Metallica – Qua các thời kì

Dù muốn hay không, cũng phải công nhận rằng Metallica là một tượng đài sừng sững của ThrashMetal cũng như Metal nói chung...vì vậy chúng ta hãy cùng phân tích về lịch sử sáng tác của ban qua các album từng thời kì nhé.


Kill ’em All (1983)

Album này – với hình bìa khá giật gân ( bàn tay đang buông rơi cái búa vào vũng máu ) – là hiện thân của một Metallica trẻ trung, sung sức xong còn hơi “non nớt” và “ngông nghênh”. Metallica thời kỳ này sinh hoạt theo đậm chất hippie : ngày ăn uống, nốc bia và ngủ, đêm vác đàn chạy lông bông khắp các câu lạc bộ lớn nhỏ ở quanh Los Angeles, San Francisco, cứ thấy chỗ nào chơi được là quậy tung cả lên, dăm bữa nửa tháng lại trút tất cả đồ đạc lên xe bus đi lưu diễn từ West Coast sang East Coast.

Album đầu tay của Metallica đã làm choáng ngợp cả thế giới metal với những cú riff nghiến rít đầy tốc độ kèm theo là những lời ca đầy ý nghĩa và một thứ năng lượng mà ít có band nhạc nào thời đó có thể chuyển tải được, mặc dù phong cách sáng tác tương tự như Diamond Head và chịu nhiều ảnh hửơng của Motorhead. (xem trong VCD thời kỳ này thấy Metallica trả lời phỏng vấn: James không ngưỡng mộ ai cả, Lars khoái Diamond Head, Dave Mustaine thích Motorhead, còn Cliff thì chọn Black Sabbath cùng ZZTOP). “Kill ‘Em All” đầy ắp những chất liệu tươi mới và tuy lời ca thì đều mang đậm chất kích động bạo lực, huỷ diệt giết ***c này nọ nhưng nói chung là không khí của album này vẫn có cái gì đó hơi “nhộn” . Nhạc của Metallica trong album này chưa định hình rõ phong cách thrash mà mới chỉ dừng lại ở speed-metal giống như những đĩa đầu của Anthrax. Hai cây guitar chơi rất sôi nổi và hiếu chiến trên nền bass “găm” dày đặc của Cliff Burton. Tuy nhiên giọng ca của Jaymz chưa đạt lắm ( Vào thời kỳ đầu có lúc Metallica đã định mời John Bush của Amored Saints vào làm ca sỹ ). Với album được thai nghén trong gần 1 năm này, Metallica đã trình làng với một phong cách thật ấn tượng. Mặc dù thời gian này còn chưa hoàn chỉnh về nhân sự nhưng nhưng đã có nhiều bài hát kinh điển cho tới tận giờ như “The Four Horseman”. Bài hát này cũng được Dave Mustaine (sau bị đuổi vì tật nghiện rươu) chuyển đổi thành bài “Mechanix” xài bởi band mới Megadeth của hắn ta.

Ngay khi mở đầu với bài “Hit the Lights” cả ban nhạc đã mang đến cho người nghe một cơn địa chấn kinh hoàng với tất cả các loại nhạc cụ chơi với âm lượng lớn khủng khiếp. Nhìn chung album này khá đều với một loạt những bài hát đậm “chất” Metallica như “Seek And Destroy”, “No Remorse”, “Jump in the Fire”… “The Four Horsemen”, một sáng tác có sự tham gia của Dave Mustaine, nó đã đưa được không khí chiến trận trên lưng ngựa của thời kỳ Trung cổ bét nhè bởi chiến tranh vào những nỗi ám ảnh về bạo lực trong xã hội hiện đại (By the last breath of the fourth winds blow, Better raise your ears, The sound of hooves knock at your door, Lock up your wife and children now, It’s time to wield the blade, For now you have got some company…), “Motorbreath”- một bài hát nói về những kẻ thích sống gấp trên tay lái những chiếc motor phân khối lớn nghe rất đã (Motorbreath, Its how I live my life, I can’t take it any other way, Motorbreath, The sign of living fast, It is going to take, Your breath away…) và một viên ngọc không thể không nhắc đến đó là bản bass solo “Anasthesia (Pulling teeth)” do bàn tay ma thuật của Cliff Burton tạo ra nghe rợn cả tóc gáy, nếu ai đã xem Cliff thao diễn đoạn solo này trong “Cliff ‘Em All” chắc hẳn còn choáng hơn nữa khi
thấy anh chàng tóc lửa này giày vò cấu xé cây đàn khủng khiếp tới mức độ nào. Quả thật chưa tay bass nào có thể qua mặt được Cliff với “Anasthesia (Pulling teeth)”…Trong khi “Seek and Destroy” là bài tập trung chủ đề chính của album. KEA cũng đánh dấu bước khởi đầu của chuỗi những bài hát phản chiến của Metallica, mà có thể lấy các tác phẩm “For Whom The Bell Tolls”, “One”, Disposable Heroes”… là ví dụ tiêu biểu. Nhưng trong KEA có lẽ hay nhất là “Anesthesia(Pulling Teeth)”, một bản sôlô bass trầm bổng của Cliff Burton .

