Arch Enemy


 

Một band Melodic Death hay tuỵêt thế này không giới thiệu thì còn ra gì nữa. Cho đến giờ phút này Arch Enemy vẫn là band Melodic Death không mất chất tí nào, chỉ thấy hoành tráng hơn mà không thấy phong độ giảm đi. Giai điệu mỗi lúc một đẹp đẽ trau chuốt hơn.

 

 

Trong ban này có 2 tay guitar khù khoằm, 2 anh em nhà Amott – archenemy1.jpgMichael và Christopher – họ đều là hai tay guitar siêu phàm với những khả năng sáng tạo vô biên, điên cuồng và máu lửa. Mike Amott chuyển tới từ Carcass và Chris tới từ một nhóm Death khác là Armageddon. Chắc hẳn khi nghe Carcass mọi người sẽ thấy những cú chặt chém guitar khủng khiếp của họ. Ở Arch Enemy cũng vậy, nhưng khủng khiếp hơn. Không khác gì những con thú được trả về thiên nhiên hoang dã, bản năng bộc phát. Anh em Amott cũng vậy, 2 con thú trỗi dậy, lối chơi biến ảo và sáng tạo không ngờ.

 

 

Có lẽ mình là người quá cầu toàn nên mỗi lần nghe Arch Enemy đều cảm thấy thiếu một cái gì đó, một cái gì đó thật khó nói. Góp mặt trong Arch Enemy phải nhắc tới cái giọng ca mệt mỏi đay nghiến của Jon Liiva cùng với cái thứ trống giật lắc điên dại của Daniel Erlandsson. Thời gian đầu, Arch Enemy chơi như một band Death Metal nguyên thuỷ, chơi hung tợn và man rợ đến rợn gáy nhưng có mềm có cứng, có nhu có cương. Lạc giữa mê ảo những đoạn riff trần trụi, những cú chặt chém phay phay cùng với những loạt trống dồn máu lửa lại là những giai điệu vút cao và đẹp ngây người. Đúng là giữa đống bùn mọc lên bông hoa sen. Mê không chịu được … hà hà.

 

 

Nếu có ai hỏi tôi rẳng thủ lĩnh của dòng nhạc Melodic death sừng sỏ là ai , tôi sẽ không ngần ngại liệt kê ra ba cái tên In Flames , Dark Tranquility và Arch Enemy , bởi những gì mà ba ban nhạc này làm được nổi bật lên trên cái thế giới vốn đầy rẫy những anh tài của Melodic Death/Black quả thật là rất đáng khâm phục . Những tên tuổi lừng danh như Children of Bodom , Eternal Tears , Kalmah … đã đủ làm say lòng người , nhưng nếu xét trên phương diện sáng tạo và mới lạ thì họ còn dưới In Flames , Dark và Arch một cơ . Nghe chất nhạc của những ban nhạc trên bạn có thể nhầm họ lẫn lộn với nhau , nhưng sẽ không thể nào đồng hoá Arch ,Dark và Flames với những ban còn lại được .Về In Flames tiếc là đại ca Orion-Dust đã giành trước với một bài viết cực kì gây shock rồi cho nên tớ đành dành trọn ngòi bút của mình cho Arch Enemy – ban nhạc hào hoa tuyệt diệu của dòng melodic death đầy năng lượng và đam mê .

 

 

Những ai yêu thích Carcass hẳn đều biết tới cái tài năng của quí trời cho của tay guitar Michael Amott , nhưng dù sao thời kì Carcass , Mike vẫn chỉ ở vai trò lính đánh thuê, mà Mike xem ra lép vế so với tài năng kiệt xuất của Jeff Walker tay bass kì tài người lãnh đạo Carcass , có lẽ vì thế anh thiếu sự hết mình cống hiến . Phải sang đến kỉ nguyên Arch Enemy , khi tự mình dẫn dắt ban nhạc của chính mình Mike mới bộc lộ hết tài năng thần sầu quỉ khốc bên cạnh sự hỗ trợ của người em trai Christopher , điều đó làm nên vẻ thi vị nổi trội của Arch Enemy so với Carcass . Có thể lập nên một công thức Arch Enemy + anger = Carcass + romance . Tớ thích Arch Enemy bởi chính vẻ đẹp mềm mại và trữ tình mới mẻ này .

