solo như thác nước cuồn cuộn và phong cách rất hào hoa. Album MSG chính là sự tô điểm hoàn hảo cho ban nhạc, cho những cống hiến của họ trong những năm 80.

Đĩa nhạc bắt đầu với bản Hard Rock ” Eve “, Schenker chơi đàn ” nặng ” nhưng không thiếu tính ngọt ngào du dương, trong khi McAuley có vẻ rất giận dữ. Sang ” Paradise ” vẫn đọng lại nhiều cú riffs kinh điển, trống chơi như sấm chớp rền vang, và vô số câu guitar lả lướt.

Một phong cách cực kỳ lãng mạn mềm mại được thể hiện qua ” When I’m gone ” ( track3 ) và ” What happen to me ” ( track8 ), hai bản Ballads như giấc mơ. Bạn sẽ bị cuốn hút không kiềm được khi nghe ” We believe in love “, Schenker tạo ra những chuỗi guitar sôi động có cường độ tương đương …. quả bomb. Phải công nhận rằng MSG sở hữu quá nhiều câu ca ” Melodic “, như người con gái xuân thì gợi cảm ( hí hí ). Khi kết thúc bài này, Schenker solo bất tận hòa với giọng ca McAuley, có thể là ru ngủ, cũng có thể là đưa mình vào thế giới ảo giác. Ca khúc ” Crazy ” ập vào ngay đôi tai người nghe với guitar riffs mãnh liệt, không còn êm như 5 bài đầu, làm tôi nhớ đến Quite Riot và bài ” Come on feel the noise ” khí thế rạo rực. Và nó có hơi giống Glam Metal ( hair band ). Nghe bản ” Invincible ” tôi lại nghĩ đến lão Van Halen phù thủy, còn ” Lonely nights ” chứa đầy hơi thở Rock thập niên 80.

Album xinh đẹp MSG kết thúc bởi hai bản Ballads khác. ” This night is gona last forever ” vô cùng sầu thảm, đây là bài slow nằm lòng của mấy thằng ngồi đồng nghe Rock tại Cảm Giác như tôi. ” Neverending Night mare “, có lẽ không phải nói thêm gì nữa về ca khúc đỉnh này, guitar thùng classic réo rắt làm nền, keyboards ngân nga sâu lắng, tiết tấu buồn não nề …… tóm lại là nghe trong đêm khuya thì chỉ có mà đứt ruột hic hic.

Đây là đĩa nhạc ” tủ ” của mỗi Rock fan, tôi tin như thế. Có thể bạn cho rằng ” sến ” … nhưng như vậy đồng nghĩa với việc bạn quay lưng với lịch sử. Nên nhớ đĩa này năm 1991, cách đây rất lâu, và đến bây giờ liệu có nhóm nhạc nào chơi Ballads hay như vậy không ?