Bang your head against the stage
Like you never did before
Make it ring, Make it bleed
Make it really sore—–Whiplash

Ride The Lightning-1984

Album thứ 2 của Metallica, phát hành sau KEA một năm. Album này cho thấy Metallica đã bắt đầu bước vào quỹ đạo của một ban nhạc metal chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp trong cách thu âm, sản xuất, mix và trong cả cách sáng tác. Cách trình bày bìa của album thể hiện tính mỹ thuật khá hơn so với KEA. “Fire fight with the Fire” – bài số 1 mở đầu bằng tiếng guitar acoustic trau chuốt nhưng đến hồi cao trào lại như một thùng xăng đốt cháy tai người nghe, ngay lập tức người nghe bị hút vào sự cuồng nộ lên đến tột đỉnh và hẳn nhiên là dễ gây shock rồi. Tay nghề sáng tác của các thành viên trong nhóm đã lên rõ rệt với những ca khúc rất rất xuất sắc như “Fade to Black”, “For whom the Bell tolls”, “Creeping Death”- về sau trở thành những “cây đinh” trong các live show của Metallica. Khó ai có thể quên được màn diễn Fade tại sân bay Tushino (Nga) năm ’91 , Bellz năm ’89 ở Seattle Coliseum hay Creeping ở Woodstock ’99.

