Under Cover II: Robolism – Ngộ & Nhận

Nhiều năm trước, underground - cách mô tả cộng đồng chơi nhạc tránh xa ánh sáng thương mại, sáng tác và thể hiện các tác phẩm của mình cho lượng khán giả trung thành ít ỏi của mình - là một trong những danh từ và thậm chí là tính từ "cửa miệng" của một bộ phận người yêu, nghe và thưởng thức rock tại Việt Nam. Một chủ đề nóng hổi trong mọi cuộc tranh luận, đặc biệt là tranh và không luận về bối cảnh âm nhạc "thuần Việt" lúc bấy giờ, đến nay điều này vẫn còn một ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ và cả hành động, tích cực hay tiêu cực, của nhiều ban nhạc chơi Rock trong nước. Trăn trở, đắn đo, hay đôi lúc bất cần, buông xuôi tất cả, và các cung bậc cảm xúc khác nữa là những điều ta dễ bắt gặp, bởi hẳn nhiên nó gắn liền với câu hỏi thường trực của tuổi trẻ nhiều khát vọng, hoài bão ngay trước cánh cửa vào đời: thỏa đam mê, khát khao hay gói ghém mà lao vào cuộc mưu sinh...


Hôm nay, tôi có dịp trò chuyện về underground với Robolism, một
trong những thành viên kỳ cựu của giới underground metal tại Sới tên
thật của anh, cũng như dự án 12PM do anh lập ra, không ít người bồi hồi
về một thời ký ức đẹp đẽ và sôi nổi…

Tôi vẫn còn nhớ ngày gặp Robolism
5 năm về trước. Anh nghèo hơn, ở chung trong một căn phòng thuê ọp ẹp
với ba, bốn người bạn khác. Nhưng Robolism của ngày đó sống đầy lý tưởng
và sẵn sàng sống chết với underground – một lý tưởng và thái độ trong
âm nhạc ở phương Tây, đặc biệt phổ biến ở các cộng đồng chơi và trình
diễn nhạc địa phương. Robolism bây giờ đã là designer của một công ty
hèn hèn, hưởng một mức lương hèn hèn, đam mê hiển hiện ra ngoài cũng hèn
đi ít nhiều, nhưng tôi biết, ẩn sâu trong lòng anh vẫn luôn đau đáu ước
mơ gieo mầm một tư tưởng underground đúng nghĩa tại Việt Nam…

Xin chào Robolism, anh có muốn nói
gì về nhóm nhạc 12 PM yểu mệnh, một trong những project one-man-band
Rock đầu tiên tại Việt Nam hay không? Nhóm 12 PM có ý định sống lại một
lần nữa những đam mê và khát khao cũ không?

Robolism: Thật ra 12 PM không
phải là dự án one man band mà một ban nhạc với các thành viên hoàn
chỉnh, cũng không phải là đầu tiên ở Việt Nam. Ngày đầu thành lập thì
các anh em cũng đều là các sinh viên, đều có chung niềm đam mê nhạc rock
với nhau, nhưng do đều sống xa nhà, điều kiện vật chất thiếu thốn, mọi
thứ đều vay mượn thậm chí có khi kẹt quá còn phải trộm đỡ vài món nữa,
nên ngữ "sống lại một lần nữa những đam mê
và khát khao cũ
" …. nghe hoành tráng quá!

12 PM bây giờ đã không còn, chỉ còn
lại các thành viên vẫn sống nhăn răng đối mặt với nỗi lo miếng cơm manh
áo. Thỉnh thoảng vào một dịp đẹp trời nào đó nổi hứng thì anh em lại tụ
lại chơi với nhau như trước kia thôi.

Tại sao 12 PM lại chọn chơi
proto-death lẫn ca khúc trữ tình chọn lọc với guitar mộc và ca từ bi
phẫn lẫn thê lương, như vậy có là trái khuấy hay không? Quá trình sáng
tác có ít nhiều rút ra từ kinh nghiệm bản thân chăng, mong Robolism hãy
nhiệt tình chia sẻ

Robolism: Ai đầu tiên nghe rock
mà không chọn những bài rock ballad nhẹ nhàng để làm bàn đạp cho các bài
nặng sau này. Còn bài "trữ tình" mà anh nói đó thực ra là …uhm, muốn
gọi là gì cũng được, đó cũng chỉ là một lúc ngẫu hứng của tôi chứ không
có liên quan gì đến 12 PM cả, nó là sáng tác từ thời còn đi học cấp ba.

