Trước tiên là phản hồi của anh Nguyễn Đạt:
Tôi là Nguyễn Đạt, ban nhạc Da Vàng xin có vài lời dành cho anh hay chị Nhật Tuệ ( từ đây xin phép dùng chữ viết tắt là NT)
Bắt đầu trích dẫn những gì mà NT viết:
@ “Người Việt đến với rock không muộn mằn, nhưng rock như một anh bạn đỏng đảnh. Mối lương duyên của người Việt với rock vì thế, tồn tại mà như không, có đó mà bao năm chẳng hề sâu đậm nổi.”
# Sâu đậm hay không chỉ có những người yêu rock mới biết, chỉ biết rằng từ thời Sài Gòn xưa đã có rất nhiều người yêu “cái cục đá này”… và sau đó theo báo chí thì Hà Nội ngày nay còn yêu nó hơn cả Sài Gòn nữa!
@ “Những rocker Việt bao giờ cũng cho tôi cảm giác họ bị lấn áp như anh chàng vai đeo cung nỏ, choàng vào cổ vài vòng nguyệt quế second-hand mua một mớ ngoài chợ trời, để rồi buộc phải thành anh hùng.”
# tôi là người muốn nói lên sự thật, cho dù là “đeo cung nỏ, và nguyệt quế mua ở chợ trời,” tôi không phải là anh hùng, các anh hùng thì rất nhiều trong chiến tranh, NT có thể xem lại sử sách để xem có anh hùng nào là Rocker không?
@ Rocker già nhất Việt Nam, ông Ngọc Tuấn, người khởi xướng Les Pénitents vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước đã từng nói như than: “Chúng tôi chơi nhạc vì trẻ người non dạ, cứ yêu và theo nó vì ngoài âm nhạc ra, còn biết làm gì khác”.<>
#ý kiến của anh ngọc tuấn là ý kiến của anh ấy, không phải là ý kiến của tôi, vì tôi chưa bao giờ hối hận khi đã đi theo lý tưởng này, nó đã giúp tôi tồn tại và nuôi dạy các con tôi nên người
@ “Không làm gì khác được nên ở lại cùng rock, giữ một mối liên hệ không lấy gì làm thú vị và bình đẳng, phải chăng đó là nguyên nhân chính cho sự trì trệ của rock Việt?”
# Rock Việt không trì trệ, nói đúng hơn là nó không cần sự quan tâm, có nhiều khi nó tưởng đã chết đứ đừ thế mà hôm nay vẫn còn có NT quan tâm mà viết bài về nó thế này (xin cám ơn)
@ “Rock hay bất cứ trường phái lớn nhỏ nào khi vào Việt Nam đều phải gặp cuộc cải tạo Việt hóa. Nhưng những cuộc cải tạo rock, jazz, soul, R&B, country không hề giống nhau về mức độ sâu đậm lẫn khả năng thành công. Cuộc Việt hóa chán ngán nhất, sau rap là rock. Bởi nó khiên cưỡng và đầy mặc cảm.”
# đầu tiên là không nên dùng chữ “cải tạo”, vì không thể cải tạo được ai nếu mình không giỏi hơn người ta, chúng ta chỉ có thể học hỏi những điều hay từ bên ngoài, và sau đó nếu có tâm huyết hơn thì sẽ áp dụng vào những gì có ích cho dân tộc, như saxophonist Trần Mạnh Tuấn sau khi đi học ở Mỹ về, anh có khả năng chơi vài trăm bài nhạc Jazz như nguyên bản nhưng anh vẫn kết hợp những gì học hỏi được và nhạc dân gian VN trong album Ru Rừng rất hay vừa phát hành, qua đó nếu muốn tôi đã chơi cover các bài nhạc kinh điển của “các người thầy chưa bao giờ nhận học phí từ học trò,” đó là CD, tài liệu, giáo trình v…v… nhưng tôi vẫn việt hóa nhạc rock vì đó là sự tự hào của chúng ta (những người nói tiếng Việt) Pop cũng vậy, R&B v..v.. cũng vậy, những dự án của ca sĩ Mỹ Linh, Thanh Lam, Trần Thu Hà v…v chẳng phải là muốn đem âm nhạc VN đến với thế giới sao?