Hic, cứ nghe Fade là tôi nghĩ đến cảnh mấy anh Meta nhà ta vừa diễn xong mồ hôi mồ kê nhễ nhại quay vào hậu trường thì đã thấy đạo chích dọn sạch đồ đi đâu mất. Với Bellz, đó là ánh mắt kinh hoàng và đau đớn đến tột cùng của người lính ngước lên nhìn bầu trời xanh lần cuối trước khi chết nhưng chỉ thấy khói súng đen kịt xen lẫn âm thanh gầm gào của những họng pháo tiễn biệt mình (Take a look to the sky just before you die, It is the last time he will, Blackened roar massive roar fills the crumbling sky, Shattered goal fills his soul with a ruthless cry…). Lấy ý tưởng từ ngày Lễ phục sinh và những trận dịch bệnh hoành hoành trong thế giới của các pharaông Ai Cập cổ đại “Creeping death” lại mang đến cho ta cảm giác của một tên đạo sỹ kiểu Imhotep trong The Mummy ban đêm băng qua sa mạc của bình nguyên Ai Cập để đến giết vị Pharaoh mới chào đời (Die ! By my hand ! I creep across the land ! Killing first born man !). Không thể không kể đến “Ride the Lightning” với tâm trạng một kẻ tử tù kinh hoàng khi sắp ngửi thấy mùi da thịt mình cháy khét trên ghế điện…(Flash before my eyes, Now it’s time to die, Burning in my brain, I can’t feel the flame). Kết thúc album, lại một lần nữa Metallica gây sửng sốt với bản hoà tấu tuyệt mỹ “The call of Ktulu”. Bài này được truyền cảm hứng từ các tác phẩm của nhà văn chuyên viết truyện kinh dị HP Lovecraft. Kirk và Cliff lại rất khoái những cuốn truyện của ông lão này, đã cố thuyết phục các thành viên còn lại… và thành công. Đó là tiếng gọi từ một cõi tâm linh bí ẩn sâu thẳm nào đó hay là tiếng gọi từ một nơi rùng rợn giống như địa ngục dưới đáy biển Midian mà Cradle of Filth đã mô tả trong Midians ( 2000 ). Đây là bản instrumental hay nhất của Metallica và có lẽ là một trong những bản instrumental rock xuất sắc nhất. Nhưng có lẽ những bài hát ác chiến nhất phải kể đến “For Whom The Bell Tolls” và “Fade To Black”, mà bất cứ ai nghe rock nào cũng phải biết đến. “For Whom The Bell Tolls” được đặt theo tên cuốn tiểu thuyết “Chuông nguyện hồn ai” nổi tiếng của nhà văn Ernest Hemmingway trong thời kỳ Thế chiến thứ I. Kế tục những bài hát phản chiến trước đó, trong tác phẩm này lại vẽ ra 1 bức tranh về ngu ngốc của chiến tranh cùng cái ý thích giết ***c để thoả mãn tham vọng của 1 cá nhân nào đó. Nhưng chính “Fade to Black” mới làm sửng sốt thế giới metal lúc đó. Liệu có thể một ban nhạc rock mới nổi lại có thể là cha đẻ của một bản ballad hay đến như vậy? Mặc dù có những ý kiến chỉ trích rằng “Fade to Black” (Ngả màu tăm tối”) cổ súy cho trào lưu tự sát, nhưng chính các fan lại cho rằng bài hát thực ra lại giúp đỡ họ vượt qua những thời khắc khó khăn nhất trong cuộc sống. Mỗi bài hát đề cập đến vẫn đề này đều là con dao hai lưỡi, nếu không hiểu đúng là có tác dụng tiêu cực khi chơi. Bài này được sáng tác khi thiết bị khuyếch âm của ban nhạc bị đạo chích hỏi thăm như đã nói ở trên, cũng không rõ có thành viên nào của Metallica có ý định tự sát không, như thực sự Fade đã làm nổ tung cả thế giới metal thời đó.

No one but me can save myself for it’s too late
Now I can’t think, think why I should even try
Yesterday seems as though it never existed
Death greets me warm, now I will just say goodbye.
Goodbye—–Fade to Black

Master Of Puppets – 1986

Album thứ ba của Metallica được nhiều người coi là album kinh điển, bước đột phá quyết định và hay nhất của họ, một trong những album đỉnh cao của thrashmetal. Với Master, Metallica đã thực sự nổi bật lên như 1 hiện tượng trong làng metal, tuy nhiên vẫn chưa thực sự được các nhà băng đĩa hàng đầu chú ý vì độ dài các bài hát. (nhưng lại là 1 trong những yếu tố mà các TallicaFan tôn sùng).

