Cuối thập niên 70, khi giới trẻ nước Anh bị đang bị mê hoặc bởi thứ nhạc punk ầm ĩ và hỗn độn, một ban rock mới ra đời với cái tên lạ hoắc Dire Straits tưởng như sẽ nhanh chóng lụi tàn. Thế nhưng, thật kì lạ, nó đã trụ lại được và chỉ với một album đầu tiên bị chính người dân Anh hắt hủi nhưng lại bán chạy khắp châu Âu, Dire Straits đã nhảy vọt lên hàng ngũ các siêu sao và sau 8 năm tồn tại, Dire Straits đã là một trong những cái tên buộc phải nhắc tới khi nói về những ban nhóm Rock Anh hàng đầu có ảnh hưởng lớn đến nền âm nhạc thế giới.
Những ngày đầu gian nan
Linh hồn của Dire Straits không phải ai khác ngoài Mark Knopfler, ca sĩ chính kiêm cây giutar lead của nhóm. Sinh ngày 12/8/1949, con trai một kiến trúc sư, Mark Knopfler bắt đầu sự thành công của mình một cách khá muộn màng. Anh theo học khoa Văn học Anh tại đại học Lead và giữ mục phê bình âm nhạc cho tờ Yorkshire evening post. Sau khi tốt nghiệp, Mark Knopfler ra làm giáo viên môn Tiếng Anh và bắt đầu dẫn dắt một ban nhạc Rock chơi cho các quán bar vào ban đêm, mang tên Brewer’s Droop. Tới tận mùa hè năm 1977, Mark Knopfler cùng em trai là David, tay bass John Illsley, thêm tay trống Pick Whithers mới ghi âm bản demo đầu tiên do chính Knopfler sáng tác mang tên Sultans of Swing. Tiết tấu nhanh, mang đậm hơi hướng Jazz, đặc biệt là tiếng guitar điện réo rắt của Mark Knopfler đã làm người nghe như ngây ngất, như đắm chìm trong buổi khiêu vũ của những “Ông hoàng nhạc Swing”. Thế nhưng, các đài phát thanh ở Anh lại không tỏ ra mặn mà với ca khúc này vì cho rằng nó quá dài dòng và giọng ca của Mark Knopfler chẳng có chút gì đặc sắc.
Những nẻo đường sự nghiệp
Nhưng giới trẻ châu Âu thì không nghĩ như vậy. Suntals of Swing là nguyên nhân chính để họ đổ xô đi mua album Dire Straits đầu tay của nhóm, để được nghe những khúc solo tuyệt vời của Mark, và để nhận ra rằng anh xứng đáng có tên trong 10 cây guitar hay nhất của làng nhạc Rock, bên cạnh các tài danh Jimmy Hendrix, Eric Clapton, Ritchie Blackmore, Jeff Beck… Hơn thế, giọng ca như thủ thỉ, như tâm tình của Mark cũng biết “hớp hồn” người nghe và các nhà phê bình phải gật đầu công nhận rằng anh đã biến nhược điểm của mình (Mark có vấn đề về cổ họng) thành thế mạnh. Điều quan trọng ở đây là nhờ vào khả năng sáng tác hoàn hảo, Mark đã tìm ra con đường đi phù hợp dành cho mình và thực sự tạo được dấu ấn riêng trong làng nhạc Rock vốn đầy rẫy nhân tài. Người ta có thể vài lần nhầm lẫn giữa The Doors và The Who, giữa Beatles và Rollings Stone, giữa Deep Purple và Led Zepplin, nhưng khi Mark cất giọng hay tiếng guitar điện của anh vang lên, ai cũng nhận ra đó là Mark Knopfler, của Dire Straits. Hãng Wanner Bros của Mỹ cũng nhanh chóng nhận ra sức hấp dẫn do Dire Straits đem lại và họ lập tức kí hợp đồng với ban nhạc. Tới tháng 10 năm 1978, cả nước Mỹ ngây ngất theo Suntals of Swing. Mà trong album Dire Straits đâu phải chỉ có Sultans of Swing? Một Down to the waterline sinh động, một Six blades knife đau đớn dằn vặt với nhịp guitar chậm rãi, khoan thai gợi phong cách blues, một Water of love chứa chan hi vọng đều là những ca khúc đỉnh cao và được mô phỏng rất nhiều lần.
