Chiếc áo có làm nên âm nhạc?

Cầm trên tay đĩa nhạc mới trình làng hồi tuần trước, Thời gian của nhóm Microwave, tôi chợt giật mình. Phải chăng, rock Việt đã bước qua một ngưỡng mới: các nhóm rock ý thức hơn về hình ảnh của mình cũng như vai trò của truyền thông?


Chất “chơi” nơi đâu?

Do đặc thù công việc, tôi có nhiều quan hệ thân thiết với các nhóm rock Việt, nếu không nói là tất cả. Dĩ nhiên, khi các nhóm nhạc tung ra đĩa mới, bằng quan hệ, họ sẽ gửi đĩa tặng tôi hoặc bằng quan tâm khi luôn đọc tin tức ở các diễn đàn rock và tìm nghe, tôi sẽ luôn biết được và cập nhật.

Nhưng với số đông, ngay cả những người viết báo về âm nhạc, rock vẫn có vẻ gì như một căn phòng bí mật với âm thanh lọt ra, nghe loáng thoáng đâu đó chứ chẳng mấy khi hiện hình trước mắt.

Chẳng hạn nếu tôi lỡ vọt miệng nói vài “từ khóa” như  Tìm lại, hay lần đầu ở châu Á nhạc rock diễn cùng dàn nhạc giao hưởng, hay rock Việt có album đầu tiên sáng tác bằng tiếng Anh, chắc chắn ít ai phụ họa bàn bạc cho xôm trò.

Thông tin thì cũng biết đầy, nhưng là biết rằng Tìm lại do Hà Anh Tuấn cover chứ không  ai nhớ nổi “gốc” của ca khúc ấy đến từ Microwave, rồi nhóm nhạc mạo hiểm chơi cùng dàn nhạc giao hưởng kia chính là Unlimited, và người ta càng kém quan tâm album nhạc rock toàn tiếng Anh đầu tiên là của nhóm Black Infinity…

Biết vậy, để trách ai đây? Trách công chúng hay các nhóm nhạc rock?

Chẳng biết vì thói quen hay do truyền thống, khi ra album mới, các nhóm rock của ta lâu nay thường theo một “lộ trình” chung: Gửi đĩa cho bạn bè, người thân nghe chơi. Không tổ chức họp báo. Không ra mắt fan. Không show diễn đi kèm quảng bá album.

Đĩa lên kệ âm thầm lặng lẽ. Nếu thành viên nhóm có bạn bè nào đó làm ở giới truyền thông viết bài thì tốt, không thì thôi! Tất cả những bất cập trên có chung một lý do: Không phải các bạn không ý thức được sự quan trọng của những động thái đó, mà điểm mấu chốt, những bạn làm rock Việt tin rằng, càng kén khán giả mới là sành, là đẳng cấp, là đúng chất chơi.

Nhưng chiều Chủ Nhật 20/9, tôi bắt đầu thay đổi suy nghĩ. Tại quán Acoustic, nhóm Microwave đã tổ chức buổi gặp gỡ, trả lời câu hỏi và ký tặng fan. Dù trời mưa khá nặng hạt, nhưng cũng có đến hơn 100 rock fan có mặt. Các bạn hoặc mang theo đĩa, hoặc mua poster, đĩa và áo thun tại chỗ để các thành viên Microwave ký tặng.

Trước đó khoảng 2 tháng, nhóm Black Infinity cũng có những hoạt động tương tự để giao tiếp “nâng niu” fan.

Sáng đó, tại Hà Nội, nhóm Ngũ Cung cũng có buổi offline với fan của mình tại  On Café để quảng bá album 365000 phát hành cùng lúc với album 666 Metal của Black Infinity. Những hoạt động này vốn “xưa như Diễm” ở nước ngoài nhưng lại rất mới mẻ với rock Việt.

Có thể nói, bằng cách lưu tâm đến công chúng và chăm chút hơn hình ảnh, rock Việt đang mở cửa căn phòng đóng kín lâu nay. Dù hát loại nhạc nào, dù muốn hay không, thì người ta cũng dần nhận ra, ở thời buổi phần “nhìn” áp đảo phần “nghe”, hình ảnh có giá trị tương đương với “ngàn lời nói”. Nếu vừa nói, vừa có hình, lại vừa có… album, hiệu quả tăng gấp nhiều lần.

Đó chính là lý do hầu hết các nhóm rock Việt đang hoạt động hiện nay đều tạo cho mình một tài khoản trên Facebook, kênh quảng bá “chất chơi” của rock miễn phí hữu hiệu nhất hiện nay.

Thời buổi hiện hình

Black Infinity là nhóm rock khá thức thời khi đầu tư kha khá cho phần hình ảnh. Vốn là dân đồ họa nên trưởng nhóm Tiến Hưng thực hiện phần hình ảnh cho nhóm rất chặt chẽ: từ dựng video clip, ảnh quảng bá cho đến các loại banderole, poster, cờ phướn cho phần trình diễn.