Những giai điệu tàn nhẫn, cuồng nộ, dồn dập của Metallica qua tay của phù thuỷ âm thanh Flemming Rasmussen đã trở thành những bản mẫu tiêu biểu cho thể loại thrash metal. Vẫn mở đầu bằng một đoạn guitar acoustic ( trong “Battery”) giống như album trước và ca khúc mở đầu “Battery” cũng là một bản tụng ca của sự tàn bạo nhưng tôi đánh giá cách mở đầu của album này cao hơn Ride the Lightning. “Battery” thực sự là sự khởi đầu hoàn hảo cho một album kiểu như Master Of Puppets với những ca từ có vần điệu nhịp nhàng “Smashing through the boundaries, Lunacy has found me, Cannot stop the Battery, Pounding out aggression, Turns into obsession, Cannot kill the Battery, Cannot kill the family, Battery is found me, Battery!!!” trên nền guitar dữ dội vũ bão và tiếng trống rất sôi nổi của Lars Ulrich. Ngay tiếp sau đó là ca khúc kinh điển “Master of Puppets” thực sự kích thích giác quan của người nghe lên đỉnh điểm, đây thực sự là một cuộc tổng tất công vào màng nhĩ của người nghe với tốc độ nhiều lúc lên tới không tưởng. Nó còn dành cho các fan 1 cảm giác nghỉ ngơi giả tạo lúc giữa bài trước khi lại bùng lên dữ dội, miêu tả sự ma lực khủng khiếp của ma tuý… cần sa thực sự là ông chủ của những con rối – con nghiện, đây là điểm gặp gỡ của một “War Pigs” ma quái và mỉa mai ( Black Sabbath) với nét đẹp phiêu diêu của “Innuendo” ( Queen ) trên nền là chất nhạc cuồng nộ và dồn dập đặc trưng của Metallica. Kirk Hammett có dịp trổ tài tung ra hàng loạt câu guitar xoắn xuýt, vũ bão kéo cảm xúc của người nghe đi hết từ trạng thái này sang trạng thái khác trong hơn 8 phút rưỡi. Trong album này, Metallica cũng tung ra một bài nữa dựa theo tác phẩm kinh dị của ông lão Lovecraft đã kể trên, đó là “The Thing That Should Not Be”. “The thing that should not Be” là một câu chuyện mang nhiều chất tâm linh với những hình ảnh rùng rợn lạ thường “Crawling chaos, underground; Cult has summoned, twisted sound; Out from ruins once possessed; Fallen city, living death” được nhấn mạnh bởi đoạn solo ma quái của Kirk Hammett nghe như tiếng cười khoái trá của quỷ .”Welcome Home ( Sanitarium)” kể về cuộc nổi loạn của những bệnh nhân trong một nhà thương điên tìm cách thoát ra ngoài, được tạo cảm hứng bởi cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Bay trên tổ chim cúc cu” ( One Flew Over the Cuckoo’s Nest ) của nhà văn Mỹ Kenn Keyse, đây cũng là một trong những cuốn sách được yêu thích và đã được dựng thành phim với diễn xuất của Jack Nicholson. “Disposable Heroes”- một ca khúc mang nhiều yếu tố phản chiến viết về kết cục tất yếu của những “anh hùng rơm” trong chiến tranh , lại gây shock cho người nghe từ đầu đến cuối ( Khi chơi ca khúc này lần đầu tiên vào tháng 12/1985 , Metallica đã làm náo loạn liên hoan Metal Hammer tại Hannover – Tây Đức ). “Leper Messiah” là lời mỉa mai về những kẻ thần phục một cách mù quáng vào tôn giáo đến mức trở thành nạn nhân của những trò bịp mà không hay biết. “Orion” là một bản instrumental tinh tế , sâu sắc và huyền bí đến lạ thường với những câu guitar lúc lả lướt bay bổng lúc trào dâng dữ dội, đem đến cho chúng ta hình ảnh rực rỡ và bí hiểm của chòm sao Orion – chòm sao sáng nhất trên bầu trời đêm cách Trái Đất 6 năm ánh sáng – được coi là hiện thân của thần Orisis, vị thần đã khai sinh ra vương quốc Ai Cập cổ đại. Cũng ở trong bản instrumental này một lần nữa Cliff Burton đã thể hiện tài năng kiệt xuất của mình với những ngón bass rất lạ. Và ca khúc cuối “Damage Inc.” khép lại album trong bầu không khí nghẹt thở đến đáng sợ, đây cũng là cái tên mà Metallica đã chọn cho chuyến lưu diễn châu Âu năm 1986 và hình như nó báo trước những điều chẳng lành : Jaymz bị gãy tay khi ngã từ trên sân khấu xuống, và hic, trong một chuyến lưu diễn tại Thuỵ Điển, chiếc xe bus chở ban nhạc đã lật nhào, ngay lập tức đã mang đi một trong những tay bass kiệt xuất trong lịch sử nhạc rock, thiên tài yểu mệnh Cliff Burton qua đời ở tuổi 24 trên tuyến đường Copenhaghen – Stockholm, để lại cho người hâm mộ biết bao tiếc nuối.