 

Black earth 1996
archenemy-blackearth-frontpic.jpg

 

Đây là album đầu tay của Arch Enemy, một album chứng minh Arch Enemy là độc tôn, một lối chơi không thể nhầm lẫn với bất kỳ một nhóm Melodic nào khác. Một chất metal rất ấn tượng, ban đầu luôn là thrash với tiết tấu dữ dội cuồng nộ, dập trống như điên dại … cứ thế cứ thế, khi người ta đã quen dần với cái tốc độ đó thì bỗng dưng mọi thứ lại bị kéo tụt xuống bằng một câu solo nghe đến là sốt ruột, âm ỉ và dai nhách kèm theo cái tiếng hát gầm gừ như chó sói rình mồi …

 

 

Vừa mở đầu album đã là vũ bão rồi, trống chiêng liên miên đàn đánh xì xụp … Album có một sự hung tợn lắng dần, giai điệu càng về cuối album càng đẹp. Bộ đôi guitar toàn tâm ăn ý , dường như chơi nhạc không phải bằng tay mà bằng mối đồng cảm huyết thống , cảm hứng thăng hoa , sự điên loạn mãnh liệt và nỗi uất hận ngàn năm của Death Metal. Các ca khúc trong album này chơi đều tay khó tin, với những đột phá hết sức đơn giản mà hiệu quả như vài nốt guitar thùng thánh thót giữa cái biển guitar ngỗ ngược hiếu chiến của Cosmic retribution hay câu solo gợi nhớ tới một Iron Maiden thuở nào trong Fields of Desolation…… và tớ cảm thấy lời lẽ thật thiếu thốn phải nói gì đây nữa về những Idolatress hay Transmigration Macabre quá hung bạo , quá trữ tình ,quá xuất sắc ….Ca khúc gây chấn động nhất chính là Fields of Desolation với giọng ca Johan Liiva tuyệt vọng ,giai điệu chới với ,nhịp trống dồn dập cuồng nộ và những câu solo như dao cắt cứa vào người , cùng đoạn guitar outro xuất sắc không thể chê trách mang nặng âm hưởng classical .Cùng với đó là một Bury me an angel réo rắt mời gọi những gì xấu xa đen tối trong mỗi người sống dậy tiêu diệt những gì thánh thiện tốt đẹp, một Dark Insanity ngùn ngụt căm hờn và điên loạn tới một kẻ thù vô hình đã tàn phá cuộc sống của mình, còn Eureka : bạn nghĩ ca khúc giận dữ này nói tới cái gì vậy , có phải bản chất và lối thoát của cuộc sống tuyệt vọng là cái chết không ? …

 

 

Trong album có gia công ba bản nhạc ngắn không lời cực kì ấn tượng, bắt đầu truyền thống cho những khúc tự sự không lời tê tái sau này trong Stigmata và Waves of sins :Time capsule nhốt thời gian vào trong một vỏ kín và cay đắng dìm người nghe vào trạng thái tiếc nuối cực độ . The ides of March- thật kì lạ – hoành tráng và qui củ gợi người ta nhớ tới hai ca khúc mở đầu bộ đôi album Power Metal huyền thoại Keepers of the seven keys : Initiation và Invitation . Có lẽ trong bộ ba này thì kém mạch lạc nhất chính là Demoniality. Một album đặc trưng cho trào lưu Death Metal Thụy Điển , không có lấy một ca khúc ốm yếu quặt quẹo nào xen vào . Hãy tưởng tượng một món cocktail giữa sự tàn khốc của Carcass và tính giai điệu của In Flames bạn sẽ hình dung chính xác những gì Arch Enemy đang cống hiến cho thế giới , tuy trong album này họ thiên về những cú riff chặt chém tàn bạo hơn là về giai điệu song vẫn không kém phần trữ tình thi vị ( đó là điều tớ say mê nhất ở Arch ). Tuy đây là album tớ nghe sau cùng của Arch Enemy do mãi sau này mới kiếm được song nó không hề chịu khuất bóng chút nào dưới hào quang của Burning Brigdes ,Waves of sins và Stigmata.

