Rock Việt chật vật tìm “đầu ra”

Show diễn ít, album vắng bóng, cát-xê không đủ sống, khó tìm nhà tài trợ..., nhiều rock band lâm vào cảnh “phập phồng theo các đại gia”.


Quanh đi quẩn lại, rock Việt kể mãi cũng chỉ vẻn vẹn vài ba cái tên như Da Vàng, Final Stage, Microwave, Ngũ Cung, Titanium
Vậy mà, ngay cả những ban nhạc được coi là của hiếm này vẫn chỉ xem
rock là cuộc cưỡi ngựa xem hoa nhằm kiếm tìm sân chơi thỏa mãn đam mê.
“Có thực sự tồn tại một thị trường rock Việt?”, nhiều rocker, từ kỳ cựu
cho đến những gương mặt trẻ đặt ra câu hỏi này.



Nhiều dự án chỉ dừng ở lời hứa

Trần
Lập, thủ lĩnh của Bức Tường lừng lẫy một thời cũng phải chọn cách "ở
ẩn" trước tình trạng ảm đạm của thị trường rock Việt. Ảnh: A.C

 

Mỗi năm, số lượng liveshow lớn của dân rock đếm
không quá trên đầu ngón tay với vài nhà tài trợ quen thuộc. “Hầu hết
show diễn rock ở Việt Nam đều miễn phí. Còn cát-xê cho nghệ sĩ thường
chỉ đủ để thuê phòng tập, đi lại, mua phụ kiện phục vụ cho buổi diễn”,
ca sĩ Tiến Đạt, thành viên ban nhạc Gạt Tàn Đầy, ngậm ngùi nói.

Sự ra đời các album mới dừng ở những lời hứa. Final Stage, Ngũ Cung
từng hùng hồn tuyên bố sớm phát hành đứa con tinh thần, nhưng thời gian
qua đã lâu, họ vẫn khiến các fan phải chờ đợi đến dài cổ. Tác phẩm của Thủy Triều Đỏ, Da Vàng, Titanium… đang trong những ngày “ấp ủ”.

Theo lời những rock band này, để thực hiện album,
các thành viên trong nhóm phải bỏ tiền túi và gần như không thể mong
chờ vào việc thu lời. Thậm chí, có những band đã thu âm xong nhưng
không thể xin được giấy phép, đành ngậm ngùi gác đống đĩa trị giá hàng
trăm triệu đồng. Vì điều này mà nhiều ban nhạc trẻ quyết định chuyển
hướng, chọn cách thu album rồi phát hành trên Internet, vừa tiết kiệm
chi phí, vừa giải tỏa phần nào đam mê.

Nhiều rocker than phiền khi không ít khán giả và
nghệ sĩ hiểu sai về rock. Sự nhầm lẫn giữa “nghệ thuật trình diễn” và
“bản năng” khiến nhiều người quan niệm, “giật, lắc, hét” mới là rock. Gạt Tàn Đầy
cho rằng: “Nhạc rock vốn dĩ mạnh mẽ và sôi động, tạo cảm giác hưng
phấn. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng điều này, bởi rock cũng có thể
là những bản tình ca sâu lắng”.

Cái khó bó cái khôn

Lý giải cho sự chuyển động chậm của rock Việt, các thành viên ban nhạc Gạt Tàn Đầy
cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là hiệu quả kinh tế. “Không nhiều người
sẵn sàng bỏ tiền sản xuất album khi biết chắc còn khuya mới thu lại
vốn. Cho dù chỉ là chơi, cũng không mấy người dễ dàng đầu tư cho cuộc
chơi ở mức độ chuyên nghiệp”. Thiếu thời gian là nguyên nhân thứ hai
góp phần khiến rock ảm đạm. “Mải lo kiếm sống, rocker sẽ còn rất ít
thời gian dành cho tình yêu của mình. Hệ quả kéo theo là sự chậm trễ
khi muốn hoàn thiện một tác phẩm”.

Ngoài hai nguyên nhân chính trên, việc nghệ sĩ rock
“kén cá chọn canh” trong việc tìm chủ đề và cách thể hiện, dù thị
trường rock luôn ở tình trạng “đói” ca khúc, cũng khiến các rock band
đau đầu, còn khán giả thì buộc phải làm quen với sự chờ đợi. Gạt Tàn Đầy
nhận xét: “Một số nhóm vẫn chơi nhạc hơn là làm nhạc. Tất nhiên nhiều
người chỉ coi đó là giải pháp tình thế, bởi thực tế có rất nhiều thành
viên cố gắng, chẳng hạn như Bức Tường. Nhưng thực tế không chiều theo
những gì họ muốn. Bao giờ người ta sẵn sàng mua nhạc, lúc ấy mới bàn
đến sự nghiệp âm nhạc thực sự cho rock Việt”.

Dù còn thiếu thốn, nhưng để có thành quả dù còn ít
ỏi hiện nay, các rockband đã phải nỗ lực lớn. “Từng có thời gian, mỗi
lần tổ chức rock show,  chúng tôi không ngớt lo lắng liệu có được cấp
phép không. Một số buổi diễn đành co hẹp ở quy mô nhỏ và đi vào hoạt
động bí mật, vì vậy cũng không có điều kiện quảng cáo rộng rãi”, Gạt Tàn Đầy
nhớ lại. Khó khăn, nhưng không vì thế mà thế giới rock Việt giảm thiểu
sự cạnh tranh. “Đối thủ của mình là chính mình. Làm sao để vượt qua bản
thân là mục tiêu duy nhất của những người chơi rock”, Microwave chia sẻ.

(theo BaoDatViet.vn)

 



Like it? Share with your friends!

0

You may also like

More From: Rock Việt

DON'T MISS