Dark Tranquillity

Quay về những năm đầu thập kỷ 90, Dark Tranquillity được xem như ban nhạc Thụy Ðiển khai sáng một kiểu chơi metal cho riêng mình. Nhận định được những gò bó, không linh động của dòng Death Metal, Dark Tranquillity bắt đầu thử nghiệm với những giai điệu kiểu mẫu chặt chẽ và mới mẻ, kết cấu bài hát không rõ ràng từng câu, thêm vào sự mạnh mẽ, hung hãn và hướng đến sự hoàn mỹ.


Thành lập năm 1989, Dark Tranquillity chịu ảnh hưởng nhiều của thế giới ngầm Rock tại Châu Âu, họ là người mở đường cho phong cách nguyên mẫu ngày nay mà những nhà báo và các fan đặt cho cái tên ” Gothenburg sound ” ( tất nhiên là ám chỉ thành phố của họ tại Thụy Điển ). Kỷ nguyên âm nhạc này được mô tả rõ ràng bởi sự hòa hợp giữa hai guitar ( đồng ý với anh TyTy là giống Iron Maiden ) và cấu tạo bài hát rắc rối phối hợp với một sự tấn công đôi tai người nghe dữ dội – truyền thống của Thrash những năm 80, mặc dù hướng gần đến sự du dương nhiều hơn. Trong những năm tháng đầu tiên Dark Tranquillity cho ra đời ba Album hoàn chỉnh và hai Eps, trở thành một trong những nhóm nhạc được bàn tán nhiều nhất trong lãnh thổ Metal của bán đảo Scandinavi.

The Mind’s I và Ep trước đó ( Enter Suicidal Angels) đã phô bày cái tên Dark Tranquillity từng được mong chờ và những đặc điểm riêng của họ, tuy nhiên những ca khúc bắt đầu trở nên ngắn hơn và rất cô đọng, làm nổi bật năng lực tiềm tàng, sinh lực bền bỉ ( tôi rất nể Aerosmith cũng vì tính ổn định của các thành viên) trong khi vẫn giữ lại được giai điệu duyên dáng vốn có. Đầu năm 1999 ban nhạc ký hợp đồng với hãng đĩa Century Media, tại đây họ đã có Album Projector, phát hành rộng khắp toàn cầu. Chuyến lưu diễn vỏng quanh Châu Âu của họ cùng In Flames, Children of Bodom và những người cùng chiêu bài Century Media: Arch Enemy, không chỉ đã hoàn thành giấc mơ khao khát của những ai hâm mộ dòng nhạc Gothenburg mà còn là sự tiến đến thắng lợi, hoan hỉ cho những người yêu thích âm nhạc quá khích, đầy kỹ thuật, và gắn liền với giai điệu êm ái.

Tôi sẽ làm các bạn chán ngấy nếu như viết Biography phải không, hì, được rồi, tôi sẽ vén bức màn lên, bạn thấy gì, một thế giới kỳ diệu nhất mà âm nhạc có thể tạo ra, lăng kính vạn hoa quyến rũ khoe sắc và Gothenburg sound vĩ đại

Skydancer 1993

 

 

Một Album có vẻ đẹp tinh khiết ! Đây là Album trọn vẹn đầu tiên sau Trail Of Life Decayed demo 1991 và A Moonclad Reflection ep 7′ 1992. Lyrics rất ấn tượng, đáng kinh ngạc. khó mà diễn tả âm nhạc của Skydancer, tràn đầy xúc cảm, rít lên như gió ngang tai, và dũng mãnh. Nếu bạn yêu thích Melodic Death thì không nên bỏ qua Album này, nó rất gợi cảm ( hí ).
Phải thừa nhận Album này được thu âm, sản xuất hơi tệ, tuy vậy cấu trúc lại cực kỳ nghiêm túc bởi sự hăng hái của những chàng trai. Dark Tranquillity sở hữu sự tinh tế trong âm nhạc và lời ca. Giai điệu của họ không quá hung hăng, trái lại rất nhẹ nhàng và pha lẫn cả nhạc dân gian. Tiếng đàn của Sundin bao hàm sự trí tuệ, tâm hồn cao đẹp, nhất là trong các bài Nightfall By the Shore of Time, A Bolt of Blazing Gold và Shadow Duet, còn ca sĩ lại hát như đọc thơ. Trái với tác phong nhiệt tình của họ khi làm việc, Album này lại êm ả thanh bình làm sao, có một sợi dây vô hình gắn liền những bài hát lại thành khối. Họ chỉ là những người trẻ tuổi, nhưng giai điệu ( Melodic Metal ) thì lả lướt, đẹp vô cùng.

