Grindcore 101: Nhập môn môn…kỳ cục (P1)

Bạn cảm thấy gì khi lần đầu tiên nghe grindcore? Đối với nhiều người thì có lẽ câu trả lời sẽ là: kỳ cục.


Hãy thử tưởng tượng một hôm bạn lang thang trong cửa hàng CD và nhìn thấy trên kệ một album khá “bắt mắt”… Bạn lật mặt sau của đĩa và thấy hoa mắt bởi vì cái tracklist có đến hai mươi mấy bài, bạn tò mò và quyết định mua về nghe thử xem sao. Đấy mới chỉ là khởi đầu của rắc  rối. Về nhà bạn phát hiện ra rằng các ca khúc có thời lượng quá ngắn, tempo bài nào cũng nhanh như đạn tiểu liên, đến mức bạn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì CD đã nhảy bài. Bạn thắc mắc không hiểu “bọn nó” sáng tạo ra cái thể loại kỳ cục này để làm gì, quăng cái CD vào một góc và quay trở lại với những cái tên yêu thích của bạn như Morbid Angel, Hypocrisy, Obituary…

 
{embedia media=http://www.youtube.com/v/3mlM4rT9p5M}

Thế rồi một thời gian sau, lại có điều gì đó thôi thúc bạn lôi cái CD kỳ cục đó ra nghe. Một lần, hai lần, bạn bắt đầu nhận ra sức hút của thứ âm nhạc cục cằn, ngắn gọn, không phô trương ấy. Bạn thấy nó không hề đơn giản như bạn từng nghĩ khi lần đầu nghe nó. Nói cách khác, nếu như sự giận dữ được đóng gói và đem bán thì nó sẽ giống như cái CD nhạc đó. Đấy là lúc bạn khám phá ra cái gọi là grindcore.
***
Định nghĩa về grindcore thì muôn màu muôn vẻ, nhưng bạn hãy cứ tưởng tượng ra nó là một cuộc hành trình mà kẻ khởi đầu là hardcore punk. Hardcore punk là một biến thể nhanh hơn, mạnh hơn và quá khích hơn của punk rock. Sinh ra ở Los Angeles những năm cuối thập kỷ ’70 của thế kỷ XX, hardcore nhanh chóng lây lan ra khắp nước Mỹ và cắm rễ ở nhiều thành phố lớn như San Francisco, Boston, Washington DC, New York, Detroit.