Cho tới tận lúc này, người Anh mới nhận ra tính bảo thủ cố hữu của mình và trong 2 năm liền, album Dire Straits có tên trong bảng xếp hạng đĩa nhạc bán chạy nhất Anh quốc. Còn ở Mỹ, tháng 3 năm 1979, ông vua nhạc phản chiến Bob Dylan mời Dire Straits cùng chơi nhạc trong album Slow train coming của mình và đây được coi như hành động vinh danh các tài năng đến từ bên kia đại dương. Bắt đầu từ Communiqué, album thứ 2 của nhóm, khuynh hướng blues của nhóm dần lộ rõ với những ca khúc chậm rãi, ngoại trừ một Lady write có phần nào mang bóng dáng của Sultans of Swing. Tài sử dụng guitar của Mark ngày một điêu luyện hơn với phần solo và đối âm trong ca khúc New, và phần kết của ca khúc này đã kết hợp thật hoàn hảo với đoạn guitar mở đầu của ca khúc tiếp theo, Where do you think you’re going? Angel of Mercy mang tiết tấu blues/rock rõ rệt nhất, Portobello Belle lại là một màn solo hấp dẫn và kiểu cách còn Follow me home như một lời từ biệt nhẹ nhàng tới người nghe. Không có ca khúc nào thật nổi trội trong Communiqué, vì thế nó không được nhiều người ưa thích, nhưng cũng tiêu thụ được tới 3 triệu bản trên toàn thế giới. Tuy nhiên, với Dire Straits, Communiqué lại là bước đệm quan trọng để họ cho ra đời những album xuất sắc trong thập niên 80.
Sau khi hoàn thành Communiqué, David ra đi và thay thế anh là Hal Lindes. Album thứ 3, Making movies ra đời năm 1980, là album duy nhất mang nhiều âm hưởng Rock của Dire Straits . Những đoạn hoà tấu tuyệt vời, sự đắm say hết mình của Mark Knopfler dàn trải trên từng ngón đàn và cuối cùng, phần ca từ như tràn ngập ý thơ. Tiếng guitar “ma quái” trong giai điệu của bản Tunnel of love như dìu người nghe vào cõi mộng còn giọng ca thủ thỉ, êm đềm kể lại câu chuyện buồn Romeo and Juliet lại gợi nên trong lòng người nghe những cảm giác tiếc nuối xa xăm. Nhưng với những người ưa thích sự mạnh mẽ, Skateaway và Solid Rock mới thực sự làm họ thấy hài lòng. Đó mới chính là Rock, một thứ Rock hoàn hảo, bởi vì dù nổi tiếng là một Rock band, nhưng nhạc của Dire Straits chưa bao giờ thể hiện được khuynh hướng Rock một cách rõ ràng. Luôn là phong cách Rock/blues, và luôn được coi là quá hiền so với một Rock band thứ thiệt.