The Gallery 1995


Một sự nỗ lực phi thường của Dark Tranquillity ! Kiệt tác của dòng nhạc Melodic Metal ! Có thể xem đây là khuôn mẫu. Từ bài mở đầu Punish my heaven cho đến bài kết thúc thiên anh hùng ca …Of Melancholy Burning, họ trình diễn một Album đậm chất kỹ thuật và nồng nhiệt với những giai đệu lả lướt đến khó tin. Các ca khúc rất đa dạng, từ chậm rãi ( The Gallery, …Of Melancholy Burning ) kèm giọng nữ thanh thoát cho đến nhanh dần và dữ dội ( Punish my heaven ), tất cả được thực hiện hoàn hảo. Giọng hát của Stanne hoà cùng âm nhạc tuyệt vời, có một sự cuồng nộ trong chất giọng của anh, không gầm gừ như Death Metal, không ré lên như Black Metal, mà .. ( hò, nghe rùi biết hĩ ). Lyrics là viên kim cương lấp lánh ( cũng như giọng nữ ), các ca khúc nói lên tâm trạng tức tối nhưng lại thi vị làm sao. Tôi đặc biệt đánh giá cao cho Intro bản Lethe, hoà âm của The Gallery và kỹ thuật bài Punish my heaven.

Dừng lại, tôi say đắm vì The Gallery và vài đoạn khác, khi mà giọng nữ lanh lãnh cất lên, không vút cao thánh thót như Gothic, có gì đó tràn trề sức sống, khao khát tình yêu, và gợi cảm lắm ….. sau này chúng ta sẽ gặp lại cảm giác ấy trong Insanity’s Crescendo – The Mind’s I …

 

Có thể bóng đêm âm u của Black Metal sẽ kết tội Dark Tranquillity mang nhiều giai điệu vui tươi vào đây, nhưng tóm lại, họ quá tài năng !

Lý do tôi yêu thích họ cũng như In Flames là guitar quá phi thường, dùng những giai điệu dẫn dắt và truyền điện cho nhạc, sục sôi như lò phản ứng hạt nhân. Mỗi ca khúc đều có hàng vạn câu Lead, Riffs phong phú, đồng thời vẫn linh hoạt và mạnh mẽ. Niklas Sundin và Fredrik Johansson phối hợp với nhau, làm tôi quên đi những chàng Iron Maiden ngày xưa, nện vào nhạc của Helloween, và khiến tất cả cặp guitar khác phải suy nghĩ lại trước khi viết những câu guitar. Tất cả ca khúc đều hay như nhau, cho dù The Emptiness from which I fed, Lethe, và Punish my Heaven có thể đứng độc lập. Tôi tự hỏi vì sao họ không thành công tại Mỹ …

Nói thêm một tí, hai bài cuối Album theo tôi là một khối ngọc bích ! Tên hai ca khúc nói lên điều đó trước cả âm nhạc: Mine is the grandeur ….. Of melancholy burning. Track 10 là intro của track 11, và cuối track 11 ta gặp lại những câu guitar sắc xảo của track 10. Và nếu Dark Tranquillity chơi The Gallery hay hơn ( ồ, cũng như nói cầu vồng đẹp hơn thế nữa ) thì có lẽ mỗi Album Melodic Metal tôi nghe sau này chỉ là rác !

Album này bắt buộc các fan Melodic Metal không được bỏ qua !