Đó là một dịp vô tình khi tôi sử dụng
camera của mình để chuẩn bị làm clip đồng thời lấy làm audio để thu các
bài hát của 12 PM mà anh đã nghe thì tranh thủ dợt luôn cả cái bài "trữ
tình" đó, tất cả đều thu một cách tự nhiên không qua sự chỉnh âm nào cả.
Thậm chí ở gần cuối bài còn có những âm thanh rất đời thường như tiếng
ồn ào của xe máy chạy qua, đó thật sự là tiếng xe ngoài đường cạnh phòng
trọ của tôi, một tai nạn phải chấp nhận khi thu âm ngẫu hứng là chính.

Sáng tác và kinh nghiệm (trải nghiệm)
theo tôi nghĩ phải có sự liên kết với nhau, khi bạn sáng tác một bài
hát, bài thơ, bài văn thì đều cần có sự nhìn nhận, chiêm nghiệm và đặc
biệt là sống trong nó để hiểu nó từ đó những ca từ lời thơ của bạn sẽ có
giá trị hơn. Tô rất ngại sự "sáo rỗng" trong sáng tác. Có những đề tài
về xã hội đã được phản ảnh quá nhiều mà ai cũng lên tiếng, đôi khi không
phải là nó có ý nghĩa thực sự đối với họ mà là một sự hùa theo thừa
thải, thậm chí đôi khi còn là sự bội thực nội dung…
 
Vậy nếu như người nghệ sĩ chưa
từng trải qua một điều gì đó trên thực tế mà sáng tác ca khúc của mình
dựa trên một cảm xúc thoáng qua, liệu ca khúc đó có "đáng tin" hay
không? Chẳng hạn nếu chưa nghèo khổ thì không sao tả chân được cảnh khổ
nghèo bằng các hình thức biểu đạt nghệ thuật như âm nhạc hay thi ca hay
một hình thức nào đó khác?

Robolism: Đáng tin hay không
ngay cả bản thân tôi cũng không dám nhận xét. Mức độ thành công của một
bài hát nào đó một phần rất lớn nằm ở phía người nghe, nếu chỉ là một
cảm xúc thoáng qua nhưng lại thành công và tạo được ấn tượng tốt với
khán giả thì âu cũng được xem như là một sự thành công rồi. Nếu xét trên
góc độ từ một người tạo ra một sản phẩm bằng chính tâm hồn và những suy
nghĩ thật nhất của mình, đối với những lĩnh vực nghệ thuật khác thì tôi
không quan tâm nhưng riêng với rock thì tôi vẫn tôn trọng những người
có sự trải nghiệm đủ để có cái nhìn gai góc về mọi vật. Bản thân tôi
cũng không muốn đặt rock trên những phạm trù nghệ thuật chung, với những
lý do hoàn toàn mang tính chủ quan cá nhân của mình.

 

12 PM thường hay nói về tinh thần
underground sau nhiều năm nghiền ngẫm và nghiên cứu các ban nhạc trên
thế giới, đặc biệt là các cộng đồng underground "nổi tiếng", nên rất
mong ban nhạc chia sẻ với chúng tôi về chủ đề này. Underground có thể và
nên hiểu là gì? Hiểu sao mới là đúng và vì sao? Đâu là các "ngộ nhận"
về underground ở nước ta, khi mà hầu hết các ban nhạc đều có dính dáng
ít nhiều với chữ underground?

Robolism: Ở đâu không biết chứ
Việt Nam mình nhiều người vẫn còn ngộ nhận chữ underground lắm, hầu như
họ chỉ biết đến metal underground mà không biết rằng còn nhiều loại nhạc
khác cũng underground, underground hiểu một cách đơn giản là "tự sướng"
hay cục bộ thiểu số người chơi với nhau và phục vụ cho nhau. Nhưng khi
cái tên đã trở nên phổ biến thì hầu như giá trị cũng giảm dần theo.

Trước kia phong trào nghe nhạc nặng ở
Việt Nam mới ra đời có mấy ai có khả năng nghe death ngoài khả năng chịu
đựng âm thanh cường độ cao, vậy mà đã khối anh vỗ ngực mình biết nghe
death. Càng sau này phong trào nghe death càng rầm rộ, người người nghe
Death nhà nhà nghe Death, mà trong đó, sự phổ biến của mạng Internet trở
thành "cầu nối thành công" cho phong trào rock ở Việt Nam mình.

Sau đấy chữ underground lại càng được
đẩy mạnh, và hầu hết mọi người đều hiểu underground theo nghĩa khác:
chơi rock mà chưa nổi tiếng thì gọi là underground! Dẫu định nghĩa này
cũng đúng một phần, nhưng một phần quan trọng nằm ở ngay trong suy nghĩ
và tư tưởng của người chơi nhạc lẫn người nghe nhạc.