Hiệu quả “hút” fan thấy rõ: khoảng một tiếng đồng hồ tôi đứng cạnh Tiến Hưng tại buổi giao lưu với fan Microwave, có ít nhất 10 fan đến xin chữ ký hoặc chụp hình chung với chàng rocker Black Infinity có vẻ ngoài ấn tượng này.

Bấm nút rewind dòng nhạc ngày xưa, rõ ràng chuyện hình ảnh không ảnh hưởng quá nặng đến số lượng đĩa bán ra, cho dù khi chụp hình bìa đĩa LP hay vỏ băng cassette, ai cũng gắng… làm cho đẹp hơn bình thường một chút. Đẹp, nhưng vẫn là chính mình, chứ không phải khác biệt.

Cặp song ca Paul Simon & Art Garfunkel ôm đàn thùng, ăn mặc rất bình thường vẫn kéo được nửa triệu người đến xem buổi diễn tái hợp của họ vào năm 1981 tại công viên Trung Tâm ở New York. Cặp song ca khác là nhóm Air Supply – sắp đến Việt Nam – không hề cuốn hút về hình thể, nhưng từng khiến người yêu nhạc say đắm bởi giai điệu đẹp, giọng hát và những ca từ xoáy đúng tâm trạng “thôi rồi”…

Nhưng giờ đây, cách tiếp nhận âm nhạc đã quá khác hai mươi năm trước. Nếu ca sĩ cần đèn chiếu để được nhìn thấy trên sân khấu tối đen, thì một sản phẩm cũng cần được “soi sáng” bằng truyền thông để được công chúng biết đến.

Trong guồng quay chóng mặt của cỗ máy truyền thông, một album mới phát hành phải được lên dăm ba mặt báo mới được xem là “trình làng”. Một ca sĩ chỉ vài tuần không thấy xuất hiện trên các báo mạng có thể đã bị ngờ vực là “xuống”. Áp lực “hiện hình” quá lớn, khiến nghệ sĩ phải nỗ lực chăm sóc sức nóng hình ảnh không kém gì nỗ lực ca hát.

Và rồi nhìn từ góc độ người nghe, áp lực bơi theo dòng chảy thông tin cũng mệt chẳng kém. Nếu bạn say đắm Lost in love của Air Supply 20 năm trước, bạn mãi tâm niệm bài hát đó là bản nhạc hay nhất thế giới trong “gia tài âm nhạc” của bạn.

Nhưng nếu 10 năm trước mà bạn quên xem báo và không biết nhóm đã đến Hà Nội diễn, hay thời điểm hiện nay bạn thường xuyên check facebook và đọc báo mạng nhưng không ai đưa tin về 2 đêm diễn của Air Supply ở thành phố Hồ Chí Minh, thì cũng coi như bạn đã… thua!

Nhưng, dù có ngụp lặn và bị cuốn đi trong dòng chảy thông tin âm nhạc, thì có lúc ta cũng phải… lên bờ nghỉ ngơi đôi chút. Để tự hỏi: Công chúng nhạc trẻ cần lượng thông tin đến mức nào và nghệ sĩ cần tạo hình ảnh đến mức nào?

Ám ảnh hình ảnh

Dòng nhạc nào đi với trang phục đó và có cả những dòng nhạc, vẻ ngoài hình thành nên tên gọi như hair metal – nhạc metal tóc (!) – là một ví  dụ. Đơn giản chỉ vì các nhóm nhạc thuộc dòng này thường có mái tóc dài được xịt keo, chải chuốt, nhuộm màu rất ấn tượng.

Glam rock ở thập niên 1970 đặt ra tiêu chí mới: Hình ảnh là một phần quan trọng, một tính chất không thể thiếu trong các phần diễn của họ. Các nghệ sĩ dòng glam rock mặc các trang phục cực kỳ hào nhoáng, lấp lánh như vừa xuống từ… vũ trụ! Các nhân vật khoa học giả tưởng giữ vai trò chính yếu trong việc tạo hình ảnh cho dòng glam rock. Chính vì thế, dòng nhạc này còn một cái tên nữa là rock lấp lánh – glitter rock.

Phong cách glam rock được khơi dậy trở lại vài năm gần đây, không về âm
nhạc mà về thời trang. Ngôi sao đang được nhắc đến nhiều nhất hiện nay,
ca sĩ Lady Gaga tuyên bố khi nhận danh hiệu “kẻ nổi loạn thời trang đẹp
nhất của năm” (cùng với Katy Perry) do tạp chí People trao đã thẳng
thắn: “Tôi có cảm hứng từ trào lưu glam rock ở thập niên 1970, sự suy
đồi, các tòa nhà cao tầng và Madonna.” Một lời tuyên bố mà cô dễ dàng
chứng minh bằng những hình ảnh từ gây shock đến… shock nặng…

(Trích SVVN)

Like it? Share with your friends!

0

You may also like

More From: Chuyên đề

DON'T MISS