Categories Rock Việt

Rock Hà Nội: Chữ “Dám” của một niềm đam mê

“Khác” là “Sai”

Lùi lại thời gian một chút, thế hệ những người như bố tôi đã chứng kiến
những nhóm thanh niên quần áo công nhân, đeo băng đỏ và mang theo những
cây… kéo đi lại trên phố. Hễ cứ gặp anh nào để tóc dài, chị nào mặc
quần ống loe là cắt một bên tóc hoặc cắt một bên gấu quần. Ngày ấy, cái
gì KHÁC đã là SAI, là chống lại văn hóa truyền thống. Tất cả đều nhờ
nhờ từa tựa nhau với những bộ quần áo xanh công nhân, những cái đầu nam
chỉn chu gọn gàng, những mái tóc dài đến hông của các cô gái mặt chẳng
mấy khi dám son phấn.

Âm nhạc đến với mọi nhà thông qua đường
dây truyền thanh, điển hình là những chiếc loa nhỏ gắn trong các nhà
hay những cái loa rè rè treo trên cột điện, những buổi diễn văn nghệ
tuyên truyền ở những điểm công cộng. Nhà nào sang mới có những máy nghe
Akai băng cối hay đầu đọc đĩa than. Tìm được đĩa, băng càng khó khăn.
Tất cả trông chờ vào những người đi lao động nước ngoài vác về. Nếu còn
trẻ, bạn sẽ chẳng tưởng tượng ra cái thời ấy. Ngày ấy, nghe nhạc nước
ngoài là một thứ cực xa xỉ. Abba, Boney-M có khi đã là cả thế giới. Mãi
về sau mới có vài cái đĩa Beatles. Không ai có khái niệm về nhạc rock
hay những lối sống quanh nó.

Tôi dần lớn lên và chứng kiến những buổi
nhạc sinh viên của ông cậu thứ năm. Thuê một cái hội trường của phường
nào đó, mượn mấy cái loa, vài người chơi xập xình những bài hát tiếng
Việt, Pháp, tiếng Anh. Chơi nhạc trong ánh sáng đèn vàng, không có các
màu xanh đỏ cho một sân khấu. Nhoáng nhoàng đến 9 giờ tối phải thu dọn
đồ. Để mặc lũ khán giả toàn trẻ con bên dưới tiu nghỉu. Để có những tối
như thế, cậu tôi có khi phải trốn cơm nhà, vừa nghe ông ngoại tôi mắng
xong đã lại vác xe đạp trèo tường đi nhờ nhà hàng xóm để đến buổi tập
nhạc. Thỉnh thoảng ông ngoại lại phải lên công an phường đón cậu, có
khi là cả cậu út về vì tội “nhảy đầm”. Lối sống âu hóa, tây hóa thời đó
đồng nghĩa với hư hỏng.

Bẵng đi một thời gian, khi “nhảy đầm”,
hát “nhạc Tây” không còn là cái tội để bị bắt lên phường nữa, khi tôi
đang mải mê với việc học hành, chẳng biết từ khi nào, hình ảnh những
thanh niên tóc dài (không cần phải gội đầu quá liên tục), quần bò rách,
áo phông đen (không cần phải giặt quá thường xuyên), hãnh diện lượn xe
cuốc trên phố bỗng trở nên ngày càng nhiều. Nó không còn là hình ảnh
độc quyền của sinh viên các trường đại học Xây dựng, Kiến trúc, Mỹ
thuật, Nhạc viện… Nó trở thành đại diện phần nào cho những cố gắng tạo
ra một lối sống mới, trẻ hơn mạnh mẽ hơn của lớp thanh niên cuối thế kỷ
20.