Tạm thời tôi chỉ xét trên phạm vi metal
và cụ thể là Death Metal, thể loại mình theo đuổi. Khi nghe rock thì
bạn chấp nhận bạn tiêu cực nhưng không nên suy nghĩ mình "khác người" vì
nó "trẻ con" lắm!. Bạn chấp nhận sự đánh giá của nhiều người, bạn không
thích hùa theo số đông, bạn cần thỏa mãn chính bạn, và mục tiêu của bạn
chỉ nhắm đến là những người như bạn, tôi có thể khẳng định rằng, không
một ai thực thụ chơi underground lại dám vỗ ngực tự xưng mình
underground. Chỉ cái đầu mới là underground, do đó đừng có cố gắng đánh
bóng chữ "underground" như rất nhiều người vẫn đang làm. Suy cho cùng
khi band của mình không còn là một band underground, thì dù cho mình tự
lăng xê quảng cáo bằng cái nhãn mác "underground trên các rock site hay
rock forum thì chẳng qua đó cũng chỉ là hình thức dụ người khác nghe
nhạc của mình. Cái chữ "underground" đó đã thuộc về quá khứ rồi khi nhạc
rock vẫn còn giá trị của nó chứ không như bây giờ.


Nên chăng chúng ta hiểu
underground là một (môi) trường đào tạo các tài năng, nơi giao tiếp và
phát triển các ý tưởng sáng tạo không giới hạn về thời gian của ban nhạc
với cộng đồng người hâm mộ ít ỏi trước khi …. đi làm – tức được các
hãng đĩa "thuê" về để "làm công"? Dĩ nhiên kinh doanh âm nhạc vẫn là một
nghề đặc thù như mọi nghề khác đều có đặc thù của mình.

Robolism: Ai nói anh underground
chỉ có những có con người tài năng?

Theo cá nhân tôi thấy thì hầu hết những
nghệ sĩ underground đều chỉ nghĩ trước mắt họ thỏa mãn riêng cho bản
thân mình trước. Chỉ khi nào họ bắt đầu
giới thiệu các tác phẩm của mình
thì lúc đó mới bắt đầu có sự
chọn lọc đối tượng. Tôi không biết các ban
nhạc thuộc thể loại khác thì như thế nào, chứ
hầu hết theo mình
được biết thì các nhóm chơi nhạc metal hiện nay đều tự chọn cách thức
thu âm tại gia hoặc thu tại các hãng đĩa "độc quyền" dành cho metal.

Riêng đối với những người kiên trì đeo
đuổi underground chứ không "bẻ đàn" đi làm thuê cho các công ty âm nhạc
có tiếng, đánh thuê cho các quán bar, phòng trà, underground hoàn toàn
cũng có khả năng kinh doanh như mọi loại nhạc khác, chỉ có điều sự lựa
chọn đối tượng khách hàng của nó gay gắt hơn mà thôi.

 
Robolism có nghĩ con đường đi
của các ban nhạc ở đâu cũng như nhau không? Đâu là các bất lợi hiển hiện
khi chọn chơi nhạc, đặc biệt là nhạc "nặng" tại Việt Nam? Vậy các
nguyên nhân nội tại khiến các ban nhạc và nhạc Rock ở đây phát triển
không đồng đều và … ngẫu hứng theo Robolism là những nguyên nhân nào?

Robolism: Đúng thế, dù là band
nhạc ở đâu hay chơi thể loại gì thì đầu tiên cũng đều phải bắt nguồn từ
sự đam mê.

Còn nói về những bất lợi của việc chơi
nhạc "nặng" tại Việt Nam thì có thể kể thời gian trước kia thông tin về
nhạc "nặng" ở Việt Nam còn hạn chế, còn hiện tại tôi nghĩ là không có
bất lợi nào. Nhiều khi cũng đừng đổ thừa cho các bác Sở Văn Hóa Thông
Tin quá mà tội nghiệp, vì hiện nay rock và metal có mặt khắp mọi nơi
trên đất nước Việt Nam mình, ai cũng có thể chơi nhạc metal nếu có điều
kiện vật chất và yêu thích nó.

Anh không thấy rock và metal xuất hiện
nhan nhản trên các mặt báo và truyền hình của Việt Nam đó sao? Nhạc rock
và các ban nhạc rock Việt Nam vẫn phát triển theo như cách các nước
khác đã phát triển, vấn đề vẫn nằm ở quan niệm và suy nghĩ chung người
nghe nhạc là chính, ngoài ra không thể không nhắc đến một phần mục đích
của các ban nhạc chọn lựa nữa.