The Mind’s I 1997

Album này không thua kém The Gallery tí nào về kỹ thuật. Nhìn chung, âm nhạc nghiêng về Thrash hơn những đĩa khác, nhưng giai điệu êm ái vẫn uốn lượn suốt cả Album này ( nhất là hai bản Scythe, Rage, and Roses và Dissolution Factor Red ). Không phải tất cả ca khúc đều tốc độ và rùng rợn, chẳng hạn như Insanity’s Crescendo và Tidal Tantrum khiến ta nghe mãi không chán vì quá lộng lẫy. Stanne hát không hay bằng The Gallery, nhưng dĩ nhiên là vẫn hài hoà với nhạc đệm. Bài The Mind’s eyes là một bản instrumental có thể làm bạn rơi lệ

Bất kì ai thích Dark Tranquillity đều công nhận “The Mind’s I” góp phần rất lớn vào sự bành trướng của dòng “Gothenburg Sound”. Đây cũng là dĩa hay nhất của họ theo nhiều người đánh giá. Tôi có thể lựa 10 dĩa hay nhất về “Melodic Death Metal”, chắc chắn “The Mind’s I” không nằm ngoài danh sách. Dĩa nhạc này cũng là một bước ngoặt của Dark Tranquillity , họ chuyển sang phong cách mang nhiều nét Gothic hơn sau đó.

 

Cứng cáp, mạnh mẽ và tuyệt vời là những gì mà dĩa nhạc này đem lại cho người nghe. Dark Tranquillity rất tiêu biểu cho phong cách Melodic Death Metal thời đầu. Tiếng guitar chủ yếu đệm nhịp, kĩ thuật trống và bass giống như Death Metal. Nhạc của Dark TranquillityDark Tranquillity êm đềm như lời nhạc của họ. Nghe “The Mind’s I” bạn sẽ cảm nhận được điều đó. Họ sẽ khiến bạn thấy đổi quan niệm cho rằng cứ Death Metal là cuồng loạn, chết chóc. Mọi thành viên của Dark Tranquillity đều xuất sắc cả. Mikael Stanne dũng mãnh như sư tử hét trong cơn bão điện do bộ đôi guitar Niklas Sundin và Michael Niklasson tạo ra. Trống, bass hoà cùng với guitar làm nên một bức tranh âm nhạc thật đẹp, và ca sĩ thể hiện vẻ đẹp của bức tranh bằng tài năng kiệt suất của mình. Một bức tranh mà Metal có thể đem lại cho người nghe. Tôi có thể chấm vài nét đẹp nhất của bức tranh “The Mind’s I”. ‘Hedon’ có lời nhạc ẩn ý. ‘Scythe, Rage and Roses’ với tiếng đập như bão tố làm người nghe rùng mình. ‘Constant’ gây sốc với bất cứ ai, mở đầu bằng đoạn nhạc ngắn rồi tiếp nối bằng cơn thịnh nộ. Tôi đặc biệt thích ‘Insanity’s Crescendo’, tiếng guitar nghe sầu muộn và giọng nữ lanh lảnh. Sầu muộn, sâu đậm và cả hỗn loạn là vẻ đẹp của ca khúc này. Lời nhạc như bài thơ, bạn thử nghĩ xem ý nghĩ thế nào:

Lament of thunder – take comfort in fear

lightning veins in crude exterior
Voice the oppression – voice the hypocrisy
lay down the law that made instinct fall

Một ca khúc tôi rất thích nữa là ‘Tidal Tantrum’, giai điệu mạnh mẽ cùng với bầu không khí sâu lắng. Và ‘The Mind’s Eye’ khép lại bằng đoạn nhạc không lời thật lôi cuốn. Âm điệu tuyệt đẹp xâm chiếm tâm hồn người nghe.