Cliff Burton: sinh lúc 9:38 p.m. ngày 10 tháng 2, 1962 tại Castro Valley, California, anh mất ngày 27 tháng 9, 1986

Nhưng Metallica vẫn đứng vững trước sự mất mát quá lớn này, và họ nhận ra rằng ở thế giới bên kia Cliff cũng muốn họ tiếp tục như vậy. Ban nhạc thu nạp thêm tay bass Jason Newsted từ Flotsam&Jetsam (cũng rất nổi tiếng) để lấp vào khoảng trống này. Trong khoản thời gian trên, Garage Days Re-Revisited được thu thanh năm 87 như là một thử nghiệm để giúp Jason vào guồng cùng với cả ban nhạc. Album này, nói một cách hơi “sến” – là một viên ngọc không hề có tì vết. Về phương diện thương mại, đây là album đầu tiên của Metallica giành được đĩa Bạch kim mà không cần phải quảng cáo gì nhiều, nước Mỹ đã nằm lại sau gót chân của kẻ chinh phục Metallica…

…And Justice For All – 1988

Sau cái chết đầy mất mát của Cliff, các chàng trai của chúng ta đã vượt qua được thời kỳ khó khăn đánh dấu bởi sự ra đời của “…And Justice For All”, một album mang chút hơi hướng black, đầy hận thù và có như tư tưởng đi ngược lại những chuẩn mực của luật pháp. “Blackened” mở đầu album với một tiếng nổ lớn lạ lùng phản ánh việc loài người đã tàn phá hành tinh này như thế nào và qua đó cũng chính là đào hố tự chôn mình. Ngay sau đó là bài hát mang tựa đề của album “…And Justice For All” là trộn lẫn của sự mỉa mai cũng như phản đối lại cái chính phủ đang bị đồng dollar sai khiến, nơi mà đồng tiền có thể mua được công lý. Chất metal được tiếp tục bằng bản “Eye of The Beholder”, qua đó bộc lộ thói đạo đức giả của sự sửa đổi luật pháp vừa xảy ra tại nước Mỹ lúc đó, sự sửa đổi mà bề ngoài hứa hẹn đảm bảo quyền tự do ngôn luận, nhưng thực sự lại bị kiểm duyệt và hạn chế. Cũng trong album này, Metallica tung ra bản ballad thứ 2 của họ – One…. Đây có lẽ là bài hát được biết đến nhiều nhất trong danh sách các bài hát phản chiến…. kể về câu chuyện của 1 người lính được trả về từ chiến trường, với sự trống rỗng về tâm hồn… bị bỏ rơi một mình trong cái vỏ bọc của thân xác. Bài hát này cũng là video đầu tiên của ban nhạc, trong video có sử dụng các hình ảnh của bộ phim “Johnny’s Got his Gun” – một bộ phim có cùng nội dung với bài hát . Một cống hiến cuối cùng của Cliff Burton được ghi nhận trong “To Live is To Die”, mặc dù Cliff đã chết vào thời điểm album được phát hành. Bài hát được viết nên từ rất nhiều các cú riff mà Cliff đã viết, và 1 đoạn lời ngắn trong bài cũng được lấy từ 1 bài thơ của anh. Tiêu đề của “To Live is To Die” tự thân cũng đã hàm ý rằng cái chết là một phần tất yếu của cuộc sống, và dường như nó cũng phản ánh tâm trạng của Metallica. Giữ hình ảnh của Cliff trong tâm khảm, nhưng họ vẫn phải tiếp tục tiến bước đến thành công…

“When a man lies, he murders some part of the world. These are the pale deaths which men miscall their lives. All this I cannot bear to witness any longer. Will not the kingdom of salvation take me home?”—–To Live is to Die, lời viết bởi Cliff Burton

Metallica – 1991

Album đoạt giải Grammy này đã quá nổi. Và nó cũng thực sử nổi lền phềnh trên top 100 của bảng xếp hạng Bilboard trong nhiều năm kể từ khi phát hành. Với album này, Metallica đã khiến metal thực sự được chú ý và nổi tiếng, một thành quả mà có lẽ chỉ Black Sabbath – ông tổ của metal – có được.