 

 

 

Stigmata 1998
archenemy-stigmata-frontpic.jpg

 

Single đầu tiên tôi được nghe từ album này là Bridge of Destiny từ cái thuở mà death và black với rockfan còn là cái gì đó xa xỉ . Đến giờ tôi vẫn không quên cái cảm giác những dây thần kinh đang căng ra hết mức với những thanh âm chát chúa , bỗng tự dưng chùng xuống và tan lịm ra với câu solo lead ngọt ngào tha thiết đến sững sờ . Lúc đó tôi đang đứng bên cánh cửa nhìn ra con đường 9h tối đông đúc , thế mà bỗng cả người cả xe cộ cả bóng đêm chợt mờ đi trước tầm mắt , tâm trí trở nên thanh khiết đến lạ kì , tất cả những gì mong muốn chỉ là một ánh mắt đồng cảm , và may mắn sao lúc đó tôi đã nhận được tất cả những gì mong muốn ( , my dear Brigde of Destiny ,if u ever have a chance to read these words , will u still remember those unforgetable seconds ? ) Nếu được vote cho khúc lead xuất sắc nhất của Arch Enemy tôi xin đề cử ca khúc này vào vị trí thứ nhất , thứ hai và thứ ba .

 

 

Có một điều kì lạ là trong CD của tớ có 12 ca khúc , nhưng trong tất cả các bản lyrics tớ tìm được trên mạng đều chỉ có 7 bài , các ca khúc số 2,7,9,10,11 không thể tìm được lời thậm chí không có tên trong đó ca khúc số 2, 7 và 11 là hoà tấu không lời .Bạn nào có lời và tên của những ca khúc này thì giúp đỡ tớ một chút ,những track này rất hay mà không được đọc lời thật là tức quá . Album này ngay từ những khoảnh khắc đầu tiên đã nhấn chìm nguời nghe vào cái ảo tưởng cuồng loạn của Phẫn Nộ và Giận Dữ , không một chút khoan nhượng rào trước đón sau . Phần lời của Arch Enemy trong Stigmata tuy không công kích Jesus mạnh mẽ như đỉnh cao Waves of sins sau này nhưng vẫn tiếp tục đi theo quĩ đạo của Death Metal với những ca từ bất trị chống đối , phản kháng , tuyệt vọng , nội dung này được thể hiện trên một nền nhạc chết chóc dữ dội khiến mỗi người có thể tìm thấy chính mình trong những giây phút đen tối nhất của cuộc sống .Những đường guitar giờ đây bộc lộ rõ nét vẻ quyến rũ ma thuật của nó trong mọi ca khúc .……….Nếu đã từng giành thời gian với album này hẳn bạn cũng như tôi không thể cưỡng lại sức mê hoặc mãnh liệt của những cú rượt guitar thần tốc long trời lở đất trong Beast of man, Dark of the sun, Tear of the dead và đặc biệt là ca khúc đua tốc độ đến chóng mặt track 9 .Giữa những đợt tỉa guitar liên thanh dày đặc căng thẳng Arch Enemy lại đem đến những khoảnh khắc giải toả hoàn toàn như track 7 và track 11 , khiến người nghe ngây ngất trong thế giới cảm giác liên tục biến đổi đầy hưng phấn , đặc biệt track 11 là ca khúc đầu tiên trong nhạc của Arch Enemy có sự tham gia của tiếng đàn piano thong dong chảy lặng lẽ làm nền dưới làn guitar da diết cuộn trào , xới tung những nỗi buồn không tên của người nghe , gợi nhớ đến khoảng lặng labyrinths trong album đỉnh cao năm 1993 Edge of thorns của Savatage thuở nào …Đến Stigmata , Arch Enemy đã lát một viên gạch bằng vàng lên con đường công danh của mình , họ cũng đồng thời xác định đẳng cấp bậc thầy trong làng Death Metal bởi phong cách quái kiệt có một không hai mà bất kì rock band nào cũng phải ao ước .