“Dám”

Các quán Rock cà phê mở ra như nấm sau
mưa. Quán đầu phố Đinh Tiên Hoàng, dù đường vào lắt léo, dù phải gửi xe
bên vỉa hè sát hồ, dù phải lên tận tầng hai vẫn nườm nườm đám khách trẻ
ngồi gật gù rũ rượi theo những nhịp nhạc gấp gáp, những âm thanh ằn ằn
của guitar điện. Trong đám khói thuốc nghi ngút, tôi luôn nhìn thấy
những cuốn sách ôn thi mở nửa chừng nằm cạnh những cốc cà phê đắng ngắt
(vì muốn uống không đường cho nó mốt) hay mặn chát vì được cho thêm
muối (để có cái vẻ chiêm nghiệm một cuộc đời vừa đắng vừa mặn!)

Lần đầu tiên đến quán Sân Ga , nằm trong
đường ray tàu hỏa trên đường Lê Duẩn, tai tôi ù đặc vì những cái loa
biểu diễn cỡ lớn đặt ở các góc quán. Lần khác, khi chơi nhạc ở quán đó
tôi không khỏi bất ngờ khi thấy các rock fan đu cả lên xà nhà để gật
theo nhịp nhạc. Họ tung cho nhau những bình rượu anh đào, cởi trần
trùng trục, vung áo cổ vũ ban nhạc. Các fan nữ dịu dàng hơn, họ như gục
hẳn vào những chiếc loa, gục sát xuống nền nhà. Một cô bạn đi cùng lần
đó về nhà đã bị chảy máu tai. Bản thân tôi không thấy sợ những cảnh đó.
Hãy coi đó như một cách để họ xả căng thẳng, thoát khỏi những sức ép
học hành, một cách để chảy mồ hôi. Ra về, họ lại thật hiền lành.

Vọng quán, ở ngã tư Vọng, hay quán Hương
Đầu Mùa ngoài đê sông Hồng cũng chứng kiến nhiều thăng trầm của các ban
nhạc rock. Sau nhiều buổi chơi nhạc, thành viên các ban lại lỉnh kỉnh
đàn trống kéo nhau về đây uống cà phê (dù đã là nửa đêm). Nhiều ý tưởng
nhen nhóm thành lập các ban nhạc cũng được thì thầm ở các quán cà phê
này. Đây cũng là cái chỗ dễ nhất để các rock fan nhìn thấy, làm quen
hay nói chuyện với các thần tượng, vốn cũng nghèo như mình. Rock trở
thành cái cớ để mọi người gần gũi nhau hơn.

Trong khi ấy các bậc phụ huynh lo lắng
về một sự suy đồi mơ hồ nào đó. Âm nhạc sẽ tranh giành thời gian dành
cho học hành, việc nhà hay những thú vui tao nhã khác (mà thế hệ họ đã
từng trân trọng) như đọc sách, xem phim, tivi… Họ không yên tâm với một
sự chống đối trong cách ăn mặc, cách nói chuyện, cách đám con trẻ “hành
hạ” hàng xóm bằng thứ âm thanh ầm ĩ ngoại nhập. Họ lo sợ hình ảnh sex
tự do, hít ma túy, ăn thịt sống đầy phản kháng trong các đêm rock ở
nước ngoài sẽ tràn ngập ở Việt Nam, sẽ nhấn chìm và làm con cái họ hư
hỏng.

http://pix.hehemetal.com/2008/07/09/65aea429.jpeg
Tùng John và ban nhạc Desire

 

Hồi ấy có chuyện một anh bỏ vợ vì…
Beatles. Ấy là do đúng giờ cao điểm, vợ cần là quần áo, chồng cần nghe
nhạc. Anh này thà mặc quần áo nhầu nát còn hơn nhịn nghe Beatles. Thế
là ném cái đài xuống sân, thế là cãi nhau, thế là ra tòa. Lại có tay
guitar sẵn sàng vào bệnh viện làm phẫu thuật để các ngón tay có thể
doang rộng hơn, chơi các ngón đàn hay hơn. Những người mê rock là những
người sống hết mình. Tôi thấy phần lớn họ dám nói, dám làm đến tận
cùng, dám sáng tạo và nhất là dám hy vọng. Họ không phải những ca sỹ
đến một ngày đẹp trời bỗng nhiên “biến” thành một rocker.