Được biết đến với cái tên không chính thức là “Black Album” (ở Việt Nam gọi trống không là album 91, nó đã sản sinh ra một loạt các tác phẩm xuất sắc . Chuỗi thành công này được khởi đầu bằng “Enter Sandman”, rất hay mặc dù chỉ là một bản rock đơn giản, về cách chơi cũng như lời ca. Bài thứ hai, “Sad But True” nổi lên với những cú giật đột ngột khủng khiếp, trong đó James đóng vai một ma quỷ đang nói chuyện với một vật thể đã bị tước đoạt hết suy nghĩ và trở thành vật cống nạp vô tri vô giác. Môt hit nữa cùng “Nothing Else Matters” cũng lặng lẽ tiến vào các bảng xếp hạng là “The Unforgiven” (những kẻ không được tha thứ, kể về một người từ bé đã được dạy bảo chỉ để tuân lệnh và khi về già trở nên căm phẫn những ai đã ngăn cản không cho anh ta được làm chính mình. Một bài hát được ưa thích khác là “Wherever I May Roam”, trong đó hiện lên hình ảnh của một kẻ lang thang… và tâm hồn của hắn vẫn tiếp tục lang thang sau cái chết. Và thật kỳ lạ, niềm tin của Metallica vào nước Mỹ lại sống lại trong “Don’t Tread On Me”, một sự cổ suý cho nền quân sự quốc gia. Cái tên Don’t Tread On Me được lấy từ các lá cờ trên các tàu Thuỷ quân trong thời kỳ cách mạng nước Mỹ.

Cả cái hình con rắn trên bìa album cũng giống với hình trên những lá cờ này. Và cuối cùng, “The God That Failed” dường như là một bài hát cá nhân dành riêng cho James. Bằng việc kể một câu chuyện về cặp vợ chồng xuất thân từ gia đình Thiên chúa giáo đã chấp nhận những con của họ bị chết mà không nhờ đến y học chạy chữa, James qua đó đã giáng một đòn vào thứ Tôn giáo mà anh tin đã thực sự giết chết mẹ của James. ( gia đình James cũng có nguồn gốc Thiên chúa Giáo, và căn bệnh ung thư đã cướp đi ngừơi mẹ của James… mẹ anh từ chối sự chạy chữa và khăng khăng tin rằng rồi Chúa sẽ giúp bà.(?!). Bệnh tình ngày càng nặng, bà vẫn từ chối y học và đã chết.) Và trong trường hợp này chính là The God That Failed.

“I see faith in your eyes.
Never you hear the discouraging lies.
I hear faith in your cries.
Broken is the promise, betrayal.
The healing hand held back by the deepened nail.
Follow the God that failed.”—–The God that Failed

Load – 1996

Gần 6 năm sau quả bom tấn 1991, Metallica mới trở lại với diện mạo mới (hic, mới nhưng mà nhiều người không còn thích như trước nữa). Trong những chuyến liên miên sau “Black Album”, James Hetfield và một người kỹ thuật viên sân khấu đã có xích mích, và vô tình dẫn tới một luồng khí ga đã đốt sạm một phần mặt của anh. James đã phải cắt tóc… và khi tung ra “Load”, các thành viên ban nhạc đều đóng complet.

Tuy nhiên, sau khi đã mất đi một phần metal, nhiều fan đã cho rằng đã bị Metallica bán rẻ, rằng ban nhạc đã chạy theo xu hướng Alternative bằng album mới và bộ dạng mới này. Hầu hết các bài đã không còn nhiều “ý nghĩa” so với trước kia, hoặc có thể vẫn còn ý nghĩa, nhưng được đội lốt bởi vẻ bề ngoài thiểu nghĩa. Đĩa đơn đầu tiên được tung ra của album là “Until it sleeps”, ngay sau đó là “King Nothing”, “Hero of The Day”, và tiếp theo là 1 bản blues “Bleeding Me” cùng “Ain’t My Bitch”. Một bài hát khác, tuy nhiên không được phát hành đĩa đơn, là “Ronnie”…. kể một câu chuyện về 1 kẻ sống ngoài vòng pháp luật, và anh ta đã mất phương hướng như thế nào sau một cuộc tàn sát đẫm máu. Nhưng có lẽ điểm gây chú ý nhất của album là “Mama Said”, qua đó James lại kể cho chúng ta nghe một câu chuyện về người mẹ của anh. James đã luôn muốn xa lánh mẹ mình cho đến khi mẹ anh chết… và anh nhận ra rằng mình đã mất bà mãi mãi. Nhiều người chỉ trích rằng bài này mang hơi hưởng của nhạc đồng quê, khi ban nhạc đã sử dụng một số nhạc cụ thường dùng trong nhạc “country”, mặc dù bài hát này thực ra không theo phong cách “country”. Một bài hát khác, bài cuối cùng của album này, “The Outlaw Torn”… có 1 chi tiết nhỏ… thực tế dài hơn tới 56 giây so với thời gian ghi trên đĩa CD (đĩa còn 56 giây nữa, thế là Metallica điền nốt vào bài này một đoạn guitar solo ở đầu và cuối bài…vì vậy ai có nghe album này thì lời nhé )