 

 

Stigmata ra đời năm 1998 mới là một kiệt tác, đúng nghĩa một kiệt tác. Tất cả những giai điệu trong album này, bất kể được tạo nên từ tiếng guitar solo, tiếng keyboard hay tiếng … trống cũng đều đáng ngưỡng mộ cả. Và những giai điệu của Arch Enemy ở album này là một làn gió mát rượi tươi tắn hơn ở Black Earth rất nhiều, nhưng sự hung hăng vẫn thế … Chỉ có điều sự hung hăng đó bay bổng hơn, yểu điệu hơn một chút … Tuy nhiên giọng ca vẫn vậy, vẫn y xì cái giọng ca lè nhè đay nghiến, như một kẻ đau đớn tột cùng mà chỉ rên rỉ được, không tài nào gào toáng lên được. Càng ngày càng bộc lộ rõ ràng chất Melodic Death Metal. Kết thúc album là một ca khúc quá vãi linh hồn, hay vãi linh hồn : Bridge of Destiny.

 

 

Trong phần bìa album không có tên của 3 bản nhạc là Hydra, Diva Satanica Damnation’s Way. 3 bản này khuyến mại riêng cho đám con bệnh ở Nhật. Hờ hờ…

 

 

Burning Bridges 1999

 

 

archenemy-burningbridges-frontpic.jpg

 

 

Những suy nghĩ trong cơn phê chết ngất của một rockfan thật viển vông vô lí, tuy nhiên trong một vài giây phút khi lặng đi cùng The Immortal ( sự bất diệt ) , tớ đã thấy mình hoàn toàn không vô lí khi nghĩ rằng nếu có cái gì đó bất diệt thì nó chính là Arch Enemy , cuộc sống là giây phút này đây , là âm nhạc , là nhịp điệu !!! Có lẽ để chọn ra ca khúc xuất sắc nhất trong album thì với tớ đó sẽ là Silverwing , song nếu bạn chọn bất kì một ca khúc nào khác thì tớ cũng sẽ không thể phản đối , bởi album chơi quá đều và chất lượng .Nói thêm nữa về cặp lead đôi thiên tài nhà Amott thì khen cũng bằng thừa ,thử ngó ngang liếc dọc sang phần lời của album xem sao . Coi cuộc sống toàn là giả dối , đau khổ và mất mát, tự tử, hay ít ra là hướng người nghe hướng tới cái chết – “the end”, có vẻ là xu hướng dụ dỗ người nghe của Arch Enemy , nó đã xuất hiện trong phần lời của mọi album .Trong Burning brigdes xu hướng này tiếp tục có chiều hướng gia tăng : Cuộc sống la` một mớ cỏ dại đầy căm ghét , đầy nghi ngờ và nước mắt(Seed Of Hate) ; Cuộc sống là mất mát , lừa lọc , mọi sức mạnh tinh thần thực chất chỉ là ” a pretty lie” ( Dead inside ); Cuộc sống là những tâm hồn bị tổn thương đang đau đớn , chúng ta muốn bay cao nhưng tương lai như nằm sau cánh cửa khoá kín mà chúng ta không thể tìm thấy chìa khoá ( The Immortal); Cuộc sống là hành trình tuyệt vọng vô định của những kẻ hành hương không biết mình đang tới đâu , với niềm tin bị đánh đổi với sự vô nghĩa faith is already bought and sold ( Pilgrim). Tuy nhiên thật kì lạ bởi sự xuất hiện một ca khúc lãng mạn chưa từng thấy trong death metal : Siverwing – đôi cánh bạc , với một thứ tình cảm thiêng liêng nhất : tình yêu cất cánh bay cao trong một thế giới thần tiên với bầu trời đầy sao , dải thiên hà lung linh , thiên đường , mặt trăng đang đánh mất mình trong ánh dương bình minh le lói , dại dương của những ước mơ . Bạn có tin được những thứ này lại xuất hiện trong Death Metal với một cảm hứng hoàn toàn tin tưởng , lạc quan và tích cực như thế không ?Cộng với một giai điêu tuyệt vời chứa chan hi vọng cùng những câu guitar solo độc nhất vô nhi dạt dào cảm hứng sáng tạo chỉ có thể thấy ở Arch Enemy , đây xứng đáng là một trong những ca khúc hay nhất của ban nhac.