{embedia media=http://www.youtube.com/v/FOHW-zFhhz4}

Sau khi đã hoành hành khắp Bắc Mỹ và khiến cho giới truyền thông chính thống khiếp vía, hardcore bắt đầu di cư sang châu Âu. Sang Anh, nó gặp ngay một người bạn tâm đầu ý hợp là NWOBHM ( New Wave of British Heavy Metal), hai kẻ ngỗ ngược này ngay lập tức bắt tay với nhau.
Sự “trao đổi kinh nghiệm” qua lại và học hỏi lẫn nhau diễn ra thường xuyên giữa hai bờ Đại Tây Dương và liên tiếp cho ra đời những hiện tượng mới. Các ban nhạc của Mỹ kết hợp tốc độ và sự hung hãn của hardcore punk với kỹ thuật và kết cấu ca khúc của NWOBHM để tạo ra thrash metal. Thrash metal lan đến Florida và phát triển thành death metal . Và khi thrash và death metal quay trở lại cái nôi Anh quốc, thì chúng kết hợp với một loạt những trào lưu bản địa khác như crust punk, industrial-noise, để tạo ra một hiện tượng mới, đó chính là grindcore.
Các thành viên Carcass
Carcass – một trong những bố già của grindcore
Thực ra những nhân tố của grindcore cũng đã lấp ló ở bên kia bờ Đại Tây Dương, nhưng nước Anh – nơi mà chương trình âm nhạc của đài phát thanh quốc gia BBC dành hẳn thời lượng lớn giới thiệu những tên tuổi như Napalm Death (tháng 9/1987) hay Carcass (tháng 9/1988) – mới là quê hương chính thức của grindcore.
Cho đến nay, ngoài BBC ra vẫn chưa có đài phát thanh của một quốc gia nào ‘dám’ đưa grindcore lên sóng phát thanh.
Album nhạc grindcore đầu tiên? Không phải tranh cãi, đó chính là “Scum” của Napalm Death, phát hành tháng 7/1987.
Napalm Death, một ban nhạc gồm toàn các gã “trai quê” đến từ làng Meriden ở ngoại ô thành phố Birmingham, đã kích nổ một quả bom có sức công phá khủng khiếp mà dư chấn của nó vẫn còn cho đến tận bây giờ. “Scum” bao gồm 28 ca khúc và có thời lượng 33 phút 4 giây, trong đó ca khúc dài nhất là gần 4 phút và ca khúc ngắn nhất chỉ dài vỏn vẹn có hơn… 1 giây. Ca khúc “You Suffer” đã được ghi vào kỷ lục Guinness như là ca khúc ngắn nhất từng được thu âm, nhưng theo ban nhạc, nó chỉ là một trò đùa thuần túy: họ muốn viết một ca khúc mà họ có thể chơi đi chơi lại đến 30 lần trong một buổi tối. Tuy nhiên, “Scum” lại là một sản phẩm âm nhạc nghiêm túc, nó đánh dấu sự ra đời của grindcore – một thế lực mới trong âm nhạc hiện đại, gần hai thập kỷ sau khi một ban nhạc đến từ Birmingham khác là Black Sabbath đưa nhạc heavy metal bước ra ánh sáng.
Chân dung DJ John Peel huyền thoại, người đã giới thiệu Napalm Death trên sóng BBC năm 1987.
Thời hoàng kim của nhạc grindcore Anh quốc thật ngắn ngủi nhưng cũng đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét. Napalm Death và Carcass trở thành hai cánh chim đầu đàn và là những ban nhạc có ảnh hưởng sâu đậm nhất đến sự phát triển của grindcore, bên cạnh đó là những tên tuổi như Extreme Noise Terror, Sore Throat. Trong khi Napalm Death, lấy cảm hứng từ những vấn đề xã hội và chính trị, đã định nghĩa nên cấu trúc đặc trưng của grindcore với các bài hát có thời lượng ngắn, tempo cực nhanh và lối trình diễn vocal bằng yết hầu; thì Carcass đã hoàn thiện grindcore trên phương diện kỹ thuật, đặc biệt là cách sử dụng blastbeat (nhịp trống cực nhanh thường được chơi ở tốc độ 180 nhịp một phút, thậm chí có thể lên đến 250-280 hoặc hơn) tinh xảo của tay trống Ken Owen đã là cảm hứng cho rất nhiều tay trống khác của trào lưu extreme metal. Những ca khúc khai thác chủ đề y học và giải phẫu của Carcass cũng là tiền đề cho sự ra đời của thể loại goregrind sau này.
Bìa album Scum của Napalm Death
Cho đến nay, mặc dù không còn một thành viên sáng lập nào trong đội hình, nhưng Napalm Death vẫn miệt mài đi tour và đều đặn ra album mới, có thể nói họ đã trở thành một “AC/DC của grindcore”. Carcass thì có một số phận li kỳ hơn, sau khi cho ra đời những album thuần chất grindcore, họ ký hợp đồng thu âm với “ông lớn” Sony và chuyển qua chơi một thứ extreme metal giàu giai điệu hơn, và một lần nữa đóng góp cho sự ra đời của melodic death metal (album “Heatwork” – 1994). Tuy nhiên, áp lực lớn từ một hãng đĩa chính thống như Sony đã là lý do chính dẫn đến việc ban nhạc rã đám cho đến mãi năm 2007 mới tái hợp lại.