@ “Phát sinh từ rock n” roll, rock Âu Mỹ hẳn không ngờ có ngày nó lại phải đánh bạn với dân Việt. Chẳng có gì tương thích giữa rock với người Việt, từ những điều kiện tâm lý cho đến môi trường văn hoá, xã hội. Cách ứng xử, khả năng tự bộc lộ bản thân, ý thức bầy đàn và ý nghĩa quần tụ.
Người Âu Mỹ tụ lại để hát, để nhảy, để được trở về dù trong phút chốc thế giới nguyên thuỷ, ở đó không có những tranh chấp giàu nghèo, khỏe yếu, sang hèn, già trẻ. Ở đó chỉ có âm nhạc. Những tiếng hét mông muội, những cử chỉ bản năng, ở đó mồ hôi chảy ròng ròng như suối của bầy thú trong cơn kích động tột cùng. Người Việt đã bao giờ như thế, và có cần như thế, có hợp như thế?”
# Nếu nói như thì vậy classical, pop, hip hop v…v và cuối cùng là rock hẳn không ngờ có ngày nó lại phải đánh bạn với dân Việt. Không đâu NT ơi, dân Việt chúng ta tự đánh bạn với những gì chúng ta chấp nhận được, nếu không tin NT thử đưa những gì là thái quá vào xem mọi người có chấp nhận không?
Rất may nữa là người Âu Mỹ ít người biết tiếng Việt để mà biết NT đã so sánh họ như những bầy thú??? (không biết như vậy có thể gọi là phân biệt chủng tộc như chủ nghĩa Nazi và Apartheid mà chúng ta đã từng lên án hay không?)
@ NT ơi, NT đã kết luận quá vội vàng khi nghĩ rằng : “Rocker Việt tụ tập lại để tranh giành: Ai sang hơn, ai trẻ hơn, ai đẹp hơn, ai nói nhiều nhảy khoẻ và hấp dẫn hơn, ai xứng đáng là thủ lĩnh, ai bị coi là lính tráng, ai tồn tại và ai phải tan biến. Rock Việt bỗng trở thành vũ đài của những tâm hồn chưa đủ mạnh để độc lập, chưa đủ giàu có để tự hào, chưa đủ tinh tế để khác biệt, song dường như quá giàu ý thức bá chủ.”
# theo thiển ý của tôi thì một tâm hồn như trên 1000% sẽ tham gia vào dòng nhạc thị trường để được huởng những sự tranh giành như tác giả nói đến, còn thì tôi và những đồng ngiệp chỉ là “những gã võ sĩ quyền Anh mang gương mặt méo mó vì chấn thương mà trên thực tế chưa lần nào được thượng đài một cách chuyên nghiệp.” … may quá chúng tôi không tham gia vào show SFone hoành tráng vừa rồi tại quân khu 7 nơi mà sự chuyên nghiệp hay không thì các báo đã đưa tin rất nhiều…
@Một lời trích dẫn nữa ” Từ Les Pénitents đến Phượng Hoàng, từ Đại Dương đến Da Vàng, từ Da Vàng đến Bức Tường, từ Bức Tường đến Microwave và đến đâu nữa… vẫn là những cuộc ráp nối vội vàng khiên cưỡng của những người chưa chắc đã trẻ mà dạ thì non.
# NT ơi.. xin hãy tôn trọng linh hồn của 2 nhạc sỹ tài hoa là Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà là thành viên của Phượng Hoàng, còn lại thì ngoại trừ các thành viên của ban nhạc Bức tường và Microwave thì chúng tôi đều đã trên 40 tuổi rồi, hy vọng là “dạ chúng tôi đủ… non” để tiếp tục chơi rock đến tuổi 60 như Rolling Stones nhé!
Tiếp tục một lời trích dẫn nữa: “Tạm quên đi những yếu tố văn hoá, chỉ riêng đặc điểm sinh học đã cản trở người Việt rock. Chúng ta không đủ cao, không đủ khỏe, không đủ dai sức, cổ họng không đủ to, thanh đới không đủ dày, nhịp tim không đủ rộng rãi, hơi thở không đủ sâu để rock….