“The Mind’s I” là thanh gươm sáng của “Melodic Death Metal”. Các ca khúc chưa đề cập đến cũng xứng đáng nghiền ngẫm. Cùng với “The Gallery”, đây là dĩa thứ hai mà bất cứ muốn biết “Melodic Death Metal” là gì phải thưởng thức bằng bất cứ giá nào

Projector 1999

Trong Album này Dark Tranquillity bớt đi chất Melodic Metal và thêm vào một tí Modern Rock ( hay là cái Rock mà những năm cuối 1980 gọi là Modern Rock ). Ngày nay rất nhiều ban nhạc Châu Âu làm như thế, theo đánh giá của nhiều người thì chất nhạc Projector nghiêng sang Gothic. Tôi kinh ngạc khi thấy họ luôn có những cách hoà âm réo rắt với hai cây đàn, hình như sức sáng tạo của họ không có giới hạn, cứ tuôn trào, chảy mãi. Hãy thử hình dung bạn đang nấu một món ăn. Trước hết, lấy gia vị Dark Tranquillity từ “The Mind’s I” trở về trước, cho thêm giọng hát trong, một chút Gothic (ví dụ như Moonspell) và một chút Power Metal trong thập kỷ 90, bạn sẽ có một món đặc sản có tên “Projector”. Nhạc của họ trở nên cân bằng giữa tính nóng giận với sự tĩnh lặng, trầm cảm và u sầu thay cho bản chất mãnh liệt như bom nổ của “Melodic Death Metal”.

Điều mà bất cứ ai cũng chú ý đến là ca sĩ Mikael Stanne, giọng hát của anh như ở khoảng giữa âm khàn đục và trầm. Một chất giọng đầy cảm xúc, Stanne bộc bạch nỗi buồn và tâm trạng tuyệt vọng qua chất giọng trầm ấm. Khi Stanne chuyển giọng trong, anh thể hiện nét vui tươi có phần gượng gạo. Tôi chấm điểm tuyệt đối cho Stanne, giọng của anh khác rất nhiều so với “The Mind’s I”. Trước khi nghe trọn “Projector”, tôi nghe thử mp3 của ‘ThereIn’ và ‘Auctioned’, và tôi phải thừa nhận Stanne quá tuyệt vời. Ngoài ra, ngòi bút của Stanne cũng tuyệt như giọng hát của anh, mỗi bài hát tựa như một bài thơ, lời nhạc do Stanne chứa đầy ẩn ý, bạn có thể hiểu thế này hoặc thế khác nhưng tất cả những gì anh viết đều toát lên nỗi suy tư về cuộc sống. Bạn hãy thử nghĩ xem tâm trạng của Stanne thế nào:

Like a ghost in daylight on an overcrowded street.

He wishes to be something he is not.
Like a shadow at midnight that originate in air.
He wishes to release.

Trống và guitar nhịp đều đặm theo giọng hát của Stanne. Lúc Stanne trầm giọng, guitra chạy chậm rãi, trống gõ nhẹ. Lúc Stanne tức giận, guitar đột nhiên giật mạnh, trống đập chan chát. Tuy nhiên, không khi nào nổ đùng như ‘The Mind’s I”. Bên cạnh đó, piano và keyboard làm tăng thêm vẻ đẹp cho mốt số bài hát. Ai cũng dễ dàng nhận thấy tiếng piano trầm lắng trong ‘Freecard’ và ‘Auctioned’. ‘Undo Control’ thật ấn tượng với giọng nữ trong suốt. Bài hát hay nhất theo tôi là ‘Nether Novas’, bài hát đem đến cho người những đoạn độc tấu guitar cực lôi cuốn, tiếng piano du dương và giọng hát lúc ấm áp, lúc khàn đục của Stanne, ‘Nether Novas’ chứa đựng vô vàn cảm xúc từ giận dữ, vui tươi và cả tức giận. Tuy nhiên, đối với tôi thì tất cả các bài hát đều hay.

Dark Tranquillity đã thay đổi rất nhiều, nhưng tôi không nghĩ họ bị thương mại hoá kiểu như Metallica. Tôi không tán thành ý kiến cho rằng Dark Tranquillity đánh mất hình ảnh của họ. Phong cách của họ có khác nhưng họ vẫn đang khẳng định tài năng của mình. Nếu phải lựa chọn, “Projector” xứng đáng lọt vào “Top Ten” trong năm.