 

 

Và một điều nữa đã tránh không nói tới rồi nhưng mà bế tắc quá lại phải nói lại : Chúng nó ăn cái gì mà guitar thần sầu quỉ khốc thế hả zời !!!!!

 

Với Burning Brigdes , Arch Enemy đã đạt tới vinh quang trong một thời gian ngắn , trở thành cái tên không thể thiếu trong danh sách favourite bands của bất kì một death metal fan nào . Tớ đã đọc bài hoặc nói chuyện với khá nhiều rockfan nổi tiếng trên các diễn đàn rock nam bắc như Flora ( vnrockworld), AmoredSirius (rockcafe),Tyty ( rockfanclub ) …và họ đều giành một niềm ưu ái đặc biệt cho Arch Enemy dù tới giờ phút này với 4 album không tính collection và live trong thời gian 7 năm trở lại thì đây mới chỉ là một ban nhạc đàn em .
Thắc mắc nhờ các cao nhân Death Metal giải đáp : Buổi live Burning Japan được phát hành thành 1 album em cũng có trong tay trong đó ngoài các bản nhạc cũ có thêm khúc bass intro 6 phút tear of the dark nhưng không hiểu sao cứ lần nào em mở ra là máy bị đơ không nghe được chắc bị hỏng gì đó, mới cả thấy toàn bài cũ nên cũng chẳng cố tìm bản khác không bị hỏng . Nhưng em nghe trong cd Burning Brigdes dường như cũng là thu live vì có tiếng khán giả rất rõ , hơn nữa trong một bài nào đó có tiếng ca sĩ chính hét lên … Tokyo.. gì đó , hình như đây cũng là live ở Nhật . Thế cái nào mới là Burning Japan thực sự ??
Đây là một album được đánh giá cao của Arch Enemy với sự góp mặt của guitar bass mới là Charles Andreason thay cho Martin Bengtsson. Nhưng việc thay bass mới cũng chẳng có gì đáng phải bận tâm. Con sói điên đại vẫn cứ tung hoành ngang dọc, đàn trống vẫn vang lừng, solo vẫn khiếp vía như thế, càng ngày càng khiếp vía hơn … Cứ như thể Arch Enemy là cái bãi thử của mấy quả bom nguyên tử nhà Amott. 2 anh em nhà Amott cứ thay nhau thi thố phô trương tài nghệ cùng với khả năng sáng tạo ngẫu hứng không biết mệt mỏi.

 

Vẫn phải nói rằng album này có giai điệu rất đẹp, đẹp và … lãng mạn nữa. Chắc không mấy ai đồng ý, nhưng cứ nghe đi, nghe kỹ vào, chắc chắn sẽ thấm sẽ ngấm … Đối với những ai đã nghe quen Arch Enemy, đã được nếm trải những album hung dữ trước đó của họ thì chắc chắn sẽ phải tiếp tục mê muội với Burning Bridges.

 

 

Trong ca khúc cuối cùng của album mang chính tên của album, Burning Bridges, có một giai điệu ì ạch và đắng cay. Bởi vì bỗng dưng giữa ca khúc có tiếng kéo violon chậm rãi, rồi văng vẳng một giọng ngân dài của một tiếng hát bè giọng nữ … càng làm cho không gian thêm rùng rợn, cộng cả tiếng keyboard nhỏ máu tong tong … kinh quá.