“Oh poor twisted me.
Oh poor twisted me.
I feast on sympathy.
I chew on suffer, I chew on agony.
And swallow whole the pain.
Oh, it’s too good to be.
That all this misery
Is just for oh poor twisted me” —— “Poor Twisted Me”

Reload – 1997

Load ban đầu được dự định là album kép, nhưng sự chậm trễ đã khiến phải phát hành làm hai nửa. Mặc dù được sáng tác trong cùng thời gian với Load, nhưng “Reload” dường như có cảm giác khác. Đĩa đơn đầu tiên từ album này là “The Memory Remains”, một bài hát có sự tham gia của Marianne Faithful.

Ý tưởng sau bài hát này là về một ngôi sao đã lụi tàn, bị rơi dần vào sự quên lãng và cuối cùng đã… đứt bóng. Một đĩa đơn khác “Fuel” là một liên kết đầy ẩn ý với bài “Motorbreath” của album Kill ‘Em All. Reload là một đĩa khá hay, mặc dù được viết cùng thời gian với Load, nhưng đã chỉ ra được sự từng trải hơn của Metallica. Album dàn trải từ những bài hát nhanh và mạnh như “Fuel”, đến những bản dân ca vùng Celtic “Low Man’s Lyrics”. Một ví dụ tiêu biểu của lời ca thông minh là “Why The Things Are”… bằng cách sử dụng hình ảnh ẩn dụ một cậu bé thức dậy trong căn phòng toàn đồ chơi, Metallica đã bổ sung thêm vào 1 bài hát phản chiến, công khai chỉ trích thực tế rằng có những đứa trẻ còn cả cuộc đời phía trước đã bị gửi đi chém giết lẫn nhau chỉ vì những ý thích chợt này sinh của các chính trị gia.

” One day you will see
And dare to come down to me
Now c’mon, c’mon now
Take a chance…that’s right
Let’s Dance”———-Devil’s Dance

Garage, Inc – 1998

Đây là album có 2 đĩa, là bộ sưu tập những bài hát cover yêu thích của Metallica. Một thực tế rằng ngay cả những ban nhạc xuất sắc nhất cũng xuất thân từ các ban nhạc cover, và trong album này Metallica đã nói về gốc rễ của họ từ những bộ sưu tập các nghệ sỹ trong trào lưu “New Wave Of British Heavy Metal” (NWOBHM) của Lars cho tới những nghệ sỹ như Lynrd Skynrd. Bản “Sabbra Cadabra”, một bài hát của Black Sabbath, được Lars gợi ý sau khi cả nhóm đã nhất trí không cover lại Black Sabbath các bài hát nổi tiếng kiểu “War Pigs”.

