Vào buổi sáng trước giờ diễn, các ban nhạc mới bắt đầu tiến hành việc soundcheck bởi trước đó vào nửa đêm, có một số ban nhạc vừa mới đặt chân xuống Việt Nam. Với khoảng thời gian gấp rút như vậy (chương trình sẽ bắt đầu vào 14h), 7 ban nhạc tham gia đã phải gấp rút thực hiện công đoạn khá quan trọng cho show. Không để mặt thời gian làm ảnh hưởng, các ban nhạc đã cố gắng căn chỉnh khá kỹ lưỡng về mặt âm thanh, từng tiếng kick, tom và snare trống. Với những ban nhạc có 2 vocals thì họ càng kỹ hơn về độ cân bằng của từng micro.
Down From The Wound
Asilent
Hydrophobia
Gotsu Totsu Kotsu
14h30, Polar Lost là ban nhạc đầu tiên mở màn cho festival này. Chịu ảnh hưởng của các ban nhạc old school death và đặc biệt là Six Feet Under, Polar Lost lên sân khấu và không ngại vai trò làm nóng sân khấu của mình. Với các sáng tác đã quen thuộc như Con két, Bão hằng ngày, ban nhạc không ngần ngại khi cover Doomdays. Đội hình như được tiếp lửa bởi sự bổ sung tay trống trẻ thế hệ 9x Phát Nguyễn, từng ra mắt trong X Metal 7. Guitarist Anh Duy vẫn giữ vai trò với những riff nặng nề đặc trưng của groove death metal. Bassist Thông Võ không chỉ giữ chắc nhịp mà còn là backing vocal cho Nhân Cổ.
Blood Legion đại diện từ Kuala Lumpur – thủ đô của Malaysia. Thành lập năm 2008 và vừa cho ra mắt promo với 3 sáng tác (các bạn có thể nghe tại đây ) .Một đội hình đẹp với 2 guitar, 1 bass, 1 vocal và drum, các thành viên của Blood Legion khá thoải mái khuấy đảo bầu không khí ở Metallic bar. Các vị trí đánh quá tốt, “sound” guitar 2 kênh … Không dừng ở các sáng tác, ban nhạc còn tạo sự hưng phấn cho các metalhead đang “đã” nay càng “đã” hơn với các bản cover của Amon Amarth (The Pursuit Of Vikings) và cả Slayer (với bản Mandatory Suicide) cùng Seven của Necrophagist. Các ban nhạc có ảnh hưởng đến phong cách, chất nhạc của Blood Legion. Quả thực trong các show khi nghe được một số bản cover của các tượng đài thì thường tạo được một sự hưng phấn kì lạ cho các metalheads.
Wừu với sự thay đổi cũng như ổn định lại đội hình mới là ban nhạc kế tiếp. Vẫn là các ca khúc trong debut album 888, ban nhạc grindcore đầu tiên của Việt Nam này đã đánh 1 lèo gần 10 bản. Vocal Ia Vy thể hiện xuất sắc trong vai trò là thành viên mới của ban nhạc. Các ca khúc ngắn gọn nhưng rất súc tích, mang nhiều ý nghĩa châm biếm của Wừu làm các metalheads phải mất sức rất nhiều. Nhịp độ bài hát thay đổi, ngắt, breakdowns liên tục. Tuy nhiên có cảm giác phần trình diễn của ban nhạc có phần hơi dài “lê thê”
Kế đó là ban nhạc “nặng ký” nhất – theo nghĩa đen của Deathfest năm nay, Asilent. Ngoại hình khá khủng của 2 tay guitar và bass, cũng như vocal Daniel (người gốc Thụy Điển) tạo nên sự tương phản với tay trống Kenny – ngoại hình khá nhỏ con. Một bất ngờ thú vị khi được biết tay trống này đã 28 tuổi và vocal Daniel chỉ mới 20. Đã chứng kiến phần trình diễn của 3 ban nhạc trước đó và sự cuồng nhiệt của các metalheads bên dưới. Asilent rất hưng phấn với phần trình diễn của mình. Mới phát hành EP Recalibrated Chaos vào đầu năm 2012, ban nhạc đã làm cho các các khán giả bên dưới cuốn hết mình vào những tiết tấu nhanh gọn của brutal death. Giọng growl của Daniel khá cục súc. Guitarist Farhan còn có lối đánh đảo tay khá lạ mắt trong số các guitarist của dòng nhạc này. Ngoài ra giọng của bassist Fiaz khá ấn tượng. Asilent cũng không phụ lòng khi sẵn sang chơi thêm 1 bản theo yêu cầu của “awesome fan” – lời của Daniel và Fiaz nhắc đi nhắc lại khá nhiều trong show
Disgusted – ban nhạc vừa có 1 chặng tour tới Singapore, Malaysia tham dự các liên hoan deathfest nước bạn. Ban nhạc càng ngày chơi càng hay. Cũng mới trên sân khấu của Metallic bar ở X Metal 7, nhưng lần này có vẻ sau nhiều chuyến cọ sát ở nước ngoài thì những âm thanh ban nhạc tạo ra dường như “điên” hơn hẳn. Cũng có lẽ là hệ thống âm thanh đã được ban tổ chức Saigon Deathfest 2012 tăng cường về cả chất và lượng. Drummer Cao Minh càng ngày càng chứng tỏ mình là sự thay thế hoàn hảo với những câu báo, riff trống đầy tốc độ. “Thầy giáo” Tom Banks vẫn giữ phong thái với giọng hát “thú tính” và khá là quậy trên sân khấu. Trở lại với Trung loki, trong show diễn này anh có lẽ là người mệt nhất khi đảm nhiệm vai trò guitarist cả 2 ban nhạc Wừu và Disgusted, mà còn là backing vocal.