Vận hạn của Rock

Tự mua đàn, trống, tự mua “phơ”, tự trang
trải các khoản nhạc phí. Tìm một chỗ “an toàn” cho sự tập nhạc cũng
không phải chuyện dễ thời đó. Chớ có dại lôi đàn ra tình tang lúc nửa
đêm kẻo hàng xóm và các nhóm tuần tra hỏi thăm. Thế nên, nhiều ban nhóm
thời ấy mơ màng đến điều kiện đầy đủ của Bức Tường khi nhóm này được
đoàn trường Xây dựng hỗ trợ. Hầu hết các ban rock, những người nghe
rock đều phải tự mình cố gắng kiếm tiền bằng cách khác, nghề khác để
dành dụm cho một thú chơi, cho một lối sống. Tất nhiên, không tính
những kẻ “gồng mình” lên để ép bản thân có thể chạy theo, nghe theo,
sống theo rock một cách đầy gượng gạo.

http://pix.hehemetal.com/2008/07/09/3d8db828.jpeg
Ban nhạc Bức tường

 

Sau cái đêm tưởng niệm Beatles biến
thành một cuộc tuần hành hỗn loạn quanh hồ Hoàn Kiếm, nhiều rocker,
rock fan “chính đạo” đã phải ngậm ngùi ôm đàn, ôm loa lủi thủi ở nhà
nhiều năm. Báo chí cũng dành sự quan tâm dè chừng với đám “rốc-rít”.
Đến vụ tay ca sỹ Tuấn Evil của ban The Light ngất lăn ra sàn diễn vì
phải hát sau nhiều ngày liền đi làm căng thẳng, nhiều báo đã đổ riệt
cho anh này cái tội… nghiện (!) Đen đủi là sau đó bất cứ buổi diễn nào
có tên ban nhạc này đều được nhẹ nhàng phán… không cấp phép. Chuyện này
tiêu biểu cho sự thiếu quan tâm của cộng đồng đến những cố gắng của các
tín đồ rock, khi họ cố tạo cho mình một sân chơi mới.

http://pix.hehemetal.com/2008/07/09/194d01a0.jpeg
The Light

 

Mãi đến gần đây, khi một ca sỹ Sao Mai
Điểm Hẹn xin được thi bằng một ca khúc rock, người tổ chức chương trình
đã quầy quậy kiểu “Thôi, đừng dây vào”. Điều mỉa mai là sau đó vài năm,
ca khúc này lại được nhiều nhạc sỹ trong hội đồng nghệ thuật một chương
trình lớn, cũng của nhà đài, ghi nhận và trao hai giải thưởng. Lúc này
đây tôi nhớ lại câu nói của nhạc sỹ Trương Ngọc Ninh với các ban nhạc
trẻ (phần nhiều là rock) trước đêm diễn đáng nhớ trước cửa Ngân hàng
Nhà nước, đại ý: Trong thời gian dài, các ban nhạc trẻ đã chưa được
quan tâm đúng. Sự phát triển đều là tự phát, các ban nhạc đã phải tự nỗ
lực tìm đường đi.

Đêm diễn thông đêm đầu tiên – và có lẽ
là duy nhất – các rock fan đông kín quảng tường đã như vỡ òa ra khi gần
như tất cả các ban nhạc đều đã (được) chơi đến tận khi mệt nhoài. Khán
giả quyết không về khi vẫn còn có rocker muốn trình diễn. Các rocker
quyết không dừng lại khi rock fan còn ở lại. Đêm diễn kéo dài đến sáng.
Tôi coi đêm đó còn có ý nghĩa hơn một đêm chơi nhạc thông thường. Nó
đánh dấu thời khắc xã hội đồng ý công nhận nhạc trẻ, trong đó có rock.
Nó đã mở ra thời kỳ văn hóa, lối sống của rock không còn bị chê bôi, dè
bỉu như một thứ bệnh dịch. Những người trẻ tuổi hiện đại giờ được quyền
nói ý kiến của mình, nghe thứ nhạc mình thích và có quyền bước ra khỏi
những lối mòn suy nghĩ.

(Theo Thể thao Văn hóa & Đàn Ông)