Haven 2000 

 

( tôi không thích Album này cho lắm, nhưng trên tinh thần khách quan, cũng xin nêu vài ý khen ngợi )
Sau Projector, Dark Tranquillity dành rất ít thời gian chuẩn bị cho Album tiếp theo : Haven. Kết quả là một sản phẩm chứng tỏ sự khéo léo phi thường của ban nhạc, nhưng không thành công bằng những gì họ đã làm trước đây. Tại đây Stanne phát huy hết khả năng của mình : gầm gừ, the thé, và clean vocals. Keyboard chiếm vai trò nhiều hơn, vừa là nền huyền bí vừa là tiếng lead, chẳng hạn trong bài Feast of Burden. Sự thay đổi này làm cho những ca khúc thêm phần sâu lắng, chứng tỏ Dark Tranquillity không chỉ chơi bằng những giai điệu đầy màu sắc của hai cây guitar hoặc chơi đơn thuần một dòng nhạc New Wave of Swedish Death Metal. Album cho ta một lượng âm thanh đa dạng biến ảo. Nhịp điệu đã trở nên chậm rãi u sầu hơn.

Tôi cảm thấy Stanne hát clean vocals đầy cảm xúc, thêm vào những gì ban nhạc đã có một chiều sâu thăm thẳm. Và cho dù Haven thành công, thì tôi vẫn luyến tiếc phong cách của Projector !

Damage Done 2002

Nhận xét đầu tiên của tôi là một sự kết hợp tài tình giữa The Mind’s I và Haven. Không hẳn là họ quay về phong cách cũ ( nếu vậy thì chán lắm ) mà còn thêm nhiều tinh hoa, dù sao ai yêu mến Haven ắt sẽ yêu ngay Damage Done ( yêu nhiều cho nó sướng) .

Bài mở đầu Final Resistance đặt bước chân dứt khoát cho cả đĩa nhạc, tràn đầy chất Thrash Metal. Hours Passed in Exile có xu hướng mạnh mẽ và rất cảm động, bạn có nghĩ rằng Stanne rất tuyệt vời không, hãy tin điều đó! Anh ta muốn chứng minh qua Album này mình xứng đáng đứng vào hàng đầu trong những ca sĩ Metal tài năng nhất. Damage Done có một ca khúc quá tuyệt vời: The Treason Wall. Piano cố vùng vẫy như con tàu nhỏ bé bị đại dương guitar phẫn nộ nhấn chìm. Giọng Stanne có vẻ ” Death ” hơn nhiều những Albums trước ( tôi có sự so sánh khá thú vị giữa anh và Vocals của Opeth, cũng tình cảm, phẫn uất, nhưng lại khác nhau xa ). Trong nhịp nhanh hối hả, anh hiện ra như một vị thần hùng tráng. Từ phút 2:13, Dark Tranquillity chơi một thứ nhạc Heavy Metal đặc trưng, và sau đó ta thấy họ đã hướng Metal sang Melodic Metal như thế nào. Lúc nghe lần đầu, những chuỗi âm thanh vồ lấy tôi ngay lập tức với khúc intro keyboard, và xuyên suốt cả bài, keyboard cứ lấp lánh quyến rũ, trong khi những người khác thì lại rất hung dữ.

Chắc bạn đã biết phong cách của Dark Tranquillity qua các đĩa nhạc trước, bản thân tôi ưa chuộng nhịp đánh thay đổi liên tục hơn là đều đều ( chẳng hạn như kiểu của The Galerry hay The Mind’s I, nhịp phong phú gần giống Technical Death Metal của Death-Chuck ).

Bây giờ cùng xem xét bản nhạc kinh điển Format C for Cortex một chút. Vào phút 2:24, những nhận xét của tôi trước kia về họ hoàn toàn phơi bày rõ ràng: những giai điệu ngọt ngào xen lẫn cơn giận dữ khôn nguôi ( đã có lần tôi nói đến kim loại nóng chảy đẹp thế nào ). Thêm một điểm sáng ngời cho Album: intro của The Enemy. Keyboard là thứ xa xỉ trong The Gallery, kể từ đó càng ngày càng góp phần nhiều hơn, và đến Damage Done, nếu tách keyboard ra thì nhạc của họ chẳng ra hồn đâu. Hai ca khúc có keyboard tham gia ( piano ) tôi thích nhất là Auctioned và The Enemy.