Gotsu Totsu Kotsu – ban nhạc khá được mong đợi trong hôm nay bởi tinh thần samurai trong các sáng tác của họ cũng như đội hình 3 thành viên. Là thành viên cũ của Defield, biểu diễn ở Tp.HCM vào năm 2008, bassist kiêm vocal Haruhisa Takahata rất mong muốn tái ngộ với khán giả Việt Nam. Và anh đã trở lại cùng với ban nhạc riêng của mình. Âm nhạc của Gotsu Totsu Kotsu nằm trong ranh giới giữa death metal và thrash metal. Có thể nhận thấy nhiều thế mạnh của ngón nghề slapping bass của Haruhisa được khai thác và kết hợp cùng những câu riff guitar Atsushi Takahashi. Có thể nhiều người cho rằng lối đánh đó sẽ lấn át guitar, tuy nhiên đây là nét đặc sắc của Gotsu Totsu Kotsu – vừa đủ và có cái riêng, không đi quá giới hạn. Tương tự với giọng hát của anh: trầm đục và cứ như nuốt từng câu hát. Không hẳn là growling vocal đặc trưng của death metal nhưng đó là cách mà ban nhạc muốn thể hiện. Những giai điệu, pha solo guitar cũng được ban nhạc áp dụng khá nhiều. Những âm thanh chồng chéo, riff, slapping bass hay guitar solo trong các sáng tác Gotsu Totsu Kotsu dường như có ẩn ý trong đó. Đó là những âm thanh của những cuộc chiến, cuộc đời vinh hoa đầy danh dự của các Samurai, được đặc tả bên cạnh lời bài hát. Không thể quên được vị trí quan trọng là tay trống Hirotaka Nakazawa với lối đánh chắc nịch, “bào“ tốt. Cả 3 tạo nên một luồng chảy truyền tải về những samurai – niềm tự hào của người Nhật. Ngoài ra ban nhạc cũng có phần thi thố solo nhau giữa guitar, bass và trống. Khá thú vị tuy nhiên 1 số fan cuồng của death metal lại không hứng thú cho lắm. “Mỗi người một ý”
Hydrophobia – cái tên sẽ còn nhiều các metalhead nhắc nhiều. Là 1 trong 2 ban nhạc death metal đầu tiên biểu diễn ở Việt Nam, gây ấn tượng khó quên trong show diễn Extreme is Back. Ban nhạc tỏ ra rất kỹ lưỡng từng khâu trong lúc soundcheck. Đội hình có sự thay đổi ở vị trí bassist. Vẫn trong ngoại hình khá ngầu với mái tóc nhuộm vàng, vẫn là cây guitar chỉ chơi 4 dây đó, RIN – thủ lĩnh của ban nhạc đến từ miền Tây Nhật Bản này đã có những lời tri ân tới khán giả Việt Nam trước khi “say” trong thứ âm nhạc mà họ gọi là Grind Death Metal. Quả như tên gọi, kết cấu của các sáng tác với tiếng guitar nặng nề, nhịp thay đổi liên tục, các riff trống nhanh, mạnhg mang đặc trưng của death metal thì còn có hơi hướng của grindcore bởi sự cục súc và thời lượng bài hát ngắn. Ở vai trò giữ nhịp cho ban nhạc, tay trống Tetsu làm cho các tay trống của các ban nhạc khác phải nể phục bởi lối đánh chuyên nghiệp, vũ bão của mình. Kết hợp yếu tố của công nghệ là dùng drums trigger càng làm cho tiếng trống của anh nhiều uy lực hơn, cùng với sự vững chắc của 2 vị trí còn lại tạo nên một cơn bão âm thanh. Tay bass mới Zapp cũng kiêm luôn vị trí vocal thứ 2 của ban nhạc. Với vẻ hiền lành bên ngoài nhưng khi đã lên sân khấu anh đã thành một con người khác cùng những pha chạy ngón trên cây bass Spector đầy kỹ thuật, giọng growl dữ dội.
Là ban nhạc cuối cùng của festival, chỉ khi bước lên sân khấu và “quất” thì mọi người mới hiểu tại sao Down From The Wound là ban nhạc được chọn để kết thúc chương trình. Không có vị trí bassist trong đội hình nhưng chỉ với 2 guitarist, 1 drummer cùng giọng guttural vocals, chừng đó đã quá đủ để tạo ra thứ âm nhạc tàn bạo nhất hành tinh: brutal death metal. Quả thật không thể từ nào có thể miêu tả được phần trình diễn DFTW, ban nhạc quả đúng đẳng cấp. Những câu trống, đạp kick nghe như súng liên thanh. Hai vị trí guitar thay nhau “bào” với sức mạnh của lối đánh nhanh cùng những kỹ thuật pinch harmonics, tapping, ngắt quãng đột ngột rồi riff đột ngột. Hòa cùng đó là giọng hát của Tristan đúng tàn bạo.
Saigon Deathfest 2012 khép lại với nhiều dư âm. Hứa hẹn sẽ mở ra 1 trang mới cho metal scene ở Việt Nam
Photo: Khanh Chau, Mr.V777
Các bạn có thể xem thêm những hình ảnh về show tại AnyArena hoặc Facebook: link 1, link 2