 

 

Waves of sins 2001

 

 

archenemy-wagesofsin-frontpic.jpg

 

 

Sinh sau đẻ muộn nhưng đây là album hay nhất của Arch Enemy .Nếu như so với chất giọng của nam ca sĩ chính Johan Liiva tàn khốc và có một độ dày nhất định thì chất giọng của Angela nghe mỏng và nhấm nhẳng hơn , nhưng sự thay đổi này hoàn toàn thích hợp với khung cảnh âm thanh tráng lệ của Waves of sins. Waves of sins bao bọc người nghe bằng cảm giác đông cứng trước những dòng thác âm thanh chất chứa năng lượng , với những đường guitar mạch lạc và tráng lệ tung hoành dạt dào khắp từng giây từng phút của album . Nghe Pink Floyd chắc hẳn chẳng ai là không biết tới Comfortably Numb , nhưng nếu bạn muốn nếm thử cái cảm giác tê lịm trong khoái lạc mà không cần tới bất kì hiệu ứng nào của Ma tuý , thì hãy tìm tới album này . Ca khúc đầu tiên Enemy witthin đem tới một thứ cảm giác êm ả lừa lọc với vài nốt keyboard mờ ảo intro , nhưng ngay sau đó là loạt đại bác công phá của hai cây guitar mở ra trước cảm quan của người nghe một thế giới cuồng loạn và chói sáng của âm thanh . Bạn sẽ biết thế nào là lửa cháy trong từng mạch máu khi nghe Burning Angel. Bạn sẽ biết thế nào là tê liệt sững sờ với những dải guitar tuyệt đỉnh trong Shadow and Dust . Ban sẽ biết ma tuý đem đến thứ cảm giác thèm khát và ham muốn nóng bỏng thế nào với những cú riff xoáy riết thần sầu quỉ khốc trong Ravenous . Bạn sẽ không thể cầm nổi lòng mình trước những thanh âm tru tréo réo rắt của Web of lies . Bạn sẽ gặp lại bóng dáng khúc solo trữ tình của Brigde of destiny trong bản tự sự Behind the smile . Và nếu như bạn không hề có bệnh tim , thì hãy tin tôi đi , bạn sẽ biết thế nào là cảm giác trái tim bị bóp nghẹn với những nốt chấm guitar thổn thức ứa máu trong Snowbound . Chỉ riêng những nốt nhạc trong 10 giây ngắn ngủi từ giây thứ 46 đến giây thứ 56 của Snowbound cũng lấy mất của tớ một đêm không ngủ với hai mắt sưng vù .Đây là một trong số ít những khúc nhạc của Death / Black mà tớ biết lại có thể đem lại nhiều nỗi niềm xót xa thấm thía đến thế trong một thế giới Metal đầy phẫn nộ và loạn lạc .Burning Angel – một trong những ca khúc hay nhất album lại có mảnh intro bão táp quen thuộc làm người ta sởn gáy rùng mình mà nghĩ tới Hangar 18 lừng danh của Megadeth thuở nào ,lead guitar của các band đôi khi hay bị ảnh hưởng những câu riff ngắn mẫu mực từ nhau , nhưng với những bão lửa giông tố thể hiện trong ca khúc này thì Burning Angel đã đẩy Hangar 18 vào thế yếu .Mỗi ca khúc như một chiến trường thênh thang cho những ngón tay thép nguội của hai người nghệ sĩ tài hoa thoả sức tung hoành trên 6 sợi dây đàn quỷ lộng .Các nốt nhạc đầy tính ngẫu hứng được gieo cực kì hợp lí trên cái nền gầm gào và uất hận của bản nhac . Được có cơ hội thưởng thức thứ kĩ thuật đỉnh cao như thế này người ta mới thấy thấm thía sự cao quí thiêng liêng của cây guitar so với các nhạc cụ khác . Hic , trong cái clip Ravenous con nhìn mẹ Angela xinh như mơ , thế mà chắc đến cả tá male vocalist cũng phải lắc đầu lè lưỡi trước cái cổ họng she-wolf của mẹ .Nếu bạn muốn có một cái nhìn toàn cảnh và sắc nét nhất về Arch Enemy thì hãy mua ngay album này , chắc chắn bạn sẽ không hối hận bởi đây là một viên ngọc không tì vết .