Trên đỉnh vinh quang
2 năm sau, album thứ 4, Love over gold trình làng. Đây cũng không phải là một album thành công của nhóm dù ca khúc Private Investigations chiếm vị trí số 2 trong bảng xếp hạng Anh còn bản thân Love over gold cũng leo lên đứng hạng nhất trong 4 tuần liền. Bởi vì những rạn nứt trong quan hệ giữa các thành viên đã bắt đầu nảy sinh. Pick Withers ra đi nhường chỗ cho Terry Williams, còn tính tình Mark Knopfler càng ngày càng trở nên cáu bẳn. Anh cộng tác với các nghệ sĩ khác và bê trễ công việc của nhóm. Mark thu đĩa nhạc phim Local Hero cho Bill Forshyth và đĩa nhạc này bán rất chạy với các ca khúc tuyệt vời nhưLocal Hero, Going home, Last exit to Brooklyn… Ngoài ra anh còn sản xuất đĩa Infidels cho Bob Dylan, viết ca khúc Private Dancer cho Tina Turner… Mãi tới cuối năm 1984 Mark mới chịu trở lại phòng thu của nhóm và mùa hè năm 1995, quả bom tấn Brothers in arms được tung ra, và tên tuổi Dire Straits trở lại thời kỳ hoàng kim. Nó bán được 20 triệu bản trên toàn cầu và là album bán chạy nhất nước Anh trong thập niên 80. Còn ở Mỹ, ca khúc Money for nothing với 1 câu “tiên tri” trong phần lời “I want my MTV” (tôi muốn xem kênh MTV của tôi) báo hiệu cho sự thống trị của kênh ca nhạc lớn nhất thế giới này đã đứng ở vị trí số 1 trên Top ten suốt 9 tuần liền và tiêu thụ riêng được 9 triệu bản. Điều trớ trêu là Mark Knopfler không ưa thích ca khúc này và coi nó như một thất bại về mặt nghệ thuật. Ngoài Money for nothing, Walk of life và ca khúc chủ đề của album, Brothers in arms cũng đạt thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng Anh, Mỹ. ở Việt Nam, Brothers in arms có lẽ là ca khúc nổi tiếng nhất, không chỉ những người nghe Rock mà ngay cả dân nghe Pop cũng biết và yêu thích nó. Nhẹ nhàng, dìu dặt, uyển chuyển, đó là những gì người ta nói về Brothers in arms. Dù không nổi tiếng bằng nhưng ca khúc Your latest tricks lại có nét hấp dẫn riêng. Đoạn dạo đầu bằng kèn saxsophone của Your latest tricks thật sự để lại ấn tượng sâu đậm và không thể nào quên. Trong chương trình biểu diễn live On the night, khi tiếng kèn đầu tiên của ca khúc này vừa cất lên, tiếng vỗ tay và hò la đã nổi lên như sấm. Với những “fan” thật sự của Dire Straits, sức hấp dẫn của Your latest trick không hề thua kém Sultans of Swing hay Money for nothing. Chỉ riêng với Brothers in arms, Dire Straits đã có hơn 200 buổi biểu diễn kéo dài suốt 1 năm trên khắp thế giới và khi tour kết thúc, Mark Knopfler cũng tuyên bố giải tán nhóm. Có lẽ là anh đã quá mệt mỏi với vinh quang.
Kể từ đó, người ta thấy Mark Knopfler rong ruổi lưu diễn cùng Eric Clapton, thu âm với Chet Atkins, làm nhạc nền cho phim… Tới năm 1990, sau 5 năm đứt quãng, Mark lại triệu tập Dire Straits và tới tháng 10 năm 1991 họ lại cho ra đời album On every street nhưng không đạt thành công như ý, dù nó vẫn bán được nhiều triệu bản. Người ta mua nó vì danh tiếng khi xưa của ban nhạc chứ không phải sức hấp dẫn thực sự của các ca khúc mới. Tour lưu diễn On every street kết thúc, Dire Straits lại giải tán và Mark Knopfler lao vào thực hiện các dự án riêng của mình và đạt được các thành công nhất định với album Golden heart năm 1996 và Sailing to Philadenphia năm 2000. Mới đây nhất, Knopfler đã không giấu giếm ý định tái hợp Dire Straits nhân 25 năm ngày họ tung ra album đầu tay Dire Straits, nhưng có lẽ lớp khán giả đến với họ sẽ chỉ còn là lớp người trung niên. Bọn trẻ giờ đây chỉ biết hip-hop và âm thanh alternative chát chúa, liệu tiếng guitar réo rắt dịu dàng xưa kia có hấp dẫn được chúng?