Sự lên ngôi của grindcore Anh quốc khiến cho giới metalheads bên kia bờ Đại Tây Dương “nóng gáy”, nhưng cũng phải bước sang đầu thập kỷ ’90 của thế kỷ XX, grindcore Bắc Mỹ mới có những đối trọng với người anh em Anh quốc: Brutal Truth, Terrorizer, Assück, Agoraphobic Nosebleed.

Brutal Truth (Live at Obscene Extreme)

Ngoài những ban chơi grindcore thuần, các ban nhạc death metal mới của Mỹ cũng bắt đầu đưa các chất liệu của grindcore vào âm nhạc của mình và đó là tiền đề cho sự ra đời của deathgrind, một dòng nhánh của extreme metal đang rất thịnh hành hiện nay với những tên tuổi như Pig Destroyer, Cattle Decapitation, Cephalic Carnage, Dying Fetus, Misery Index… Châu Âu lục địa cũng bắt đầu lên tiếng với những tên tuổi nặng ký như Cripple Bastards (Italy), Inhume (Hà Lan) và mới hơn là Leng T’che (Bỉ), Mumakil (Thụy Sĩ) hay Jig-Ai (CH Czech)


Misery Index, ban nhạc sẽ có tour diễn tại Đông Nam Á vào tháng 4 năm nay

Sự kết hợp của grindcore với các thể loại khác dần dần đã trở thành một xu thế được các nghệ sỹ ưa chuộng. Grindcore được pha trộn với nhạc điện tử (The Berzeker, The Locust), post-hardcore (Dillinger Escape Plan, Converge, Daughters) và thậm chí cả free jazz với dự án Naked City của tay saxophonist lừng danh John Zorn. Tuy nhiên, grindcore thuần chất lại đi vào thoái trào, do có quá nhiều ban nhạc mới chỉ biết khai thác các đặc trưng của dòng nhạc này mà họ cho là lợi thế, mà không thực sự chú trọng vào chất lượng của sản phẩm cuối cùng. Mọi chuyện tưởng như đi vào bế tắc cho grindcore thuần chất, cho đến khi một thế lực mới xuất hiện vào đầu những năm 2000, đó là các nhóm grindcore đến từ Bắc Âu.


Bìa kiệt tác Miss Machine của Dillinger Escape Plan, đặt tên theo kế hoạch đào tẩu nổi tiếng của tướng cướp Johnny Dillinger lừng danh

Bắc Âu thường được biết đến với các ban black metal  hay melodic death metal, nhưng ít người biết rằng trong nhiều năm các nghệ sỹ Bắc Âu đã phát triển được một thứ nhạc hardcore punk của riêng mình dưới tên gọi D-beat (đặt theo tên của Discharge, ban nhạc hardcore punk lừng danh của Anh quốc).

Chính D-beat, với âm thanh guitar khô giòn, sắc như dao cạo đã là cứu tinh và tiếp thêm sức mạnh cho  grindcore khi nó đến miền đất băng giá này. Những tên tuổi như Nasum, Sayyadina (Thụy Điển), Rotten Sound, Deathbound (Phần Lan) đã khơi dậy lại hứng thú của người nghe với một thể loại grindcore điên loạn nhưng mạch lạc, với những âm thanh sắc cạnh được chăm chút kỹ càng.

Quái kiệt saxo John Zorn với sự nghiệp không dưới 60 album tính đến nay
Quái kiệt saxo John Zorn với sự nghiệp không dưới 60 album tính đến nay

Giới hạn về địa lý và giới tính cũng không còn ảnh hưởng đến grindcore hiện đại, khi mà đến cả những quốc gia mà tưởng như ở đó underground scene không tồn tại như Singapore cũng xuất xưởng một nhóm grindcore khá nặng ký là Wormrot và Nhật Bản là quê hương của Flagitious Idiosyncrasy in the Dilapidation – ban grindcore toàn thành viên nữ đầu tiên trong lịch sử.

 
Wormrot – ban nhạc từng biểu diễn tại Việt Nam

(Theo Hải Synyster Shark)


Like it? Share with your friends!

0

You may also like

More From: Chuyên đề

DON'T MISS