Ở Việt Nam chơi nhạc nặng hay nhạc
nhẹ khó hơn, theo 12 PM? Một điều chỉ cần tinh ý một chút xíu sẽ thấy,
là các show nhạc "nặng" thu hút nhiều khán giả yêu Rock, được giới nghe
nhạc đón nhận hơn nhiều so với nhạc "nhẹ", "ăn khách", "thị trường" nếu
không xét đến các show miễn phí – ở đó cơ hội là như nhau. Số lượng show
diễn extreme metal không hề thua kém số lượng các show non-extreme, nếu
không muốn nói là nhỉnh hơn, vậy nguyên nhân theo 12 PM là từ khả năng
của ban nhạc hay vì chọn lựa dòng nhạc của họ?

Robolism: Chơi nhạc nặng hay
nhạc nhẹ đều khó như nhau cả. Cụ thể là nếu anh đánh nhạc nặng thì chỉ
dành cho người nghe nhạc nặng nghe, còn nếu đánh nhạc "nặng" mà cuối
cùng ai cũng có thể nghe thì thành nhạc "nhẹ" mất rồi.

Với riêng tôi thì các thể loại nhạc mà
ít người nghe đều gọi là nhạc nặng cả, lấy ví dụ điển hình là nhạc harsh
noise của Nguyễn Hồng Giang đang đeo đuổi chẳng hạn. Còn để thấy một
show nhạc nặng thành công hay không thì còn phụ thuộc vào cách quảng bá
của ban tổ chức. Điển hình là các show Dark Night, do thành phần ban tổ
chức hầu hết là những người chuyên nghiệp trong lĩnh vực tổ chức sự
kiện, một yếu tố khác là sự tò mò, một yếu tố thêm vào nữa là những show
như vậy luôn là cơ hội để cho các fan nửa rock nửa pop nửa teen có dịp
thể hiện "cá tính". Còn các ban nhạc tham gia thật ra cũng chỉ là một
phần phụ thôi, chứ show "rock" của PAK đó, anh nghĩ thế nào?

Theo quan sát, chúng tôi nhận thấy
trừ một vài trường hợp hiếm hoi, các ban nhạc có mặt bằng chung rất
giống nhau: chơi nhạc vì đam mê tuổi trẻ, vì màu cờ sắc áo, nếu không
tất cả họ đều theo đuổi các nghề nghiệp, công việc có hoặc không liên
quan đến âm nhạc. Nhạc công chuyên nghiệp về phương diện nghề cũng không
khác một lập trình viên có tay nghề hay một kiến trúc sư. Anh nghĩ sao?

Robolism: Đúng rồi, hiện tại thì
chơi nhạc rock Việt Nam không phải là cái nghề, nó chỉ là thú giải trí
và không thể làm ra nhiều tiền ở Việt Nam. Còn việc họ có khả năng tiếp
cận cơ hội nghề nghiệp từ chuyện chơi rock thì những mối quan hệ đó cũng
hỗ trợ cho việc kiếm cơm của họ mà thôi, giống như đi chơi đánh gôn hay
tennis vậy.


Theo ý kiến cá nhân của Robolism,
vui lòng kể ra 3 ban nhạc Rock Việt "chấp nhận được", đó là những ban
nhạc nào và vì sao? Tương tự với 3 ban nhạc Rock Việt "cài số de"? Theo
12 PM, cái gọi là Rock Việt đến nay đã đi được bao xa rồi, và nó thiếu
vắng những điều gì anh cho là cần thiết của một cộng đồng, một giới
nghe/chơi Rock thuần khiết …. như ở nước ngoài?

Robolism: Theo các nhân của tôi
thì mình không có ban nhạc rock Việt nào gọi là "chấp nhận được" hết.
Chỉ có những thành viên của các nhóm chơi metal là bạn của mình và cùng
sở thích với death metal là Disgusted, Polar Lost và Cigaret. Mới đây
thì tôi thấy có xuất hiện thêm ban nhạc Giao Chỉ là sự chọn lựa đáng để
nghe.

Còn nếu nói về "cài số de" thì không
chỉ kể ra được có 3 band đâu mà còn nhiều lắm, nhưng với vị trí và các
mối quan hệ của tôi thì không tiện kể ra lắm. Thậm chí nếu bây giờ "cài
số de" cho cả 12 PM thì tôi cũng cảm thấy không có gì đáng phàn nàn.