Cách tôi nghe nhạc là cảm thụ thật kỹ từng bài, sau đó mới nhận xét toàn Album. Nhưng vì không có vết trầy xước nào cả ( các Albums trước ngoại trừ The Gallery tôi thấy đều có vài bài chưa đạt yêu cầu cho lắm ), nên tôi đã rất thoải mái để tâm đến tổng thể Damage Done. Tình yêu của tôi với Dark Tranquillity đã giảm sút đáng kể vì Haven ( loãng quá) , có ngờ đâu hôm nay lại bị Damage Done cuốn hút đến thế này. Nếu bạn theo dõi kỹ họ, chắc là đồng ý rằng kể từ Projector đến Haven những cơn thịnh nộ đã bớt đi rất nhiều, thay vào đó là sự trải rộng như Gothic, nhịp đều đặn hơn ( ghét nhất là Death mà chơi đều quá ). Đó là lý do tôi đánh giá Damage Done ngang với Projector và The Mind’s I, hehe nói chung là có thể cho điểm 9, bị trừ một điểm vì …. cái tội không có giọng nữ hehe


Like it? Share with your friends!

0

You may also like

More From: Ban nhạc

  • Rock Sài Gòn một thuở qua những hồi ức về Phượng Hoàng

    Những năm cuối thập niên 70, khi những người yêu nhạc trên khắp hành tinh còn mải mê chìm đắm trong những giai điệu bất cần, phiêu lãng và đầy tính hiện sinh của những C.B.C, The Beatles thì âm nhạc Việt Nam lại xôn xao trước sự xuất hiện của một nhóm nhạc Rock rất bụi bặm, phong trần, hát bằng tất cả trái tim với thứ âm nhạc ngùn ngụt được cháy từ trong huyết quản của mình.

  • Michael Amott – hảo thủ guitar

    Điều gì đã làm nên sức ảnh hưởng rộng khắp của CARNAGE, CARCASS và ARCH ENEMY, ngoài việc họ đều là các band metal sừng sỏ . Xin thưa, đó là nhờ vào sự có mặt của Michael Ammott. Nếu các bạn đang tự hỏi anh đã tham gia vào bao nhiêu band nhạc, anh đã cho ra đời bao nhiêu tác phẩm kinh điển thì qua bài viết nhỏ này, tôi hy vọng sẽ tổng hợp được 1 phần nào đó về sự nghiệp “chinh chiến” của anh cho đến ngày hôm nay .

  • Apocalyptica – Những Cây Cello Gào Thét

    Thông tin sơ lược về Apocalyptica:

    • Quốc tịch: Helsinki - Phần Lan
    • Thể loại: Symphonic/Speed Metal & chamber music
    • Hoạt động: 1996 – present
    • Hãng sản xuất: Zen Garden (với album Plays Mettalica by Four Cellos) & Mercury (các album còn lại)

  • Ektomorf

    EKTOMORF được thành lập vào năm 1994 bởi 2 anh em nhà Farkas - Zoltán (vocals, guitar) và Csaba (bass). Sau một thời gian chơi underground và sáng tác các ca khúc, đến năm 1996 ban nhạc bắt đầu ghi âm và phát hành album đầu tay "Hangok". Với thể loại nhac kết hợp hoài hòa sức mạnh của Thrash Metal, Hardcore, Punk và Gypsy Folklore (resulting from the Roma roots of the Farkas brothers), EKTOMORF nhanh chóng có được một số lượng lớn fan hâm mộ đón nhận và ủng hộ tại quê hương Hungarian của mình.

  • Therion

    Nghệ thuật có giá trị đòi hỏi người sáng tạo ra nó phảI sáng tác những gì mang bản sắc cá nhân riêng biệt, độc đáo và lôi cuốn. Therion là một ban nhạc đã sáng tạo ra thứ âm nhạc nghệ thuật như thế.

DON'T MISS