# Bạn ơi cái dân tộc yếu đuối ở trên đây đã từng chiến thắng trong 2 cuộc chiến tranh gần đây nhất đó.. và ngoài ra còn chiến thắng rất nhiều những cuộc chiến xưa kia mà tôi chỉ xin góp vào 1 “mẩu trang sức nhàn nhạt” là bài Bạch Đằng Giang của tôi để vinh danh Đức Thánh Trần Hưng Đạo.
#Để kết luận, xin dùng chữ “nên chăng” mà bạn đã dùng, xin thú thật tôi rất ghét chữ này vì nó biểu hiện sự không dứt khoát trong tư tưởng, vậy thôi tôi sẽ dùng chữ “cho nên” … tôi biết bạn là phóng viên, mỗi một chữ viết ra đáng “n” đồng tiền thì hãy viết cho xứng đáng với lương tâm và trách nhiệm của một nhà báo chứ đừng sa đà vào những chuyện buồn cười này nữa nhé!
Nguyễn Đạt
Kính e-mail!
3:40AM September 01 2006
Phản hồi của Trần Lập
Thưa anh/chị Nhật Tuệ (NT) tôi chợt bật cười và “thán phục” về sự “quả cảm” khi NT đã cào lên bức tranh rock gồ ghề ở Việt Nam bằng những móng tay…cùn. Được gì và để làm gì nhỉ với một sự chủ quan tưởng như vô thưởng vô phạt này mà NT đã xúc phạm lên những người chơi rock ở Việt nam?
Có thể tạm thời bỏ qua cho NT về sự phán xét kiểu bề cha chú cô dì với tuổi đời, tuổi nghề của chúng tôi bởi vì nhận thức là một nguồn sáng có thể chói lọi ngay cả ở những trẻ vị thành niên nhưng cũng có thể là sự ngộ nhận của những kẻ thậm xưng mà đơì đã xế bóng. Ta bàn thẳng về rock đi, NT đang đứng ở đâu nhìn vào nó mà nặng tính chủ quan đến vậy. Khách quan đi rằng non nớt vụng dại còn nhiều đây đó nhưng vơ một nắm đũa mà lên gân bẻ âu cũng là chưa qua trình bậc sơ khai. Rock không chỉ bộm bộp như một cái vỏ rỗng lòng nhưng chất chứa hằn học và lòng thù hận, không chỉ là kẻ chết đói ngủ lang ôm mối bệnh lý điên loạn mà tìm quên trong Ma tuý Bồ đà. Rock cũng không phải là dòng máu thanh khiết đến cực đoan mà chối bỏ sự khác biệt về văn hoá sống, về nòi gióng lứa tuổi cho dù cũng có những dòng rock thiên về cực đoan thần giáo, sắc tộc với lối chơi nhạc kiểu cục súc và bệnh hoạn như loài thú. Xét ra chẳng có gì là không thể khi người ta chơi nó với một tâm hồn, một khát vọng giản dị nhưng cháy bỏng chứ không mâu thuẫn tiền hậu bất nhất như lời NT phang lên báo thế này. Vừa muốn cục súc vừa muốn tinh tế, vừa muốn hoà mình nguyên thuỷ mà không cần tính cộng đồng vừa muốn chém to kho mặn vừa muốn khẽ khàng tâm hồn sáng láng… Tối cá là chẳng có Siêu sao người Mỹ hay người Anh nào có đủ điều này vậy. NT mê sảng tuôn ra những cảm tính trên phải chăng là đã quá già?
Cái mà đáng quan tâm nhất là Văn hoá thì NT lại bỏ qua rất nhanh vì Văn hoá là điều đáng nói vì nó mới là sự căn bản khác biệt giữa Ta với Tây. Đặc điểm sinh học mà NT đề cập nó nặng tính cơ học bầm vập hơn là tố chất của những nghệ sĩ đích thực. vâng Văn hoá là gì với rock ư? Đó là khác biệt ngay với tư tưởng của NT với tâm hồn người chơi rock Việt mà trong đó kẻ ngoại đạo trống rỗng không thể nào bước vào mà hiểu được nói chi là phân tích nó thấu đáo.
Trần Lập.
Trich dẫn bài báo
Người Việt đến với rock không muộn mằn, nhưng rock như một anh bạn đỏng đảnh. Mối lương duyên của người Việt với rock vì thế, tồn tại mà như không, có đó mà bao năm chẳng hề sâu đậm nổi.