Đến nay theo tôi thì rock Việt đã phát
triển được 10 năm rồi, thời gian 10 năm tuy không dài như những chặng
đường phát triển nhạc rock của thể giới (đến nay là 60 năm kể từ khi
rock ra đời và 40 năm kể từ khi metal ra đời – NV) nhưng cũng là một sự
trưởng thành quá nhanh đối với rock Việt. Thời gian 10 đó năm cũng song
hành với sự phát triển về thông tin qua mạng internet, qua truyền hình
cáp, mà ở đó mọi người có thể thu thập thông tin nhiều hơn, hiểu biết
nhiều hơn về rock. Thiếu vắng ở đây là thiếu vắng anh em cùng tư tưởng
cùng suy nghĩ về nhạc rock như bản thân tôi. Mọi thứ ngày càng trở nên
lập lờ, giá trị càng giảm sút khi đa số cứ hưởng ứng theo chữ "phong
trào" thế thôi.

Điều gì khiến Robolism yêu thích
Rock nước ngoài, xét về thái độ, nhận thức và hành động của họ? 12 PM có
điều gì chia sẻ hay không để phát triển "ao nhà"? Robolism có nghĩ
những điểm yếu kém của âm nhạc hiện tại là vì chúng ta "tư bản hóa" chưa
tới độ, tức nguyên nhân khách quan, chứ không rơi vào chính các ban
nhạc chứ?

Robolism: Lý do tôi yêu thích
rock nước ngoài cũng chẳng phải là do thái độ, nhận thức, hay hành động
gì hết. Đơn giản là nhạc của họ hay hơn nhạc của mình, thế thôi.

Với nền âm nhạc "ao làng" hiện tại, tôi
chẳng có chia sẻ gì nhiều với nó cả, mà bản thân cũng chẳng phải là nhà
tư vấn để có thể định hướng sự phát triển cho nhạc rock Việt Nam. Tôi
chỉ mong muốn có lúc nào đó thì những người đang tạo dựng nên cái gọi là
"nền nhạc rock/ metal Việt Nam" hãy quay lại mà quan sát kỹ quá khứ
nhạc rock của nước ngoài, tất nhiên đừng nhìn vào những thứ được rêu rao
quảng cáo ầm ĩ trên các mặt báo. Đơn giản là bạn chỉ cần nhìn những
người bạn của bạn, những người có thể không đam mê rock mà đang đeo đuổi
một thể loại nào khác, coi cách họ sống trong niềm yêu thích của họ,
cảm nhận nó như thế nào…Bạn gom lại những người bạn như thế để tạo
được một cộng đồng riêng theo cách riêng của mình và thế giới âm nhạc
cũng bắt nguồn những thứ như thế trước khi nó bành trướng biến chuyển
sang một hình thái khác… Tôi nói như vậy có khó hiểu lắm không?

Xin cảm ơn buổi trao đổi thẳng thắn
này.


Tôi đã gửi lại bản thảo thô cho Robolism xem đi xem lại rất nhiều lần,
vì dẫu ý tưởng căn bản không thay đổi, cách thể hiện cũng ít nhiều tác
động lên được góc nhìn của cả người phỏng vấn, người được phỏng vấn, và
tất nhiên, người đọc. Sau một hồi lâu chần chừ và lưỡng lự, anh quyết
định chọn thứ văn phong này, văn phong sến sến thị thành pha chút triết
lý mà giới kitsch trí thức ưa đọc và ưa dùng.

R cũng trách tôi rằng sao lại đem cái thánh địa underground yêu thích
của anh ra làm trò hề, và rằng nếu không phải bạn thân thì chắc anh đã
cho tôi một trận ra trò. Viết khác đi rất dễ, nhưng ngay trong những suy
nghĩ của R cũng hằn chứa đầy sự ghét bỏ chán chường với những trò kệch
cỡm của những kẻ lấy nhãn mác underground làm nêm đà cho con đường phù
phiếm của mình, những trò cãi lộn chửi bới bất tận trên các diễn đàn
mạng, những cá thể cười hềnh hệch đem underground ra làm lá chắn cho sự
vô cảm và ngu dốt của chính mình, và tất nhiên, cả những kẻ chẳng làm gì
khác được cho underground VN ngoại trừ oán thán nó, như chính Robolism
vậy.

Qua rồi thời lý tưởng, qua rồi thời háo hức nhiệt huyết, underground VN
hiện ra như một màn kịch hài lớn với đủ thứ nhân vật náo nhiệt. Thế thì
cớ gì lại không ngoa ngoắt muộn phiền một chút chứ?

(Theo M!osaic)


Like it? Share with your friends!

0

You may also like

More From: Chuyên đề

DON'T MISS