 

 

Album này là bắt đầu cho giai đoạn thứ 2 mới mẻ hơn của Arch Enemy với việc thay thế vị trí vocals. Jon Liiva ra đi, nhường chỗ cho một nữ quái, một vocals giọng nữ, điên dại hơn hẳn so với Liiva … thậm chí có thể nói giọng của Angela Gossow nghe hay hơn nhiều, có thể vút giọng lên cao hơn nhiều so với Liiva, mặc dù đều sử dụng giọng đục không thèm phơ như nhau. Nhưng đúng là Gossow có một giọng dữ tợn và đầy ma sát. Và đây có vẻ là Arch Enemy đã đạt tới sự hoàn thiện về nhân sự, toàn tài năng cả. Kẻ nào cũng hừng hực khí thế, kẻ nào trông cũng bệnh hoạn tín ngưỡng như nhau.

 

 

Hứa hẹn là thế và thực hiện đúng như thế. Wages of Sin không nằm ngoài dự đoán, đánh chắc nịch, giai điệu đẹp hơn và rõ ràng hơn rất nhiều so với những album trước. Và đây mới chính thị là Melodic Death Metal. Có cảm giác đó là những cơn sóng, sóng dữ tợn, cứ thế ào ạt tuôn trào ra khỏi những cây guitar và trống. Những con sóng nhịp nhàng, nhanh và mạnh. Cứ nghe thử ca khúc đầu tiên của album : Enemy Within sẽ thấy rõ điều đó, tất cả những giai điệu đó được làm nên bởi 2 cây guitar tuyệt đỉnh nhà Amott. Không thể tưởng tượng được vì sao họ có thể liên tục sáng tạo ra những giai điệu hay đến thế trong một thời gian dài như thế mà không hề tạo cảm giác nhàm chán và trùng lặp.

 

 

Phải xem Arch Enemy diễn mới thấy cái ảo diệu của những cây đàn, phải gọi đúng nghĩa là họ chơi đàn chứ không phải là đánh đàn nữa. Không đơn thuần là đánh cái đàn, mà là chơi cái đàn. Họ chơi cứ như thể cái đàn chỉ là một vật cỏn con dễ sử dụng và đúng nghĩa là cái món đồ để họ nghịch ngợm, họ tung tẩy với nó, vặn vẹo nó để đẻ ra những thanh âm ma quái …

 

 

Anthems of Rebellion (2003)

 

 

archenemy-anthemsofrebellion-frontp.jpg

 

 

là một album mềm hơn khá nhiều so với những album trước của Arch Enemy, chơi chậm hơn một chút và giọng hát được đẩy bật lên rõ ràng và chủ đạo hơn. Trong album này cũng bắt đầu sử dụng nhiều hơn keyboard và một vài hiệu ứng điện tử, có lẽ vì thế nên album mới có những giai điệu mượt mà đằm thắm và dịu dàng hơn những album trước đó. Hay là phong độ giảm rồi ???

 

 

Tuy nhiên không phải vì vậy mà album này bị coi là dở, những câu solo đâu ra đấy của anh em Amott vẫn thống trị, nhạc được chơi chắc hơn, giữ nhịp tốt hơn và đều tay hơn. Có lẽ do tiết tấu chậm quá nên thế ..

 

 

Doomsday Machine (2005)

 

 

archenemy-doomsdaymachine-frontpic.jpg

 

 

Năm 2005, ban nhạc có một sự chuyển biến lớn – Chris Amott ra đi, rời bỏ Arch Enemy để quay về với nhóm Armageddon. Đây là một sự hẫng hụt to lớn cho những sáng tạo của Arch Enemy sau này, và đặc biệt trong album Doomsday Machine khi mà tay guitar mới đến là Fredrik “Kulle” Åkesson chưa đủ trình để thay thế hoàn toàn cho Chris Amott được. Tuy nhiên điều này lại làm cho Arch Enemy mới hơn, không đi vào “lối mòn” cũ … Giai điệu solo được chậm hoá, đẩy bật loạt trống và tiếng hát chó sói của Gossow lên cao.