Đĩa đơn đầu tiên được tung ra từ album này là “Turn The Page”, ban đầu là của Bob Seger và được Metallica chọn vì hợp với quan điểm của họ về cuộc sống và chặng đường phía trước. Còn “Die Die My Darling” là một bài hát của Misfits, về lyrics thì gần giống với “Last Caress”. Trong khi bản “Mercyful Fate” là một sự tổng hợp 5 bài hát của Mercyful Fate (cùng với Venom và Bathory được coi là những người mở đầu cho BlackMetal). Sự lựa chọn lạ lùng nhất là “Whiskey In The Jar” – là một bài dân ca Ai Len được rock hoá bởi Thin Lizzy (kể về câu chuyện 1 gã bị vợ cắm sừng, giết một tên sỹ quan và sau đó phải ngồi tù mọt gông !?). “Tuesday’s Gone” là một bài hát của Lynrd Skynrd và được James đề nghị cho cả nhóm, bởi chất heavy của họ gây ấn tượng với anh. Còn một bài nữa, “Am I Evil?” thực chất là một sáng tác của Diamond Head (ban nhạc gây ảnh hưởng nhất đến Lars Ulrich). Trong khi “Blitzkrieg” được sáng tác bởi ban nhạc cùng tên (hẹ hẹ, bọn này chỉ tồn tại một khoảng thời gian vừa đủ dài đển sản sinh ra đúng 1 bài hát đó, hic). Còn bài “Breadfan” là 1 cover lại của Budgie, và mặc dù về giai điệu không có gì đặc biệt nhưng được coi là một trong những bài cover hay nhất của Metallica. Bốn bài hát cuối là lấy từ nhạc hội Motorheadeach 95 (nghe rất vô học) kỷ niêm ngày sinh nhật lần thứ 50 của bố già metal Lemmy Kilmister của Motorhead.

There’s a devil crawling along your floor
And he’s old and he’s stupid and he’s hungry and he’s sore
And he’s blind and he’s lame and he’s dirty and he’s poor
(give me more give me more)—–Loverman


Like it? Share with your friends!

0

You may also like

More From: Ban nhạc

  • Rock Sài Gòn một thuở qua những hồi ức về Phượng Hoàng

    Những năm cuối thập niên 70, khi những người yêu nhạc trên khắp hành tinh còn mải mê chìm đắm trong những giai điệu bất cần, phiêu lãng và đầy tính hiện sinh của những C.B.C, The Beatles thì âm nhạc Việt Nam lại xôn xao trước sự xuất hiện của một nhóm nhạc Rock rất bụi bặm, phong trần, hát bằng tất cả trái tim với thứ âm nhạc ngùn ngụt được cháy từ trong huyết quản của mình.

  • Michael Amott – hảo thủ guitar

    Điều gì đã làm nên sức ảnh hưởng rộng khắp của CARNAGE, CARCASS và ARCH ENEMY, ngoài việc họ đều là các band metal sừng sỏ . Xin thưa, đó là nhờ vào sự có mặt của Michael Ammott. Nếu các bạn đang tự hỏi anh đã tham gia vào bao nhiêu band nhạc, anh đã cho ra đời bao nhiêu tác phẩm kinh điển thì qua bài viết nhỏ này, tôi hy vọng sẽ tổng hợp được 1 phần nào đó về sự nghiệp “chinh chiến” của anh cho đến ngày hôm nay .

  • Apocalyptica – Những Cây Cello Gào Thét

    Thông tin sơ lược về Apocalyptica:

    • Quốc tịch: Helsinki - Phần Lan
    • Thể loại: Symphonic/Speed Metal & chamber music
    • Hoạt động: 1996 – present
    • Hãng sản xuất: Zen Garden (với album Plays Mettalica by Four Cellos) & Mercury (các album còn lại)

  • Ektomorf

    EKTOMORF được thành lập vào năm 1994 bởi 2 anh em nhà Farkas - Zoltán (vocals, guitar) và Csaba (bass). Sau một thời gian chơi underground và sáng tác các ca khúc, đến năm 1996 ban nhạc bắt đầu ghi âm và phát hành album đầu tay "Hangok". Với thể loại nhac kết hợp hoài hòa sức mạnh của Thrash Metal, Hardcore, Punk và Gypsy Folklore (resulting from the Roma roots of the Farkas brothers), EKTOMORF nhanh chóng có được một số lượng lớn fan hâm mộ đón nhận và ủng hộ tại quê hương Hungarian của mình.

  • Therion

    Nghệ thuật có giá trị đòi hỏi người sáng tạo ra nó phảI sáng tác những gì mang bản sắc cá nhân riêng biệt, độc đáo và lôi cuốn. Therion là một ban nhạc đã sáng tạo ra thứ âm nhạc nghệ thuật như thế.

DON'T MISS