Ban nhạc Bức Tường |
Những rocker Việt bao giờ cũng cho tôi cảm giác họ bị lấn áp như anh chàng vai đeo cung nỏ, choàng vào cổ vài vòng nguyệt quế second-hand mua một mớ ngoài chợ trời, để rồi buộc phải thành anh hùng.
Rocker già nhất Việt Nam, ông Ngọc Tuấn, người khởi xướng Les Pénitents vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước đã từng nói như than: “Chúng tôi chơi nhạc vì trẻ người non dạ, cứ yêu và theo nó vì ngoài âm nhạc ra, còn biết làm gì khác”.
Không làm gì khác được nên ở lại cùng rock, giữ một mối liên hệ không lấy gì làm thú vị và bình đẳng, phải chăng đó là nguyên nhân chính cho sự trì trệ của rock Việt?
Rock hay bất cứ trường phái lớn nhỏ nào khi vào Việt Nam đều phải gặp cuộc cải tạo Việt hóa. Nhưng những cuộc cải tạo rock, jazz, soul, R&B, country không hề giống nhau về mức độ sâu đậm lẫn khả năng thành công. Cuộc Việt hóa chán ngán nhất, sau rap là rock. Bởi nó khiên cưỡng và đầy mặc cảm.
Phát sinh từ rock n” roll, rock Âu Mỹ hẳn không ngờ có ngày nó lại phải đánh bạn với dân Việt. Chẳng có gì tương thích giữa rock với người Việt, từ những điều kiện tâm lý cho đến môi trường văn hoá, xã hội. Cách ứng xử, khả năng tự bộc lộ bản thân, ý thức bầy đàn và ý nghĩa quần tụ.
Người Âu Mỹ tụ lại để hát, để nhảy, để được trở về dù trong phút chốc thế giới nguyên thuỷ, ở đó không có những tranh chấp giàu nghèo, khỏe yếu, sang hèn, già trẻ. Ở đó chỉ có âm nhạc. Những tiếng hét mông muội, những cử chỉ bản năng, ở đó mồ hôi chảy ròng ròng như suối của bầy thú trong cơn kích động tột cùng. Người Việt đã bao giờ như thế, và có cần như thế, có hợp như thế?
Rocker Việt tụ tập lại để tranh giành: Ai sang hơn, ai trẻ hơn, ai đẹp hơn, ai nói nhiều nhảy khoẻ và hấp dẫn hơn, ai xứng đáng là thủ lĩnh, ai bị coi là lính tráng, ai tồn tại và ai phải tan biến. Rock Việtbỗng trở thành vũ đài của những tâm hồn chưa đủ mạnh để độc lập, chưa đủ giàu có để tự hào, chưa đủ tinh tế để khác biệt, song dường như quá giàu ý thức bá chủ.
Rock Việt là gã võ sĩ quyền Anh mang gương mặt méo mó vì chấn thương mà trên thực tế chưa lần nào được thượng đài một cách chuyên nghiệp.
Từ Les Pénitents đến Phượng Hoàng, từ Đại Dương đến Da Vàng, từ Da Vàng đến Bức Tường, từ Bức Tường đến Microwave và đến đâu nữa… vẫn là những cuộc ráp nối vội vàng khiên cưỡng của những người chưa chắc đã trẻ mà dạ thì non.
Tạm quên đi những yếu tố văn hoá, chỉ riêng đặc điểm sinh học đã cản trở người Việt rock. Chúng ta không đủ cao, không đủ khỏe, không đủ dai sức, cổ họng không đủ to, thanh đới không đủ dày, nhịp tim không đủ rộng rãi, hơi thở không đủ sâu để rock.
Bản thân tiếng Việt ngân nga và đầy dấu thanh đã làm cho giai điệu như vàng lỏng phải rót vào vài chiếc khuôn ít sáng tạo, thế thì sản phẩm chỉ là những mẫu trang sức nhàn nhạt.
Nên chăng, “alter” mọi thứ để thành mọi thứ alternative music không giống ai, không dán nhãn rock bởi nó không thực sự là rock, chỉ là nhạc biến cách. Nếu không phải giả ngây thơ để bằng lòng, để vui sướng với loại rock mà NS Nguyễn Cường gọi tên là “rock cô gái Việt” và tự hào về nó.
Theo Nhật Tuệ
TTNN