 

 

Tuy nhiên 2 album gần đây của Arch Enemy đã chơi chậm lại quá nhiều, già quá rồi chăng ??? Trong 2 album này thì vocals đã hát theo giai điệu chung của bản nhạc … Nhưng ấn tượng với giọng ca sói cái của Angela Gossow … dữ tợn và đanh ác …

 

 

Burning Japan 1999

 

 

archenemy-burningjapanlive1999-fron.jpg

 

 

Năm 1999, Arch Enemy làm 1 quả tour đến Nhật bổn biểu diễn cho các con giời ham hố … điều đáng ngạc nhiên là album Burning Japan 1999 này được thu âm trực tiếp từ buổi diễn live đó nhưng chất lượng âm thanh và nhạc cụ thì ngon lành không chê vào đâu được, chẳng khác gì thu âm từ phòng studio cả, thế mới vãi lúa chứ … các câu solo hoành tráng vẫn rất … hoành tráng, nghe vẫn sốt ruột lắm … Album live show này càng chứng tỏ Arch Enemy đỉnh cao, trình độ của họ khó có band Melodic Death Metal nào vượt mặt được …Những đường guitar tuyệt mĩ ngút ngàn của anh em nhà Amott có thể khuất phục những đôi tai kén chọn nhất trên phương diện cơ học , tuy nhiên cái tớ cảm thấy thiếu thốn ở bước phát triển đỉnh cao về kĩ thuật của metal là death/black giờ đây vẫn hiện hữu nói chung là khá rõ ràng trong Arch Enemy con khủng long sừng sỏ của Death Metal


Like it? Share with your friends!

0

You may also like

More From: Ban nhạc

  • Rock Sài Gòn một thuở qua những hồi ức về Phượng Hoàng

    Những năm cuối thập niên 70, khi những người yêu nhạc trên khắp hành tinh còn mải mê chìm đắm trong những giai điệu bất cần, phiêu lãng và đầy tính hiện sinh của những C.B.C, The Beatles thì âm nhạc Việt Nam lại xôn xao trước sự xuất hiện của một nhóm nhạc Rock rất bụi bặm, phong trần, hát bằng tất cả trái tim với thứ âm nhạc ngùn ngụt được cháy từ trong huyết quản của mình.

  • Michael Amott – hảo thủ guitar

    Điều gì đã làm nên sức ảnh hưởng rộng khắp của CARNAGE, CARCASS và ARCH ENEMY, ngoài việc họ đều là các band metal sừng sỏ . Xin thưa, đó là nhờ vào sự có mặt của Michael Ammott. Nếu các bạn đang tự hỏi anh đã tham gia vào bao nhiêu band nhạc, anh đã cho ra đời bao nhiêu tác phẩm kinh điển thì qua bài viết nhỏ này, tôi hy vọng sẽ tổng hợp được 1 phần nào đó về sự nghiệp “chinh chiến” của anh cho đến ngày hôm nay .

  • Apocalyptica – Những Cây Cello Gào Thét

    Thông tin sơ lược về Apocalyptica:

    • Quốc tịch: Helsinki - Phần Lan
    • Thể loại: Symphonic/Speed Metal & chamber music
    • Hoạt động: 1996 – present
    • Hãng sản xuất: Zen Garden (với album Plays Mettalica by Four Cellos) & Mercury (các album còn lại)

  • Ektomorf

    EKTOMORF được thành lập vào năm 1994 bởi 2 anh em nhà Farkas - Zoltán (vocals, guitar) và Csaba (bass). Sau một thời gian chơi underground và sáng tác các ca khúc, đến năm 1996 ban nhạc bắt đầu ghi âm và phát hành album đầu tay "Hangok". Với thể loại nhac kết hợp hoài hòa sức mạnh của Thrash Metal, Hardcore, Punk và Gypsy Folklore (resulting from the Roma roots of the Farkas brothers), EKTOMORF nhanh chóng có được một số lượng lớn fan hâm mộ đón nhận và ủng hộ tại quê hương Hungarian của mình.

  • Therion

    Nghệ thuật có giá trị đòi hỏi người sáng tạo ra nó phảI sáng tác những gì mang bản sắc cá nhân riêng biệt, độc đáo và lôi cuốn. Therion là một ban nhạc đã sáng tạo ra thứ âm nhạc nghệ thuật như thế.

DON'T MISS